top of page
Nguyen Hoang Duc

VĂN CHƯƠNG HAY HÀNH TRÌNH ĐAU KHỔ?

Đã cập nhật: 1 thg 6, 2023


Một tên gọi xứng đáng nhất giành cho văn học có lẽ là “hành trình đau khổ”. Điều đó không phải là văn học ưa thích nước mắt và đau khổ, hoặc thích than vãn, khóc lóc, vật vã, rồi đòi sám hối trước những họng súng muốn tự sát hay treo cổ… Nếu người đời nói “lửa thử vàng”, thì không có nghĩa là vàng cứ đòi chui vào lửa, mà là, vàng qua lửa để được tôi luyện, nung cháy để loại bỏ các tạp chất bu bám lấy vàng, để vàng được sáng choang, lóng lánh và rực rỡ. Nhà văn Nga Aleksey Nikolayevich Tolstoy đã viết cuốn tiểu thuyết “Con đường đau khổ” như mong muốn tổ quốc và nhân dân mình được tôi luyện qua lửa vượt qua để thành vàng tinh chế. Một nhà văn Nga khác Mikhail Aleksandrovich Sholokhov đã viết cuốn “Sông Đông êm đềm”, nhưng ở đó bên cạnh con sông chảy duyên dáng êm đềm với những cô gái trẻ trung xinh đẹp mang quần áo ra giặt cùng những người đàn ông dắt ngựa ra uống nước, những lời hò hẹn tình tự bình yên bên sông, là những cuộc đấu tranh điên đảo trong một nước Nga sôi sục làm cách mạng, với những lực lượng Bôn-sê-víc, rồi Men-sê-víc tranh luận và đấu với nhau bằng súng, những vó ngựa quần thảo nát cỏ và lúa mì trên thảo nguyên, những lời hát Nga buồn da diết muốn sưởi ấm những chiến binh trên trận địa đầy băng tuyết phủ, và những lời ca muốn vò nát những trái tim thiếu phụ đang chờ đợi trong cô quả và tuyệt vọng, những đàn ông ngã xuống, những đàn bà góa phụ…


Văn học muốn con người hạnh phúc! Nhưng không có nghĩa văn học đòi tấu nhạc để nhảy nhót với những cô gái trẻ đẹp, rượu vang rót tràn, thức ăn ê hề, và nhạc cuốn xô vào chân muốn chúng trở thành cánh tung bay lên trời. Muốn con người hạnh phúc thì văn học trước hết phải hành trình thì thầm và chia sẻ cùng những nỗi đau khổ của con người. Hãy thử nhìn xem, nếu văn học muốn bày ra một bữa tiệc tràn đầy rượu vang, thì trước hết nó phải đổ mồ hôi cùng những nông dân trên cánh đồng nho. Rồi mồ hôi cho bánh mì và chăn nuôi.


Một người đói sẽ rẽ vào tiệm ăn. Một người ốm sẽ tìm bệnh viện. Một người muốn cầu nguyện sẽ tìm đến nhà thờ. Một người thích nhạc sẽ tìm nhà hát. Một người thích tranh sẽ đến gallery. Nhưng một người muốn thủ thỉ tâm tình, muốn chia sẻ để được thông cảm và cứu rỗi, hơn nữa muốn chạy chữa tâm hồn mình, người đó cần đến ai? Dứt khoát người đó cần phải được văn học trợ giúp. Một quan tòa muốn buộc tội bị cáo chầy cối cần cái gì? Cần chứng cứ và văn học. Một luận sư muốn tranh biện cần gì? Cần văn học! Một nạn nhân muốn bày tỏ sự vô tội oan ức của mình cần cái gì? Cần văn học! Bởi thế mà triết gia thiên tài Aristote có nói: sứ mệnh lớn nhất của văn học là vẻ đẹp ở bên trong tâm hồn, vẻ đẹp bên trong ấy cao nhất là công lý. Tất cả từ người bị oan, đến luật sư hay phiên tòa, hoặc các văn bản của tòa đều là văn học cả. Triết gia Platon còn nói, thiên văn theo dõi các vì sao, đó là những thứ không thuộc con người. Chỉ có biện chứng pháp mới có thể luận bàn về tốt – xấu của con người, nghĩa là đạo đức. Đạo đức của con người không thể nghi ngờ là thứ cao nhất. Vậy thì biện chứng pháp của con người cũng là cao nhất! Biện chứng pháp nói dễ hiểu là: phương pháp để nói. Và phương pháp đó có 90% là bởi văn học.


Như vậy là quá rõ, văn học không hề đụng hàng bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, hơn thế nó là phương thuốc tinh thần công lý cứu chữa con người ngay từ bên trong. Và quả thực văn học đã làm được điều đó.


Trong tác phẩm kinh điển “Odyssey” thuộc thần thoại Hy Lạp. Chàng Odyssey phải rời bỏ quê hương có cô vợ hiền thục Pê-nê-lốp, cùng những đứa con nhỏ, để vượt biển chinh chiến thành Tơ-roa. Sau 9 năm ròng chiến đấu khổ sở nếm mật nằm gai, mất mát hy sinh, sau chiến cuộc, chàng trở về cùng các đồng đội trên con thuyền chiến. Nhưng rồi thần biển Poseidon đã dùng không biết bao cơn sóng khủng khiếp quất tơi tả vào chiến thuyền của chàng. Các đồng đội lần lượt ngã xuống. Odyssey không chỉ đau khổ, cô độc, mà còn thấy đời vô nghĩa và tuyệt vọng. Đúng lúc ấy, thần Poseidon hiện lên muốn thị uy và hỏi:

“Odyssey, ngươi đã biết sức mạnh của ta chưa?”

Chàng liền quát to “Ta căm thù ngươi, ngươi hành hạ ta vùi dập như thế để làm gì? Ngươi hãy làm ta chết đi!”

“Không! Ta không muốn để ngươi chết!” - Poseidon trả lời.

“Vậy ngươi muốn ở ta cái gì?” - Odyssey hỏi.

“Ta muốn ngươi Đau khổ!”

Tiếng sóng biển gầm rú như tan tành thành vô nghĩa, nó không còn làm cho Odyssey sợ hãi nữa. Chàng im lặng! Một sự im lặng như một phó thác cam go! Nó đầy sâu sắc như vực thẳm sẵn lòng uống lấy chiều sâu đáy vực. Đau khổ ở đây có nghĩa là gì? Nó chính là một huyền nhiệm đau khổ! Một người mẹ đau đớn sinh con, khi đứa con cất tiếng khóc chào đời là lúc người mẹ nở nụ cười trong khi thân xác vẫn chìm trong cơn đau đầy huyết tươi rói. Đó là huyền nhiệm đau khổ! Khi nhiệt độ tăng cao là lúc vàng lấp lánh cười trong phẩm chất cao nhất. Đó cũng là huyền nhiệm đau khổ! Một người đàn ông muốn có vinh quang thì không thể không trả giá! Đó cũng là huyền nhiệm đau khổ! Và Odyssey đã nhận ra huyền nhiệm đau khổ đó vào lúc tuyệt vọng nhất với lời thách thức của thần Poseidon.


Chết ư? Chết là hết chuyện! Còn sống ư? Làm sao muốn có hạnh phúc và vinh quang nếu không trải qua huyền nhiệm của đau khổ?! Một đứa trẻ vừa chào đời đã khóc vì cuộc đời mở màn đón nó bằng một lời chào mang nặng đẻ đau, và dù không biết nó vẫn phải tham gia vào hành trình của huyền nhiệm đau khổ. Vậy thì, ta một kẻ lão luyện trưởng thành chẳng lẽ có thể lủi trốn đau khổ?


Triết gia Nietzsche nói: văn học như cuộc trồng độc để chống lại đau khổ. Giống người ta tiêm chủng vi trùng vào người để chống lại vi khuẩn gây bệnh vậy. Văn học khi tuyên ngôn là con đường đau khổ là cách cùng hành trình với con người, giúp con người được sẻ chia, tâm tình, rồi gượng dậy để vượt qua những tuyệt vọng của cuộc đời. Nhưng vượt qua tuyệt vọng của cuộc đời bằng cách nào đây? Bằng tình yêu! Như Kinh Phúc Âm nói “Hãy yêu người khác như chính bản thân ta!”


Nhưng tình yêu chỉ có khi con người biết yêu công lý. Giống người Việt bảo “nói phải củ cải cũng nghe”. Trong nhà mà “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, thì đâu có thể có tình yêu?! Và ngôn ngữ là thành tố cao nhất của mọi dân tộc và văn hóa. Ngôn ngữ cũng là thành tố cao nhất của nhà văn cũng như văn học. Ngôn ngữ cũng là phương tiện cao nhất để con người đạt tới công lý. Vậy thì, văn chương sẽ là con đường biện chứng pháp của tình yêu và công lý dẫn con người đến một cuộc đời ít đau khổ hơn và sáng láng hạnh phúc hơn! Văn chương không phải là thứ sinh hoạt thù tạc vui vầy, đùa một chút, khổ một chút. Mà văn chương là hành trình đau khổ đòi chia sẻ gánh nặng của con người. Đó mới là văn chương được nhân loại đón đợi như một phương thuốc bên trong của tâm hồn!

NHD 22/9/2015


89 lượt xem1 bình luận

1 Comment


Linh VU
Linh VU
May 29, 2023

Vậy Lời Chúa cũng là hành trình đau khổ đòi chia sẻ gánh nặng của con người và được nhân loại đón nhận như một phương thuốc bên trong của tâm hồn. ?

Like
bottom of page