“Vô sỉ bất thành nhân”, tức là không có sự tự sỉ chính mình người ta không thể thành NGƯỜI được. Người Việt cũng xác tín không khoan nhượng, rằng “Quan nhất thời dân vạn đại.” Làm quan to chức lớn ư, chỉ trong ít năm dù có bôi, thêm, nếm quá nhiệm kỳ rút cục cũng phải xuống khỏi ngai, cả bị xã hội hất đổ lẫn tự nhiên.
Muốn SỈ thì người ta phải làm gì? Trước hết phải SÁM HỐI. Sám hối là gì? Điều này đã được triết gia Socrate minh định một cách nền tảng rất kỹ thuật, đó là “Hãy tự hiểu mình!” (Connais – toi – toi meme). Tự hiểu mình là gì? Giản dị là, ta tự soi gương mình, thấy mặt chỗ nào có vết nhọ, thì chùi đi. Nhưng sám hối thì phức tạp hơn, người ta phải soi mói bản thân nhiều để tẩy rửa lầm lỗi trong tâm hồn mình. Tẩy rửa để làm gì? Một con tầu được đóng kỹ lưỡng trong xưởng, sơn quét phủ mạ khắp nơi để khi nhúng nước biển không sét rỉ, và khi hạ thủy thì nó du hành khắp các đại dương bao la. Khi chúng ta biết tự sỉ để thành nhân, biết sám hối để gột rửa lời nói, việc làm, hành động và cư sử của mình, đó được gọi là CÓ LƯƠNG TÂM!
Lương tâm là gì? Định nghĩa dễ hiểu nhất là “Lương tâm là kẻ khác ở trong ta!” Khi ta soi xét tâm hồn ta, không phải ta soi xét như kẻ đánh cờ một mình, khi đó kẻ thắng luôn ở phía ta, còn phía ngược lại ta giả vờ làm đối thủ, cứ đi những nước mồi vào thế đã bài binh bố trận của ta… Không, chỉ là lương tâm khi ta soi nhìn ta bằng cái nhìn của người khác, ta đã nói gì, làm gì xúc phạm, gây đau đớn hay thiệt hại cho người khác?
Tại sao ta soi được mặt vào gương? Vì ta soi vào chỗ sáng hơn ta! Điều đó cho thấy người ta cần một Thượng Đế hay một Lý Tưởng để soi vào, nhằm tìm ra “vết nhọ” của mình. Để có được bài học sám hối đó, Chúa Jesus đã dạy bài học khiêm nhường “Các trò hãy rửa chân cho nhau, như chính Thày đang rửa chân cho anh em.” Hay như thi hào Whitman viết “Nếu bạn muốn gặp tôi, hãy tìm dưới đế giầy của bạn.” Đó là sự hạ mình hết cỡ rồi?!
Nhưng, khi một người làm quan vô thần sám hối, họ nhìn vào cái gì? Họ chẳng nhìn giá trị lý tưởng nào như Thượng Đế. Còn ai cao hơn là hình mẫu để họ soi? Họ ở dưới một người ở trên vạn người ư? Cái người ở trên đó họ đang tìm mọi cách để thay thế, họ chỉ đang cam chịu chứ đâu có phục?!
Vừa rồi một người bạn vong niên có tâm sự với tôi: các lệ tục cán bộ ở ta nó vậy, chỉ có cấp dưới xin lỗi cấp trên, chứ không bao giờ cấp trên xin lỗi cấp dưới cả dù lỗi có lè lè đi nữa.
Đúng như một danh nhân nói “Quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa tuyệt đối!” Khổng Tử nói “Hương nguyện đức chi tặc giã”, tức là; người quê mùa là đức kém. Người Phương Tây quan niệm chắc chắn xác tín rằng; nô tài không có tự do, không danh dự! Nếu chúng ta làm quan to nhưng mặc cảm nô tài, không biết tự sỉ thì chỉ là người tha hóa tột đỉnh, lương tâm săn ghế không phải thứ nằm trên não hay trong tim mà chỉ là đũng quần tìm mặt ghế?!
Một con tầu đã xuất cảng thì ra khơi, nhưng nhiều quan lớn của chúng ta lúc nào cũng xó máy loanh quanh ao nhà, như đoàn cán bộ lớn vừa qua đi thăm Ấn Độ lại quá giang qua Anh Quốc, có phải chúng ta chỉ là bóng dáng của vé kèm, vé nhờ dạng nô tài?!
Một tâm hồn không biết sỉ nhục, không biết sám hối, chỉ biết lẫn vào tập thể như Hội nọ hội kia, tôi từng nói “Đám đông không có nhân cách!” (câu của nhân loại là “đám đông không có lương tâm”). Nhân cách là gì? Là biểu thị đặc tính của mỗi cá nhân riêng rẽ, anh không có nhân cách, làm sao anh trở thành tác giả để viết cái này cái nọ cho đời? (mới đây có tác giả được giải thơ già đời mà còn viết rằng văn chương là phục vụ mình)?!
Đấy là chưa kể thứ quan thơ nấp mình trong các tòa báo và nhà xuất bản, cậy quyền quản trị con dấu, nấp sau số đông cánh hẩu “gắp cho nhau”, lương tri, danh dự cả tài năng đều ở mức ao làng hại đức, thậm chí còn muốn biến manh chiếu ao làng thành vương miện úp lên đầu tầm vóc cả nước…Một thứ lương tâm ở mức đũng quần săn mặt ghế dù có kinh bang tế thế cũng chỉ là mang mây tre đan xuất khẩu đi bán, thứ thuyền tôn hái rau muống ao làng làm sao có thể được gọi là tầu lớn hạ thủy chinh phục đại dương?!
Paul Đức 13/3/2020
Comments