Mọi sự sống, mọi vận động, kể cả hệ mặt trời đều phải mở đầu bằng KHỞI HÀNH. Trong Vật lý, người ta còn gọi là cú “depart”. Nếu không có ngọn nguồn tự thân khởi hành từ trong lòng đất thì không thể có dòng sông miên man chảy về biển lớn. Một đoàn tầu nếu không mở màn tiên quyết đặt đúng trên đường ray sẽ không thể khởi hành!
Hôm nay bằng cách suy lý đơn giản, tôi muốn trình bày cái ngọn nguồn, cũng là hạt nhân và nguyên lý đầu tiên xuyên suốt nghệ thuật, thi ca khoa học và cuộc sống của chúng ta, đó là: CÁCH NGHĨ! Cách nghĩ là tiên quyết cũng như tối hậu cho mọi sự thành công của con người, mà nếu không có nó, chẳng khác gì đoàn tầu chưa được đặt vào đúng đường ray, chẳng thể đi đến nơi, chẳng thể về đến chốn.
Có thể đưa ra suy tư đơn giản thực tiễn cho Cách Nghĩ. Dân tộc Trung Hoa lớn bậc nhất thế giới, nhiều tuổi bậc nhất lịch sử, vậy mà hơi một tí, cứ gặp nhau là họ kết nghĩa anh em “không sinh cùng tháng cùng năm, nguyện chết cùng tháng cùng năm”. Có nghĩa độ lớn của quốc gia, độ tuổi cao của lịch sử không làm cho họ vững chãi lên, mà lúc nào cũng cam phận hèn yếu của kẻ du thủ du thực, không bao giờ dám sống đối chọi với cô đơn (hội nhà thơ chúng ta xúm xít những người ít học làm mấy câu lèo tèo cũng là một thí dụ). Điều đó còn chứng tỏ họ chưa quen với đời sống được bảo vệ bằng pháp lý, mà chỉ ăn xổi ở thì sống trực tiếp bản năng cậy cơ bắp để ức hiếp người khác và bảo vệ mình. Họ khác gì đàn trâu sống vòng tròn khi ngủ bên nhau.
Để đi vào vấn đề, trước hết tôi muốn điểm sơ qua về thực tế Việt Nam. Chúng ta có ít nhà thơ nổi tiếng thật lẫy lừng, nhưng thường chỉ có tài sản “bài tủ” một vài bài. Nhiều nhà thơ khi ngồi bên nhau nói “này, bài của anh đã được đăng báo 7 lần”… “bài của anh thì đăng 9 lần”, “bài của anh đăng chung thân, cứ mỗi khi có sự kiện lại được chầu lên mặt báo”… Còn văn xuôi, như tiểu thuyết, nhà thơ uyên bác Nguyễn Đình Thi thường nói; nhiều nhà văn “bố cục yếu”. Tại sao? Vì chúng ta làm thơ bằng cảm tính, ở trong không có sức nghĩ, mà chủ yếu là “sức cảm”… mà sức cảm thì được chăng hay chớ, không thể là nhà kiến thiết khung giàn. Người không học thì cảm xúc xuất sắc bao nhiêu cũng không thể thành nhạc sĩ sáng tác giao hưởng. Người ta gọi các nhạc sĩ này là nhà soạn nhạc, theo gốc Latin là Composer (pose là đặt, com là cùng). Người sáng tác là người biết đặt các thứ cạnh nhau như hoà thanh và giai điệu…
Nhân đây cũng mở rộng sang thơ Đường hay thơ Trung Hoa, có rất nhiều câu bắt chước nhau kiểu “Thôi ta ngủ đi, để còn mơ…” Thật yếm thế, vớ vẩn hết chỗ nói. Tại sao ta đang thức lại muốn ngủ để mơ? Giấc mơ là đẹp hơn hiện thực à, nhỡ là ác mộng thì sao? Đây cũng là cách mà nhà bác học lừng lẫy Einstein nói: “Á Đông dốt nát vì từ chối hiện thực và logic hình thức.”
Giờ tôi bàn vào nguyên lý cứng. Con người không Nghĩ thì chẳng thể thông minh! Khổng Tử nói “Nghĩ mà không học là nghĩ viển vông, học mà không nghĩ thì học không sâu!” Người Việt nói “Không thầy đố mày làm nên!”, Người Hoa còn có câu “Lúc nhỏ không học lớn lên chẳng biết làm gì!” Hay “Nhân bất học bất tri lý.” Người không học làm sao suy xét được cái lý của vạn vật mà hành xử, như không biết thì sao đặt đoàn tầu lên đường ray? Người Hoa cũng nói “không có lý không đi quá được một bước chân”. Còn triết gia Hegel nói “Kẻ không học thường suy diễn sự việc theo ý mình không theo lý khách quan mà thất bại. Còn người có học tiếp xử mọi việc theo kiến thức khách quan mà thành công!” Như vậy, MUỐN SUY NGHĨ THÌ PHẢI HỌC!
Cách nghĩ cũng quy định luôn: Ai sáng tạo bằng lý trí và cách nghĩ là bậc thầy như hoạ sư Picasso chẳng hạn, còn ai sáng tạo bằng cảm xúc là nô tài. Có nhiều nhà thơ cảm xúc cứ muốn đôi co với tôi rằng: cảm xúc làm ra thơ. Chỉ có cảm xúc mà không có những biến tấu và kiến thiết liên tục của cách nghĩ thì không bao giờ có được Concerto hay giao hưởng.
Giờ tôi xin đi vào cách nghĩ tạo ra những câu thơ hay:
1- Mái chèo chém vòm trời trên sóng biếc Thuyền lướt lên trăng theo dòng nước nổi (thơ Đường) Đây là cách quan sát, chứ không phải cách cảm.
2- Trong ánh kiếm bóng dòng sông vẫn chảy (Thơ Trung Hoa)
3- Chiếc rìu đến rừng cây xin cái cán và rừng cây đã cho (Tagore)
4- Câu thơ hay nhất đưa Whitman lên thi hào: “Anh cùng tôi không xu dính túi/ Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này.”
5- Người đàn bà sinh con gượng môi cười
Giữa tiếng khóc oa oa Xé lên như tiếng còi định mệnh ( Paul Nguyễn Hoàng Đức)
6- Câu thơ như sấm tạo ra tuyên ngôn cho thời đại mới của Beaudelaire: “Con thuyền thép uống say dầu”.
Khi bước lên con tầu thép, chúng ta nghe tiếng nổ chói tai, rồi mùi dầu nồng nặc, như vậy là về mỹ cảm không thoải mái, nhưng mắt ta quan sát và nghĩ được tính hệ trọng, bước nhảy của con tàu. Và ta đã thốt lên tiếng sắt thép của thời đại mới “Con thuyền thép uống say dầu”. Các chuyên gia hiện đại cho rằng; thời đại mới nếu không có thép vừa cứng vừa dẻo sẽ không làm được những nhà cao tầng cũng như bắc cầu vừa dài vừa lớn…
Trong cuộc sống hiện đại, kể cả vợ chồng, cha con, mẹ con, bạn bè… nếu không có cách nghĩ để tìm đến lý chung, tức công lý, thì cuộc sống của chúng ta sẽ thành thảm hoạ kiểu: “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”. Trái tim không đập thì ta sẽ chết! Nhưng các chuyên gia sinh học nói; đầu suy nghĩ liên tục, ngay cả trong giấc ngủ ta vẫn mơ… Và đầu không nghĩ cũng chết! Đầu chúng ta vẫn nghĩ nhưng là cách “ngại nghĩ” hay nghĩ theo cách cảm xúc giác quan của nô tài vì thế chúng ta mới chỉ có thơ ca èo uột, cậy hội hè đông đúc. Có mỗi một cách để chúng ta có cuộc sống tăng tiến, nghệ thuật dồi dào, văn chương vạm vỡ cao siêu bằng Cách Nghĩ mà thôi. Sẽ không có lời biện hộ của cảm xúc nào có thể đánh thó hay đánh tráo nổi vấn đề này! Đó là điều tiên quyết mà bạn lảng tránh nó, thì bạn sẽ gặp vấn đề tối hậu: là bạn không hy vọng có được sự cải thiện nào cho tầm vóc của ngũ giác?!
Paul Đức 09/5/2022
Comments