Không có gì ú ớ, ù xoẹ như triết học, đặc biệt ở xứ người Việt gốc tre ta chủ yếu là tam nông, thì sự ù xoẹ này rất phổ biến đại trà. Một người khoe mình chơi đàn ư, anh ta gảy liền; một người khoe là nông gia chẳng ai quay đầu lại, vì mọi người nghĩ đó là nghề gia truyền bình thường dễ nhất; còn lại thợ tiện, thợ mộc, thợ gốm đều phải chứng tỏ mình mà không thể ù xoẹ… Nhưng nghịch lý thay triết học là môn khó nhất, thì người Việt ú ớ lại hay ù xoẹ nhất. Ù xoẹ vì tự ái, vì sợ mang tiếng dốt, thế là trình độ trường làng cũng gân cổ so đo, khoe mẽ về triết học. Thậm chí chỉ thuộc câu đầu lưỡi “chiết ra – chiết vào” cũng khoe mẽ nhảy vô tung hứng triết học.
Triết học là gì ư? Để định nghĩa được nó không dễ. Nhưng như triết gia Đức, Kant nói: “Thời gian và không gian là những đại lượng rất khó không ai hiểu được chúng, nhưng chúng ta đều dễ dàng biết chúng và sống với chúng”. Đúng vậy, chúng ta đều dễ dàng xem đồng hồ hay ước lượng được căn nhà của mình. Nhưng nếu phải trả lời định nghĩa thời gian, không gian là gì thì đến nhà bác học uyên bác cũng khó trả lời gãy gọn.
Hôm nay để tránh ù xoẹ, ăn gian, tôi xin lý giải triết học cách đơn giản nhất như bạn đeo chiếc đồng hồ để tính thời gian vật lý vậy.
- Triết học, tiếng gốc Latin là Philosophy. Gồm 2 chữ ghép lại: 1- Philo là tình yêu. 2- Sophy là sự thông thái. Gộp cả hai lại có nghĩa, triết học là: Tình yêu sự thông thái. - Ở đời có nhiều trí khôn, đó cũng là gốc của sự thông thái. Thuỷ thủ có nhiều cách buộc dây thừng, thuyền chài đoán đường cá đi, người thả diều biết làm cân cánh diều để bay lên, rồi vào rừng kiếm gỗ, xuống biển mò hải sâm… mọi thứ đều được tích luỹ kiến thức để trở thành sự thông thái. Nhưng thông thái triết học là thông thái bằng suy tư, cũng là bằng chữ nghĩa. Bởi ông tổ thứ hai của triết học Platon (sau Socrate) nói rằng: Ngôn ngữ là tư duy, bởi người ta tư duy, hỏi và trả lời trong óc, đều là ngôn ngữ.
- Trước triết học, ở Hy Lạp có rất nhiều môn khoa học, như hình học (Pythagoras), toán học, rồi các môn nghệ thuật, nhưng triết học ra đời muộn hơn cùng với ông tổ Socrate (khoảng 470/469-399 TCN).
- Triết học ra đời bằng một bước ngoặt của nhận thức, để có tên gọi riêng, cũng như nền móng sàn để chạy tất cả nhận thức của con người. Cụ thể: Trước đó, bác học Heraclitus và vài nhà thông thái cho rằng: vạn vật biến đổi không ngừng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhưng sau đó Socrate và nhiều nhà thông thái quan niệm rằng: Vạn vật còn lại nhân lõi của nó, như hạt cây ổi nở ra mầm ổi, hạt nhãn ra cây nhãn, hạt na ra cây na, trứng cá nở ra cá, trứng gà nở ra gà, trứng vịt nở ra vịt… cái nở ra giống của chúng, được gọi là BẢN THỂ. Trong triết học cũng gọi là Bản tính, hay Hữu thể luận – tức cái Là (cái có). Còn được Kant gọi là: Thực thể.
- Vậy thì triết học: đồng nghĩa với Bản thể học hay là Hữu thể luận. Đấy được xem như là Đối tượng, giống hoá học là các hoá chất, vật lý là nguyên lý của vật chất…
- Nhưng còn PHƯƠNG PHÁP. Triết gia Socrate được xem là ông tổ sản sinh môn triết học vì ông là người đầu tiên đưa ra phương pháp NHẬN THỨC LUẬN THUẦN KHIẾT – làm nền tảng cho tất cả nhận thức nguồn. Ông chủ trương: người ta không thể tư duy nếu không có nhận thức thuần khiết hay còn gọi thuần lý. Cụ thể:
- Nếu ta có ba con số 3, 4, 5. Số 4 lớn hơn 3 nhưng lại nhỏ hơn 5. Ta không thể nói số 4 vừa lớn vừa bé. Mở rộng: cái cây cao hơn mái nhà nhưng lại thấp hơn đỉnh núi… ta không thể nói: cái cây vừa cao vừa thấp. Bởi nước đôi như thế sẽ không thể tư duy. Mà từ đây ta sẽ nói: cái cây thấp vì nhân danh những gì thấp; còn đỉnh núi cao vì nhân danh những gì cao. Và con người là thước đo vạn vật, cao hay thấp lấy chuẩn con người.
- Ngay sau đó triết gia Aristote học trò của Platon, đã phát triển cái nhị nguyên của Socrate rằng: một là thấp, hai là cao, không có cái vừa thấp – vừa cao (để cho nhận thức minh định và vận hành) thành: một là A, hai là B, không có cái thứ ba vừa là A lại vừa là B. Và trong tư duy khoa học thì phải thực hiện phép loại tam hoặc còn gọi “khử tam”. Sau đó là phép Tam đoạn luận Diễn Dịch, ví dụ:
1- Mọi người đều phải chết (nhiều người được coi là đại tiền đề) 2– Socrate là người (gọi là trung đề) 3– Socrate cũng phải chết (gọi là tiểu đề)
Cho đến nay hầu hết các thành tựu lý thuyết được chứng minh thì phải đi qua phép thử của TAM ĐOẠN LUẬN diễn dịch này.
Cũng có một thứ tam đoạn luận khác trong tóan học để tiến hành suy diễn: A = B, B = C, suy ra A = C.
Người phương Tây rất coi trọng thực tại, coi đó là cơ sở của Chân Lý, cái mà đến Thiên Chúa cũng phải chấp nhận. Trong khoa học, người ta còn dùng phép Thực Chứng để chấp nhận và xác tín theo các giác quan. Khi ra toà có nhân chứng làm chứng thì bị cáo hết cãi, và bị luận tội liền.
Trái lại người Á Đông, ù xoẹ chẳng bao giờ dám chấp nhận hay xác tín điều gì, lại còn hay nói nước đôi, giở giăng – giở đèn, nên nhà bác học thiên tài Einstein khi đến Trung Quốc có nói: Á Đông không chấp nhận thực tại và phép logic hình thức nên ngu dốt! Triết gia Mỹ Dewey khi đến Trung Quốc cũng bảo: Trung Quốc không có siêu hình học và triết học, vì tư duy nước đôi, ngô không ra ngô, khoai không ra khoai.
Việt Nam cũng có nhiều người học, nhưng chủ yếu học để làm quan, chứ đâu có mấy người học vì kiến thức. Giờ loại trung dung Á Đông nước đôi vớ phải “biện chứng pháp A = Phi A” của Hegel, liền tưởng đó là đôi đũa thần ù xoẹ được mọi chuyện, đi đâu nói gì cũng làm một câu trưng diện “phải biện chứng chứ!” Biện chứng là gì? Biện là nói! Nói có sách mách có chứng là Biện chứng đấy. Ăn không nên đọi, nói không lên lời, lúc nào cũng mở laptop và điện thoại ra tra, thì Biện cái gì và vào chỗ nào?! Quả đúng như các cụ dạy “Dốt hay nói chữ”. Mà đâu có nói ra hồn, chỉ ú ớ chỉ vào màn hình, để thế giới hiện đại chỉ thẳng rằng: là những kẻ mù văn hoá mới! “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”, các cụ dạy rồi. Đừng có đeo dính một câu trưng diện trống rỗng vô nghĩa “phải biện chứng chứ!” Tại sao Á Đông thích nói nước đôi? Vì tư duy nô tài sợ hãi mở mồm là cãi, cãi trắng, cãi xoá, chân dẫm vào bờ ruộng ướt của người ta còn lè lè ra, nhưng cứ cãi “chân mình còn lấm bê bê/ lại còn cầm đuốc để rê chân người”. Vì thế thích nói nước đôi để tìm chỗ rút lui an toàn.
Có vài lời căn bản, xin các bạn chịu khó đọc sẽ hiếu cái căn gốc!
Paul Đức 28/3/2023
tượng triết gia Socrate (40-399 TCN) người Hy lạp cổ đại
Comments