top of page
Nguyen Hoang Duc

THƯỚC ĐO QUỐC GIA VĂN HIẾN, VĨ NHÂN & CÔNG DÂN

Nhìn nhận tầm vóc của quốc gia, sắc tộc, vĩ nhân hay công dân thì không thể đánh giá à uôm, không tiêu chí. Thông thường những dân tộc mang tính công lý cao nhận xét những dân tộc thấp, chứ không thể có chuyện ngược lại. Người Hy Lạp có châm ngôn: “Sự đồng tình của những kẻ thông thái là bằng chứng của chân lý!” Tất nhiên người thông thái có LÝ TRÍ (reason) thì mới có thể đồng tình và đánh giá người khác, còn kẻ thấp hèn, ba vạ tiện đâu nói đấy “tiểu nhân đồng nhi bất hoà” (kẻ thấp đồng ý nhau nhưng luôn bất hoà) thì không thể đưa ra nổi cái gì được gọi là đồng tình của CÔNG LÝ?!


Có phương ngôn “Không tiêu chí thì không thể tìm ra người thắng cuộc!” Không tiêu chí thì ông nói gà, bà nói vịt, làm sao để so đọ gà nhà bà chạy nhanh hơn chó nhà tôi?!

1- Tiêu chí lớn nhất của một dân tộc là có QUỐC GIA VĂN HIẾN. Văn là Người, “Văn Hiến” là tộc người đó đã thành lập quốc gia có hiến pháp. Tính quốc gia văn hiến của người Việt còn quá sơ khai và quá thấp, vì pháp lý và lề luật manh nha cọc cạch, đặc biệt trong câu thể hiện “phép vua thua lệ làng”, mà “lệnh làng nào làng ấy đánh/ thánh làng nào làng ấy thờ”. 2- Văn bản Lập Hiến của một dân tộc là cao nhất vì nó hình thành luật pháp quốc gia! Kể từ khi có quốc gia, người ta mới chép lịch sử, chứ các dòng họ chưa lập hiến chưa đáng để ghi sử.

3- Những cây bút viết chữ phục vụ lập hiến là cao nhất. Ở Pháp có Rousseau với “Khế ước xã hội” (Du contrat social) và Montesquieu với “Tinh thần pháp luật” (De l'esprit des lois), ở Anh có J.S. Mill với “Bàn về tự do” (On liberty). Châu Á có hai vị: Thánh Gandhi với chủ trương “Bất bạo động” và Tôn Trung Sơn với “Chủ nghĩa Tam dân”... Các triết gia và các nhà tư tưởng được coi trọng vì là những cây bút áp mái lập hiến nhất.


Hôm qua tôi có viết một status nội dung: “Tiểu thuyết vĩ đại nhưng vẫn là chuyện nhỏ. Nước Nga có nhiều đại văn hào tiểu thuyết nhưng chưa viết nổi một cuốn sách pháp lý!” Điều này đã được nhiều người comment đồng tình, chưa thấy có ai phản biện.


Vậy thì nền văn học lúa nước chủ yếu là thơ phú lèo tèo của chúng ta mới manh nha, các bạn thử xem đã ai có tầm vóc bàn đến tinh thần lập hiến của nước nhà chưa, thậm chí bàn về tự do, pháp lý cũng chưa?! Vậy mà mới viết có vài truyện ngắn hay ít tứ tuyệt rồi dăm câu vụn, đã là gì mà cứ đội nhau lên làm thi hào hay văn hào?!


Có thể lúc nào đó tôi sẽ viết kỹ hơn, nay xin tạm dừng, vì nền văn chương ẻo lả của chúng ta giầu tự ái, thấp lè tè như lều tranh chưa đứng đã chạm đầu, nên không thể nghe lời bình chân thật. Nhưng tôi xin đưa ra thước đo cứng để chúng ta có mốc để đo và nhìn.

Xin cám ơn!


Paul Đức ngày Vọng Giáng Sinh 24/12/2022

Tranh của Claude Monet 1897

3 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page