top of page
Nguyen Hoang Duc

QUYỀN THỂ HIỆN TỐI THIỂU CỦA CON NGƯỜI

Gió thổi trên đồi hoang, nếu không được thổi gió không toả đi khắp nơi! Con cua khoe càng, con cá khoe vây, sư tử gầm, sáo khoe giọng hót! Đứa trẻ không bập bẹ tập nói, thì bị câm! Thiên tài âm nhạc Schumann nói “Người ta không thể mời người câm dạy nói, cũng không thể chơi một phím đàn câm!” Người Việt bảo “Con không khóc mẹ không cho bú!” Đứa trẻ có quyền thể hiện của nó, nếu không khóc nó sẽ chết đói. Người ta muốn thể hiện đến mức “ngọng hay nói, què hay đi!” Và, “Lười hay cười nụ, cả vú thích vuốt ve!”

Ở nhiều nước còn có các cuộc thi vú, thi mông đẹp… Hơn thế là những người muốn đăng ký các kỷ lục Guinness, ai nhảy cao, chui thấp, ăn được nhiều ớt đều có thể đăng ký giải quán quân vô địch… Nghĩa là người ta đều có thể muốn thể hiện sở trường của mình.

Thời hiện đại là thời công nghệ cao, tốc độ nhanh, khiến người ta cô đơn bậc nhất trong lịch sử, thế giới đã phát minh ra nhiều hình thức mạng như Facebook, Twitter… giúp con người tương tác lẫn nhau để giảm stress và chống cô đơn. Chúng ta nên nhớ căn bệnh tâm thần đã gia tăng đến báo động trên toàn cầu…

Phúc Âm có viết “Nếu tôi không làm chứng về tôi, thì ai tin tôi làm chứng cho sự thật!” (Ga, 5.31). Nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam họ luôn khuyên câu đầu tiên “Hãy minh bạch!”. Facebook trang cá nhân, người ta có quyền thể hiện sinh hoạt của mình như gặp gỡ, ăn uống, vui vẻ cùng bạn bè, đó là quyền chính đáng. Bởi lẽ FB được phát minh một phần mang mục đích đó!

Vậy mà mấy anh nhà thơ ú ớ. Cả đời quanh quẩn câu vần, chẳng có gì khác ngoài vài mẩu ao chuôm cả, lại soi mói, để ý người ta khoe chai rượu hay hát hò… Đó là đức tính quê mùa như Khổng Tử nói “Hương nguyện đức chi tặc giã” (Nhà quê là hại đức). Cái thời cải cách hay bao cấp đã qua lâu rồi, đang ăn thấy khách vào nhà liền úp đĩa rau lên đĩa thịt, làm con gà phải gói lông đem ra cách nhà cả cây số để vứt, có tấm áo mới phải vá mụn cũ lên… Bản thân thì thích thể hiện lắm, mọi người đã thoả thuận, khi lên sân khấu mỗi người chỉ đọc một bài thơ, nhưng vì thơ của mình bé như nội y, anh nào lên cũng đòi đọc kép 3 bài… vì chẳng có gì khác ngoài mấy bài thơ nên để ý soi mói người khác gặp gỡ ăn uống.

Người theo Đạo Phật có câu chuyện: Thầy tu kia cả đời tụng kinh gõ mõ, khi chết đến cửa ngõ Niết Bàn, bên cạnh là cửa vào địa ngục. Thầy tu hí hửng lắm, tưởng mình sẽ được mời vào ngay Niết Bàn, nhưng không, Đức Phật chỉ tay mời mấy cô điếm hàng xóm của thầy tu vào Niết Bàn, còn thầy tu bị chỉ hướng địa ngục. Thầy tu la lên: “Đức Phật ơi, sao bất công thế, cả đời tôi đọc kinh gõ mõ, nguyện cầu ngày đêm, lại không được chứng quả. Trong khi đó mấy ả điếm ‘đón người cửa trước rước người cửa sau’ ở kế nhà tôi lại được vào Niết Bàn. Đức Phật trả lời: “Ngươi nói đúng! Nhưng mấy ả điếm đó đã thay tâm đổi chí, cải xấu hoàn lương mà nay họ được vào Niết Bàn. Còn người miệng thì tụng kinh, mắt thì rang lạc, lo nhìn ngó người khác đón rước ra sao, tâm người đâu có an, mà đòi hướng Niết Bàn?”

Trẻ con được quyền ăn, cha mẹ, thầy cô có thể khuyên “Con hãy ăn nhiều, nhưng đừng nhai có tiếng!” Nhưng ai đó không thể khuyên trẻ nhỏ: “Các cháu cứ hát nhưng đừng phát thành tiếng”. Nói thế khác gì Trạng Quỳnh cấm các quan vào vườn nhà mình: được ỉa nhưng không được đái? Đó là lời khuyên độc ác, đố kỵ và vô đạo đức!

Làm vài bài thơ vụn thì cứ làm đi, nhưng đừng xăm soi người khác làm gì trong Facebook của nhà họ. Tầm như thế chỉ đáng ruồi muỗi vo ve bên chuồng tiêu thôi. Đó có một nhà thơ chức to và nổi tiếng lắm cũng chẳng có gì khác tầm làm thơ: “ruồi ruồi ruồi ruồi ruồi…” Đố kỵ thì cũng ra tấm ra món một chút mới thành nhặng xanh đầu tầu được, chứ vo ve vớ vẩn cũng chỉ là con ruồi trong bầy ruồi, có tí tài hát đồng ca mấy vần thơ lẻ lèo tèo thôi!

Paul Đức 23/3/2023


9 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page