Tôi viết bài này, giúp những người đức tin yếu đừng nên ảo tưởng sẽ trốn hay tránh được luật nhân quả. Từ ảo tưởng đó cứ muốn thoải mái làm việc ác để thủ lợi.
Có câu “mắt thợ, vợ quan”. Mắt thợ thì tinh theo chuyên môn nhìn nhiều hoá sõi. Còn là quan thì mới nên lấy vợ đẹp, vì có quyền lực mới bảo vệ được vợ, chứ là thứ dân thường chỉ tổ bọn quyền tiền đến gạ gẫm vợ mình mà vác hoạ vào thân.
Nhưng vừa rồi một loạt quan to ngã ngựa, rồi nhiều tiền đè chết người cũng ngã oành oạnh, như thế là mắc lỗi nhân quả, khôn ngoan không lại với trời, chui lủi mấy cũng không thoát được đèn trời soi xét. Người Hoa có câu “Thiên võng khơi khơi, sơ nhi bất lậu” – tức lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt, vì đó là lưới huyền nhiệm mỏng manh như mạng nhện giăng, kiếp người ruồi muỗi với đôi cánh cò con làm sao thoát?! Người Hoa cũng nói “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” – nghĩa là: Thuận theo trời thì sống, nghịch theo trời thì chết. Thế nào là thuận theo trời? Các triết gia Hy Lạp lý giải: Thuyền ngồi cân thì vững mà không bị lật. Vạn vật ở đời giữ được cân bằng thì tồn tại vững chắc, nhưng ngồi lệch thuyền sẽ lật!
Thế nào là Cân bằng? Cân bằng chính là Bình đẳng mà Cách mạng Pháp 1789 đã xướng lên là Egalite. Xung công cướp đất của người, khiến họ không còn chỗ trú ẩn, thì là bất bình đẳng, ăn chia mình cả triệu cả tỉ, người khác tính hào tính xu là bất bình đẳng… Mà thánh hiền dạy: lời cầu nguyện luôn đến chậm hơn lời rủa xả và oán thán. Khi tiếng oan dậy đất kêu lên thì những kẻ trục lợi bất bình đẳng sao mà thoát lưới trời?!
Trong không gian có nhiều sóng từ trường tác động đến từng đầu kim sợi chỉ, vì thế khi ta làm ác, ta chỉ có cái nhìn của người trần mắt thịt, thì chớ ảo tưởng: thánh thần không thấy, không nghe gì, thực ra thánh thần biết hết. Ở Mỹ đã có bà già bị giết, liền có thánh thần xui khiến bà hàng xóm chẳng biết tí gì phải đi báo oán, và còn chỉ chỗ tang vật giấu ở đâu (nhiều vụ giống vậy).
Những kẻ cướp ngân hàng, giết người, tuổi thọ rất thấp… vì nhân quả đến nhanh! Các tội khác tuỳ mức độ mà nhân quả đến nhanh hay chậm?! Khổng Minh khi đốt cháy đối phương là quân của Mạch Hoạch trong hang, tự thấy mình ác quá đã than “ta chắc tổn thọ!” Quả là vậy.
Có vài trường hợp, thoát tội như làm tướng vẫn sống dai, đó là “ngoại lệ” và đã được lý giải: vì kiếp trước họ tu tốt nên mới được hưởng quả đó, còn ta đã khổ tức kiếp trước tu chẳng ra gì, giờ lại tiếp tục xấu thì đời làm sao khá?!
Có nhiều cuốn sách của Trung Quốc đã kể nhiều chuyện nhân quả như: “phá gia chi tử”, của cải đội nón ra đi sạch sành sanh có gốc do kiếp trước ông bà, cha mẹ mắc nợ… Ông bà ta có câu “có phận mới hưởng phúc” – tức con người hãy làm tròn phận sự tốt lành của mình thì mới hưởng phúc. Hay “Có đức mặc sức mà ăn”.
Người Hoa có câu “Đồng tiền không phải của mình sẽ không bò vào túi mình!” Mọi sự ở đời đều “Oan có đầu, nợ có chủ”… ta tiền nhiều, hay tiền đè chết người ư, tất cả đang tích nợ, tích oan cả đấy, người trần mắt thịt sao thoát khỏi lưới trời?! Người Hy Lạp nói “Sống tốt mới hạnh phúc!” Mong chúng ta đừng nhìn ngắn theo tầm của giun dế mà không thấy được khoảng cách của Nhân – Quả, cái luôn luôn tồn tại. Đây không phải là cách nhìn mê tín, mà triết gia tổ sư vĩ đại bậc nhất thế giới Aristote đã nói:
Càng học ít càng buồn Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn!
Sống mà không thấy nguồn gốc mọi sự thì chỉ là thứ phù du ăn xổi ở thì. Mà phù du sao có thể với tới Phúc – Lộc – Thọ?! Kinh Thánh có câu “mặt con hãy héo để lòng được tươi”. Mặt héo tức là lo âu suy nghĩ như vậy lòng mới bình an. Và cũng có câu “Diện bất sầu, tâm bất quảng” – diện mạo không ưu tư lúc nào cũng hơn hớn như trẻ con thì làm sao có nổi một tâm hồn quảng đại. Mong mọi người biết ưu tư suy nghĩ, đừng có chạy theo ảo tưởng dễ dãi của giầu có! Lúc nào cũng có cái nhìn đó thì chỉ là tầm của giá áo túi cơm mà thôi!
Paul Đức tối 18/5/2022
Comments