top of page
Nguyen Hoang Duc

No. 45 LỖ CHÂU MAI CUỐI CÙNG CỦA LÀNG THƠ VỪA SỤP ĐỔ ?!

(Chuyện thực đến 99%, còn 1 % không phải là phi thực mà là chất keo dính để nối các miếng ghép lại với nhau)

*****

Dăm bảy nhà thơ ngồi quây quần bên nhà thơ Áp Mái. Nhà thơ này uy tín khá cao, chức tước cũng cao, đi vòng quanh thế giới chỉ thua vệ tinh. Và nhà thơ Áp Mái trịnh trọng tuyên bố:

- Tôi sẽ viết tiểu thuyết để còn giật giải Nobel!

Người ta nghe như không gian yên ắng rạn vỡ tung tóe. Đúng ra là những tâm hồn rạn vỡ như một cuộc chuyển mình vĩ đại. Nó thực sự là một cuộc động đất. Chí ít ra đó là cách loan báo về một cuộc trời long đất lở của tâm hồn. Nhà thơ Áp Chót liền lên tiếng:

- Trời ơi, anh mà bỏ đường thơ sang văn xuôi, chúng tôi khác gì rắn mất đầu, có hoa tiêu nào để chúng tôi nương bóng. Danh tiếng thơ anh như thế, chẳng lẽ lại phí hoài, nó khác gì trái pháo hoa sắp bắn vọt ra đầu nòng, thơ anh đã vang danh Âu Mỹ, sao không tiện đó mượn thế ỷ dốc xốc tới mà lĩnh giải Nobel?

Nhà thơ Tốp Trên bảo: - Nhưng mà nói trước không bước được qua!

Nhà Quan Sát bảo: Để làm một ngôi nhà tranh, người ta phải trồng xoan 10 năm, ngâm 3 năm. Còn tre trồng 5 năm, ngâm 1 năm… Đấy cũng chỉ là nhà tre lá. Giờ anh muốn viết tiểu thuyết thì cần rất nhiều trí tuệ và logic để xây lâu đài, trong khi đó tư duy của anh lâu nay là tư duy vần vèo liệu có đủ độ cứng để kết dính thành kết cấu cho tiểu thuyết?

Nhà thơ Áp Mái bảo: Dù có thể không bước được qua nhưng vẫn còn một phần nghìn tia hy vọng, trong khi đó nếu lao vào thơ không có nổi một phần vạn tia hy vọng!

- Tại sao? - Các bạn hãy nhìn Trung Quốc với thơ Đường chói sáng hơn nghìn năm nay với Lý Bạch, Đỗ Phủ … mà vẫn chỉ được các chuyên gia hiện đại cả Tây cả Tàu coi là “những mảnh vụn lấp lánh”. Họ có 2 giải Nobel là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn, đều là văn xuôi cả. Nhìn sang Nhật Bản cũng vậy, nào Kawabata, hay Kenzaburo Oe đều là văn xuôi. Những nước đó không thể có chuyện thơ thua Việt Nam, cho dù chúng ta có tự mệnh danh mình là cường quốc thơ đi nữa. Hai nước này phải được Nobel về thơ thì Việt Nam mới đến lượt xếp gạch?! - Vậy nên dự báo trong khoảng bao lâu? - Nếu hơn một nghìn năm Trung Quốc, cộng với hơn một nghìn năm Nhật Bản mà còn chưa có giải Nobel thơ cho châu Á, thì có lẽ phải đầu tư khoảng vạn năm mới đến lượt Việt Nam xếp gạch. Vì thế không thể có hy vọng. Đặc biệt là thời công nghệ này, thơ càng ngày càng xuống cấp.

Nhà thơ Tốp Trên bảo: - Tôi thấy thơ vẫn còn hy vọng, vì tôi xem xét thường cứ 6 nhà văn lĩnh Nobel thì sẽ có 1 nhà thơ.

- Ái chà, còn soi kỹ thế để mơ thơ mình Nobel cơ đấy?! – Nhà thơ Tốp Dưới bảo. – Nhưng tôi thấy, như bà Symboska hay nhà thơ Thụy Điển mới đây cũng được giải Nobel thơ đó thôi. Nhà Quan Sát nói: - Việt Nam đừng bao giờ so sánh địa vị với những người đó. Nhà thơ Thụy Điển được vì đó là nước chủ nhà “của nhà trồng được”. Còn Symboska là công dân của nước có Chopin và nền văn hóa cao cấp hàng đầu thế giới . Trong khi đó chúng ta còn đang tranh tre nứa lá lọ mọ!

Nhà thơ Áp Chót hắng giọng: - Ôi dào cần gì phải Nobel với thế giới, chúng ta cứ hay ở địa phương là được?!

- Thế tại sao ông đang từ hội văn nghệ tỉnh cứ phải chạy về trung ương? - Ừ… Ừ… - Tại sao ông làm thơ bao năm rồi mà vẫn chỉ là nhà thơ Áp Chót? - Vì tôi làm thơ chỉ cần câu ngắn mà hay! - Người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”. Thi ca là một bữa đại tiệc của mỹ học thì mới đáng để người ta khao khát, giả sử ông mời mọi người đến nhà ăn cỗ, ông lại trình dãi yến bé như đồng xu, để mọi người xếp hàng đi qua liếm một cái… có thành tiệc được không? Nhà thơ Áp Chót gân cổ: - Một đôi trai gái có cần trưng ra cỗ gì vậy mà khi họ lăn xả vào nhau vẫn sung sướng tột cùng?! - Vậy tôi hỏi ông, tại sao vô số cột điện lại dán các biển quảng cáo “sướng lâu dài”, “xuất muộn”, “chữa cướp cò”? Giờ đôi trai gái mà ông nói đó, vừa vào trận đã cướp cò thì có lên đỉnh thiên thai được không? Mà ông có hiểu ý nghĩa của từ lên đỉnh không? - Ừ… Ừ… - Lên đỉnh nghĩa là càng cao đường càng dài, đấy cũng là nguyên tắc của cuộc sống, lạc thú và nghệ thuật đó. Thơ ngắn của ông có một hai câu, khác gì một hai bước chân đòi chạm đỉnh ư? - Con phù du, con cung quăng vì cuộc đời của chúng quá ngắn nên không bao giờ được tôn trọng. – Nhà thơ Tốp Trên bảo. - Tôi Xin kể cho các ông thứ khoái lạc thời bao cấp. Thời đó cái gì cũng bao cấp, đàn bà ở hậu phương đầy ra vì chồng đi bộ đội, mà cũng trở thành thứ hàng hiếm bao cấp. Và có một thứ dịch vụ 5 hào một que diêm. Đàn ông muốn khám phá nửa vũ trụ bên kia, liền ra công viên mua que diêm và được nghe tiếng chun bật, bật diêm lên soi vào đó, vì đời của que diêm ngắn quá, hầu hết kẻ soi xem chưa đã nên cứ cố soi thêm đến mức que diêm cháy vào tận ngón tay. Rút cục anh nào đi soi một nửa thế giới đều bị bỏng- cháy xém ngón tay… - Hu hu… hô hô … ha ha… - Này đại ca Áp Mái còn không đợi nổi vạn năm cơ may giải Nobel. Thử hỏi tiểu đệ Áp Chót như anh phải đợi mấy vạn năm? - Ơ… Ơ… Nhà Quan Sát bảo: - Thực ra giới văn học Trung Hoa đã ý thức việc này từ lâu, các cây bút bỏ thơ viết tiểu thuyết lâu rồi. Còn chúng ta hãy chắc chắn điều không thể cãi này:

1- Người viết Đại thuyết là bậc thánh ! Vì đó là kinh sách. 2- Người viết tiểu thuyết có hay thế nào cũng chỉ là nhà văn, xếp dưới. 3- Còn người chỉ có câu, tạm gọi là “câu vần thuyết” chỉ là cung quăng, phù du, một que diêm cháy không bao giờ làm đủ một đam mê hay khoái lạc.

Thơ Áp Mái còn chẳng dám hy vọng. Ông Áp Chót cũng nuôi hy vọng sao?

Sự kiện này có đáng gọi là “Lỗ châu mai cuối cùng của thơ sụp đổ” không? Nếu bạn nào thấy hơi quá đáng xin các bạn đặt lại một cái tên chính xác hơn. Cám ơn các bạn!

Paul Đức 26/7/2015

Tranh: Yushkevich Viktor Nikolaevich (1961) Belarus

12 lượt xem0 bình luận

Commentaires


bottom of page