top of page
  • Nguyen Hoang Duc

VUI VUI NGHĨ NOBEL VÀ MẶC CẢM NHỮNG ANH LÙN VỚI BÓNG BAY ?!

Tôi viết bài này trong tâm thế nghĩ miên man như sinh hoạt nhưng có lẽ cũng là cách chúng ta sống cùng và với bên cạnh giải Nobel, chứ không có ý định khen chê cái gì?!

Nữ thi sĩ Ba Lan Szymborska với khoảng 200 bài thơ ngắn được giải Nobel. Sau đó cuộc đời của bà có những biến cố gì khác đi? Tất nhiên bà đã được thừa nhận, gặt hái vinh quang của giải Nobel, “hàng” đã có xuất xứ, đẳng cấp đã lên đai đẳng trên tầm cả triệu triệu nhà thơ khác. Nhưng sinh hoạt của bà có khác đi không? Tình trạng trước Nobel của bà, như bà tả, có hơn chục người vào nghe bà đọc thơ, thì hầu hết lỡ độ đường hay vào trú mưa… chỉ có lèo tèo vài mống nào đó nuốt câu vần một chiều đang êm ả như món rau (không phải thịt nướng) trôi xuống miệng. Chắc chắn tình trạng trước và sau Nobel của bà không thay đổi, nếu có thay chỉ vài phần trăm.


Nhưng mỗi tuần tại châu Âu sôi động vì hảng ngàn cuộc đấu bóng đá tiếng reo hò dậy đất, cờ quạt tung bay, những làn sóng người nhảy múa vì xem và cổ vũ bóng đá. Tại sao? Vì đó là môn thể thao đấu đối kháng! Hãy soi chiếu lại, môn đá cầu vòng quanh chỉ điệu đà ban cho nhau ở Á Đông chỉ có lèo tèo vài người qua đường đứng lại xem, điếu thuốc cháy dở họ đã rời đi vì chẳng thấy gì gay cấn.


Đối kháng còn có thể gọi là nội dung chính của KỊCH TÍNH. Đại văn hào Leo Tolstoi với những tác phẩm văn chương bất hủ như “Chiến tranh và hoà bình” hay “Anna Karerina”… Dù là đại văn hào nhưng Tolstoi rất mặc cảm và thèm khát rằng: ông không thành công về kịch như các tác gỉa Nga khác. Ông viết: Thơ văn chỉ là hội hoạ nhẹ nhàng quệt màu lên toan, nhưng Kịch là điêu khắc với những con người hành động thật trên sân khấu! Chúng ta hãy nhớ các sử thi bao gồm cả ba thứ liền một lúc: Thơ – Văn xuôi – Kịch. Tôi thấy Tolstoi chẳng cần gì phải màng đến Nobel cả, mà ông chỉ cần viết được một vở kịch hay.


Hãy giả sử, một người được giải Nobel thơ, thi thoảng đọc lèo tèo, so với một vở kịch chẳng có giải gì cả nhưng mỗi đêm nó nuốt chửng ngàn khán giả đến sân khấu và nhả ra ngần ấy những con người mang thể trạng trọng đại kéo dài năm này qua năm khác, thì cái gì đáng ao ước hơn? Giải thưởng nói chung là giành cho bé con như phiếu bé ngoan, giấy khen cho học trò, và những người thấp bé cần khích lệ. Nếu có một ông chủ nghĩ ra giải thưởng, ông không bao giờ thèm phấn đấu lấy giải thưởng đó?!


Các triết gia Hy Lạp nói rằng: khi là sắt người ta muốn là đồng, là đồng thì muốn là bạc, là bạc muốn là vàng. Chỉ khi là kim cương người ta chẳng ao ước thành gì nữa cả.

Những thuỷ thủ trên chuyến tầu lớn cập cảng quê hương, họ chẳng mong đợi gì ở quê hương cả, chỉ có khao khát nhớ nhung vợ con, họ không mảy may nghi ngờ mảnh đất bất động của quê hương sẽ chẳng cho họ cái gì lớn hơn tiền của họ mang về từ chuyến đi xa, trừ tình cảm thoả khát nhớ nhung. Giống như Columbus từ châu Mỹ trở về. Chàng không mong đợi món quà gì của vợ cả. Nửa đêm, chàng mở tung cửa ra và hét to “Dậy đi em! Hãy bật sâm banh! Để mừng anh đã tìm ra châu Mỹ!” Chàng tự biết mình đang là món quà lớn nhất để trao tặng mọi người. Và không ai cả có gì để tặng nhiều hơn món quà của chàng???!!!


Trung Quốc có nàng Đỗ Thập Nương danh tiếng như một nữ hoàng văn hoá. Nàng được Lã Giả chuộc khỏi quán cô đầu. Nàng đẹp nghiêng nước nghiêng thành, giọng hát nghiêng ngả nhiều tỉnh thành…. Đường về nhà tân lang, khi con thuyền đến khúc sông lạnh lẽo tuyết rơi mờ mịt, sáng ra, tân lang bảo “nàng hãy hát đi!” Nàng đứng mũi thuyền, nhìn sông nước mây trời, trào dâng niềm hạnh phúc của gái làng chơi nay thành tân nương, nàng cất tiếng hát như sinh mệnh của mình, một niềm đam mê chất ngất khao khát thánh thiện và hạnh phúc đến vô bờ… Và định mệnh của nàng đã đến, một phú hộ chèo thuyền qua, thấy nàng đẹp hát hay, hắn liền ngỏ lời mua nàng với vài trăm lạng bạc. Lã Giả đồng ý ngay, vì y sợ về nhà đã tiêu hết tiền của bố mẹ, học hành dang dở lại cưới vợ về… thế là hắn bán nàng. Buổi chiều khi hắn dẫn gã phú hộ về để trao nàng… Trời ơi, nàng sụp đổ như bầu trời sụp không còn chỗ cho nàng sống nữa! Nàng mang theo mấy cái rương, cái thì đựng nghìn lạng bạc, cái ngàn lạng vàng, cái ngàn viên ngọc bích… những thứ nàng kiếm được trong nhiều năm hát và tiếp khách… Nàng mở rương, vứt hết xuống dòng sông lạnh giá, rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Than ôi, nàng đâu còn thấy mảnh đất hay mảnh lòng nào làm chỗ dung thân cho cuộc sống của nàng. Nghệ thuật là như vậy! Khi Đỗ Thập Nương đứng mũi thuyền trên dòng sông lạnh, tuyết giăng trắng xoá, nàng đã cất tiếng hát để giao hoà với càn khôn. Để rồi lời hát của nàng đã phải trả cả một định mệnh tàn gan cắt ruột!


Giờ chúng ta thử hình dung có một anh quê mùa rút chiếc sáo ở cạp quần ra thổi một khúc nào đó. Mới được vài câu, ông chủ tịch phường bảo “cậu thổi hay lắm để tôi sẽ tặng giấy khen cho cậu”. Thế là chàng nhà quê xoắn xuýt “Thật không… thật không… sao em lại hân hạnh thế này…”


Những người thấp kém thì thường ngửa cổ khát giải thưởng để cải thiện thân phận mình. Còn những ai đã đạt đến công trạng và phẩm chất kim cương đâu có thể dễ dàng hà hít ánh sáng đèn dầu?!

Paul Đức 19/10/2022


Tranh của ISAAC LEVITAN

1 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page