top of page
Nguyen Hoang Duc

QUYỀN LỰC , TÁC PHẨM & CỘNG HÒA

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2022

Quyền lực bậc nhất thế gian không thể không đếm đến Chủ tịch Mao Trạch Đông, một bàn tay sắt đã bắt cả triệu trí thức Tàu đến bên bờ ruộng học nông dân, và cả trăm triệu nông dân đến nhà ăn tập thể húp cháo loãng, về kỷ lục máu và chết đói họ Mao phải vượt qua cả Hoàng đế bạo liệt Tần Thủy Hoàng (?!) Năm kia nhân dự một bữa dạ tiệc do nhà văn Nguyễn Một thay mặt tổng công ty ô tô Trường Hải chiêu đãi các nhà văn, trong đó có các cây bút nổi tiếng như Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thụy, Hoàng A Sáng, Nguyễn Đình Tú… tôi có kể một câu chuyện liên quan đến quan chức và văn sĩ: đó là Chủ tịch uy quyền Mao Trạch Đông, khi được một nhà báo kể lại, có một chuyên gia nước ngoài đánh giá “Trung Quốc chỉ có 2 người rưỡi hiểu Trung Quốc, là Tôn Trung Sơn, nhà văn Lỗ Tấn và một nửa Mao Trạch Đông”. Họ Mao không những chẳng cáu mà cười ha hả vì chuyên gia kia nhận xét tài quá. Họ Mao dù có oai hùng uy quyền trùm thiên hạ, nhưng so với Lỗ Tấn thôi chỉ bằng một nửa. Tại sao? Vì “quan nhất thời dân vạn đại”, hết ghế quan thì cũng hết oai. Trái lại Lỗ Tấn là lĩnh vực chữ nghĩa tinh thần sẽ trường thiên vạn cửu?! Có danh ngôn “Tác phẩm là quyền lực”. Tôn Trung Sơn có “Chủ nghĩa Tam dân” lập hiến cho Trung Hoa Dân Quốc dân chủ. Lỗ Tấn đủ uy để mắng dân Tàu rằng “Người Trung Quốc chỉ giỏi ăn thịt người”. Ở Việt Nam, thi sĩ Tản Đà cũng không phải dạng bình thường khi mắng một dân tộc có tầm vóc hèn mọn “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Xã hội chúng ta chìm trong phong kiến hủ lậu quá lâu nên không mở não Cộng hòa để biết rằng “ai cũng có sở trường của mình”, con chim có cánh, con cá có vây, con ngựa có vó, con rắn có nọc… Không chỉ quan mới có quyền lực, mà xa xưa dân chúng Việt đã có câu “Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy dông/Nhất nông nhì sĩ.” Người nông dân khi làm ra thóc gạo, người ta cũng có quyền của họ, một ca sĩ có cả triệu người hâm mộ, thì không có quyền lực sao? Một nhà văn khi ra tác phẩm quyền lực lại càng lớn! Nhưng như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa viết trong tập “Chân dung và đối thoại”: các nhà văn của ta viết vẫn chỉ quanh quẩn miếng ăn và cái dạ dầy. Nhà văn còn thế thì nhà thơ còn tụt xuống xa vài dăm bậc với sở trường tí tẹo sinh hoạt vần vèo gọi là vui đâu chầu đấy, tức cảnh sinh tình?! Nhà văn, nghệ sĩ nước ngoài thì sao? Họ làm bạn với các nguyên thủ là thường, đơn giản như nhạc sĩ thiên tài Beethoven đã nói với vua Áo “Vua thì có nhiều lắm, nhưng Beethoven chỉ có một thôi”. Còn Maxim Gorki chỉ có bóng dáng hạng hai học hành kiểu cấp cứu đường phố mà đã có bản lĩnh tuyên ngôn “Càng có trí tuệ thì càng có sức mạnh, đó là điều không thể chối cãi”. Gorki vừa đánh bạn vừa chê bai lãnh tụ khét tiếng bạo tàn Stalin rằng: Stalin là người văn hóa thấp và thô bạo (?!). Còn nhà văn, nhà thơ Việt Nam thời chủ nghĩa xã hộithì sao? Có lẽ được nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Tố Hữu là được thường xuyên gặp các lãnh đạo. Trong sách “bút ký” của mình, Nguyễn Đình Thi có lẽ chỉ bày tỏ sự tôn trọng nhà văn Nguyên Hồng. Trong có vài ngày, Nguyên Hồng dứt khoát từ chối đặc ân tem phiếu của chế độ, để chuyển nhà lên mạn ngược, Nguyễn Đình Thi đã buông một câu “nhà văn phải thế!” Ông thán phục người ta phải thế nhưng chính ông không làm được?! Còn nhà thơ Tố Hữu thì được nhà thơ Ngô Xuân Sách tặng cho một câu “Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt!” nghĩalà anh càng leo quan nhiều, thơ anh càng nhạt nhẽo. Đó là hai bóng dáng có lẽ thành công quyền lực bậc nhất của giới thi ca Việt. Còn lại, giới chức quyền không coi đám thơ thẩn và văn bút ra gì. Tại sao? Vì tri thức thấp quá! Như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã không nhân nhượng vỗ mặt liền: hơn 80% thất học, bọn giặc già thơ phú lăng nhăng. Đám vần vèo nhí nhố này cũng ham quyền lực lắm, cứ lân la đòi chạm ngón vào ngưỡng cửa trung ương từ bao đời vẫn cứ bị hẩy ra ngoài theo kiểu “không thèm chấp!” Vào chính phủ thì phải trí tuệ cao, mới võ vẽ mấy vần thơ thì mơ làm gì?!



Chúng ta hãy nhắc lại câu “Tác phẩm là quyền lực”. Tác phẩm là hoa trái của tác giả. Cây nào sinh trái nấy. Quả không ra gì thì tác giả là cái gì cơ chứ?! Có một danh ngôn khác : “Khi đã nổi tiếng, không viết cũng chết, mà viết cũng chết!” Không viết – tức cây không ra trái, chết là phải rồi. Còn viết thì lại lộ ra cái hết đát tàn lụi của mình – thì sao sống sót?! Tôi được nghe kể về nhà văn viết truyện ngắn đại nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp, có nhà xuất bản ở Pháp định tái bản sách của ông, nhưng người ta hỏi “sách mới của ông Thiệp đâu”… không có, thế là người ta không tái bản nữa, bởi vì người ta quan niệm, chỉ có con người tiếp tục sáng tạo cái mới thì mới đáng tái bản cái cũ mà thôi. Chứ tác giả nào đã tịt ngòi thì cũng chẳng đáng nữa, vì quá khứ không chỉ là ngăn kéo cũ mà phải là hạt giống cho ngày mai.


Làm quan có đặc điểm xu thời nhiệm kỳ, biến cơ quan thành lô cốt bảo vệ ghế và quyền lợi của mình cũng như cánh hẩu hay nhóm lợi ích mặc dù chỉ là những kẻ bất tài, rồi từ đó mới có thể khai triển danh lợi, tham nhũng quyền, tiền, gái, và mới đây với vụ ông Nguyễn Quang Thuấn quan chức ban lý luận trung ương đi Ấn Độ và Anh bị mắc cúm Vũ Hán, người ta còn phát hiện ra cả tham nhũng du lịch… Quan văn nghệ ư? Tác phẩm tẻo teo giá trị thì chỉ có thể định nghĩa quyền lực bằng ghế (ghế chiếm dụng kiểu đi mượn) thì giá trị xu thời đó sao có thể neo giữ cho giá trị tác phẩm của mình?! Và quyền lực đích thực của mình là gì nếu không phải sự bất tài núp bóng con dấu?!

Paul Đức 10/3/2020

0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page