top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.21. ĐIỂM RƠI CỦA LÒNG TRẮC ẨN

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023

- Những người có tên sau đây chuẩn bị tư trang ra xe chuyển lên trại Một.


Viên quản giáo mở bìa cứng ra, theo danh sách đọc tên 14 người. Nghe xong, 14 người trong đó có Lê Thế Vinh liền nhảy lên reo. Các phạm nhân ở khu trại Quang Phong này ai cũng hiểu được về trại Một nghĩa là gì. Trại Một là nơi đặt đầu não của các sếp quản trại. Nó lại nằm kề đường cái. Ở đó, ngày ngày, cả lúc làm việc hay sang nhà ăn đều có thể đưa mắt nhìn là thấy ô tô, xe máy, xe đạp và những con người di chuyển. Ban đêm trong những giấc ngủ trằn trọc vẫn có thể nghe thấy tiếng bấm còi chạy qua... Ôi con người, hình ảnh của con người, những tiếng động thuộc về con người mới cao quý và da diết làm sao! Những tiếng động đó lại càng có nghĩa hơn bao giờ hết với các phạm nhân "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại"- một ngày trong tù bằng thiên thu ở ngoài. Và trốn tù đầy, nơi tập trung của những tay anh chị giang hồ, thảo khấu, lâm tặc, trộm cắp, buôn người rồi đĩ điếm ở khắp nơi tụ họp về, nếu người ta không sống bằng một con mắt luôn luôn tỉnh thức thì chắc gì còn giữ nổi cái mạng nhỏ bé của mình. Một cái mạng mà chỉ cần một lưỡi dao cạo râu xẹt qua cổ, một chiếc đinh gỉ đóng thẳng vào ức hay một nửa hòn gạch đập thẳng vào thái dương... Kinh khủng quá! Lê Thế Vinh không dám nghĩ thêm. Khi ấy những tiếng của con người ở phía đường cái vọng đến, làm cho người ta có cảm giác mình vẫn còn đang sống trong thế giới của những con người, nếu không trong những cơn tuyệt vọng kéo triền miên, sự thinh lặng có cảm giác đang là địa ngục kéo người ta chìm xuống. Vinh nhớ hồi đi học, thầy giáo Vật lý có nói với cả lớp rằng; khi các nhà du hành vũ trụ đổ bộ xuống mặt trăng, nếu không có tiếng nổ như đại bác của con tàu vũ trụ chỉ thì sau sáu tiếng thôi, sự thinh lặng vô biên sẽ khiến họ có thể hóa điên.


Vậy là ta sắp ra trại Một, thoát khỏi cái trại Hai nằm khuất trong núi này, còn trại Ba, trại Bốn, trại Năm nữa chứ. Trại số càng to thì càng phải đi sâu vào trong núi. Ở đó biệt lập hẳn với những gì của cuộc sống, nó làm cho người ta có cảm giác rằng chẳng có nơi đâu "sơn cùng thủy tận" như ở đây. Vinh chợt nhớ đến thằng bạn thân tên là Trí. Học hết cấp 3, Vinh học nghề lái máy ủi, còn nó học tiếp lên đại học. Một lần, giữa cả đám bạn tập trung liên hoan, Trí lên giọng hỏi "Tớ đố các bạn, ở đời người ta sợ cái gì nhất?" Đứa thì trả lời sợ đói nghèo, lo mưu sinh. Đứa thì bảo sợ ốm đau bệnh tật. Đứa lại nói sợ thất tình. "Xì" - Trí bèn lên giọng. - "Các cậu nói sai tuốt. Một câu hỏi tưởng dễ trả lời nhưng hầu hết lại trả lời sai. Các cậu thử ngẫm đi, có những người ở nơi rừng vàng, lại có những người ở miền duyên hải, không ít người sống cạnh mỏ vàng lại có những người ở đầu nguồn nơi những con cá hồi quay về đẻ trứng, nghĩa là cuộc sống của họ chẳng khó khăn gì, vậy mà tất cả đều chạy thục mạng về một nơi nào đó để xây dựng thị trấn, thị xã hay thành phố, nền văn minh nhân loại xuất hiện, chẳng qua con người vì sợ buồn nên cứ lao vào thành phố. Ở đó dù họ có phải bon chen để sinh nhai nhưng vẫn còn hơn phải sống hiu hắt nơi xó núi, miền sa mạc hay cánh rừng nào đó". Tất cả ngớ người ra rồi đều thừa nhận Trí nói đúng.


Nhưng mà thôi. Vinh quay sang chia sẻ, an ủi và chào các phạn nhân. Dù sao thì họ cũng đau khổ và buồn bã lắm chứ. Niềm vui của người này có thể là cái cớ cho nỗi bất hạnh của người khác, đặc biệt ở ý nghĩa rằng; ta đến trại Một là sắp được tha vào những lần xét đặc xá sắp tới, còn họ vẫn phải nằm lại chốn thâm sơn cùng cốc này.

Xe chạy, không ai bảo ai mọi người đều bồi hồi quay lại nhìn nơi họ vừa được phóng thích; những khối xi măng xếp hàng dưới chân núi trổ ra phía ngoài cửa sổ ô vuông bé xíu đan cài song sắt.


- Xếp hàng một! Nghiêm! Bên phải quay! Bên trái quay! Nhìn thẳng! - Viên quản giáo bước xuống từ ca-bin xe chở tù, hô. - Chuẩn bị nhập trại.

- Rõ! - Các phạm nhân hô.

Ai kia? Trời ơi, viên quản giáo đến nhận bàn giao kia không thể là ai khác ngoài Bùi Vĩ. Lê Thế Vinh dụi mắt cố nhìn cho rõ. Vinh thấy người Vĩ bỗng như chao đi và chết lặng vì sửng sốt. Mọi việc hiện lên như là mới xảy ra cách đây vài hôm trước mắt Vinh.

Hồi đó nhà Vinh sinh sống ở thị xã Yên Bái, nhìn thấy Vĩ là một đứa trẻ thò lò mũi, bẩn thỉu, sống lang thang đầu đường xó chợ, mẹ Vinh đã dẫn Vĩ về tắm giặt, mặc quần áo mới, rồi nuôi ăn và cho đi học. Mẹ bảo với Vĩ "Con ạ, mẹ chỉ có một thằng cu Vinh thôi, con có về có anh có em cho vui." Mẹ đưa tay lau nước mắt, "Bố nó đi làm đá, đạp phải kíp mìn đã mất xác rồi, nhà ta chẳng vui vẻ gì, các con nên biết yêu thương nhau cho mẹ vui." Nói rồi mẹ đặt tay Vĩ vào tay Vinh "Vinh nhiều tuổi hơn nó là anh, còn con thì là em, anh em nên biết bảo ban nhường nhịn nhau."


Thế rồi chiến tranh sơ tán loạn lạc, khi hai mẹ con Vinh chuyển về Hà Nội thì lạc em Vĩ.

Chiều hôm sau trời đã sang đầu đông mà nắng còn rát bỏng, khi đi sang khu làm gạch lát đá, Vinh cố tình đi lùi lại.

- Anh Vinh sao đến nông nỗi này? - Vĩ hỏi.

- Hồi đó chú đi đâu để mẹ và tôi tìm mãi?

- Thì em cũng chen ra ga nhưng rồi quang gánh, thúng mủng, lợn gà, rồi người ngợm ào ào chen tới, em bị bật ra ngoài. Sau đó, em đi khắp các toa, gọi mẹ và anh mà không thấy.

- Trời ơi, lúc đó trong toa đen, người ép như cá hộp, tiếng gọi tiếng chửi bới rồi đánh lộn, nheo nhéo, chí chóe, ù ù khắp cả cái toa kín mít còn ai nghe được gì. Rồi mẹ và tôi đều nghĩ chú lên tàu ngay phía sau thôi, đến Hà Nội sẽ tìm nhau nhưng... nhưng không thể nào tìm được, mẹ và tôi gọi khản cả cổ cho đến khi cả chuyến tàu đông đặc đã trút qua cái cửa chất hàng bé tẹo chẳng còn một mống. Thế rồi chú đi đâu?

- Em quay lại ngôi nhà cũ kĩ của nhà ta, xin bác chủ nhà cho dựng tạm cái lều ở góc vườn, chỉ ở tạm thôi mà, ai cũng nghĩ thế đến khi tìm được mẹ và anh, em sẽ đi liền. Vả lại, em là kẻ lang thang từ bé nên phải lang thang ít ngày nữa cũng chẳng nhằm nhò gì, không ngờ thời gian lại biệt tin nhau dài như vậy. - Vĩ thở dài. - Nhưng anh ạ, việc gì chắc cũng có số phận của nó. Em xung phong vào làm việc ở trại giam Quang Phong trên Yên Bái được vài tháng họ cho em đi học ba năm, sau đó còn học nâng cao hai năm nữa.

- Giờ thì chú có học nhiều hơn anh đấy!

- Em muốn nói về việc của số phận cơ.

- Số phận gì?

- Thì số phận cứ bỏ bẵng việc em tìm thấy mẹ và anh. Nhưng đúng lúc này, sau khi đã chờ đợi, số phận đã điểm một hồi chuông gặp gỡ.

- Chú mày nói văn hoa ghê!

- Mà không chỉ gặp gỡ, biết đâu nó lại còn mở ra những biến cố khác. Anh biết không, ông Voltaire ở Pháp, em đọc sách có nhớ ông ấy bảo rằng "Thiên nhiên không làm ra cái gì thừa cả." Theo đó nhiều người liền nghĩ; số phận cũng không chịu làm cái gì ngẫu nhiên vô ích. Mọi thứ đều có duyên của nó. Đạo Phật có câu "trùng trùng duyên khởi" mà anh.

- Úi chà! Tôi có một thằng em thông thái đây!- Vinh mỉm cười.

- Nhưng anh dính thuốc phiện thế nào?

- Sao chú biết?

- Thì em là quản giáo, em phải nghiên cứu hồ sơ phạm nhân thuộc quyền em quản lý.

- Tôi học lái máy ủi, xong công trình ở công viên Lê-nin thì tôi thất nghiệp, đành xin một chân phụ xe lên Lạng Sơn, gặp dân xã hội đen, họ rủ rê hút thuốc phiện. Tôi hút rồi nghiện, rồi trở thành người vận chuyển thuốc.

- Ừ, vì anh chỉ dính thuốc phiện thì mới bị hơn chục gậy. Anh mà dính ma túy ấy à, đi tù mọt sương.

- Anh sợ đến già rồi! Chú đừng dọa anh nữa.

- Thỉnh thoảng, em sẽ đưa các thứ vào cho anh ăn thêm.

- Đừng... đừng! Chú làm vậy, anh em nó lại tưởng anh là tai mắt tay sai của công an, chúng lại ghét anh.

- Thế mẹ đang sống ở đâu để em còn về thăm mẹ?

- Tối tôi về sẽ tìm cách viết lên giấy mai đưa cho chú.

- Vâng.

*******

Vĩ xách cặp theo giám đốc lên Bộ họp cả tuần mới về. Vừa bước vào xưởng đá, Vĩ liền đưa mắt ngay đến chỗ Vinh thường đứng máy mài. Trời ơi, chuyện gì kia? Vĩ nhìn thấy rõ Vinh sắp sụp đổ hoàn toàn. Làm công tác quảng trại nhiều năm, Vĩ biết đó là những khuôn mặt sắp làm việc gì liều lĩnh, có thể đốt trại, giết phạm nhân, thậm chí là quản giáo, nhẹ nhất là trốn trại.

- Làm sao thế anh Vinh? - Vĩ tiến đến bên Vinh khẽ hỏi.

Máy mài vẫn chạy đều đều. Vinh gật đầu ra hiệu rằng ở đây không tiện nói chuyện.

- Mẹ anh ấy ốm sắp chết. - Tâm, bạn thân Vinh, làm cạnh đó nói.

- Trời, bà cũng là người mẹ hầu như duy nhất của tôi, bởi vì người sinh ra tôi, cho đến giờ tôi vẫn chưa biết mặt.

Vĩ bước qua một bước, lén đưa ngón tay chùi hai mắt.

- Vĩ ơi! - Vinh bíu tay.

Một sự van lơn bủn rủn chạy qua xuyên suốt người Vĩ. Vĩ hiểu Vinh muốn bày tỏ đến mức nào. Nếu không, có lẽ người anh ấy sắp nổ tung ra.

- Anh hãy chịu đựng! Chớ làm gì dại dột! Em quay ra kia một lát rồi tìm cớ điều anh ra sau

- Ừ, nhanh lên!

Thời gian không phải bò như sên theo lối cơ học cổ điển. Nó được đo bằng tiếng tích tắc chậm chạp của đồng hồ quả lắc cùng những bánh xe bò lề dề dập dình theo những con đường gồ ghề. Vinh cảm giác những dây đồng hồ đang cuộn xoáy dưới tay anh bằng tốc độ 3.000 vòng một phút, cả khối thép mau lẹ chuyển động đang nghiến, chà xát, mài giũa viên đá nằm phía dưới khiến nó tóe lửa. Vậy mà, mỗi phút đồng hồ bò qua chẳng khác gì tốc độ của ánh sáng bất lực bò như cua để tìm đến những vì sao.

- Anh Vinh và anh Tâm ra ngoài chuyển khối đá vào. - Vĩ quay vào nói.

Vinh nhìn đồng hồ, 15 phút đã trôi qua.

- Chú Vĩ, anh chắc phải trốn trại. Nếu không anh không chịu nổi, người anh sắp nổ tung lên như một khối bộc phá.

- Để em về thăm mẹ cho anh. Cuối năm nay anh được đặc xá rồi, anh mà trốn trại, bao nhiêu công lao cải tạo tốt sẽ đổ xuống sông xuống biển.

- Được tha ư? Anh là con đẻ duy nhất của mẹ, nếu anh không về thì anh sống không bằng chết nói gì đến được đặc xá.

- Làm sao anh biết tin này?

- Ba hôm trước thằng Nam trong nhóm cải tạo tốt được gặp vợ 12 giờ, vợ nó là đứa lo đi lấy thông tin giúp anh em, vợ nó bảo mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đã vào viện K không rõ sống chết thế nào, anh không còn cách gì phải trốn trại về thăm mẹ hoặc phải về nhập quan cho mẹ. Chú tính nước cho anh đi. Nhanh lên!

- Thế anh đã tính nước chưa?

- Chưa!

- Anh tính trước em cả mấy ngày mà còn chưa ra nước, sao giờ cứ giục em!

- Thì anh cũng có ý định ỷ lại, nhờ cậy vào khả năng của chú.

- Vậy đến mai em tính xong sẽ trả lời anh có được không?

- Đừng bắt anh phải đợi mà! - Mắt Vinh xổ ra vô vàn những lời cầu khẩn.

- Vậy giờ thế này, anh và anh Tâm hãy quay lại bàn xoay đá, khi nào tính nước xong, em sẽ quay lại bàn với anh.

- Có thế chứ! - Vinh bíu tay Vĩ. - Không có chú thì tôi chết mất.

Thời gian xoay theo máy mài không rõ nên hiểu là nhanh hay chậm nhưng những tiếng soàn soạt của máy khoan như cắt tim Vinh ra làm muôn mảnh.

- Kìa! - Tâm hét to.

- Hì vậy? - Vinh chợt bừng tỉnh.

- Cậu nghĩ đi đâu đấy?

- À...à...!

- Cậu sắp đưa cả bàn tay vào trong máy mài. Này, đừng có quẫn chí, phải giữ cho thân lành lặn mới về thăm mẹ được.

- Cảm ơn cậu!

***

- Anh Vinh, anh Tâm đâu?- Vĩ quay lại kêu lên.

- Có chúng tôi đây!- Tâm lên tiếng vì còn tỉnh táo.

- Tôi bảo các anh ra ngoài chuyển đá khối vào trong xưởng cơ mà!

- Dạ, theo lệnh của anh, chúng tôi đã chuyển.

- Chuyển có vài viên gọi là thế à? Ra ngoài chuyển tiếp đi.

- Vâng!

- Chú nói ngay đi.- Vinh suốt ruột, cồn cào hỏi khi vừa bước chân ra khỏi xưởng.

- Thế này, chúng ta phải tìm kế vẹn toàn, không vẹn toàn không xong.

- Anh sẵn sàng nghe lời chú.

- Không vẹn toàn thì trại sẽ ra lệnh báo động, công an phong tỏa con đường từ đây ra thị xã, từ thị xã về Hà Nội, anh sẽ bị bắt ngay.

- Chú nói đi! Anh phải làm gì?

- Trước hết, anh phải giả vờ ốm. Em sẽ để sẵn cho anh nửa lít rượu tính từ cổng kia ra dưới gốc cây thứ 11. Anh hãy nhắm mắt nốc một hơi, kèm đó em có để một nắm lá mơ và một lạng vừng sống, anh cứ nhai thật lực vào để gây ho, em cũng để một lọ giấm nhỏ cho anh, anh hãy nốc cạn.

- Uống giấm để làm gì?

- Để tìm cách xóa mùi rượu. Khi về anh hãy đánh răng và súc miệng bằng nước lã thật nhiều, đến giờ ăn anh hãy bỏ ăn, leo lên bệ nằm, lấy khăn ướt đắp lên trán, mọi người sẽ đưa anh lên trạm xá, anh hãy khai mới đây đi làm nhìn thấy con gà chết bên bờ ruộng, anh đã lén lút nướng ăn mặc dù nó đã bốc mùi thum thủm, lúc xem tivi anh có nhớ các triệu chứng của dịch cúm H5N1không?

- Có!

- Anh cứ khai như thế.

- Nhưng nếu bọn nó sờ trán thấy anh không sốt thì sao?

- Anh nốc nửa lít rượu liền thế nào người cũng đỏ ửng và hâm hấp nóng, rồi anh hãy ho chạy ra ngoài liên tục khạc nhổ, mỗi lần vãi một tí nước lã lên mặt như thể đổ mồ hôi. Anh hãy bảo; trong người tôi nóng bức khó chịu lắm chắc là tôi không sống nổi, chắc là tôi mắc dịch gà rồi, tôi cần khám bệnh và cách li. Thế nào mọi người cũng tá hỏa.

***

Mọi việc diễn ra đúng như vậy. Tại trạm xá, y sĩ đo nhiệt độ và nhịp tim cho Vinh.

- Thế nào hả anh? - Vĩ hỏi.

- Ca này không rõ.

- Không rõ là sao?

- À, mà huyết áp tăng rất cao, nhịp tim đập loạn xạ nhưng không có triệu chứng sốt nhưng anh này lại ho liên tục, anh ta còn khai đã ăn thịt gà chết.

- Để chắc chắn ta phải cách ly anh ạ! - Cậu có đảm bảo chỗ cách ly không?

- Có chứ! Tôi vừa phải đảm bảo chỗ cách li cho anh ta, lại vừa đảm bảo an toàn cho mấy chục sinh mạng sống cùng anh ta.

- Vậy thì được, tôi sẽ kê đơn thuốc kèm theo lệnh cách ly y tế.

Sự lo lắng nín nhịn dai dẳng cùng nỗi lo mưu toan chẳng thành khiến cả Vinh và Vĩ suýt bật thành tiếng cười. Vinh liền ho sặc sụa một hồi để khỏa lấp nỗi vui sướng của mình.

- Cảm ơn anh!- Vĩ đưa tay nhận thuốc và lệnh cách ly của y sĩ giọng anh không giấu được vẻ vui mừng.

- Ơ kìa!- Viên y sĩ nhìn anh như thăm dò. - Tôi chỉ làm việc theo chức phận mà thôi!

- Vậy tôi càng thấy nhẹ mình. - Vĩ tìm lời chống chế. - Dù sao cũng cách ly được một bệnh nhân mắc dịch.

- Anh đi luôn đi! - Y sĩ bảo.

- Vâng! Anh có tự đi được không?- Vĩ quay sang Vinh vờ hỏi.

- Dạ, em cố gắng đi được.

- Vậy anh Tâm, anh về bê chăn màn của anh Vinh xuống ngôi nhà gỗ xiêu vẹo sát khu để củi phía cuối trại ấy.

- Vâng!

- Nhân đây, cái mảnh bìa này anh còn dùng nữa không?

- Không, nhưng để làm gì?

- Cho tôi xin để tôi viết mấy chữ "nhà cách ly" vào đó.

- Được, anh cứ lấy.

Đến ngôi nhà cách ly, Vĩ đóng cửa lại, gọi Vinh và Tâm đến dặn dò.

- Hai anh nghe đây! Em không thể ở lại đây lâu, kẻo người ta nghi ngờ. Tối nay, anh Vinh có thể vượt rào, việc đó không quá khó. Trại Một này chỉ cần lội qua cái ao kia là xong. Anh làm được chứ?

- Không làm được cái việc cỏn con ấy ư?

- Anh có 24 giờ, đó là thời gian quá rộng dài, anh phải giữ an toàn tuyệt đối cho bản thân vì anh có sa sẩy gì thì tất cả đều bị chìm xuồng, cả anh cả em rồi anh Tâm cũng liên lụy rất nặng...

- Anh biết mà.

- Từ đây đi về Hà Nội chỉ hơn 200 cây, bắt ô tô chỉ mất 5 tiếng, đi và về là 10 tiếng. Anh còn 14 giờ hỏi thăm mẹ. Anh có hứa không?

- Anh hứa mà chú hãy tin anh. Mình anh thì bỏ đi cũng được, anh phải biết quý trọng sinh mạng của em và anh Tâm chứ.

- Đây là số tiền em đưa cho anh, hơn 20 triệu đã bọc túi ni lông nhiều lớp để giúp anh lội qua ao.

- Kìa, sao nhiều vậy?

- Cũng chẳng nhiều đâu vì mẹ mắc trọng bệnh mà nhưng thời gian gấp gáp, em chỉ lo được vậy.

- Cám... cám… cám ơn chú!

- Còn anh Tâm từ sáng mai đi lấy cơm cho anh Vinh mang đến đây ăn hết rồi hãy đem trả cặp lồng, mỗi khi ra ngoài anh cứ khóa cửa lại, ai hỏi thì anh cứ bảo em nói vậy đề phòng anh Vinh ốm, tuyệt vọng, làm liều hay bỏ trốn.

- Được rồi, chú yên tâm đi.

- Kế hoạch em đã dựng, giờ có hoàn hảo hay không là do các anh.

- Chúng tôi xin hứa...

*******

Định 10h tối mới bỏ trốn về cho nó an toàn nhưng sốt ruột quá mới có hơn 8h, Vinh đã thực hiện cuộc chạy trốn của mình. Ra đến đường cái, giở bọc ni lông ra, chọn một chiếc xe biển số 29, Vinh giơ tiền lên vẫy. Chiếc xe liền phanh lại.

- 200.000đ đấy! - Tài xế xe minibus thò đầu ra nói.

- Được! - Vinh mở cửa nhảy lên.

Nhìn thấy Vinh, tài xế bỗng giật mình bởi cái phong độ tù nhân lâu năm của anh vẫn lộ ra.

- Yên tâm đi không đi quỵt tiền đâu. Tiền đây! - Vinh lấy tiền đưa cho tài xế.

Đến đầu ô, Vinh bắt xe ôm đi thẳng tới viện K. Đã 2h sáng, bảo vệ bệnh viện không cho Vinh vào.

- Mẹ tôi tên Hoàng Kim Thảo, đang chờ mổ mà tôi lên để ký vào giấy giải phẫu.

Vinh cứ nói liều bảo vệ chỉ cho Vinh lên gác ba khu nhà C. Vinh tức tốc chạy lên.

- Mẹ, mẹ ơi! - Vinh ào vào như một cơn lốc.

- Con, con trai của mẹ! Mẹ chờ con mãi cái ngày gặp con! - Mẹ rưng rưng khóc, chưa đầy 5 phút mắt mẹ bỗng tỉnh táo, mẹ làm dược sĩ lâu năm nên bà rất chính xác và lý trí.

- Con về đây bằng cách nào? Ai cho con về? Con đã hết hạn đâu!

Vinh bỗng nhớ có lần nghe một anh bạn kể; khi mẹ anh ta ốm, anh ta đã bón từng thìa cháo cho mẹ, bà rất cảm động về đứa con có hiếu, đem chuyện khoe khắp họ hàng làng xóm. Vậy là, khi mẹ ốm, Vinh ra phố mua phở về rồi định cầm thìa bón cho mẹ nhưng rất thản nhiên mẹ đã gạt tay Vinh ra, bưng lấy bát phở và tự xúc. Mẹ muốn giải thoát cho con trai khỏi cử chỉ báo hiếu trông có vẻ "y tá" đó và Vinh bỗng biết ơn và thấy tự hào về mẹ.

- Con nghĩ đi đâu đấy? Con chưa trả lời câu hỏi của mẹ hay con đang tìm cách nói dối mẹ?

- Không, con bỗng nhớ đến lần con định bón phở cho mẹ thì bị gạt đi.

- Tiên sư anh! - Mẹ cố gắng cười nhưng mặt nhăn nhó vì đau đớn.

- Thế trả lời mẹ đi.

- Vâng, con trốn trại nhưng con chỉ định đi trong vòng một ngày thôi.

Cô y tá bước vào, hỏi;

- Anh là con trai của cụ có đúng không?

- Vâng!

- Vậy thì mời anh sang gặp bác sĩ.

- Mẹ ơi! Con tìm thấy em Vĩ rồi mẹ ạ!- Vinh nói khi đứng dậy.

- Sao? - Mẹ chồm mình lên, mắt sáng quắc. - Con tìm thấy em Vĩ thật ư?

- Thật mà! Anh em con đã trò chuyện với nhau.

- Ở đâu?

- Chú ấy đang làm quản giáo ở trại của con. Chính chú ấy đã tính cách cho con về gặp mẹ.

Mẹ làm dấu thánh.

- Lạy Chúa lòng lành! Cảm tạ Ngài đã ban cho gia đình chúng con đoàn tụ, anh em chúng được gặp nhau. - Mẹ nhìn Vinh nói.- Nhưng các con có nhau để nâng đỡ nhau chứ đừng kéo nhau cùng chìm một cách dại dột.

- Mẹ đừng lo.

- Giờ thì mẹ có thể yên tâm nhắm mắt chết được rồi.

- Mẹ đừng nói gở.

- Tiên sư anh, ai chẳng muốn sống lâu nhưng có ai chống được quy luật đâu.

Vinh chạy qua phòng của viên bác sĩ có khuôn mặt sáng sủa nhưng mệt mỏi, sự mệt mỏi không phải do ca trực mà do tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư cũng như tình trạng thất vọng nặng nề của gia đình các bệnh nhân lâu ngày gây nên. Ông bắt tay Vinh rồi nói.

- Bệnh của cụ rất nặng. Một là, anh đưa cụ về. Hai là, chúng tôi tiến hành mổ gấp. Nhưng ít hi vọng lắm!

- Thưa bác sĩ, gia đình chúng tôi muốn thử vận may đến cùng.

- Vậy thì anh ký đi!

- Vâng! - Vinh liền ký.

Y tá đưa mẹ lên khám

- Khoan! - Mẹ vẫy tay gọi Vinh - Con có hứa ngay đây là con sẽ trở lại trại không?

- Con hứa nhưng không phải bây giờ vì về vào lúc này đến trại giữa ngày mai là không được nên con sẽ đi khi mẹ mổ xong.

Mẹ chìa tay, nắm lấy tay Vinh dùng sức bóp như thể đó là một cử chỉ mẹ cam kết với Vinh.

Ca mổ lẽ ra kéo dài 2 giờ nhưng được 30 phút đã thấy viên bác sĩ quay ra. Vinh chạy lại hỏi nhưng vị bác sĩ ậm ừ không trả lời. Vinh đuổi theo bác sĩ xuống tận chân cầu thang nhưng vị bác sĩ chỉ gật đầu ra cử chỉ mơ hồ rồi nổ xe máy chạy về, coi như đã hết ca mổ trực của ông.

Sáng ra, xe cáng mới lăn ra ngoài. Mặt mẹ có vẻ tươi tỉnh hơn nhưng cử chỉ thì bi đát hơn. Viên bác sĩ gọi Vinh vào phòng giao ban nói.

- Bệnh của mẹ anh không chữa được đêm qua bác sĩ giải phẫu mổ ra thấy ruột mủn hết nên không phẫu thuật được chúng tôi chỉ hút bớt phần mủn đó ra thôi, vì vậy mà mặt cụ có vẻ nhẹ hàng hơn. Giờ chúng tôi thành thật khuyên anh nên đưa cụ về nhà mà lo hậu sự đi.

- Cảm ơn các y bác sĩ! - Vinh nói to và nhìn một lượt. Vinh thấy ái ngại và thông cảm với bác sĩ y bác sĩ của bệnh viện K hơn bao giờ hết. Mình mới chỉ ở trong viện chưa đầy một ngày mà đã thấy nặng nề vô cùng đằng này quanh năm suốt tháng họ phải luôn luôn tiếp xúc với các bệnh nhân cũng như người nhà lo lắng buồn rầu về căn bệnh nan y tuyệt vọng vẫn được mọi người gọi là án tử hình. Vinh ngồi cạnh chiếc cáng của mẹ trên xe cấp cứu.

- Vinh!

- Dạ!

- Nhìn mắt con, mẹ biết con sợ mẹ chết lắm!

- Vâng con bất hiếu chưa làm được gì để báo đáp mẹ, đã thế lại còn tù tội khiến mẹ mất mặt.

- Con về với mẹ thế này cũng là cách báo hiếu ý nghĩa nhất rồi, con đừng buồn phiền nữa, con cũng đừng sợ mẹ chết. Cuộc đời người ta, ai mà chẳng qua 4 cửa: Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Mẹ chỉ tiếc là mẹ chưa có cháu bế. Vì vậy, khi ra trại con hãy lo cưới vợ để bố con và mẹ được nghe tiếng khấn của nó vào những ngày giỗ chạp.

- Vâng! - Nước mắt Vinh tràn ra đầm đìa.

Xe về tới nhà được nửa giờ thì mẹ trút hơi thở cuối cùng. Vinh gọi điện báo cho họ hàng. Buổi tối lo nhập quan, chiều hôm sau thì đưa tang. Viên đất cuối cùng vừa đắp xong thì anh bắt ngay xe ôm ra đường số 1 rồi nhảy lên một chiếc xe khách chạy về Thanh Hóa.

***

Vĩ ở trại vừa thương lại vừa lo. Trời ơi, nếu mình không phải ở lại làm vỏ bọc cho anh Vinh thì mình sẽ phóng ngay về Hà Nội để vào thăm mẹ, mẹ đã bỏ bao công sức nuôi mình chẳng lẽ lúc mẹ bị bệnh nan y mình lại có thể thờ ơ, vô trách nhiệm, làm thế là bất hiếu. Nỗi thương xót chưa dứt, tối thứ hai theo lời hẹn Vĩ xin trực đêm, đến "nhà cách ly" để chờ đón Vinh. Biền biệt! Đằng đẵng. Thời gian cứ tàn nhẫn trôi, chở theo những lo lắng của Vĩ nhiều như những toa tàu bất tận; nào anh Vinh chưa về vì mẹ đã gặp chuyện xấu nhất, Vĩ đưa cánh tay lên chùi nước mắt, nào anh Vinh chậm trễ hoặc có mệnh hệ gì thì tất cả đều vỡ lở...

Tối thứ ba, dù bất thường và liều lĩnh, Vĩ cũng xin trực tối, anh tiến đến "nhà cách ly" khấp khởi mừng thầm vì cảm giác có người ở trong đó.

Vĩ đẩy cửa bước vào vừa định lên tiếng chào anh Vinh thì sững người lại, bởi cái vóc dáng thô bè đứng đó là của đội trưởng Phan Thông.

- Cậu không nghĩ là sẽ gặp tôi?

- Đúng vậy ai nghĩ đội trưởng sẽ đích thân đến cái nhà khỉ gió này!

- Thế bệnh nhân cách ly của cậu đâu?

- Chắc chắc là cậu ấy đi tiểu.

- Tôi ở đây vài giờ rồi đấy. Chẳng lẽ người ta cần nhiều thời gian thế để đi tiểu và cậu nhìn cái chỗ nằm lót ván của anh ta kia kìa. Cậu thấy thế nào? - - À, tất nhiên là anh ta không ở đó.

- Tôi không hỏi cậu việc đấy mà là dù anh ta đi ra ngoài vẫn cố t́nh dựng chăn lên theo dáng người nằm để cho ai ghé mắt nhìn vào thì đều tưởng anh ta đang ngủ.

- À...

Cánh cửa bật mở. Vinh ào vào, người ướt sũng và té quỵ.

- Kìa, anh Vinh! - Vĩ chạy lại đỡ lấy Vinh, lột quần áo ướt ra.

- Để tôi đốt cho anh ta đống lửa. - Phan Thông xắn tay làm làm.

- Chết! - Vĩ kêu.- Ai lại để đội trưởng phải hạ mình làm cái việc như vậy cho phạm nhân.

- Cậu thôi kiểu nghĩ đó đi! Anh ta dù là phạm nhân mà không phải là con người sao?

Vinh đắp chăn nằm ngay đống lửa. Cơn sốt của anh đang dịu xuống

- Anh sẽ báo cáo việc này lên cấp trên chứ? - Vĩ bồn chồn.

- Tôi không bao giờ báo cáo việc mà chưa thấu bản chất của sự việc. Cậu cũng chớ quá lo chúng ta hãy nói chuyện thẳng thắn.

-Tôi cũng không lo vì là đàn ông thì dám làm dám chịu, anh Vinh đây là chính là anh trai tôi.

- Thật sao?

- Đúng hơn anh ấy là anh nuôi nhưng mẹ anh nuôi tôi lúc tôi còn bé tí đi lang thang, mẹ nuôi ăn nuôi học và anh Vinh coi tôi như em trai không hề phân biệt con đẻ con nuôi.

- À ra thế!

- Mới rồi anh biết tin mẹ bị ung thư phải nhập viện K. Thế là anh quyết định phải về bằng được để báo hiếu mẹ và tôi cũng không thể là con mà không báo hiếu.

- Ở địa vị cậu chắc tôi cũng không thể làm khác được.

- Tôi chỉ đồng ý lập mưu để anh ấy đi một ngày thôi nhưng có thể mẹ tôi không qua được nên anh ấy không thể không ở lại để lo hậu sự. Đấy là toàn bộ câu chuyện của tôi, giờ tùy cấp trên định liệu.

- Cậu đã làm xong phận sự của mình rồi cả phận sự của lương tâm và phận sự của pháp lý.

- Thế là sao?

- Trước hết với lương tâm, khi nói thật là cậu sám hối. Còn với pháp lý, khi kể cho tôi rõ sự tình giống như người Pháp nói "công lý là người thứ ba", cậu đã nói cho tôi là người thứ ba biết rõ mọi điều.

- Vâng, cảm ơn anh! Còn tiếp theo thì sao?

- Tất nhiên là việc của tôi.

- Việc gì ạ?

- À, là việc chia sẻ thông cảm và thể tất như sự khoan dung vô tận của loài người. Dẫu sao thì anh Vinh cũng đã tự giác trở về mọi việc đã hoàn lại y nguyên sau 48 giờ nhưng trong 48 giờ đó, cậu đặc biệt là anh Vinh đã thực hiện được biết bao nhiêu việc hệ trọng của cả thể xác lẫn những biến cố trong tâm hồn. Việc hiếu vẫn là việc cao nhất và khó khăn nhất của đời người mà… Đến lượt tôi chẳng lẽ lại không biết thực hiện bất kỳ sự chia sẻ nào để giúp các anh.

- Cảm ơn anh! - Vĩ tiến lại ôm vai Phan Thông, đôi mắt rưng lệ.

Nằm thiếp đi nhưng Vinh vẫn nghe rõ mọi lời. Tạ ơn Chúa! Anh làm dấu lẩm bẩm. - Cảm ơn Người đã ban cho con cả đứa em trai cả ngài quản giáo biết hiệp thông trước nỗi đau khổ của con người dù con chỉ là một tội nhân bé nhỏ.


Paul Đức - Trại viết Sầm Sơn ngày 12 tháng 11 năm 2009


1 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page