top of page
  • Nguyen Hoang Duc

TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN HUY THIỆP CÓ GIỠN ĐƯỢC GIÓ CUỘC ĐỜI ?!

Mới đây khi ngồi cùng mấy nhà văn, nhà thơ, chúng tôi lại xoay quanh bàn về tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT), trong đó trên trang FB của nhà văn Uông Triều còn đăng tải vài lần về giá trị của văn chương NHT. Một nhà văn xuýt xoa tài năng viết truyện ngắn của NHT là đỉnh cao. Còn có một dư luận chung cho rằng: dù rằng thế này hay thế nọ, lên dốc hay xuống đèo, thắm hay phai nhưng viết được như Nguyễn Huy Thiệp vang dội một thời mấy ai dám mơ?!


Trước đây, khi bàn về Nguyễn Huy Thiệp tôi hơi rụt rè vì sợ mang tiếng đố kỵ, nói chung tôi chỉ chính thức viết bài “Chân tướng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp” khi bị người ta thách đố. Giờ đây tôi không sợ bị coi là đố kỵ nữa, nhưng sợ bị cho rằng mình săm soi, ác tâm, mà muốn chọc ngoáy hay đạp đổ mâm cỗ danh vọng của người quá nổi tiếng. Nhân đây, cũng xin nói thật với nhà văn N H Thiệp cũng như mọi người rằng, ông Thiệp đã từng viết về văn thơ Việt là “bọn giặc già thơ phú lăng nhăng”, hay “chủ yếu là đám thất học”… mà đông đảo không giận mà vẫn ca tụng ông. Còn tôi, giờ đây có chứng lý và lý lẽ đàng hoàng, mong ông không mếch lòng giận dỗi?!


Trước hết, hãy nói về nền tảng bạn đọc của chúng ta là yếu bậc nhất thế giới, với số lượng bạn đọc theo số liệu nghĩa đen đầu sách và giờ đọc sách ít bậc nhất thế giới, bởi vì xã hội ta vẫn chủ yếu là tam nông. Một vị đầu ngành nghệ thuật đã từng du học trời Tây về bàn luận với tôi, ông bảo Nguyễn Huy Thiệp tài giỏi tuyệt vời trên Nam Cao nhiều. Vì sao? Vì Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng rầm rĩ lắm! Đấy một người có học như vậy, không hề đưa ra một sở cứ học thuật nào, mà lại căn cứ vào “nổi tiếng”, nói như ông ta, thì mấy cô ca sĩ hở nách hát với hàng vạn người tung hô ngoài trời sẽ tài năng hơn ngài Chopin phải khuất mình chui vào nhà hát biểu diễn có một rúm người nghe?! Một anh bạn khác, cũng giáo viên, gân cổ nói về NHT, tôi hỏi “anh là bạn đọc mỹ học, hay bạn đọc thường?” Anh ta trả lời luôn: “tôi là bạn đọc thường!” Trời ơi, người có học lại nhận mình là bạn đọc thường, nghĩa là chẳng có câu nào có tiêu chí học thuật, vậy thì im đi cho xong, chẳng phải người Việt đã dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!”


Không có bình luận nền tảng, thì chẳng tác giả nào có thể trụ vững được. Ngay cả GS Hoàng Ngọc Hiến, tưởng là người khen ngợi Nguyễn Huy Thiệp lắm, vậy mà lúc cuối đời, tôi đã đọc bài viết nghiêm túc của ông, ông bảo: ông chưa hề khen văn tài của NHT?! (Cho đến nay, bàn về văn chương của NHT có nghề và kỹ thuật hàng đầu vẫn là bài của tôi). Vậy thì vô số anh chị hai lúa- một thóc cứ áng chừng ào ào hội chứng đám đông khen ngợi kiểu xuýt xoa nổi tiếng có phải chẳng chóng thì chầy sẽ bị tan như bong bóng xà phòng?! Không cứ bạn đọc ít học quê mùa, ngay cả hầu hết các nhà văn của ta, như tác giả của “thằng Quyềng” nhiều lần xác định: văn học Việt Nam muốn thành công và nổi tiếng chỉ có thể viết về đề tài nông dân quê mùa. Ngay cả Nguyễn Huy Thiệp cũng không tránh khỏi điều này. Chúng ta hãy đọc các tác phẩm và chủ đề của ông: “Chuyện ông Móng”, “cún”, “Những người thợ xẻ”, “bài học nông thôn”… nói chung ông cũng như nhiều nhà văn Việt Nam khác không thể dựng nên được những nhân vật trí thức, người tiền phong, hay bi hùng kịch.


Tất cả phần trên, tôi vẫn thiên về giới thiệu hay đặt nền tảng. Giờ xin đi vào một vấn đề chính thôi: tác phẩm muốn vĩ đại thực sự nó phải đi được vào đời. Nhiều đạo diễn phim đã vồ vập tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp để quay. Vì cái gì? Chủ yếu là vì NHT rất nổi tiếng mà thôi. Chẳng hạn mới đây, đạo diễn Vương Đức đã gộp “Những người thợ xẻ” và 2 truyện ngắn khác của NHT để làm phim. Trước khi chiếu, đạo diễn Vương Đức còn trình bày trên tivi ý tưởng về bộ phim hết sức hoành tráng, đặc biệt đoạn phim hai thợ xẻ ngồi đối diện, người bên này cố tình cưa vào chân người bên kia… Đây chỉ là chi tiết chứ làm sao dựng lên nổi một khung giàn vĩ mô cho điện ảnh? Các đoàn kịch cũng vồ vập không kém, họ tưởng cứu vãn sự nhạt nhẽo và cảnh chùa bà đanh của rạp là bấu lấy một tác giả siêu nổi tiếng, họ dựng vở “Nhà Ô-sin” của NHT. Vở kịch lúc tổng duyệt tạo ra sự hào hứng tột đỉnh cho NHT, nhưng rồi nó lại rơi nhanh vào nơi không thấy sủi tăm. Tại sao nó thất bại? Vì chính Nguyễn Huy Thiệp đã gián tiếp thừa nhận, khi các diễn viên diễn hỏi NHT, “định hướng thế nào, để chúng tôi diễn?” Nhà văn trả lời: “Không có định hướng gì cả!”


Than ôi, nếu anh theo Đạo Phật, anh có thể sắc sắc không không. Làm nghệ thuật mà không có định hướng của lý trí là thất bại tuyệt đối. Lý trí ở đây sẽ đóng vai cấu trúc cho tác phẩm. Tức cả các con vật có xương sống mà không mang cấu hình lý trí thì không thể tồn tại…


Rút cục phải nói thật với nhau: bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp là văn tường thuật kiểu Tàu, tôn giáo mờ nhạt, triết học không thạo, âm nhạc ca khúc bình dân làm sao có thể dựng nên chủ đề lớn được. Thời gian mới có vài chục năm, mà những tiếng xuýt xoa của nông dân ít chữ, không có sở cứ nào cho giá trị như vàng phải có tuổi đã càng ngày càng tắt lịm. Thí dụ một chuyện nhỏ, truyện “Tướng về hưu” của NHT được coi là thành công nhất, vậy mà kết của truyện là ông tướng vác ba lô đi lên biên giới… đó là người không có tầm vóc tướng?! Ở những nhà văn có tầm chẳng hạn, ông tướng đó phải đến ban tham mưu đập bàn đập ghế đặt câu hỏi theo đúng chức năng làm tướng của mình như “tại sao lại rút như vậy, tại sao không bố trí cánh quân khác vào đây…” Ông tướng mà vác ba lô lên biên giới, trong kịch người ta bảo phải “đội mũ đi hia”, thì tướng lại hóa lính, thì có gì để bàn.


Và nói chung, trên thế giới, nông dân hay thợ xẻ dường như không thể biến thành nhân vật trung tâm của tác phẩm. Tại sao? Vì nhà quê có gì để nói, như người Việt bảo “Kể chuyện ông huyện về quê/ có hai hòn dái lê thê dọc đường…” Nhà quê thì chỉ có từng ấy chuyện và hết chuyện. Nước ta 80% nông nghiệp, chủ yếu là tam nông, bạn đọc nông dân, tác giả cũng nông dân, và sự nổi tiếng nếu không biết đến sự thẩm định học thuật của nó cũng chỉ là nổi tiếng theo mùa vụ thôi.

Paul Đức 24/9/2019



2 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page