Sau khi đọc xong liền mạch trường ca Bóng Tượng Đài Ám Ảnh( BTĐAA) của tác Paul Nguyễn Hoàng Đức (NHĐ) với tư cách là một người đọc để thưởng thức nhưng có trách nhiệm nên tôi xin chia sẻ vài cảm nhận về trường ca độc đáo, hiếm hoi này như sau:
1. Trước tiên tôi thấy tựa đề "Bóng Tượng Đài Ám Ảnh" quá hay bởi nó khái quát và nếu nổi bật được cách trọn vẹn nội dung của tác phẩm. Khi đọc tựa của trường ca, người ta có thể đoán biết nó phải là một tác phẩm tầm cỡ đáng đọc bởi nó mang tính biểu tượng và cảm xúc rúng động cao. Nó có tính gợi mở ma mị và thu hút tính tò mò của người đọc. Ai cũng biết phía sau tượng đài là những câu chuyện anh hùng hoặc những biểu tượng cho tình yêu, tình người hãy cho các nền văn hóa hoặc nghệ thuật nhưng tại sao tác giả lại nói về cái "bóng " của tượng đài ấy? Tiếp tới hai từ "ám ảnh" chắc chắn gợi mở cho một cuộc xung đột tâm lý lớn xung quanh câu chuyện nên mới khiến người ta ám ảnh, day dứt và suy nghĩ nhiều. Khi đọc xong trường ca Bóng Tượng Đài Ám Ảnh " tôi thấy "Ám ảnh" ấy nó vượt qua tượng đài đi vào những câu chuyện phía sau. "Ám ảnh" ấy còn vượt xa những câu chuyện mù mờ phía sau bức tượng để đi tìm bản chất trung thực sáng rõ cho từng câu chuyện...
2. Trường ca BTĐAA của NHĐ viết về đề tài chiến tranh nhưng ông không tung hô, ca ngợi chiến tranh hay những hy sinh, mất mát cho cuộc chiến của những người lính, người học trò, người con gái, người dân cày, người tri thức, người công nhân, nông dân, .... như các tác giả khác mà ông khai thác đề tài này ở tầm vóc cao hơn tính tuyên truyền phe phái lý tưởng này kia, đao to búa lớn để tô vẽ đẹp đẽ cho chiến tranh, để viện cớ "bóp cò" giết hại nhau của các bên tham chiến mà ông khai thác ở tính công lý, tình đồng loại, quyền con người... Ông nhấn mạnh đến mục đích ngay lành của hành động thực tiễn liên quan tới cuộc chiến, liên quan tới đàm phán hòa bình, liên quan tới đời sống tinh thần... và cách hành xử giữa người với người đối với nhau. Cái hay ở chỗ, ông không tự mình áp đặt quan điểm cá nhân đúng sai, phải trái, chính nghĩa, phi nghĩa, cái được mất... sau một cuộc chiến vào tác phẩm của các phe mà chính các nhân vật của ông từng loại người, từng đối tượng... cứ tự mình đối thoại, độc thoại, kể lể, hành động, suy nghĩ, diễn biến tâm lý, lựa chọn... để biểu hiện tất cả những điều đó ra. Tạo ra được một hệ thống nhân vật cho trường ca không phải đơn giản bởi với sự phát triển trường ca ở VN nở rộ nhiều thập niên qua nhưng hầu hết các tác phẩm đều thiếu cốt truyện, nhân vật... chủ yếu các tác giả vẫn phải diễn đạt theo lối áp đặt chủ kiến trực tiếp của tác giả lên tác phẩm mà chưa thể độc lập, tự để tác phẩm lên tiếng vì thế thường làm mất đi tính khách quan, giá trị tự nhiên, giá trị tự thân của từng tấc phẩm ấy. Khiến các tác phẩm bị lên gân, hay mang dáng dấp của hô hào, tuyên truyền, áp đặt tư tưởng lên người đọc... bằng hình thức diễn ngôn. Các bạn có thể đọc trường ca BTĐAA, và các trường ca khác để so sánh về ý kiến này của tôi.
3. Tôi có cảm giác NHĐ viết trường ca tự nhiên như người ta thở. Bởi cách biểu đạt của ông tự do phóng khoáng không bị các khuôn khổ, ước lệ chi phối. Cách ông sử dụng cấu trúc chương, đoạn, câu rất chặt chẽ. Mỗi cách sử dụng ông đều hàm ý một nhấn mạnh diễn đạt tư tưởng khác nhau... có những đoạn thơ ông dùng hình thức xuống dòng bằng các câu dài, có chỗ chỉ dùng hai, ba thậm chí dùng một chữ... khiến người đọc bị đẩy theo nhịp điệu ông tạo ra theo cảm xúc và nội dung ông muốn truyền tải theo cách rất phong phú. Có thể nhiều người sẽ nghĩ viết trường ca như vậy thì dễ quá ai viết chẳng được, theo tôi đó là một cách nghĩ sai lầm. Bởi ngôn từ xét cho cùng cũng như màu sắc trong hội họa nếu chúng ta bôi một màu lên tờ giấy thì ai cũng kẻ được nhưng sắp xếp các màu sắc theo tổng thể, bố cục và ý tưởng thì lại là một vấn đề đòi hỏi chuyên môn. Đặc biệt, dùng cách đơn giản mà diễn đạt được nghệ thuật lại càng khó vô cùng. Nhưng với NHĐ thì lại có khả năng mô tả khái quát hoặc tỷ mỉ từng li từng tí những vấn đề ông muốn bằng vài hình ảnh, ngôn từ trong đoạn thơ của mình là đã phác họa được rõ ràng ý định của mình muốn diễn tả ra. Ví dụ khi ông muốn nói về việc con người không có một đời sống tinh thần tự do, hạnh phúc thì ông dùng hình ảnh "đám cưới tập thể"... Hay dùng cách đặt tên nhân vật để diễn tả ý tưởng .... Tất cả đều thể hiện ông có khả năng suy lý và truyền tải thông tin, tư tưởng rất cao. Khi cần nói về những đau khổ hay khao khát tình yêu lời thơ của ông cũng dạt dào sôi sục .....
4. Cuối cùng tôi phải thừa nhận, đọc sách BTĐAA của NHĐ muốn hiểu sâu sắc thì đòi người đọc phải có một vài tâm thế nhất định, cũng như kiến thức cơ bản về một số lĩnh vực như triết học, nghệ thuật, phê bình, lịch sử, văn học, văn hóa, âm nhạc... thì mới thấy được cái hay, cái đẹp, tầm giá trị của ông cống hiến... chính vì lẽ đó, tôi chỉ xin chia sẻ vài cảm nhận ở tầm mức cảm thụ cá nhân mà chưa dám viết những chia sẻ quy mô theo lối học thuật vì nó đòi hỏi, cần nhiều yếu tố hơn. Hy vọng sẽ có những người có thời gian, trí tuệ... để chia sẻ thêm những góc nhìn mới về học thuật để mọi người có điều kiện được hỗ trợ cảm thụ những tác phẩm của Paul Nguyễn Hoàng Đức.
5. Xin trích một đoạn trong trường ca BTDAN để mọi người thưởng thức. Trích đoạn tường ca BÓNG TƯỢNG ĐÀI ÁM ẢNH - Paul Nguyễn Hoàng Đức
"Thôi, chừng ấy câu hỏi của tôi xướng lên để khước từ chúng ta đến đây vì hoà bình cho dân tộc rõ ràng hơn là đến đây để tìm cách không bóp ngón tay vào cò súng bởi vì người bị bắn bên này hay bên kia là nhân dân của quê hương đã dai dẳng sống dở chết dở trong thùng thuốc súng chẳng bao giờ ngừng điểm hoả và việc điểm hoả liên tục đó nằm trong nhận thức chúng ta cả hai bên chẳng bao giờ ngừng đổ lỗi cho phía bên kia là hiếu chiến nay để an binh cho nhận thức tôi xin chúng ta hãy bỏ lại những vấn đề lý thuyết nào anh đúng tôi sai hay anh chính nghĩa còn tôi phi nghĩa mà tập trung vào điều kiện buông súng mong tìm kiếm một hoà bình vô điều kiện thì điều kiện duy nhất sẽ là làm sao để máu đồng bào không còn đổ nữa ... Thôi đi ! Viên phó đoàn phía Duy Nhân đứng dậy anh chớ có ru ngủ chúng tôi thứ luận điệu diễn biến hoà bình không phân biệt bên chính nghĩa và bên phi nghĩa ... Vậy chúng ta đến đây Nhóm họp để làm gì chẳng phải súng hai bên đã ngừng để chúng ta bước vào hoà giải ? nếu không làm vậy phải chăng cuộc hội đàm của chúng ta ở đây là vô nghĩa ?
Có thể các anh Và chúng tôi đến đây nói đúng hơn là tìm kiếm sự giàn hoà im tiếng súng mà không đúng hoà bình bởi lẽ thế giới chỉ đích thực hoà bình khi giai cấp vô sản khải hoàn chiến thắng đè bẹp ý chí quân thù bằng sức mạnh mở màn khởi xây thế giới đại đồng cùng đồng đội những người chiến thắng đã diệt xong tên đế quốc cuối cùng và những kẻ đang tâm làm tay sai cho chúng
Chúa ơi bất lực làm sao ! Duy Nghĩa giơ tay Ngán ngẩm Các ngài Không lúc nào ngừng chứng tỏ sức mạnh bách chiến và bách thắng của mình như ta đây là dũng binh can trường chẳng chịu nhún mình cho dù chốc lát Nhưng các ngài Quên chứng tỏ một điều hệ trọng đó là một người mang nhận thức thì chẳng bao giờ tốn công thực thi những việc làm vô ích vậy chúng ta tới đây thành công của mỗi bên được đo từ sứ mệnh làm sao chứng tỏ cơn tăng nhiệt của tâm hồn hiếu chiến ở giữa chiến trường đang dịu lắng dần trong tim chúng ta những người khao khát bình an cho quân đội chúng ta dù là hai phía và nhân dân chúng ta chỉ là một giống nòi nếu không như vậy tôi xin hỏi các anh chẳng lẽ cuộc hoà đàm của chúng ta không mang chức năng hay nếu có chỉ là hình thức ?"
6. Nhân đây sắp tới sinh nhật của tác giả Paul Nguyễn Hoàng Đức ngày 25/04, xin chúc tác giả luôn bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và dồi dào ơn sáng tạo trong tương lai!
SG 23/04/2023.
Comments