top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.11. PHÁT TRUNG TIỆN THÍNH PHẠM

Đã cập nhật: 10 thg 7, 2023


PHÁT TRUNG TIỆN THÍNH PHẠM NƠI BỤC GIẢNG

(truyện ngắn tặng những người nước đôi còn sót lại)


Thằng Khâu Teo câm nhiều năm, mặt đần đần, miệng lúc nào cũng hềnh hệch nhăn nhở răng, nên dân làng vẫn gọi là thằng Khẩu Tèo, tức là miệng bị tèo rồi… Trẻ con gọi nhiều năm nên âm biến đi cho tiện thành Khâu Teo…


Khâu Teo nói được liền bi bô cười nói suốt ngày, ngay cả trong giấc ngủ nó cũng hua tay chân nói râm ran và cười hềnh hệch… Bố mẹ nó lo lắm liền gọi thầy lang đến bắt mạch kê đơn.


- Nhà chúng tôi lo lắm thầy ạ, sợ nó khỏi bệnh câm thì lại mắc chứng điên?! – Bố nó bảo.

- Ứ ừ… Con phản biện bố… Con khao khát nói… nói hân hoan vui vẻ… vì nhiều năm rồi con không được nói… tại sao bố lại bảo con điên? Cái làng này chắc gì đã khôn bằng con?!

- Thằng này láo… xưa kia mày bị bệnh còn được cưng chiều nên láo hả, giờ mày đã hết câm, hết đần… ông lại cho mày một nắm roi bây giờ…

- Nhưng mà con có nói câu gì láo đâu? Con có văng tục chữ nào đâu…


Bố Khâu Teo giơ cao tay định phát, thì thầy lang giữ tay ông lại:

- Này, ông… Ông không nghe nó nói từ gì à?

- Thì nó nói linh tinh ấy mà…

- Ông sai rồi, nó không nói linh tinh đâu. Ông nghe hai từ “Phản Biện” bao giờ chưa?

- Đúng là tôi chưa nghe bao giờ?- Bố Khâu Teo mặt đỏ lựng, tay gãi đầu.

- Tôi mang thuốc nam, thuốc bắc đến đây là thừa rồi. Ông nên gọi thầy nho cho cháu. – Thầy lang chào giã biệt.


Dăm thầy giáo trong làng, có một vị cao niên đã về hưu vẫn được gọi là Thầy Già được trịnh trọng mời đến. Nghe chuyện, Thầy Già bảo:

- Việc này không đùa được, một đứa trẻ bị câm, lại mắc bệnh đần từ nhỏ, làm sao lại phát tiết ra cái từ “Phản Biện” được, thôn xóm, làng nước ta, lâu nay dân chúng chỉ là đám thảo dân vô lại, quan trên bảo gì nghe nấy, có ai dám cãi nửa lời… Vậy thì chúng ta không thể xem thường nó là câm và đần nữa. – Nói rồi Thầy Già đến bên Khâu Teo vuốt ve: - Nào cháu hãy nói cho chúng ta và bố mẹ cháu nghe, tại sao cháu lại sáng dạ, minh mẫn ra nhiều thế?

- Thì do cháu bị câm lâu ngày, cháu tức quá không nói được, nên thời gian cháu đó cháu dùng để suy tư, và khi nói được thì lời khôn ra một cách tự nhiên thôi!

- Giờ cháu có muốn nói thêm điều gì không?

- Dạ … Dạ… - Khâu Teo gãi đầu.

- Sao cháu cứ ấp úng thế?

- Cháu không dám nói vì sợ mang tiếng hỗn láo, rồi bị đánh đòn.

- Có ta ở đây, ta là người uy tín nhất của cái làng này, ta đảm bảo với cháu, cháu cứ nói mà không sợ gì cả!

- Cháu không chí muốn nói, mà muốn thể hiện ý tưởng của mình!

- Được, cháu muốn làm gì tùy cháu.

- Nhưng cháu biết rồi cháu sẽ bị đòn, nhưng lòng cháu đang thúc giục cháu phải can đảm thể hiện.

- Đúng rồi, người xưa có câu khuyên răn kẻ sĩ phải “trí – dũng” mà.

- Vâng… cháu làm đây… Khâu Teo tiến ra giữa nhà, quay đít vào mọi người, nhăn mặt rặn… Bùm… một phát rắm lớn nổ tung.

- A, cái thằng này, đồ mất dạy, mày lại ngang nhiên làm cái việc hỗn láo vô phép này trước mặt thiên hạ à… - Bố Khâu Teo vơ cái chổi giơ thẳng tay vụt xuống đầu con.

- Khoan đã!- Thầy Già giữ tay ông lại. – Để cho nó nói đã nào. Giờ nó đã là đứa có trình độ, nó không thể hỗn vô lý được. Nào cháu…

- Thưa thầy và bố mẹ, thưa bà con cô bác… - Khâu Teo bỗng dõng dạc nói. – Vừa rồi cực chẳng đã tôi mới phải làm cái chuyện đó. Nhưng nó tất yếu không có cách thay thế được. Trong cơ thể mỗi người, chỉ có mồm và đít là xứng đáng là hai cửa khẩu phục vụ tiêu hóa. Nhưng cái mồm quan trọng hơn hẳn lỗ đít, vì nó vừa là cửa nhập khi ăn và uống, nhưng cũng là cửa xuất khi người ta nói ra. Còn lỗ đít chỉ thải đồ ăn thôi. Nhưng trong trường hợp mồm câm không nói được thì nó còn thua cả lỗ đít, như trong trường hợp tôi vừa đánh hơi…

- Hu Hu Hu… - Thầy Già quì xuống vái Khâu Teo sáu lạy.- Trời ơi có phúc cho làng ta, trong làng dù chúng ta đã có nhiều người kinh bang tế thế, nhưng chưa bao giờ có người kiến giải mạch lạc thế này. Thật là có phúc! Thật có phúc! – Giờ ta muốn nghe ngài chỉ bảo tiếp!

- Thầy ơi, thầy làm thế, cháu nó hư đi! – Bố Khâu Teo đỡ thầy dậy.

- Không, vạn vật phải được đặt đúng chỗ mới tồn tại. Đó cũng là công lý! “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cháu nó đáng bậc thầy, thì phải ở đúng chỗ của thầy. Nào mời ngài nói tiếp…

- Dạ, thầy sai lũ trẻ con ra vườn đào mang đất sét vào đây!

- Đồ hỗn láo, mày lại dám sai thầy! -Bố Khâu Teo giơ chổi lên.

- Cái đầu bé tí nhưng ở cao nhất và lãnh đạo toàn thân. Nó khôn ngoan hơn người thì tự nhiên có uy lực của trí tuệ. Còn ông tại sao lúc nào cũng chỉ biết mắng mỏ với hai từ hỗn láo, như vậy là “cường từ đoạt lý” đấy?!


Bọn trẻ con mang đất sét vào. Khâu Teo bảo:

- Các bé hãy chơi trò “pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa” đi!

Bọn trẻ con nặn phảo hình tròn rồi ra sức nện xuống nền nhà, phát ra những tiếng tức hơi…

- Đấy, thầy và mọi người xem, trong trò chơi này, có phải trẻ con cũng như đất sét đều muốn cất tiếng nói của chúng?

- Hu Hu Hu… - Thầy Già lại ngậm ngùi cất tiếng khóc không thành tiếng.

*****

Sau lần đó, Khâu Teo ít nói hẳn, mà thường hay cầm gạch non hay que vẽ lên sân hay vạch xuống đất vườn.

Thầy Già tập trung những người có uy tín trong làng, rồi tìm đến nhà Khâu Teo bảo:


- Ngài Khâu Teo ạ, làng mình nghèo lắm, tôi thấy ngài thường vẽ các hình trên sân và vườn, chắc ngài đang nghĩ cách để làng mình giầu lên. Giờ khuyên ngài cho chúng tôi lời khuyên thì tốt.

- Thầy nói rất đúng ý tôi. Tôi cũng đau đáu muốn khuyên làng lắm. Chỉ có điều người xưa nói “biết địch biết ta bách chiến bách thắng”. Giờ muốn đưa lời khuyên, tôi sợ võ đoán mất. Mà kẻ trí giả thì không nên ăn nói hồ đồ, không sở cứ…

- Vậy ngài định làm cách nào?

- Chắc tôi phải xuất ngoại một chuyến.

- Chắc phải thế, vì ngài đã nghĩ thì phải có lý. Nhưng ngài chớ có làm giống bà Từ Hi Thái Hậu bên Tàu!

- Chuyện thế nào?

- Bà ấy cử hai đoàn nhân sĩ sang Mỹ và Nhật để học về cộng hòa, nhưng khi họ về, bà ấy cất hồ sơ kiến nghị của họ vào một góc, để ngôi vua của mình được vững vàng.

- Đó là thứ trí tuệ ấm ớ, có mồm không dám nói, ta nhất quyết không theo.

- Làng nghèo lắm, nếu phải gom tiền cho ngài đi, thì ngài đi trong bao lâu?

- Tôi đi một ngày cũng được, nhưng để trải nghiệm, tôi cần đi một tháng, để có được tâm cảm tiến bộ từ trong máu cảm xúc.

- Được, tôi sẽ cho tiến hành ngay!

*****

Hơn một tháng sau, cả làng trống rong cờ mở đón Khâu Teo về.

- Mời ngài thượng bàn cho lời khuyên! – Thầy Già giơ tay trịnh trọng, người cong xuống, tay phải uốn nửa vòng.

- Không được! – Mặt Khâu Teo lạnh tanh.

- Tại sao ạ? – Thầy Già cong người khúm núm.

- “Y phục phải xứng kỳ đức!” Bài học lớn phải thị giảng, có đạo cụ trực quan, và phải được chuẩn bị cẩn thận. Phải có bục giảng như lớp học chứ không thể vừa học vừa đùa ngả ngớn như mấy anh tiểu nông chân đất mắt toét. Phải dựng rạp bên ngoài, nấu một chõ xôi to, một nồi phở, một nồi chè, một thùng rượu, nước ngọt rồi nước chè…

- Vâng, có ngay, xin ngài cho chúng tôi ba ngày chuẩn bị

Sự thể diễn ra đúng như ngài Khâu Teo đòi hỏi. Trong buổi giảng thị phạm, các quan chức và bô lão làng ngồi hàng trên, rồi theo đó mọi người lần lượt an tọa.

- Ăn xôi! – Khâu Teo ra lệnh. Cả làng đơm xôi ăn.

- Ăn Phở! – Cả làng ăn.

- Ăn chè! – Mọi người ăn.

- Uống nước… - Tất cả cùng theo.

- Nhắm rượu…


Khâu Teo đứng trên bục giảng trịnh trọng nói:

- Thưa bà con, chúng ta còn nghèo hèn vì tư duy lúng búng, thấp kém, không mạch lạc. Tôi vừa thị phạm cho mọi người thấy, dù chỉ có cái mồm, nhưng người ta phân biệt rõ ràng từng động từ, nào ăn, nào uống, nào nhắm… Ngay cả ăn phở, ăn chè dù lõng bõng nước vẫn cứ được thiên về “ăn”… Vì ngôn ngữ không mạch lạc, lúc nào cũng che chắn loanh quanh, nên tư duy của chúng ta cũng không mạch lạc… tùy tiện và hạ tiện. Tôi ra nước ngoài thấy rõ một điều, các ông chủ bao giờ cũng ra mệnh lệnh rõ ràng và mạch lạc, để từ đó họ còn kiểm chứng xem nhân viên làm đến đâu. Trái lại thấy, bọn con ở, kẻ dưới lúc nào cũng ăn nói ấm ớ, để còn loanh quanh biện hộ. Đấy, đang có tiếng tầu hỏa, bà con hãy nhìn xem, đoàn tầu nó dài và lớn thế kia, nó làm sao chạy loanh quanh như mấy con lươn cù nhầy được. Đoàn tầu mà chạy cù nhầy đổ ngay lập tức. Đấy tâm hồn loanh quanh cù nhầy khác gì bọn lươn mà chúng ta vẫn gọi là lươn lẹo. Còn ông chủ - lớn như đoàn tầu thì phải chạy mạch lạc rõ ràng chứ.

- Chí phải! Chí phải! Hoan hô! Hoan hô! - Thầy Già vỗ tay. Mọi người cũng vỗ tay rầm rầm.

- Giờ xin thu hoạch bài giảng!- Khâu Teo lớn giọng. – Trong cơ thể người ta, cái gì chỉ phát ra một thứ âm thanh.

- Lỗ đít! Lỗ đít… - Mọi người giơ tay nhao nhao nói.

- Nó kêu thế nào?

- Tít Tít… Bíp … Bum…Bòm … Bòm…

- Thưa Thầy Già, khi chiếc mồm nói nước đôi, thì có phân biệt giữa ăn và uống không?

- Thưa không?

- Tôi muốn hỏi thầy, ở đây chúng ta rút ra được bài học gì?

- Dạ, nói nước đôi, như người ta vẫn bảo, là chẳng nói gì cả, lúc đó nó thua cả lỗ đít nhất nguyên. Có đúng không ạ?

- Đúng! Nhưng tôi muốn thầy nâng cao câu kết luận hơn…

- Dạ… Dạ… - Thầy Già gãi đầu. – Tôi thấy mình không thể.

- Còn tôi muốn nói rằng “đó là kẻ phải đưa lỗ đít lên để dạy cho cái mồm nói vô tích sự!”

- -Hoan hô! Hoan hô… - Tiếng reo hò ầm ĩ.

- Tôi xin nói lời cuối với bà con rằng: vì ngôn ngữ không phân biệt, nên trí tuệ của xóm rách ta, cũng như cả châu Á này không phát triển, lịch sử bao đời dẫm chân tại chỗ. Và tôi xin nói thật: thế giới văn minh họ khinh chúng ta như mẻ, chỉ là đám nô tài vón cục, loay hoay trong ổ của mình thì được, chứ đâu biết phân biệt kinh tuyến hay vĩ tuyến để bay tới chân trời…

- Hu Hu Hu… - Thầy Già lã chã nước mắt.

Paul Đức 27/12/2017


21 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page