top of page
Nguyen Hoang Duc

TÌNH YÊU & ĐÀN BÀ CỦA CÁC CÂY BÚT


Người cầm bút hiển nhiên là ở đẳng cấp cao nhất. Cầm bút tức là người có học, mà có phương ngôn “càng học càng có sức mạnh!” Ở Á Đông, trong nhà còn có hoành phi, câu đối dù chỉ có dăm bảy chữ lèo tèo, nhưng đó cũng là biểu tượng cho ngôi nhà quí chữ và đáng tôn trọng. Còn trong các cung đình của vua chúa Trung Hoa, sau ngai vua ngồi thường có một bảng chữ to để trưng chữ nghĩa bổ sung cho quyền lực…


Triết gia Platon nói “Khi suy tưởng tôi sống cuộc đời của những thần thánh!” Rồi ông nói tiếp: “Ngôn ngữ chính là tư tưởng!” Vậy thì người viết chữ, cao hơn là viết sách, lại chẳng cao quí nhất sao?! Điều này đã được các dân tộc Ả Rập khẳng định trong một danh ngôn tột đỉnh: “Mực của học giả còn hơn máu kẻ tử đạo!” Vậy tôi xin được bàn về tình yêu cũng như người tình của những tác giả lớn, được coi như giới đặc biệt.


Hình ảnh tôi nhớ nhất là vợ của thi nhân, nhà văn Edgar Allan Poe. Ông là người lao động chính kiếm sống cho gia đình (ở phương Tây trước thế kỷ 20, việc đó là thường). Ông viết văn xuyên đêm. Bà vợ, luôn ngồi trên chiếc ghế kê khá vuông góc với bàn viết của ông. Chắc bà nghĩ, khi ông phải viết để kiếm ăn, bà nên chia sẻ bằng cách thức cùng ông. Đây thật sự là một hình mẫu và cách nghĩ hiếm có.


Người đàn bà thứ hai, là cô vợ thứ hai của nhà văn Áo Stefan Zweig. Ông chịu áp lực lớn của thành công và nổi danh quá sớm. Ông phải tha hương bứt gốc khỏi mảnh đất sáng tạo của mình. Sức ép tâm lý ngày càng tăng, sau ít năm, ông chán sống, có ý định tự tử, và vợ ông đã tự giác tự tử cùng ông. Yêu như thế quả là hiếm có, bà đã là một nửa của ông cho đến hơi thở cuối cùng.

Còn những hình ảnh đối lập khác về tình yêu, hoặc người đàn bà bị “chôn vùi” theo định mệnh của người cầm bút. Danh hoạ Picasso, ông chết già để lại người tình thua mình dăm chục tuổi. Ông cũng để lại cho bà cả một núi tranh quí khổng lồ… Nhưng chỉ hơn năm sau, bà tự vẫn chết theo ông, vì nghĩ rằng: không có ông, cuộc đời vô vị, nhạt nhẽo quá, chẳng cách gì sống nổi?!

Người tiếp theo, là cô gái mới lớn, người được thi hào Goethe cầu hôn, lý do vì tuổi của ông hơn nàng đến gần bảy chục (?) Cha mẹ cô nói: “Chúng tôi không từ chối ông, nhưng xin hoãn lại một năm để ông suy nghĩ xem có bồng bột quá không?” Lời cầu hôn của Goethe lúc đó mang uy lực của một hoàng đế văn hoá. Sau một năm, chính ông xin rút lại lời cầu hôn. Còn nàng, nàng đã tình nguyện sống cô quả suốt đời, không bao giờ lấy chồng cả. Nàng đã trở thành hạt men mang bản thể cầu hôn của ông, đến mức đã thành bụi sắt bị cuốn hút xoay quanh cục nam châm mang tên ông.

Còn một hình ảnh khác cũng mang sức mạnh của tình yêu, đó là bà Tống Khánh Linh, vợ của lãnh tụ Tôn Trung Sơn. Giữa đêm, bà sách túi đi theo một nguời đàn ông đã có vợ và con, bỏ mặc tất cả mọi người phản đối.

Một vĩ nhân chữ, người cha của văn học hiện đại Trung Hoa là Lỗ Tấn, con một đại điền chủ giầu nứt đố đổ vách, dầm dề trong một xã hội đa thê nổi tiếng “năm thê, bảy thiếp, chín nàng hầu” nhưng lại như gốc cây khô héo giữa cánh rừng ái dục rập rạm, vì cha mẹ cưới cho cô vợ xấu đến mức, ông sợ phải nhìn thấy để khỏi bị chột dạ. Người Hoa có câu “Nữ nhi trường tình, anh hùng đoản khí” (tình đàn bà dài, thì khí anh hùng ngắn). Có phải vì không bị sa vào sắc giới, mà Lỗ Tấn thành tài không?

Ở Việt Nam, tôi không dám chắc, hình như có Phan Bội Châu khá giống với Tôn Trung Sơn.

Có chuyện thật hay và thú vị về một tác giả nữ chuyên viết về Á Đông (tôi không nhớ nổi tên). Giữa đêm tân hôn, cô tháo chạy khỏi buồng the, mà chưa hề trao sợi tình nào cho tân lang. Cô đến các vùng Á Đông, dù đồng bằng hay núi cao, đến chỗ nào cô cũng nói được tiếng bản địa, cứ như cô đã từng sống ở kiếp trước. Cô mặc cảm mình là kẻ ruồng rẫy tình yêu, ngày nào cô cũng viết thư gửi về cho tân lang chưa từng tháo y phục của vợ. Anh chồng là người mặc cảm bị bỏ rơi, nên mỗi lá thư của nàng như một xoa dịu đền bù cho trái tim tổn thương. Nên anh trân trọng gom chúng lại. Cuối cùng đôi uyên ương gặp nhau, cô nàng đã có được nhiều cuốn sách nghiên cứu Á Đông. Có phải hôn nhân của nàng chỉ là tương quan xui khiến có người giữ tài liệu cho nàng?!

Tôi nhớ một truyện ngắn của Mỹ. Người da đỏ dẫn đường cho đoàn người da trắng. Cuối chuyến đi anh ta nói: “Nhìn dân tộc các ông, thấy rõ ràng các ông là một dân tộc vĩ đại, vì trong đoàn có một người đàn bà theo các ông từ đầu chí cuối, vượt qua bao núi tuyết và sông băng, chẳng hề ca thán. Còn dân tộc của chúng tôi, chẳng người đàn bà nào ra khỏi nhà, cũng chẳng có đàn bà nào dám đi theo đàn ông lên dốc xuống đèo từ đầu chí cuối.

Cuối cùng tôi xin đọc mấy vần thơ của thi sĩ Alfred Musse về nỗi đau khổ huyền nhiệm:

Hãy đập đi nỗi đau của ta, ngươi chạy chữa làm gì Những kẻ bất hạnh thì còn nghe thấy điều chi Những hàng gạch lát đá tối đen mất máu dạo thẫn thờ Rót vào một ngày u buồn ảm đạm quá trời đêm Ôi Chúa công bình! Đã khóc một mình trong một đêm như vậy! Ôi tình yêu duy nhất của tôi! Ngươi có phải là điều Ta xây cất? Ngươi đã bỏ ta đi, có phải ngươi đã từng thề thốt Trong đêm thao thức? Rằng ngươi là cuộc đời ta, rằng trời cao chứng giám? Trời, em có biết chăng, người bạn tình lạnh lùng tàn nhẫn Băng qua niềm tủi hổ và bóng đêm này Tôi đến đó nhìn ngọn đèn yêu dấu của em Giống một vì sao giữa trời, nó đang run rẩy? Không em chẳng biết tí gì, tôi không thấy được bóng tối của em Tay em chẳng đưa ra mở lấy bức rèm Em chẳng thấy được trời cao tăm tối nhường nào Làm sao em thấy được tôi đang rơi xuống nấm mồ ghê sợ! (Nguyễn Hoàng Đức dịch theo The Poesies Alfred Musset)

Xin được kết thúc bài viết ở đây!

Paul Đức 29/4/2023

12 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page