top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No. 26. TRÁI TIM LỠ TRỚN

Đã cập nhật: 15 thg 5, 2023

- Anh! - Vợ tôi chạy bổ vào, nàng du vai tôi làm rung cả bàn viết, - Thắm… Thắm, nó bỏ đi thật rồi anh ạ!- Nàng kéo mạnh tay tôi.- Anh sang chỗ anh Nam đi!


Tôi cúi đầu bước ra khỏi căn hộ cấp bốn, một giọt nước từ trên mái rớt xuống cổ tôi, rằm rặm. Có tiếng guốc dép thảng thốt khua chạy, tiếng thì thào xao xác vẻ bất an của khu tập thể mỗi khi có việc chẳng lành, gần đó ngọn đèn đỏ quạch rung bần bật lưng chừng chiếc cọc cây khô quắt.

- Anh này hâm thật!- Vợ tôi phát mạnh một cái vào lưng tôi. – Ra đến sân rồi mà lưng vẫn cứ lom khom.

- Ừ, cái mái lè tè quá. Khi vào thì anh rờn rợn cảm thấy nó sắp chọc vào mắt, khi ra thì anh lại cảm giác nó sắp xỉa vào lưng.


Đó là dãy nhà tập thể của Sở Văn hoá, tất cả chúng tôi đều làm ở cùng cơ quan. Đầu dẫy nhà là căn hộ của cặp vợ chồng Nam- Thắm. Tôi chơi với Nam ngay từ ngày còn ngồi ghế của trường Đại học Văn hóa. Khi ra trường khác hẳn những chàng trai ở đây thường chọn một cô vợ, một người bạn đời môn đăng hậu đối với bằng cấp văn hóa của mình. Nam trở về quê cưới một cô vợ vừa học xong cấp ba. Cậu ta bảo: “Lấy những cô vợ lỡ trớn văn hoá- dở cô dở bà rách việc lắm; hai vợ chồng chanh vanh như hai trái núi hãnh thân thì làm sao có nổi cảnh Sơn- Thuỷ hữu tình”. Năm đầu tiên không khí hạnh phúc của Nam và Thắm toả ấm cả dãy nhà này, nó trong lành, bình dị và quyến luyến. Trong khu tập thể ai lại không ước ao gia cảnh “ chồng xướng vợ tuỳ” của họ. Song đến năm thứ hai, những đám mây hắc ám bắt đầu reo rắc vào bầu trời riêng có trong lành của cặp tình nhân tiếng ong – ve của bất hạnh. Mọi sự có lẽ bắt đầu tự sự “ giác ngộ” chín tới của cô thôn nữ; nói toạc móng heo theo cách sống sượng của các chàng tán gái thì cô nhà quê bắt đầu “đỏ da thắm thịt” và khởi sự tô trát mỹ phẩm lên làn da tươi tắn của đồng quê. Sự thể không chỉ có thế, nếu chỉ có vậy thì có lẽ Nam là kẻ đăng quang đầu tiên về công trình văn minh hoá cô vợ quê mùa thấp học của mình. Đằng này, cả một đám đàn ông- già có trẻ có bu xung quanh nàng, họ háo hức muốn giành giải quán quân đó mà phần thưởng chẳng có gì khác hơn là chính cô nàng thôn dã sau thời gian công nghệ hoá vội vàng vẫn còn phảng phất mùi rơm rạ. Chẳng cần tả kỹ, thì quí vị cũng dễ dàng hình dung nổi: Những câu tán tỉnh của giới văn hóa cám dỗ đến mức nào, mỗi câu nói của họ thường vặn chảy một bài thơ. Và hơn cả thế là nguyên lý nịnh đầm bất di bất dịch không biết mỏi của họ, nào: “Sao em xinh thế!” “Em quyến rũ thế!” “Em tươi mát thế!” “ Em nóng bỏng thế!” “ Em không đi đóng phim đi, anh sẽ giúp cho!”… Và khi họ nói “Ông chồng em cù rù vậy… và em thông minh bằng tất cả bọn đàn ông chập lại!” thì là lúc họ muốn bày tỏ cái thiên tài đang lấp ló nhấp nháy trong mình. Đó… đó chính là chặng nước rút cuối cùng mà chẳng mấy cô gái lại không hóa thân, cất cánh làm một nàng thơ nhảy lên ôm lấy cổ “Đỉnh Thi Sơn” nghễu nghện của mình.


Thế rồi. Thắm xin chồng hết dự thi “ Người khéo tay nhất thành”, đến “ Người đàn bà ăn ảnh nhât” rồi “ Người đàn bà nồng hậu nhất”, và cuối cùng là “Hoa hậu thành phố”. Chẳng cuộc thi nào nàng giật được giải cả, kể cả giải hạng bét. Nhưng đám đàn ông vẫn bất khuất hộ nàng trong cơn thất bại, họ thi nhau khích lệ nàng, họ bảo: Em vừa có sắc lại vừa có tài nhưng ban giám khảo- chúng mù đấy thôi!” Thế mà Thắm vẫn nuôi hy vọng. Những cuộc cãi vã giữa Thắm và chồng càng ngày càng thường xuyên và căng thẳng hơn. Mới đây nàng to tiếng nói với chồng: “Anh đừng có hãm tài tôi. Anh xem, thiên hạ toàn những người danh tiếng cả đấy, họ đối xử trọng đãi tôi như thế nào? Họ khen từ sợi tóc đến móng tay tôi. Vậy mà tôi phải cam chịu thân phận lú rú trong góc trạn cơm cháo cho anh. Hừ, đời tôi sao khổ thế! Tối mặt tối mũi phục vụ một cây viết quèn nghèo thảm hại”.

“ Em đừng nhầm, giá trị của người đàn bà không nằm ở miệng lưỡi con đực đâu, cũng như trí thông minh của họ cũng không nằm ở lỗ tai em đâu… Hạnh phúc vốn bình thản em ạ, hãy biết xây lấy nó!”

“ A, anh xúc xiểm tôi… anh đừng lớn mặt coi con này quê mùa…”


Tôi chạm trán vài đồng nghiệp trước cửa nhà Nam, họ đến an ủi Nam. Tôi bước vào, Nam khốn khổ đang ngồi gục đầu xuống bàn, những chiếc bút nằm lăn lóc, những trang bản thảo xới tung toé. Mái tóc bù xù của Nam rũ xuống một trang bản thảo mới lật, vài dòng chữ lèo tèo hiện ra, tôi đọc:


“- Các linh mục bỏ đạo về đời lấy vợ, Đức Giáo Hoàng bảo: Chẳng có ai phá đạo bằng các tu sĩ bởi lẽ chỉ có họ mới hiểu được mạch vữa của đời sống Đạo. - ở Đông Âu, chính những người cộng sản đã đập phá con đường mà họ xây cất từ bấy lâu nay. Thật uổng!

- Chỉ có những người làm văn hoá mới có thể vô văn hoá, và phi văn hoá đời sống”.

- Nam…- Tôi ái ngại khẽ gọi. Mãi sau Nam mới ngẩng đầu lên, Nam bảo:

- Thắm bỏ đi rồi, mình chẳng thiết sống nữa!


Tôi ngồi cạnh Nam như một cái bóng, tôi hiểu một vài lời nhắn nhủ thì thầm của tôi chẳng thể nào xáo động nổi cái vũ trụ đầy bão tố đang gào thét của cậu ta. Đến khuya, tôi bỏ về, leo lên giường ngủ. ******* - Dậy, dậy đi anh!- Cô vợ của tôi thúc tôi dậy khi trời còn chưa sáng rõ mặt người. Cô Thắm về rồi kìa, anh sang xem thế nào?


Tôi rửa mặt quáng quàng, mặc vội quần áo rồi theo vợ tôi sang nhà Nam. Chẳng kém gì cô ấy, tôi cũng nóng lòng muốn xem sự thể kết cục ra sao, hơn nữa Nam lại là bạn thân của tôi. Trong nhà Nam có đủ mặt hàng xóm, họ vừa quan tâm lại vừa hiếu kỳ trước bi kịch “phá rào hạnh phúc” của cặp vợ chồng trẻ. Cánh đàn ông thì uống trà hút thuốc, cánh đàn bà thì tíu tít lo xức dầu, kê gối, pha sữa nóng chăm sóc cho Thắm. Chẳng ai có ý định vội vàng trở về để cho cặp vợ chồng trẻ có khoảnh khắc tâm tình- cái đêm đầu tiên xa cách chắc phải dài dằng dặc. Nhìn Nam, ai cũng rõ: nỗi khắc khoải đợi chờ của anh đã tan biến, song bù vào đó lại là đôi mắt u ám đen đặc nỗi nghi ngờ đau xót đến tột cùng, chàng không hiểu: vợ chàng còn lại những gì sau một đêm quăng quật ngoài mái nhà vẫn sưởi ấm hai con tim. Còn nàng, điệu bộ bơ phờ yếu ớt đến mức người ta chỉ có thể nhận thấy ở những cô gái vắt kiệt sức lực trong các cuộc hành lạc kéo dài thâu đêm suốt sáng; song đôi mắt trũng sâu thâm quầng của nàng không chỉ hiện ra cơn thức trắng mệt mỏi mà nó còn thấp thoáng một thao thức- trăn trở nào đó, nó giống cặp mắt của mấy thí sinh sau một kỳ thi khủng khiếp và gian lao. Qủa vậy, mọi người đều linh cảm điều gì đó khác thường, nhất là cánh phụ nữ, họ biết rằng; một người đàn bà đã đánh mất toàn diện (hoặc cái duy nhất nói theo cách khác) thì ả không thể trở về với một điệu bộ bình thản đến mức sống sượng như vậy. Mọi người ở lại mong lấp đầy cái khoảng trống nghi ngờ hoang phế giữa hai tâm hồn.


Cũng chẳng cần đợi lâu, sau khi uống cạn cốc sữa nóng, Thắm nhỏm người dậy khỏi giường. Nàng nóng lòng bày tỏ cái đêm phá rào hoảng loạn của nàng còn hơn cả những thính giả đang chờ đợi. Nàng kể:

"Buổi tối, sau khi cãi lộn với anh Nam, em bỏ đi. Em đi qua một khách sạn, một chiếc xe hơi bóng loáng đỗ xịch bên em, một gã đàn ông tóc đã hoa râm bước tới, gã mở miệng mời chào véo von như một khúc thơ; mặc kệ lão, em đi khỏi. Đến công viên chẳng biết làm gì em đứng tần ngần, mấy lão già dê đi qua bảo: “Này con bò lạc về với anh đi, bao nhiêu?” em quay mặt đi. Đến khuya có hai chị mặt bôi đẫm phấn lại gần em hỏi:

“Này em, lần đầu tiên hành nghề à, trông cô em rút rát lắm!”

“Hành nghề gì?” em ngạc nhiên. Thế là họ cười toáng lên.

“Về chỗ chúng mình đi, rồi sẽ quen ngay thôi”.

Thế là em theo họ. Họ dẫn em xuyên qua ba cái ngõ tối đen như mực- sâu hun hút, tới một căn nhà gỗ dán ọp ẹp.

“Ai đấy?” gã đại ca nằm ngễu nghện trên chiếc sập gụ hỏi, giọng gã khè khè trong cổ. Các ngươi lại tuyển thêm được một tân binh nữa hả?

“Dạ, cũng chưa hẳn, - hai ả đáp.- Con bé này đúng là thứ cốm đồng quê chưa pha tẩm, mong đại ca nhẹ nhàng kẻo nó sợ hãi”.

“ừ, cũng được, chúng mày ăn nói cũng chính trị gớm. Lửa đâu? – gã quát. – Một cô ả lom khom quì xuống dâng lên cho gã một chiếc tẩu đã cháy vàng khè, ả vê thuốc phiện cho vào lõ. Gã ngửa người rít một hơi, cặp mắt lờ đờ cuốn theo làn khói…

Làn khói tan đi, cánh cửa ọp ẹp mở ra…xập lại, mở ra …xập lại…, từ khắp ngả bọn tay chân đến để cống nạp. “Thưa đại ca, mời đàn anh tráng miệng chôm chôm chợ Đức viên” ả béo phị bảo, “Mong đại ca nếm thử thịt chó chợ Tha Ma Tây, với những lon bia còn nóng hổi nhãn in của vòm bia, “gã mặt rỗ bảo,” “ Dạ, thưa đây vải thiều Đồng Xuân”…

Sau màn thực phẩm, gã đại ca ngã xuống chiếc gối lớn bảo:

“ Thôi biến bớt đi, bây giờ là lúc ta thưởng thức món xếch, cho con bé tân binh đến đây!”

“May nhé!- Hai ả dẫn em về du mạnh lưng bảo.- Nhanh lên, đại ca là thứ ma cô số dách đấy, chàng sẽ cho em thứ khoái lạc bay ngất trên tận chín tầng mây. Lẹ lên, không đại ca nổi giận bây giờ.

“Thưa…, thưa anh em không muốn ạ”, em bảo.

“Nhanh lên, làm cụt hứng của ta thì phải trả giá bằng máu đấy.- Gã quát, đôi mắt mới đó còn lờ lờ đã long lên sòng sọc, những vằn tia trong mắt như sắp bắn tung ra. - ái ân với ta một diễm phúc ngươi không biết à. Không muốn thì đến đây làm gì?

“Dạ, thưa đại ca,” thằng to con thở hổn hển tay túm ngực một thằng nhỏ thó bảo, hắn đạp mạnh chân ra phía sau cánh cửa đóng lại. “Thằng Thịnh, thằng này nó dám nói xấu đại ca, em đã nghe thấy”.

“Qùi xuống!” đại ca dằn giọng, “Mày nói gì?”

“Dạ,” thằng nhỏ thó sợ sệt”, em chỉ nói: “Chẳng ai sướng bằng đại ca, đàn anh hưởng tất cả từ các ả đến mọi của ngon vật lạ ở khắp xó xỉnh trong thành phố”.

“ừ, to gan thật, mày dám ghen ăn với tao, mày đáng tội chết!” Uỳnh! Chẳng kịp ẽo ẹt cánh cửa mở ra gấp gáp. Ba thằng loắt choắt chạy vào thưa tức thì:

“ Thưa đại ca, thằng Tuấn xồm cùng bọn đàn em của nó ập đến khu chợ Mới- ăn lấn cửa của chúng ta. Nó đang kéo đến đây, nó còn bảo: Đại ca chỉ là một thằng nhát, một thứ ma cô chim rởm”.

Gã đại ca vùng vậy, gã với con dao găm trên vách gỗ. “ Tao phải quyết đấu để giữ thể diện của một đại ca” gã gầm lên.

Được một hồi, gã đại ca lê lết trở về giữa hai đàn em dìu nặng nhọc, người gã bê bết máu.

“Ta chết mất thôi!” Gã đại ca thở ra. “Gọi thằng Thịnh nhỏ con đến đây cho tao. Thằng Thịnh đứng trước mắt gã run lập cập, gã bảo:”Vừa nãy ta đang xử ngươi dở dang, gã thở ngắt từng hơi. “Ngươi hãy mở mắt mà nhìn, lúc bình thường ta ăn hoa quả của các ngươi cống nạp, đến lúc nguy nan ta phải tự hiến bằng máu của mình. Ta chẳng đùn đẩy việc đó cho ai được, đó là cái giá hãnh sĩ mà kẻ mạnh phải gánh vác. Còn ngươi, ngươi được gì, ngươi có biết không? Bằng cách nhịn nhục dâng hiến vài thứ hoa quả lăng nhăng, các ngươi đã toàn vẹn được bản thân mình. Ôí, - gã gục xuống, - cuộc đời là vậy đấy, kẻ mạnh cũng như kẻ yếu đều thủ được phần của mình. ối, ối… ta chết mất!- Gã chới với trên chiếc sập- Gọi cho ta nàng tân binh lại đây”. Khi em đến, gã bảo:

“Cô bé, hôm nay cô đã thủ tiết trước hoan lạc. Ta hiểu chuyện của cô, nó nhảm nhí lắm… Hãy chọn đi cô bé: Phần của kẻ yếu hoặc phần của kẻ mạnh…” gã tắt thở.

Đám tay chân bỏ đi, chẳng ai chịu nhận làm đại ca cả, chúng đành chia tay vội đi tim kiếm bất kỳ ai- hiển nhiên đó phải là người có khả năng sẵn sàng thí thân vì khu “lục lâm” của chúng. Còn lại một mình, em vuốt mắt cho gã đại ca ( nước mắt Thắm lăn xuống).


Chúng tôi lặng lẽ bỏ về, việc còn lại là việc của vợ chồng Thắm.

- Anh uống nước đi!- Lần đầu tiên vợ tôi pha trà cho tôi, ấm trà bốc khói nghi ngút.

- Sao lại thế? – Tôi mỉm cười. – Em còn phải lo cho bếp núc cơ mà.

- Nỡm ạ!- Vợ tôi dí ngón tay vào trán tôi, nàng cúi xuống nhặt một tờ giấy bay xuống đất. Nàng bảo: Em chẳng hiểu anh nghĩ gì đâu, nhưng có lẽ vẻ nhàn nhã sạch sẽ của anh chắc cũng phải chứa điều gì đau đớn?

- Chẳng phải đâu!

Tôi rót nước trà ra hai chiếc tách.

Hà Nội tối 14-7-1993

3 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page