top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.17. THẦY ĐIVOA VÀ KẺ NHẬP HỌC MÔN TRIẾT

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023


- Ngươi quanh quẩn trước cửa lớp học có gì đấy? – Thầy Đivoa cất tiếng hỏi một gã ăn mặc nhôm nhoam, cọc cạch và xộc xệch.

- Tôi muốn nhập học. – Gã đàn ông quá lục tuần trả lời lí nhí.

- Muốn sao không cất tiếng chào, rồi thưa gửi? Ngươi không biết người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ" à”?

- Câu ấy ai chẳng biết. Nhưng quê chúng tôi nói dzậy mà không phải dzậy. Chúng tôi sợ lỗ vốn ngay cả từng câu chào, nên thường đi đâu cũng ậm ừ, gật gật, ấm ớ…

- Thế ngươi muốn học gì?

- Tôi muốn học môn Triết học!

- Cũng được, nhưng ta phải kiểm tra khả năng suy lý của ngươi !

- Tôi thấy những người khác nhập học không phải qua kiểm tra, tại sao lại kiểm ta tôi?

- Ngươi có biết khi đi qua các cửa khẩu, tại sao người của xứ ngươi bị kiểm tra kỹ nhất không?

- Cái này thì… cái này…

- Tại sao ngươi ấp úng?

- Cái này…

- Ngươi ấp úng vì không dám thành thật. Để ta nói Ngươi hay, vì xứ Ngươi hay trộm cắp. Ở Nhật Bản kia kìa, họ thống kê người xứ ngươi ăn cắp 40% người Nhật và người ngoại quốc ở Nhật. Có nghĩa là dân tộc ngươi ăn căp suýt xoát bằng cả thế giới. Trông ngươi nhếch nhác thế kia, một câu hỏi bình thường không dám trả lời, thử hỏi làm sao ta tin vào khả năng của ngươi được.

- Nhưng tôi cùng quê với Chí Phèo, nhà triết học đầu tiên của xứ tôi.

- Chí Phèo có quốc tịch hay chứng minh thư không?

- Không!

- Thế thì tại sao ngươi lại nêu một người không có thật ra đây?

- Nhưng hắn là nhân vật của nhà văn Nam Cao.

- Thấy chưa, trí óc ngươi không hề phân biệt giữa con người thật và nhân vật. Đủ thấy khả năng của ngươi kém cỏi thế nào.

- Cái này thì… - Gã đàn ông gãi tai.

- Thôi được rồi, ta cứ coi như nhân vật Chí Phèo là con người thật. Vậy tại sao ngươi lại coi đó là nhà triết học của xứ ngươi?

- Vì nó lấy một cô vợ xấu nhất thế giới là Thị Nở!

- Ha Ha Ha… - Thầy Đivoa cười ngất. – Ta hiểu rồi, sao ngươi có thể nhầm lẫn tệ hại một cách cố tình đến thế. Thực ra là ngươi xiên xẹo thì đúng hơn. Mà trông cái tướng của ngươi cũng chỉ có thể xiên xẹo thôi.

- Tôi xiên xẹo ở chỗ nào?

- Có nhà triết học nói, hình như là Aristote thì phải “Đằng nào bạn cũng lấy vợ, thì cứ lấy đi. Lấy được vợ hiền thì bạn hạnh phúc, lấy được vợ tồi thì bạn thành nhà triết học.” Đây là ông muốn nói về hình ảnh của Socrate với vợ. “Hiền và tồi” là khái niệm về đạo đức sao ngươi cố tình bẻ xẹo đi là “xấu”.

- Vậy tôi có được nhận học không?

- Không!

- Tại sao?

- Vì trí não của ngươi xiên xẹo. Mà Triết học trước hết cần trung thực.

- Vậy tôi muốn học phê bình triết học có được không?

- Nếu ngươi nói đúng phê bình là gì, thì ta nhận ngay?

- Phê bình là nhổ vào mặt kẻ khác!

- Ngươi hãy đem cái bô dưới gậm bàn kia ra, thử nhổ vào đó.

- Tôi nhổ rồi!

- Có dễ không?

- Dạ quá dễ. Chẳng lẽ môn phê bình lại dễ thế?

- Ngươi hãy ra giữa sân kia, nhổ lên dây phơi!

- Tôi nhổ không được, nước bọt cứ rơi xuống mặt tôi.

- Đó là bài học cho ngươi đấy. Nhổ xuống thấp dễ lắm còn nhổ lên cao thì khó vô cùng. Đó là ta mới yêu cầu ngươi nhổ lên dây phơi, còn nhổ lên ngọn cây hay đỉnh núi, hoặc đám mây, ngươi có nhổ được không?

- Dạ, không!

- Ngươi làm nghề gì?

- Tôi là thợ vẽ.

- Ở châu Á họ coi thợ vẽ là gì?

- Nho, y. lý số, rồi mới đến cầm, kỳ, thi, họa.

- Họa đứng thứ mấy?

- Dạ, bét dĩ!

- Vậy nếu họa muốn nhổ Triết học thì nhổ cái gì?

- Dạ nhổ đám mây.

- Thôi ngươi về vẽ tiếp đi!

- Thầy không nhận tôi?

- Khả năng của ngươi thấp thế, lại còn xí xộ sao nhận được?!

- Nhưng tôi cứ muốn dính vào Triết học.

- Để làm gì?

- Để cho sang!

- Người có văn hóa thì phải biết đặt mình đúng chỗ. Ở đây ta chỉ có bếp ăn của triết gia, ngươi có làm đầu bếp không?

- Không!

- Tại sao?

- Vì nó không kiêu hãnh?

- Ngươi có biết tại sao dân tộc này nghèo đói, thấp hèn không?

- Ừ… Ứ… Ừ…

- Vì người ta không dám nhận ra vị thế của mình mà chỉ muốn lên đời bằng cách lên gân kiêu hãnh. Được rồi, ta sẽ nhận ngươi là học trò, nếu ngươi vượt được qua được phép thử trong mười giây rất dễ này.

- Xin vâng!

- Ngươi hãy đọc lại câu thơ “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” của Tản Đà.

- Dễ ợt! … Dân… Dân… hai nhăm… hai nhăm…

- Tại sao ngươi cứ ấp úng thế?

- Vì… Vì tôi… không thể nào đọc được!

- Tại sao?

- Tôi thấy mình ở trong đó.

- Vậy bây giờ về có tâm phục khẩu phục không?

- Tôi … tôi éo phục…

- Bản chất nô tài hạ tiện của các ngươi có bao giờ biết phục ai?!

Paul Đức sáng chủ nhật 27/8/2017





18 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page