Theo BBC tiếng Việt, thì báo Nga đưa tin Đảng cộng sản Nga đã đồng ý để Tổng thống Putin đưa Thượng Đế vào hiến pháp (tôi định đưa tin cụ thể hơn nhưng bài bị xóa không lấy được tin). Đây thật là tin động trời, mà tôi gọi theo căn tính là “bật rễ”, đã bật rễ thì cây không sống được mà phải thay đổi hay trồng cây mới, bởi lẽ: đảng cộng sản Nga xưa nay vẫn được xem như theo chủ nghĩa duy vật (materialism), và vô thần (atheism), vậy mà giờ đây lại đưa Thượng Đế vào Hiến pháp thì thật kỳ lạ, đúng là “đổi trắng thay đen”?! Tại sao vậy? Nếu Thượng Đế không cần thiết thì làm sao một quốc gia lại phải đưa vào hiến pháp? Thực ra, Thượng Đế là đầu mối của mọi sự, mà không đưa Thượng Đế vào, mọi thứ đều không có khởi nguồn?! Nhưng chúng ta hãy mở to mắt quan sát, và nhìn kỹ đi, ngay cả những con tầu vũ trụ lên tận mặt trăng hay sao Hỏa, đâu cũng có thấy Thượng Đế mày ngang mũi dọc thế nào? Đúng thế! Nhưng chúng ta đâu cũng có nhìn thấy thời gian hay không gian diện mạo ra sao, nhưng chúng luôn tồn tại. Còn cái khởi đầu thuộc về Thượng Đế ư? Đó ít nhất là Lý Tưởng, mà thiếu lý tưởng con người sao ngưỡng vọng tới để làm những gì cao cả vĩ đại. Mà lý tưởng là gì? Theo gốc chữ Latin “Ideal” nó được mở rộng từ chữ Idea – tức Ý tưởng. Lý tưởng luôn luôn là ý tưởng để hướng đến, mà chưa bao giờ là hiện thực, bởi một khi ý tưởng trở thành hiện thực lập tức nó không còn là ý tưởng, cũng như lý tưởng nữa.
Việc quan niệm đến Thượng Đế như một khởi đầu của mọi sự, đã được nước Mỹ hùng cường, giầu mạnh và tiên tiến nhất thế giới quan niệm từ lâu, chính Tổng thống Donald Trump mới đây đã tuyên bố: Nước Mỹ hùng mạnh vì dân Mỹ tin tưởng vào Thiên Chúa! Trên đồng đô la của Mỹ trong nhiều thế kỷ đã ghi hàng chữ “In God we trust”- có nghĩa “Chúng ta tin cậy trong Chúa”. Vậy Chúa là gì? Trước hết giá trị của đồng tiền là gì? Giá trị của tiền là ý niệm, cao hay thấp đều do con người ý niệm cho nó, chứ nó không có trọng lượng như vàng, và để đảm bảo giá trị cho tiền, người ta còn phải dùng vàng làm bảo đảm. Và Chúa cũng là một ý niệm, nhưng là ý niệm tuyệt đối để người ta khởi nguồn mọi sự.
Nhân gian nói một câu không cãi được “Vật nhờ tâm mà thông, tâm nhờ vật mà hiện”. Một cây đàn là thân xác nếu không có bầu đàn để vang tiếng của âm thanh thì chỉ là cục gỗ vô tích sự! Một thân xác mà không có linh hồn cũng vậy, nó sẽ chết ngay tức thì chỉ còn là khúc thịt ôi! Mà linh hồn là gì? Nó lại là cái “không gì cả” giống như Thiên Chúa “không thấy gì cả”.
Người Mỹ ghi trên đồng tiền “Chúng ta tin cậy trong Chúa”, tin cậy là gì? Rồi chuẩn mực qui đổi của đồng tiền là gì, tất cả đều không phải là vật chất, giống hiến pháp của mỗi nước cũng chỉ là qui ước giữa người với người, mà không phải là vật chất, nhưng điều đó xác lập nên chuẩn mực đối xử giữa người với người. Mà những chuẩn mực đó đều khởi nguồn từ cái đẹp lý tưởng về sự thiện, và lý tưởng đó từ cội rễ và ánh sáng tối thượng của Thượng Đế mà đến.
Văn hào Dostoievski viết: “Nếu không có Chúa, người ta được phép làm mọi sự!” Không có Chúa, tức không có khởi nguồn và đích đến của lý tưởng, cũng như không có pháp luật mở màn như Mười điều răn của Thiên Chúa tặng cho tổ phụ Moise để nương theo, người ta dám làm bất kể cái gì không cần đạo đức?!
Khi người Việt đi xuất khẩu lao động ở I-rắc, Đại sứ quán Việt Nam tại đó có dặn:
“nếu người bản xứ hỏi có đạo không, các vị nhớ trả lời là có đạo, hoặc ít nhất cứ nhận mình là Đạo Phật… nếu không mọi người ở đây sẽ xa lánh, vì với họ vô đạo, đồng nghĩa với vô đạo đức, quân lưu manh, phường trộm cắp…”
Vô thần, rồi đập phá đền chùa trong quá khứ, tranh cướp ấn Đền Trần, rồi trộm cắp như rươi với tỷ lệ bằng nửa thế giới cộng lại (theo số liệu có ảnh, tại Nhật Bản có một nhúm người Việt sang mà gây ra 40% các vụ ăn cắp so với toàn nước Nhật và những người nước ngoài sống tại Nhật) đó là do vấn nạn vô thần, vô đạo quá đông của chúng ta. Ở Việt Nam tỉ lệ theo đạo chỉ chiếm hơn 10%.
Văn chương là giá trị nhân văn hàng đầu của mỗi quốc gia, các nước Âu Mỹ văn chương hay chủ yếu do chủ nghĩa nhân văn của tôn giáo và Ki-tô giáo, trong khi đó các cây bút Việt chủ yếu thơ phú nhạt nhẽo, vô mục đích, yếu ớt, ham vui sinh hoạt lèo tèo do vấn nạn vô thần.
Trong các thành phố lớn luôn luôn có 4 ngôi nhà đẹp nhất. Đó cũng là giá trị của thành phố: 1- tòa thị chính để hành pháp, 2- trường đại học để giáo dục, 3- nhà thờ để đức tin tôn giáo, 4- nhà hát để sinh hoạt nghệ thuật. Nhưng người Việt chủ yếu chỉ có tòa thị chính và chợ… rõ ràng chúng ta mới chỉ loanh quanh quyền lực và gía áo túi cơm. Hàn Quốc trong vài chục năm khi nhất quyết đưa quốc gia trở thành quốc đạo Ki-tô giáo, đã vọt lớn thành nước hùng cường trong tốp mười thế giới, đó là bài học của chúng ta.
Xin mọi người hãy quan tâm đến đời sống đức tin của mình, đó là đời sống của tinh thần liên kết với Thượng Đế là khởi nguồn của lý tưởng, chứ không phải đó là thứ vu vơ?! “Cờ vô phong” không thể kiêu hãnh bay trong gió. Và gió theo cách chúng ta nhìn không phải giá áo túi cơm đâu?!
Paul Đức 070/3/2020
Comments