top of page
  • Nguyen Hoang Duc

TÂM SỰ VỀ CHOPIN VÀ ĐẠI DƯƠNG CẦM

Đã cập nhật: 17 thg 11, 2022

Tối nay tôi muốn tâm tình với các bạn một cách hậu kiên nhẫn, kiên nhẫn như cây mọc từ hạt lên mầm rồi nhú lên mầu lá xanh đầu tiên… kiên nhẫn như những tổ hợp của âm thanh phức tạp bậc nhất âm nhạc với hai dòng chạy song đôi khóa pha cho tay trái, khóa son cho tay phải cho đến khi được nhuần nhuyễn ít nhiều… Và tối nay đúng là lúc mầu xanh đó đã nhú lên???

Các bạn thân mến! Khi người ta dùng chữ “tâm sự” tức là nói về mình, mà chỉ nói về mình mới là chân thực nhất! Nhưng khi nói về mình quá đà theo như những cán bộ làm chính trị sẽ là không tốt vì như thế lộ hết võ để đối thủ ăn gỏi gót chân Asin của mình. Nhưng tôi là một nghệ sĩ, tôi thích được thể hiện mình, và mong các bạn hãy bỏ qua tội “kiêu căng” của tôi, nhưng nếu bạn đọc tâm tình này thuần phác, thì như tôi muốn bạn sẽ nhận được kiến thức hay tâm cảm nào đấy.


Người châu Á, chỉ có vài chính trị gia chơi piano, chẳng hạn ở Việt Nam có đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đi xe con lúc hơn 20 tuổi, ở biệt thự hạng sang phố lớn Hà Nội lúc ba mươi tuổi, nhưng trên năm mười mới chạm đến dương cầm. Giới lãnh đạo Trung Hoa với dân số đông bằng ¼ thế giới, theo các nhà báo quốc tế chỉ có chủ tịch Giang Trạch Dân chơi piano. Nước Nga có một ông vừa là thủ tướng vừa là chủ tịch Putin cũng có nghịch ngợm mấy nốt dương cầm mang tính chất khoe mẽ marketing ấm ớ vài nốt tập tọe… Hiện thực này, có lẽ đã được triết gia tổ phụ Aristote đánh giá từ thời cổ đại: “Tất cả các nghề nghiệp chỉ là phương tiện kiếm sống kéo dài, chỉ có các kỹ năng sống như âm nhạc mới làm giầu đời sống văn hóa của con người”. Các dân tộc lạc hậu nói chung mới lo ăn, rất ít lo đến nâng cao kỹ năng sống?! Người thông minh hàng đầu Nhật Bản lần đầu sang châu Âu học, ông đã sụt sịt thừa nhận: “Tôi sang đây học kinh tế, tức là học làm giầu giá áo túi cơm, trong khi đó tôi thấy các nước khác họ sang học kiến trúc, hội họa, âm nhạc, triết học, mỹ học… cho đến bao giờ nước tôi mới đạt đến trình độ sang đây không còn chỉ lo học kinh tế mà được học các môn văn hóa khác?!”


Về nguyên tắc, như người Á Đông thường nói “sơn thủy hữu tình”, đỉnh núi như tư tưởng nhô lên, rất cần nước ở chân núi vuốt ve nó, để cho những ngọn lửa nham thạch từ nghìn năm được dịu mát phần nào. Hai nhà vật lý vĩ đại bậc nhất thế giới là Einsteins và Plank đều chơi nhạc cổ điển. Einsteins thì chơi violon và piano, còn Plank chơi piano. Plank chơi những bài khó như chuyên nghiệp. Cả hai giống nhau ở chỗ, tôi xem lịch thì hình như họ chỉ làm việc 2 giờ mỗi ngày, còn thì chơi đàn. Về điểm này hình như tôi cũng cố giống họ, tôi viết không ít từ lý luận, tiểu thuyết, kịch, phê bình đến thơ cũng chỉ ở mức 2 giờ mỗi ngày, còn thời gian còn lại ôm ấp cô Dương Cầm?!


Tôi đã từng vào Sài Gòn sau giải phóng 1975, một buổi khi đi bộ trên phố vắng, tôi nghe tiếng đàn piano, tôi dừng lại nghe, và cảm giác mình đang nghe trộm. Khi tôi mua được chiếc piano đầu tiên, có tên Lirika, có nghĩa tình yêu, có lẽ nó mang gốc Latin, “lyric” là trữ tình. Có lẽ cho đến lúc này, tôi vẫn là người đạt kỷ lục ở Hà Nội, khi là người đầu tiên đi xe đạp đến hiệu đàn để mua piano. Người tôi mời đi cùng là anh Lượng – gia đình dạy piano. Chiếc đàn về tới nhà, tôi mê mẩn ngắm nó, thi thoảng tôi lật nắp đàn lên như rình xem trộm công chúa đang tắm. Và tôi thấy bàn phím trắng – đen rõ rệt của cây đàn thật giống con đường chân lý. Và cây đàn piano là định nghĩa rõ ràng nhất: nghệ thuật là gì! Nếu nghệ thuật là Nhân tạo, thì 7 phím trắng của đàn là nốt tự nhiên, còn 5 phím đen là những nốt nhân tạo. Chúng định nghĩa: nghệ thuật là nhân tạo (Artificial).


Tôi tập nhạc Sô – panh (Chopin) tôi cảm thấy nó thiêng liêng và dường như không thể chán. Khi tôi gặp nghệ sĩ Khúc Thụy Du, người dạy đàn piano chuyên nghiệp, đã xác tín cho tôi thêm: nhạc Sô – panh như những tâm tình hàng ngày, tính logic hay giai điệu không quá mạnh hay không được ưu tiên, nên chơi như một khúc thủ thỉ thường xuyên mà không gây chán cũng như “đặc biệt”.


Đối diện nhà tôi, có ông bác sĩ đi Đức về, một lần ông bảo: Thế giới có 2 điều kỳ diệu, châu Âu có lúa mì, châu Á có gạo, chỉ ăn thấy no mà không thấy chán. Tôi cảm giác nhạc Sô – panh giống vậy, nó chân chất như cơm tẻ, nhưng không thấy chán.


Cách đây khoảng hơn hai tháng, tôi gặp cháu Nguyễn Tất Linh con anh Nguyễn Tất Thịnh và bạn Bảo Tín, cháu đã trân trọng tặng tôi bản nhạc Nocturne in C – sharp Minor ( Dạ khúc mẫu Đô thứ ), tôi đã tập bản nhạc này như tập yêu mối tình đầu. Mấy ngày đầu vì bận nhiều thứ chưa được vỡ bài, tôi như cảm thấy trái tim dậy thì của mình chưa được bóc lá thư tình gửi đến, bứt dứt, và ức chế không chịu nổi. Rồi tôi chìm đắm trong giai điệu của nó, hơn 2 tháng chỉ đánh mỗi một bài. Tôi nhớ lời mà Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nói với tôi “Người ta sợ người nào chỉ đọc một cuốn sách.” ( On a peur de l’homme d’un livre) - ở đó hàm ý những người chỉ đọc duy nhất cuốn Kinh Thánh. Và trong hai tháng chỉ chìm đắm trong một bài, tôi thâu hái một thứ đam mê gần như chuyên nghiệp. Tôi lại nhớ lời của triết gia Hegel “Không có đam mê, người ta không thể làm ra điều gì vĩ đại!” Và Nietzsche thì nói “Đam mê không làm nên thiên tài, chỉ có sự kéo dài của đam mê mới làm nên thiên tài!”


Tôi đặc biệt thích bản "Dạ khúc Đô thứ" của Sô- panh, đặc biệt hai lần đổ đèo, nó thực sự như một sự logic rất mạch lạc, tôi vốn là người yêu logic, nên tôi yêu nó không thể nào tả được. Và tôi cảm thấy, nó còn là một thứ hạt nhân cho rất nhiều bản Dạ khúc của Sô – panh?!


Tôi tập bản nhạc này trong cơ hội hân hoan tột đỉnh, khi trước đó tôi được mấy người bạn thân tặng chiếc Đại dương cầm (Piano Grand). Người đời nói “Y phục xứng kỳ đức”, với cây đàn này, tôi được lân la đến “mối tình đầu” ở cái tuổi trên thập lục này, chẳng sướng lắm ru?! Triết gia Aristotle nói “ Con người là một động vật biết dùng phương tiện”, còn gì vui hơn khi mình đang tập làm chủ một phương tiện biết nói sang trọng hàng đầu của hành tinh?!


Tôi viết bài này cũng với mong muốn ngày nào đó không xa, tôi khả dĩ thể hiện một nửa đêm âm nhạc Sô –panh ( une demie soire de la Chopin musique). Nhà văn Sương Nguyệt Minh dường như là người đầu tiên đưa đời sống âm nhạc của tôi vào văn bản, ở đó có nhiều hư cấu cũng như được làm đẹp. Ở bài này, vào đúng lúc có vẻ bản lề này, tôi cũng muốn bạch hóa với các bạn trình độ piano thật của tôi. Nó chỉ có thế thôi… nhiều ít cũng chừng đó thôi… mong các bạn cộng thêm cho tôi ít phần trăm gia giảm, bởi lẽ khi bị ống kính quay người ta mất đi một nửa tự nhiên và chất lượng. Và xin lưu ý hộ: tôi mãi mãi chỉ là một nghiệp dư về âm nhạc. Cám ơn các bạn!


Paul Đức 24/2/2020

2 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page