Phong độ mỹ học của mỗi cây bút là cái được xem như nền tảng cũng như thể lực trong các môn thể thao: bóng bàn, tennis, bóng chuyền hay bóng đá, đấm bốc… nếu giải đấu kéo dài, trận đấu kéo dài, thì gần như rút cục, không phải ai chơi giỏi, chơi khéo sẽ thắng, mà ai có thể lực nhiều nhất sẽ thắng. Phong độ của tác giả, bản thân chữ “phong” – tức là Gió, đã nói lên giá trị siêu hình từ sức mạnh đến khéo léo và cái huyền hoặc không tính hết được. Nhưng nó đã “đo” thế này: một tác giả đã đạt đến phong độ mỹ học thì ít khi có thể viết kém. Những người giầu kinh nghiệm điện ảnh, thường xem bảng phân vai các diễn viên để chọn phim xem. Những tài tử điện ảnh nổi tiếng, hầu như các đạo diễn toàn giành kịch bản hay cho họ, chứ ít khi là kịch bản yếu. Cũng vậy, các nhà phê bình cũng đón chào đặc biệt tác phẩm của những cây bút đã thành danh cách cẩn trọng dè dặt hơn.
Muốn viết hay, các cây bút nói chung phải đánh giá được phong độ mỹ học của mình. Như văn hào Pháp Andre Gide nói: “Mỗi đại tác giả đồng thời phải là một đại thính giả”. Viết nhanh quá thường cẩu thả. Lẩn mẩn viết suốt ngày đêm là biến sáng tác thành lao tác, biến sáng tạo thành lao động, mà triết gia Aristote dứt khoát rằng “Sáng tạo không phải là lao động” (making is not working). Nhưng cứ nằm ườn chờ cảm hứng sáng tạo như mấy anh nhà thơ gieo vần lèo tèo, thì cả đời không có được tác phẩm lớn. Có phương ngôn “Chuyên nghiệp là sáng tác được ngay cả khi mình không thích!”
“Nhanh nhiều tốt rẻ” ư? Không! Nhanh có thể đồng nghĩa với cẩu thả?! Nhưng có một nghịch lý rằng: lúa chỉ trổ đòng khi sét đánh. Tình yêu sét đánh cũng nhanh nhất và mạnh nhất. Có nhiều tác phẩm vĩ đại đã ra đời nhanh và mạnh như chớp giật. Nhưng quí vị hãy lưu ý: một bài thơ, một ca khúc, một truyện ngắn có thể nhanh như điện, nhưng một tiểu thuyết lại cần chất đi xa. Tất nhiên một giao hưởng, trường ca, hay tiểu thuyết cũng có thể trúng sét khi cảm hứng đầu tiên xuất hiện, nhưng nuôi dưỡng sáng tác nó là quá trình dài…
Vì thế muốn sáng tác hay, để đời, mỗi cây bút phải đánh giá được phong độ mỹ học của mình, nơi ngòi bút mình cũng như nơi trang giấy chứa đựng dấu vết của ngòi bút. Nói cách “dùi đục chấm mắm cáy” theo kiểu thi sĩ Xuân Diệu là, rút cục “có câu thơ nào đáng nhớ, hay được nhớ?!”
Sáng tạo giống lịch sử ở chỗ, người ta chỉ nhớ cái gì đọng lại. Vì thế viết nhanh hay chậm, quan trọng hơn là: mênh mông cánh đồng đó vụ mùa gặt hái được gì, hay có vỉa quặng nào nhô lên khỏi mặt đất?! Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được giải Nobel, xuất thân nông dân, hình như không biết ngoại ngữ, các tác giả thế giới trung bình viết mỗi ngày trên dưới ngàn chữ, còn ông nghe nói viết miên man có ngày đến vài chục ngàn chữ. Nhiều nhà phê bình danh tiếng ái ngại cho ông viết nhanh quá. Di sản của ông để lại, văn vẻ khá quê mùa, cuốn sách quí của ông “Mông to – vú nở” (Phong nhũ phì đồn), hay tên thi vị hơn là “Báu vật của đời” – dường như đề tài là “vốn tự có” thôi. Tôi có nghe vài trí thức đàn bà bĩu môi về mấy đàn ông “cha ấy, chết vì l… thôi”. Nghĩa là với ngay cả chị em rất quí cái của mình, nhưng họ vẫn đánh giá thấp điều đó?!
Rút cục, mỗi tác giả đều phải chịu thách thức và đối mặt với “còn lại cái gì?” Vậy chúng ta hầu như chỉ còn cách đánh giá phong độ mỹ học của mình, cũng như giá trị mỹ học mà tác phẩm của mình gieo trồng, gặt hái, thu lượm vào kho. Cái kho này cũng đồng nghĩa với lịch sử bút mực!
Paul Đức 15/5/2023
Comentários