(Bài viết muốn chỉ chính xác và đối thoại về sự kém cỏi của hầu hết trí thức Việt)
Người Việt nói “Một người lo bằng một kho người làm.”. Cũng còn có câu “Quốc gia hưng vong sĩ phu hữu trách.”… Như vậy có nghĩa là; một quốc gia giầu mạnh hay yếu hèn phụ thuộc phần lớn vào tầng lớp trí thức, giống như ông cha đã đề cao “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.”
Nhưng thử hỏi trí thức Việt Nam đang ở mức nào? Rõ ràng nước ta đang nghèo nàn, lạc hậu, thua nhiều nước trong khu vực hàng trăm lần, xếp áp đội sổ thế giới 124/125, thì chứng tỏ trí thức ta còn thiểu năng và dốt nát lắm?! Ngay cả việc giờ đây chúng ta mở ra rất nhiều trường đại học, con em các tầng lớp công nhân, nông dân vào đại học rất nhiều. Nhưng theo số liệu và nhận định của nhiều chuyên gia, trong khi đại học ở Việt Nam là niềm tự hào, thì ở các nước đó chỉ là giáo dục phổ biến đại trà. Rồi các sinh viên của ta (kể cả giáo sư, tiến sĩ) đã ra trường hầu hết vẫn chỉ mang tư duy học sinh cấp 4, tức cấp 3 kéo dài, mà không phải tư duy đại học. Ngay cả những người du học, hầu hết đi chỉ lo đánh quả kinh tế, để rồi có những "ranh ngôn" như; “giầu đi Đức, có sức đi Nga, ba hoa (?) đi Tiệp”, “một con bò dẫn qua biên giới nước Nga, khi về thành tiến sĩ”, “tiến sĩ giấy”, “tiến sĩ đông như lợn con”, hay “gà sống thiến sót”… Rất ít người được như giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nhận giải Fields về Toán học, về nước có ngay bài tuyên ngôn chính trị theo tinh thần công dân tự do: không đi theo đường của những con cừu. Tại sao giáo sư họ Ngô lại làm được việc quá hiếm trí thức Việt làm được? Vì ông không chỉ học Toán, mà như triết gia Aristote nói “Học gì thì học, thời gian học chữ là nhiều nhất!”. Tiếng Pháp rất khó và chuẩn mực, nó lần theo tinh thần của tiếng Latin, các động từ được chia, cũng như giờ phân tích cú pháp rất chuẩn mực, nên người học đã lũy tích được văn hóa cho mình.
Cái yếu kém, tôi xin được nói thẳng, cái dốt của phần lớn trí thức Việt Nam là gì? Đó chính là ngôn ngữ! Các triết gia tuyên bố: Tư duy là ngôn ngữ! Và ngôn ngữ là tư duy! Triết gia Platon còn xác tín bất khả nghi ngờ; trong não chỉ có ngôn ngữ để tư duy, mà chẳng có gì hết. Bởi vì khi người ta tư duy, người ta hỏi và trả lời đều bằng ngôn ngữ. Còn có danh ngôn “Ngôn ngữ là thế giới của mỗi người. Sự hạn chế ngôn ngữ của ai chính là sự hạn chế tầm vóc thế giới của người đó.”
Ở Việt Nam, theo rất nhiều đánh giá; thì từ giáo sư, tiến sĩ, đến học trò và các cán bộ, ý kiến cá nhân cực kỳ ít. Chúng ta cũng nên hiểu rằng; có rất nhiều người ba hoa bốc phet, tràng giang đại hải, anh ta nói nhiều vì chẳng hiểu gì chứ không phải nhiều trí tuệ, càng nói anh ta càng thiếu tự tin vào mình, nên nói bao vây để trúng đâu thì trúng… Có một giảng viên khi được hỏi “anh dạy môn gì?” Anh ta liền đáp “Tôi dạy tầm hai chục (?) môn.” Một cô gái ngồi bên cạnh liền nói nhỏ vào tai tôi “như vậy anh ta không có chuyên môn!”
Hôm nay, tôi chỉ nhắm vào đúng một điều: đa phần trí thức của chúng ta dốt nát, kém cỏi vì ngôn ngữ quá yếu kém! Người Việt đã xác định rõ ràng: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết.” Như vậy, ngôn ngữ đã chứng tỏ trí khôn của người ta từ bên trong tư duy ra bên ngoài. Rồi “miệng kẻ sang có gang có thép/đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm” muốn biểu thị: người ăn nói đàng hoàng, đĩnh đạc thì mạnh như gang thép, còn kẻ ăn nói ú ớ chỉ là thứ miệng xấu xí. Và “nói phải củ cải cũng nghe” biểu thị ngôn ngữ có tính chân thật thì mang sức mạnh lấn át của chân lý!
Ngôn ngữ là gì? Tiếng Latin là lời nói, trong đó nó bao hàm cả logos – cũng bao hàm luôn cả logic, mà từ đó được thế giới gọi tên chính thức là “Biện chứng pháp” (Dialectic). Dễ hiều hơn có nghĩa là: lời nói phải thông suốt, phải “danh chính thì ngôn mới thuận” và “danh bất chính thì ngôn bất thuận”, “nói có sách mách có chứng” thì mới khiến người khác “tâm phục khẩu phuc”. Có thể coi mấy dòng này là nguyên tắc căn bản cho biện chứng pháp.
Nhưng tại sao đối với người Việt và Á Đông, ăn nói rõ ràng để người khác tâm phục khẩu phục lại khó như vậy? Con người dù có học bao nhiêu, dù thiên kinh vạn quyển nhưng nếu không có ý thức thì coi như vô ích, như triết gia Kant nói “Học mà không phán xét chỉ là vô ích”. Còn các cụ nhà ta nói: “Học không biết làm thì đổ cơm cho chó.”
Muốn có ích ư? Vạn vật đều phải có chức năng của nó. Con chó muốn đánh hơi giỏi thì phải dùng mũi, con cú nhìn xa trong bóng tối thì phải dùng mắt, con dơi mắt nhắm tịt và vẫn bay chính xác thì tai phải thính… muốn chặt thịt phải có dao, muốn cắt may phải có kéo, muốn chọc thủng phải có dùi, nước sôi thì pha trà, nước đông lạnh thì mát hay bảo quản thức ăn, còn nước chẳng ra nóng ra lạnh lờ mờ như sương, người Việt gọi là “dở hơi”, không ra hơi – không ra nước…
Nhưng người Việt ăn nói nước đôi, nước ba nên lúc nào cũng ù ù cạc cạc, xoay như bi ve hay đèn cù, muốn chọc thì không phải dùi, muốn cắt thì không phải kéo, lúc nào cũng nôm na thành mách qué, rồi dở ông dở thằng… vì dở dang vô tích sự nên lúc nào cũng chém gió phành phạch , ba hoa xít tốc, dây cà lê thê ra dây muống…
Văn hào Pháp Albert Camus nói: “Không có sự sắp đặt thì tòa lâu đài chỉ là đống đá”. Sự sắp đặt là gì? Là ý tưởng, là bản vẽ, là thiết kế… nhưng không phải là nguyên liệu. Người Việt có thể sản xuất được các loại vật liệu như vôi, gạch, đá… nhưng cực kỳ hiếm những nhà thiết kế, bởi vì chúng ta rất thiếu vắng ý tưởng thiết kế phi vật liệu –là kiến trúc của ý thức siêu hình.
Với tất cả các hiểu biết cũng như nhận thức của nhân loại, thì ngôn ngữ và biện chứng pháp chính là mạch vữa siêu hình của khoa học để kiến tạo nên các lâu đài và mọi công trình. Nhưng với người Việt lúc nào cũng nhăm nhăm phương châm “người khôn ăn nói nửa chừng/ để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo” mà cả nghìn năm chỉ làm được nhà một gian hai chái, ba gian hai chái kéo dài ra.
Tóm lại, khi chúng ta ăn nói không chính trực, thì cái khôn ngoan tồn tại nước đôi, vừa muốn xông ra đời để kiếm vinh quang, vừa muốn rúc sâu xuống hầm để được an toàn, thì chỉ là thứ khôn rình mồi vặt vãnh, mà không bao giờ là trí khôn trí tuệ sáng láng của những kiến trúc sư. Và như vậy dù chúng ta có nhiều nguyên liệu cũng chỉ là đầu sai mà thôi, vì đầu chúng ta đâu có ý thức nhất quán để kiến tạo, cũng như ngôn ngữ của chúng ta không đủ nhất quán để làm ông chủ ra mệnh lệnh?!
Tôi dùng hiều biết cũng như trải nghiệm của mình để chỉ ra cái thiểu năng dạng kẻ dưới của người mình, mong các bạn soi vào đó để chỉnh sửa, còn nếu ai bỏ qua, hoặc cố tình bỏ qua để lo sĩ diện, thì mãi mãi không thể khôn trí tuệ được, bởi lẽ các bạn đâu có nhắm ý thức để nâng cao trí tuệ, mà chỉ cố chấp vào ba thứ khôn ranh vụn vặt truyền thống để bảo toàn lấy bản thân cục bộ ích kỷ của mình?!
Paul Đức 16/3/2019
Comments