Chúng ta thường xuyên nói từ “Kinh nghiệm” tức cái mình đã trải qua, chẳng hạn lớn lên khi biết nụ hôn. Phải trải qua mới có kinh nghiệm nên người ta còn gọi là “Trải nghiệm”. Rồi cứ trải là có nghiệm nên còn gọi là thông thường nghiệm, gọi tắt là “Thường nghiệm”. Nó còn được gọi là “Hậu nghiệm” vì nghiệm sau cùng, sau khi trải qua.
Nhưng Siêu nghiệm thì khác hẳn, nó thuộc thế giới Siêu nhiên hay còn gọi Vô thức. Cái chúng ta có tức thời bằng Trực giác gọi là Ý thức. Còn cái thuộc thần thánh hay giấc mơ gọi là Siêu nghiệm. Tiên Nghiệm là cái không cần trải qua đã Nghiệm, cũng gọi là Siêu nghiệm. Một đứa trẻ mới lớn chưa biết gì việc ái ân, nhưng trong mơ nó vẫn có thể mơ về ái ân, đó là tình ái kiếp trước của nó vọng về. Đó là Tiên Nghiệm, cũng là Siêu nghiệm.
Còn Siêu hình học là gì? Tiếng Tây là Metaphysics. Physics là vật lý, Meta là bên trên, nằm trên Vật lý là Siêu hình học. Khi miêu tả những thứ Siêu nghiệm có thể xem như kề cận Siêu hình học.
Nhà thơ ta đa số ít học, từ nông nhàn mà ra, cái mà ông chủ tịch hội nhà văn mậu dịch Nguyễn Quang Thiều gọi là “cường quốc thơ” kỳ thực ra là cường quốc nông dân làm thơ, cơ sở kháng chiến thơ của ông ta lấy làng Chùa làm dinh luỹ muốn ngang ngửa thơ quốc gia… đã chứng tỏ sự thật này… Nhà thơ ta đa số viết bằng cảm xúc, theo lối cũ “tức cảnh sinh tình” nên chủ yếu thấy gì nói nấy, cũng là Thường nghiệm.
Giờ cụ thể chúng ta lấy các câu thơ hay của Nguyễn Du, thực chất bắt nguồn từ thơ Đường hay Thanh Tâm Tài Nhân của Tàu được biên dịch lại:
... Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...
Rõ ràng là cái nhìn của mắt thường thấy gì nói nấy!
... Dưới cầu nước chảy trong veo Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha...
Cũng chỉ là trực giác thấy gì nói nấy.
... Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông....
Cũng là cái nhìn trực giác, chỉ có điều móc một tí vào kỷ niệm.
Văn chương là gì? Theo định nghĩa của Bách Khoa là: vượt qua thông tin cấp một, càng vượt xa càng văn chương. Những câu thơ trên chỉ là tả cảnh cấp một, thấy gì nói nấy. Nhưng đến câu này thì khác hẳn, nó đã bước vào thế giới siêu nghiệm và siêu hình học;
...Sầu đong càng lắc càng đầy Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!...
Nó vượt qua thông tin cấp một, làm gì đong được sầu – nó là siêu nghiệm, cũng là cách diễn tả siêu hình học.
Còn tôi có mấy câu thơ:
... Ôi thời gian trôi Anh nghe hương hoa rớt xuống nghẹn ngào Và nghe mái tóc mình đếm tiếng kim giây Trên từng chân tóc ngày mai sẽ rụng...
Rõ ràng những câu thơ này đã vượt qua cái nhìn thông thường để xuất hiện như Siêu thực, đạt tới Siêu nghiệm, và sánh vai cùng siêu hình học. Người chỉ có hiện thực cấp một được gọi là “bầu dục chấm mắm cáy”. Làm thơ mà “Dưới cầu nước chảy trong veo” chỉ là cấp một thôi. Các bạn nông nhàn làm thơ bằng cảm xúc lại thiếu chữ CHÂN, thì còn thua cả những cảm xúc mộc mạc, chất phác, quê mùa. Các bạn nên học hành tu dưỡng mỹ học chút ít rồi hãy làm thơ, kẻo làm ngàn vạn bản thì cũng chỉ là nói văn vần vô tích sự thôi?!
Paul Đức 14/4/2023
Comments