“Phật một tấc, ma ba trượng”, nhân gian thường nói câu đó, có nghĩa là: để tiến đến phẩm chất Phật tính thì một ly một lai cũng thiên khó vạn nan, còn là ma thì nhoằng một cái thành ba trượng liền. Để liên tưởng điều này, chúng ta hãy nghe thành ngữ của người Hoa: “Học cái tốt một đời không đủ, học cái xấu một ngày là thừa”, vậy đấy, học cái tốt khó lắm, khó đến nỗi một đời giành cho nó không đủ, các vị học để làm chủ một cây đàn xem – nó nuốt chửng một vài chục năm như không; trong khi đó học cái xấu, như cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện, ma túy, gái gú chỉ trong một ngày là tiếp thu hết.
Tại sao người ta lại muốn có Phật tính? Tất nhiên là để có tâm linh siêu việt nhằm cứu rỗi nỗi buồn sinh – lão – bệnh – tử của thể xác nhục nhằn! Muốn làm Phật thì phải làm sao? Phải có:
PHẬT – PHÁP – TĂNG
- PHẬT: Nói chung, tất cả các chủ thuyết trên đời thì đều phải gắn với vị chủ tể, như đạo Thiên Chúa – Tân ước được mở màn từ Chúa Jesus. PHẬT cũng xuất hiện với tên Phật Thích Ca là chủ tể rồi.
- PHÁP: Coi như phương pháp và cách thức để làm theo Đức Phật.
- TĂNG: Nghĩa là tăng lữ, nhà sư, rồi hòa thượng, những nhịp cầu “tâm linh chuyên nghiệp” đưa dẫn các phật tử đến cõi giác ngộ của Đức Phật.
Mục đích của Đức Phật, là truyền lại bài học giác ngộ của mình, để chúng sinh ai ai khi giác ngộ cũng được nâng lên thành Phật – mong hóa giải những lo âu phiền muộn của cuộc đời.
Nhưng người Việt Nam hay Trung Quốc tiếp thu Đạo Phật thế nào? Giáo sư Trần Đình Sử một lần nói với tôi: Đức Phật Thích Ca rõ ràng là đàn ông, nhưng vòng qua Trung Quốc rồi Việt Nam thế nào lại hóa đàn bà?!
Tại sao? Phật Bà theo cách phân tích của khoa học thế tục thì rất “phương phi, phồn thực” nhìn bắt mắt để những phật tử có thể được thư giãn và hấp dẫn. Giả thuyết này có thể sai, nhưng chính kiến sau thì không cách nào sai được, đó là: Người Á Đông, và Việt Nam rất chú trọng vào tính vụ lợi của bất kể cái gì, dù lý thuyết xã hội hay tôn giáo, xưa kia người Việt vẫn áp dụng phổ biến cái gọi là: “Tam giáo đồng nguyên”. Tức là cả ba tôn giáo đều ích dụng. Lúc trẻ muốn làm quan thì hăm hở theo đạo Khổng. Về già bất lực, lười biếng, vô tích sự thì theo “Vô vi” – tức không làm gì của đạo Lão. Rồi cuối cùng trắng tay mới đầu tư vé vét vào nước Phật theo kiểu “sắc sắc – không không”.
Tôn giáo với người Việt mang tính vụ lợi rất cao, như ngày trước các con buôn thường khấn Trời, khấn Phật, làm sao: buôn một bán mười, công an có tai như điếc, phòng thuế có mắt như mù… Các vụ, xếp hàng từ đêm, cả quan lẫn dân, tranh nhau cướp ấn đền Trần, hay mang tiền lẻ cúng để vay tiền âm của đền Bà Chúa Kho là những minh chứng.
Mới rồi, nổi lên các vụ cúng vong ở nhiều chùa, đặc biệt là chùa Ba Vàng, chúng ta thấy rất rõ điều này. Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ. Ở đó cũng là xứ sở của đạo Luân Hồi, tức con người sau khi chết đi, phải trải qua nhiều kiếp đoạn, như gà vịt ngan ngỗng theo kiểu người Việt mỗi khi cắt tiết gà, vịt, trâu, lợn… thường nói “hóa kiếp này mày ra kiếp khác”. Khi sống người ta giết súc vật để ăn, thì khi chết phải hóa súc vật để chúng đã lên thành người ăn thịt lại. Kiếp thứ sáu người ta mới thành vong, tức như hương sắc, kiếp thứ bảy thành ma, có nghĩa: có ảnh, có bóng mà chưa thành hình người. Đến kiếp thứ tám mới được làm người khi linh hồn là một đơn vị đầu thai vào thai nhi cụ thể (Tất cả những gì thuộc tâm linh là mặc định hay võ đoán, vì thế các vị nên dùng để liên tưởng, chứ không nên sa vào cãi cọ).
Người ta đang làm người sờ sờ ra, nghĩa là hơn vong và ma cả mấy kiếp người có khi dài hàng triệu năm. Từ bản ngã con người – người ta hướng đến cái cao hơn là Đức Phật. Như vậy con người mới mong hướng đến lý tưởng và siêu vượt bản thân để cứu rỗi mình.
Trong khi đó nhiều nhà chùa và tăng lữ Việt Nam lại đi giật lùi, biến kiếp con người thành kiếp chưa thành hình, sợ bóng sợ gió, sợ cả vong và ma khi chưa có hình hài.
Tại sao vậy? Các triết gia Hy Lạp nói: “Sống tốt thì hạnh phúc!” Chẳng qua sống lươn lẹo, điêu chác nhiều quá, nên mới suốt ngày đêm vạ vật đi ăn vạ cầu xin để được tha bổng? Nhưng mà thật vô ích khi Đức Phật nói: chính Ngài cũng không thể bước qua Nhân – Quả.
Triết gia Socrate, ông tổ của đạo đức nói: “Linh hồn bất tử vì thế nó cần nghĩ đến cái đạo đức vĩnh cửu. Trong khi thân xác thì tạm bợ phù du nên tham lam cái lợi chớp nhoáng ngay trước mắt”.
Chùa chiền là nơi người ta muốn gieo hạt lâu dài để thu hái giá trị và nhân phẩm vĩnh cửu, được nên như Đức Phật, đằng này đông đảo các tăng lữ lại tham tiền tươi thóc thật, đúng là cái nhìn thiển cận của thân xác tham bát bỏ mâm. Thật đúng là dù đi đạo vẫn không thoát khỏi vòng giá áo túi cơm của đám phàm phu tục tử?!
Paul Đức 23/3/2019
Comments