top of page
  • Nguyen Hoang Duc

ĐỨC TIN SỐNG ĐẠO VÀ ĐỨC TIN THEO ĐẠO

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2022

Tôi xin kể lại một câu chuyện hiện thực 100%, chỉ để nói lên một quan niệm về hiện thực, chứ không có ý định phê bình gì cả. Chuyện có liên quan đến cha quá cố Vũ Khởi Phụng uyên bác, giầu đức tin, rất đáng kính. Tôi có tặng cha cuốn trường ca thần học cực hiếm hoi ở châu Á có tên “Ngước lên cao”. Cha Phụng đọc rất chăm chú, cha có nói với nhiều người rằng: “Trường ca của anh Đức về mặt lý trí thì rất lớn, nhưng về đức tin thì chưa cao lắm?!” Tất nhiên là tôi lắng nghe cha rất nghiêm túc, và quả thật tôi đã hiểu ra nhận xét của cha thật khiếm khuyết về mỹ học. Bởi lẽ có ít nhất vạn người giầu đức tin hơn tôi, các cha, các sơ, các giáo dân lâu đời nhưng chắc chắn họ không thể nào viết được trường ca thần học, bởi một lẽ cốt tử: viết trường ca thì dứt khoát phải dùng đến sự kiến trúc của lý trí, chứ không thể chỉ có cảm xúc hay đức tin?! Một lần rất hiếm hoi (dường như duy nhất) vài người ngoan đạo chúng tôi có găp nhau sau buổi lễ, một bác nói: “Người Việt chúng ta rất ngoan đạo mới ở mức Theo đạo thôi, người Tây dù nhạt đạo nhưng họ lại Sống đạo. Chẳng hạn lúc nào họ cũng sống hết mình cho Công lý là lời Chúa dạy, còn chúng ta thì chỉ cầu kinh ‘quèn quẹt’, có bao giờ để tâm sống chết cho công lý.” Theo đạo là gì? Đó là cách của nô tài thôi, nào đọc kinh đi lễ răm rắp… nhưng đó chỉ là nghi thức của cái bóng mà không phải sự chuyển đổi trong cốt cách của một chủ nhân ông?! Chúng ta giầu đức tin ư? Tại sao Chúa nói “nhiều người ngoại đạo đức tin còn lớn hơn người có đạo?” Vì đức tin của chúng ta đã biến thành thói quen “một lần cho tất cả”, cứ nghĩ mặc định Chúa ở cao nhất, ở trên đầu rồi, nhưng Chúa dạy “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Bầu trời ở trên đầu, nhưng khi nắng thì đem tôm cá và thóc ra phơi,khi mưa phải chạy cất chúng vào kẻo mốc hết. Hôm nay tôi xin bàn đến hai thứ hạn chế của tôn giáo. Cái thứ nhất thuộc về giáo dân như đã nói ở trên. Cái thứ hai thuộc về các đấng bậc, những người được Chúa cất nhắc làm cha. Và ở phương Tây, người ta đã bàn rất nhiều về chủ nghĩa cha chú của giáo hội “papaisme”. Chủ nghĩa làm cha này đã sinh ra sự thủ cựu, độc đoán, chuyên quyền của giáo hội, có khi càng giáo hội lớn càng mắc nặng. Chúng ta đã biết đến nhiều cuộc cách mạng làm cho giáo hội bớt nặng nề thủ cựu đi, đặc biệt là cách mạng Tin Lành của Martin Luther… Ở đây chúng ta cũng nhận biết một điều: dù là đức tin về Chúa Trời đều mặc định nhưng vẫn có những mặc định khác nhau mà chúng ta phải tham chiếu. Một chuyên gia nghiên cứu Ki-tô giáo có nói với tôi: theo qui định, mỗi lần giảng thánh lễ, chỉ là 8 phút (?) Nhưng tôi thấy nhiều cha đặc biệt các xứ nhiều con chiên quê mùa, nói dông dài dây cà ra dây muống, nhiều cha uốn éo như thi thố nhau biểu diễn văn nghệ không phải kém miếng khó chịu mà kém lời khó chịu, hình như nhiều cha vẫn mang mặc cảm thói quen là “được ăn được nói được gói mang về”. Đó cũng là cách tạo ra chủ nghĩa cha chú, thấy đặc quyền cung thánh của mình các cha cứ nói tràn cung mây. Rồi muốn nói gì thì nói. Một lần một thầy ở nhà thờ Lớn nói với tôi: “rất nhiều bà đồng nát, chợ vặt quê mùa tìm cách đạp xe đến nhà thờ Lớn để dự thánh lễ, họ bảo vì được đúng giờ, bao giờ tan lễ bước ra cửa nhà thờ thì liền nghe tiếng chuông. Như vậy còn có kế hoạch để làm việc khác”. Tại sao giáo hội đã cải tiến để giữ giáo dân, chúng ta hãy nhớ việc Âu Mỹ có làn sóng bỏ đạo không nhỏ vì các buổi thánh lễ cầu kỳ kéo dài quá… Vì thế muốn giữ giáo dân, người ta đã giản tiện và rút ngắn giờ lẽ xuống 45 phút, rồi cả 30 phút… Sống đạo là tình nguyện vui vẻ nhẹ nhàng hân hoan, vì chính Chúa nói “ách của Ta thì nhẹ nhàng…” nên hôm nay tôi không có ý định viết theo lối qui lát mà chọn cách viết tâm tình nhẹ nhàng. Một dòng sông chảy ra biển nhiều nhất là khi nó bên lở bên bồi, đó là cách nó thúc nước chảy nhanh hơn. Đức tin của chúng ta không nên mặc định thành thói quen rằng “Chúa ở trên cao quyết mọi sự, thế là đủ rồi!” Dòng sông mặc định chảy từ nguồn ra biển, nhưng như triết gia Sartre nói “Thiên Chúa cứu rỗi để làm gì, nếu chính ta không cứu rỗi mình?!” Dòng sông chảy ngoài kia, nhưng chúng ta không chịu xuống tắm cứ mặc định Chúa tắm cho mình rồi, làm sao sạch?! Chúa dạy ta “Đức tin không việc làm là đức tin chết”, mà việc làm đầu tiên là “nhận thức” trong tâm tưởng để hành động, mà ta lại cậy vào đức tin để không nhận thức, thì có nghĩa gì?!


Trong sách Giê-rê-mi (5.1), Thiên Chúa dạy: “Nếu có một người làm sự công bình, tìm sự trung tín, thì ta sẽ tha thứ cho thành ấy.” Một thành bang với Chúa chẳng là gì cả nếu không có người công chính là hạt nhân. Mà làm gì có người công chính nếu không lăn lộn trăn trở ngày đêm tìm công lý?! Cũng vậy làm gì có ai giầu có đức tin bằng cách cứ mặc định vỗ ngực tôi tin Chúa toàn năng vô tận. Một chiếc kim giây không kêu từng khoảnh khắc làm sao đòi tiếp cận thời tính của vĩnh cửu?!

Paul Đức 20/4/2020

1 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page