Tùng… Tùng… Tùng…
Tiếng trống làm rung cửa tòa địa ngục. Giật mình, quan tòa quát:
- Đứa nào cả gan đánh trống nơi tòa đấy?
- Dạ, có hai lão già! - Đám lâu la đáp.
- Lại bọn già à, bọn ấy thì làm gì có tiền! – Quan tòa hẩy tay. – Chúng mày đuổi bọn chúng đi!
- Dạ thưa đại quan, người trần vẫn nói “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, lâu nay tòa chúng ta chẳng ma nào đến, mốc thếch cả ra, giờ có vụ kiện khác nào “buồn ngủ gặp chiếu manh”, “chó ngáp phải ruồi”, vậy mà quan lớn đuổi chúng đi, thì chúng ta còn xơ múi gi?
- Ừ nhỉ! À không, bọn mày nên biết bọn già là tinh quái lắm, như mèo già hóa cáo ấy, ăn được của chúng một đồng thì lao tâm khổ tứ, vả lại bọn già là đám về hưu, lấy đâu ra tiền mà đòi ăn của chúng?
- Hi Hi Hi… Ha Ha Ha… Quan lớn lạc hậu quá cơ! Nhân gian bây giờ đang nói, chỉ có bọn “đầu ánh kim, chim ánh thép, túi ánh bạc” mới lắm tiền.
- Chúng mày dốt bỏ mẹ! Ở cái xứ địa ngục này, lấy đâu ra gió thời đại mà chẳng lạc hậu. Mà tại sao bọn đầu ánh kim lại nhiều tiền?
- Hi Hi… Vì chúng bám chặt ghế, đâu có chịu về hưu. Chúng nó tuổi càng cao thì chức càng cao, càng tham nhũng được nhiều.
- Ừ nhỉ! Quân bay, vậy thì triệu bọn nó vào!
- Cho vào! Vào nhanh lên! - Đám lâu la gào to.
*******
- Hai ngươi xớ rớ đến đây làm gì? – Quan tòa quát rung chuyển cả địa ngục. – Tại sao chưa thấy thằng nào cất tiếng chào quan lớn?
- Chúng tôi có nhìn thấy ông đâu! Tòa án gì mà tối như hũ nút thế này! Cảnh này thì có đảm bảo cho công lý không…
- Câm ngay! Chúng mày ở đâu ra mà ngu thế! Ở địa ngục mà không tối thì là bãi biển cho chúng mày nghỉ mát à! Muốn banh-sô-lây (bain de soleil - tức tắm nắng), thì lên bãi biển nhé. Lại còn ra giọng chê bai ở đây không có công lý. Đã thế sao còn dẫn xác đến đây?
- Này ông đừng to còi! – Người có giọng phương Bắc bảo. – Vì trước cửa tòa có trống đánh để kêu oan, nên tôi mới gõ. Nếu tòa của ông không làm việc thì dẹp tiệm đi, trưng biển to tướng làm gì? Mà đã là tòa án thì phải có công lý chứ. Chợ có rau, buồng tắm công cộng có nước, nhà thổ có gái, còn tòa án nếu không có công lý thì có cái gì?
- Ừ, ừ… ngươi nói chí phải! – Quan tòa hạ giọng. - Ở đây không những có công lý! Mà nhiều công lý lắm. Nào anh tên là gì?
- Tôi là Bạch Tài Tâm, người ở xứ Cao Bắc Nhược.
- Tại sao có xứ tên nghe lạ vậy?
- À vì xứ tôi, núi cao sông sâu, lẽ ra phải sinh ra những con người siêu đẳng, nhưng kể từ khi lãnh tụ Tôn Trung Sơn bảo, xứ tôi chưa từng biết đến cá nhân, tự do, công lý là gì. Nên cả lịch sử vẫn trẻ con, đến mức vài năm trước đây, hàng triệu nam nữ đổ xô ra quảng trường còn trưng khẩu hiệu “xấu hổ thay người xứ Bắc ta, lịch sử năm nghìn năm mà vẫn còn ti toe học bài học đầu tiên về dân chủ”.
- Còn cậu kia, tên gì, quê đâu?
- Dạ tôi tên Nguyễn Di, quê vùng Nam Ao Thiểu.
- Tên gì lạ vậy?
- Vì xứ tôi toàn ao chuôm tù đọng, người vặn vẹo, đi vón cục, khó trưởng thành như ông Tản Đà bảo “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, nên xứ tôi người ta liền đặt là Nam Ao Thiểu. Thiểu ở đây là nhu nhược, bé nhỏ.
- Thôi, tên quê các người vừa dài vừa khó nghe, ta không thể nhớ được đâu, nên ta cứ gọi thằng xứ Bắc, thằng xứ Nam là được rồi.
- Trí nhớ của ông ít thế, có mấy chữ không nhớ nổi mà cũng đòi làm quan tòa ư?
- Ngươi dốt lắm, trí não của ta là sáng tạo nên không cần trí nhớ. Trí nhớ càng nhiều thì trí thông minh càng ít, ngươi hiểu không?
- Trời ơi, thế thì nhà chúng tôi bạc phước rồi, tưởng sa vào nơi có công lý, nào ngờ sa vào thứ án “sáng tạo” thì còn sống cách chi?
- Này anh kia, anh định xảo biện với ta đó hả? Ở đời, từ nghệ sĩ đến nhà phát minh, ai chẳng muốn có được trí sáng tạo, vậy ta có khả năng sáng tạo cớ sao anh lại la lên?
- Cớ sao ư? Thầy giáo tôi dạy rằng, nghề y chớ có sáng tạo, vì sáng tạo nơi ruột biết đâu lại cắt vào tim, và nghề quan tòa cũng chớ có sáng tạo mà tùy tiện khép tội người ta theo ngẫu hứng của mình.
- Rõ cái anh này, còn đem ngây thơ của thời phong kiến lúc đó người ta còn dùng “tam quyền phân lập”, giờ đây, chúng ta là “tam quyền nhất trị”, án là án bỏ túi rồi, làm sao mà sáng tạo được mà chú phải lo?!
- Án bỏ túi là sao?
- Là án được chỉ định theo đường lối chỉ thị của cấp trên, chú hiểu chưa?
- Vậy làm sao có công lý?
- Công lý có đến đâu dùng đến đó. Nếu thiếu thì áp dụng qui chế Xin – Cho. Xin cấp trên là có liền, chú khỏi lo!
- Tôi vẫn nghe dạy, một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật.
- Đấy là cái chú học được ở nơi có chân lý phổ quát, còn ở đây chúng ta là lề luật tiểu nông “phép vua thua lệ làng”. Ở đây một tẹo sự thật vẫn cứ là sự thật, giống như một mẩu tem phiếu còn hơn không. Nào, giờ các ngươi kiện nhau cái gì?
- Bạch Tài Tâm quay về phía nguyễn Di lớn giọng; tôi kiện anh này đã vi phạm bản quyền, ăn cắp nội dung sách của tôi.
- Tôi phản đối, tôi đâu có ăn cắp, tôi… tôi chỉ lấy một chút gọi là, ngay cái tên của anh ta, tôi cũng đổi đi rồi… - Nguyễn Di mặt đỏ gay.
- Anh Di, tôi đã hỏi đâu mà anh được quyền nói. – Quan tòa quát. - Anh Tâm, anh trình bày rõ hơn đi.
- Cuốn truyện của tôi là “Kim Sa truyện”, anh Di này lấy nguyên cốt chuyện, cả tên sách, tên nhân vật, đã thế anh ta còn để cho vô số những kẻ thơ phú lăng nhăng ở xứ anh ta tôn vinh rằng “Truyện Sa” còn hay hơn cả bản chính.
- Giờ mời anh Di!
- Không thể! Tên của anh ta là “Kim Sa truyện”, tôi đã đổi là “Truyện Sa”, như vậy là chỉ còn 2/3. Còn nội dung tôi cũng đã chỉnh sửa cả bút pháp, của anh ta là văn xuôi, còn của tôi là thơ lục-bát, nội dung cũng đã bớt đi hơn 1/3, thậm chí 2/3. Tôi đâu có bệ nguyên si, để anh ta bảo tôi là đạo văn?
- Ừ nhỉ! – Quan tòa gật gù. – Nghe có lý ra phết!
- Ông đừng có gà mờ!- Tiếng quát của Bạch Tài Tâm làm quan tòa giật mình. – Giờ tôi hỏi ông, một thằng ăn cắp cái áo trên dây phơi của người hàng xóm, đem về tháo cái cúc ra đơm vào áo của mình. Khi người ta phát hiện ra cái cúc đó, thì tội ăn cắp có bại lộ không? Và tội ăn cắp có thành không?
- Bại lộ! Thành tội!
- Vậy mà cái áo của tôi bị phát hiện ra cả cổ, cả khuy, cả cái lề cái cốt, như dân phương Nam có câu “áo rách còn giữ lấy lề”, giờ anh ta cãi là; vì anh ta đã rút ngắn, cắt bé manh áo của tôi, nên cái đồ ăn cắp đó biến mất, ông có nghe được không?
- Ngươi còn gì để nói không? – Quan tòa hỏi Nguyễn Di.
- Đây là văn hóa chứ không phải cái áo. Người đời vẫn nói “thừa hưởng di sản văn hóa”, tôi có quyền thừa hưởng, như vậy không thể gọi là ăn cắp được. Ông Corney ở Pháp cũng lấy truyện của Tây Ban Nha, ông Shakespears cũng lấy Sê-da của người La Mã… còn nhiều lắm tôi không nhớ được. Họ đâu có bị tố là ăn cắp.
- Ha Ha Ha… Quá đúng! Ông Xứ Bắc ơi, ông còn gì để nói?
- Đây mới là điều tôi muốn nói nhất. Cái đó được gọi là bằng chứng lịch sử. Thứ nhất các nước châu Âu rất gần nhau về địa lý, họ không có khái niệm lãnh thổ cát cứ như người Á chúng ta. Thứ hai, ngoài một vài vụ mượn chuyện của nhau ra, người ta sáng tác tự thân rất nhiều. Trái lại cái xứ phương Nam này, chưa một lần sáng tạo ra nổi cái của mình, trừ mấy câu thơ tức cảnh sinh tình, còn lại cái gì cần phải có cốt truyện như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Tải -Ngọc Hoa, … thì họ không thể nghĩ ra được mà cứ sang phương Bắc chép lia lịa, thời nay còn gọi là copy đấy. Nghĩa là trong vấn đề này không nhìn thấy bất cứ ngoại phạm lịch sử nào để có thể biện hộ cho họ…
- Ừ, cũng đúng… Mà thế này, đến giờ ăn trưa rồi, ta mệt lắm. Để mai xử tiếp, nếu không xử được thì ta chuyển các ngươi lên tòa án cấp trên. – Quan tòa nhìn Nguyễn Di có vẻ thân thiện. Ta sẽ chuyển vụ của các ngươi lên tòa phương Nam đệ nhị.
- Không! Tôi phản đối.
- Ơ kìa, ta tưởng về đó ngươi sẽ có đồng hương, đồng khói để được ưu tiên, sao ngươi lại phản đối.
- Không! Xứ tôi người ta nói dzậy mà không phải dzậy! Chúng nâng tôi lên chẳng khác nào nặn tượng để ăn oản như chúng vẫn làm. Chẳng qua chúng muốn có một đại ca bảo hộ cho mấy vần thơ nhỏ nhoi vần vèo lèo tèo của chúng. Thấy tòa án mở ra thì chúng chạy mất dép hết ngay…
- Thế thì ta sẽ chuyển vụ này về tòa án phương Bắc!
- Tôi phản đối! Xứ tôi người ta chỉ quen “cường từ đoạt lý”, lấy thịt đè người không hề biết đến công lý để xử đâu!
- Vậy ta biết chuyển các ông đi đâu?
- Chuyển lên tòa án Liên Hiệp Quốc.
- Án phí ở đó tính bằng đô la đắt lăm đó. Cốc Cốc Cốc. – Quan tòa gõ búa gỗ, thôi bãi tòa, mai xử tiếp. Các ngươi nộp án phí đi!
*******
- Đại ca ơi! – Nguyễn Di bảo. - Xử tiếp thì chúng ta lấy đâu ra đô la.
- Muốn thế thì chú xin thua đi, ta sẽ bỏ qua cho!
- Nhưng đây không chỉ là danh dự của em, mà còn cả xứ em, chẳng lẽ bỗng chốc về tay trắng?!
- Kìa hai chú đi đâu Đấy?
Bạc Tài Tâm liền cúi rạp mình.
- Em xin chào Đại ca!
- Ai đấy? Sao trẻ hơn anh nhiều thế mà lại chào là đại ca? – Nguyễn Di thất kinh.
- Ai à? Chú có mắt mà không trông thấy núi thái sơn. Lỗ Văn đấy.
- Lỗ Văn ư? Tay ranh con này thua chúng ta bao nhiêu tuổi, sao có thể là đại ca được?
- Chú ở xứ ao tù có khác, tầm nhìn không khá được, tuổi tác ư, mình đẻ hơn ông ấy vài trăm năm, nhưng ông ta lại tu hơn mình vài kiếp, bằng cả vài triệu năm, làm sao lấy vài năm đẻ trước mà so được, nhanh lên, chào đi!
- Em xin chào Lỗ đại ca! – Nguyễn Di cúi rạp mình.
- Này các chú dẫn nhau ra tòa về mấy cái chữ nghĩa vớ vẩn ấy làm gì?
- Sao đại ca lại biết ạ?
- Thời đại internet này, ảnh các chú, rồi nội dung đưa đầy trên mạng kia kìa.
- Thì chú Di này, nó thuổng văn của em nhưng cứ cãi chầy cãi cối, lại còn cho bọn đệ tử nói vống lên “bản sao hay hơn bản chính”.
- Thế cuốn “Kim Sa chuyện” của chú là văn hạng mấy?
- Của em chỉ hạng ba thôi!
- Xứ mình biết bao chuyện hay, nào Tam Quốc, Thủy Hử, rồi Tây Du Ký lừng danh cả thế giới, bây giờ chú đi so đo với người ta cả cái chuyện hạng ba, như vậy chẳng thiếu bao dung lắm ru?
- Không! Thưa đại ca, chúng ta không thể chơi trò tình cảm ủy mị, nhầm lẫn giữa bao dung và công lý!
- Thưa, đúng đấy đại ca nói hộ em một tiếng, ngay cả khi kết thúc tập “Truyện Sa” em đã viết rằng:
"Lời vui nhặt nhạnh gần xa
Sao đi chép lại là ta đem về"
- Vậy, chú có nhận chép của chú nó không?
- Vâng! – Nguyễn Di gãi tai. – Nhưng em có pha chế lại!
Bạch tài Tâm thở dài thườn thượt, mặt chán chường quá đỗi.
- Liệu chú có cần một lời khuyên của tôi không?- Lỗ Văn thông cảm.
- Vâng! Em biết Lão Tử đã từng nói “kẻ tiểu nhân tiễn nhau bằng tiền bạc, người quân tử tiễn nhau bằng lời nói!” Có đại ca ở đây vượt biết bao đoạn đường cả không gian lẫn thời gian, xin chỉ giáo cho em một lời thì quí quá.
Lỗ Văn bảo:
- Người phương Tây có câu “bóng tối luôn luôn còn ở dưới chân đèn”, nếu chú muốn vạch vòi huỵch toẹt tất cả ra, thì chú Di, cũng như cái nền văn học ốm yếu chỉ có vài mẩu thơ sinh hoạt của chú ấy làm gì còn có một bản đồng ca kiêu hãnh nữa? Thôi ta cứ bỏ đó… bỏ qua đi…
- Bỏ qua là ù xọe hòa cả làng như cái thói nửa nạc nửa mỡ dai dẳng của người phương Đông chúng ta ư?
- Bỏ qua nhưng không phải ù xọe, mà để lại cho lương tâm của họ tự giác soi xét.
- Cám ơn, cám ơn đại ca! – Giọng xứ Bắc.
- Tạ ơn! Tạ ơn đại ca…
Paul Đức 02/09/2012
Comentários