top of page
  • Nguyen Hoang Duc

TIẾNG HÁT TRÊN MÔI HONGKONG VÀ SÚNG MÁY TRONG TÚI BẮC KINH

Đã cập nhật: 21 thg 5, 2023

Dân chủ là gì? Ít nhất là quí trọng con người. Cha sinh mẹ dưỡng, con người lớn lên khó bao nhiêu, vậy mà để kết thúc, kẻ ác chỉ cần xỉa một nhát dao, hay cho một viên đạn là xong. Hàng trăm ngàn sinh viên Hong Kong tràn ra đường phố, tay không, hoàn toàn tay không, hoặc chỉ có thứ vũ khí duy nhất là cái ô muốn che chắn vòi rồng hay hơi cay… chắc chắn là họ vô hại. Bởi vì họ là những con người trưởng thành trẻ nhất đang còn trong sáng nhất, nhưng lại có chữ nghĩa để mà không phải “nhân bất học bất tri lý” (người không học không hiểu lý)… Vì thế họ không thể làm cái gì xấu xa độc ác hay đe dọa đến bình an của người khác, đặc biệt khi họ xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật hay quảng trường đèn đuốc sáng trưng, thì không thể reo rắc cái gì xấu xa mờ ám.


Đối diện với lựu đạn cay, khí ga, bình xịt tiêu những tâm hồn trẻ trung cất tiếng hát. Những tiếng hát lan khắp quảng trường, rồi khắp thành phố, rồi khắp thế giới… thật cảm động! Nhưng tiếng hát đâu chỉ rung lồng ngực không gian tràn đi khắp thế giới mà nó còn rung động cả hệ thần kinh của lịch sử, vọng về hí trường La Mã, khi Hoàng đế Nê-rông lùa sư tử, mang thập giá, dùng đao gươm chém giết dân chúng khao khát cuộc sống thánh linh của Ki-tô giáo, thì tất cả những án tử hình treo trong gang tấc đã cất tiếng hát. Tiếng hát làm bật gốc con tim hiếu sát khát máu của Hoàng đế, khiến nó run rẩy đến rung lắc toàn thân. Những tiếng hát xuất hiện không hề theo lô-gic cơ bắp một chút nào cả!


Lô-gic cơ bắp là gì? Khi đem gươm đao chết chóc đến Hoàng đế Nê-rông tưởng sẽ được thưởng thức sự sợ hãi của dân chúng. Nào ngờ họ lại cất tiếng hát, hát như một bản hoan ca để chào mừng cho cuộc gieo hạt của mình, bởi vì chính Kinh Thánh nói “nếu hạt lúa không chết đi nó không thể lên mầm cho một vụ mùa mới”. Ngay lập tức Hoàng đế Nê-rông đã dự cảm được cái chết tức thì của mình! Hơn thế còn cảm thấy cái chết của nguyên lý sẽ còn kéo dài địa ngục cho cơ bắp bạo lực mãi mãi về sau. Một cuộc khải hoàn ca của tinh thần đã diễn ra, chính mảnh đất La Mã nơi chém giết tàn bạo các tín đồ Ki-tô giáo đã hóa một trung tâm tôn giáo lớn bậc nhất hành tinh, với các thiên tài như Rafael, Michelangelo, Leonard de Vinci… xây dựng, trang trí.


Tiếng hát đó giờ vọng lại Hong Kong. Tiếng hát đó chính là đại diện của tinh thần. Tinh thần Dân chủ, Tự do, Tiến bộ mà châu Á trong cả nghìn năm không có. Cái mà nhiều triết gia châu u gọi là “Phương thức sản xuất châu Á”, và “người châu Á không có lịch sử”. Tại sao? Vì châu Á chỉ có cha truyền con nối gia đình trị, đâu có bước từ bóng tối dưới gầm ghế phong kiến ra ánh sáng của Dân chủ.


Tiếng hát đêm 28/09/2014 cất lên ư? Liệu có chọi nổi dăm khẩu súng máy vài chiếc xe tăng lăn đến muốn xay thịt như đã từng có ở quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989? Chắc là những chiếc thanh quản dù có đông bao nhiêu cũng làm sao chống chọi xích xe tăng?!


Để so sánh, tôi xin đưa ra hình ảnh:

Một nghệ sĩ dương cầm đang chơi đàn. Một nhà độc tài bước tới hỏi:

- Để chơi được như thế này, anh mất bao nhiêu năm?

- Tôi mất hơn 20 năm!

- Anh có tin tôi chỉ cần 10 giây để chặt đứt hai bàn tay đó?

- Việc gì phải mất nhiều thời gian thế, tôi hoàn toàn tin sau 2 giây, ông thừa thời gian để nã cho tôi một phát đạn vào đầu, cả đời tôi còn mất, nói gì hai bàn tay?!


Câu chuyện nói lên tương quan giữa tinh thần và cơ bắp. Người Trung Quốc có câu “Học cái hay cả đời không đủ. Học cái xấu một ngày là thừa.” Vậy đấy, học cái hay làm người nhích từng ly một, như người Việt bảo “thua thầy một vạn không băng thua bạn một ly”.


Nhưng cái trí khôn của cơ bắp, đâu có phân biệt được việc có một đôi tay chơi đàn với việc kết thúc nó. Dân chủ là gì? Ít nhất là quí trọng con người. Cha sinh mẹ dưỡng, con người lớn lên khó bao nhiêu, vậy mà để kết thúc, kẻ ác chỉ cần xỉa một nhát dao, hay cho một viên đạn là xong.


Nhưng con dao kia làm sao có thể quí giá bằng một con người biết hát, biết yêu, biết rung động. Như người đời vẫn nói, một khối vàng ròng còn chẳng đổi được một con người có

sự sống, biết thở, biết yêu, nói gì con dao?! Vậy mà trái khoáy thay, các chế độ độc tài lại rất đắc chí về sức mạnh cơ bắp con dao của mình! Họ quây con người ta lại, xả cho vài băng đạn thế là xong!


Nhưng cái gì sẽ chiến thắng? Hãy nhìn kia, sau khi Nê-rông giết chết muôn người, chết đi để lại gì ngoài cái xác theo cân lạng? Và ở mảnh đất đó cái gì khải hoàn, thập giá treo cổ hay Tòa thánh đáng kính bậc nhất hành tinh?! Thi hào Tagore có một câu rất hay “Hắn coi vũ khí của hắn như thần thánh, nhưng khi vũ khí của hắn thắng thì chính hắn là kẻ bại.”


Người Trung Quốc có câu “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý đi không quá một bước chân”. Vì không có lý, người ta phải trưng ra sức mạnh cơ bắp “cường từ đoạt lý”. Tâm hồn nghèo nàn đến mức không có gì trong não trong tim, chỉ có thể mượn đến con dao hay khẩu súng để làm dáng thật nghèo nàn làm sao?! Và con dao sẽ chiến thắng bộ não tiến bộ ư? Bạn nên nhớ theo lý thuyết DNA (ADN), một sự sắp xếp của tế bào làm nên sự sống vi diệu hơn tỉ tỉ lần con dao. Một xã hội, hay một chế độ chấp nhận sự chiến thắng của con dao lên trên phẩm giá con người sẽ là sự hạ giá vô cùng của cơ bắp. Và sự hạ giá đó chỉ khiến một dân tộc ăn cắp vặt, đi làm con ở, vợ chui cho các dân tộc khác mà thôi!


NHĐ 01/10/2014




0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page