top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No. 43 THƯ HÙNG BINH PHÁP BIỂN ĐÔNG GIỮA TÔN TỬ VÀ NAPOLEON


Linh hồn của Hoàng đế Napoleon cắp một bàn cờ vua đến gốc cây đa dưới suối vàng. Bỗng thấy linh hồn nhà binh pháp nổi tiếng Trung Hoa là Tôn Tử cắp một bàn cờ tướng bước ra.

- Cám ơn ngài đã nhận lời tôi đến chơi cờ!

- Ồ! - Hoàng đế, hạ chân trước xuống, chao mũ hơn một nửa vòng chào kiểu quí tộc Pháp. - Cảm ơn ngài, một quí ông đáng kính, người giỏi binh pháp nhất phương Đông.

- Ngài quá khen!… Giờ chúng ta chơi cờ nhỉ?

- Tôi chưa biết chơi cờ tướng.

- Tôi cũng chưa biết chơi cờ vua.

- Vậy thì chúng ta chỉ cho nhau, rồi quyết định xem cờ nào phức tạp hơn thì chơi.

- Đồng ý!


Sau mười phút chỉ cho nhau cách chơi cờ, hoàng đế Napoleon thở dài.

- Tại sao ngài thở dài?

- Vì tôi đã đoán ngay từ đầu, chúng ta sẽ chơi cờ vua, vì cờ tướng đơn giản quá, con Mã lại bị cản, ô cờ của nó cũng ít hơn, lại không có con Hậu là vợ vua, chứng tỏ ở nước các ngài, đàn bà không có mặt và bị coi thường lắm. Tôi còn nghe nói, các ngài có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tức là; một nam thì viết vào gia phả, còn mười nữ kể như không có. Một bàn cờ có cả Mã và Tượng, cũng là súc vật, vậy mà chúng vẫn có mặt, còn phụ nữ của các ngài hiển nhiên không có mặt, đủ thấy phương Đông các ngài coi thường phụ nữ đến thế nào?!

- Thôi xin Hoàng đế, từ chuyện nữ quyền kiểu gì các ngài cũng dẫn sang dân chủ, cái đó thì Trung Hoa chúng tôi bét dĩ so với các ngài. Ngài đừng nhiều lời nữa, tôi sẽ chơi cờ vua với ngài là được chứ gì?

- Cờ quạt cái gì, tôi rất thích câu của tay vua xứ Việt, hình như là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói “Mẹo cờ bạc không thể thay được chuyện binh đao!”

- Chứ còn gì nữa! Cờ bạc là chuyện vui chơi, giết thời gian giải sầu. Còn binh đao không chỉ chết người còn hưng vong cả quốc gia.

- Cám ơn nhà binh pháp. Vì thế tôi chẳng có lòng dạ nào chơi cờ cả.

- Tôi cũng mang cờ ra để ngoại giao thôi, chứ lòng dạ đâu!

- Cám ơn ngài! Vậy thì chúng ta đến đây vì lý do gì nhỉ?- Napoleon hỏi.

- Khó gì đâu, ngài hãy viết vào tay, còn tôi cũng viết vào tay, biết ngay mà, đó là lối kinh điển lâu đời của chúng tôi.


Hai người quay lưng đi, quay lưng lại giơ lòng bàn tay ra, đều thấy vài chữ:

Biển Đông, Việt Nam

- Tại sao ngài lại chú trọng Việt Nam đến vậy?

- Vì nước tôi đã Bắc thuộc hóa Việt Nam cả ngàn năm không xong!

- Còn ngài?

- Nước tôi tuy là một cừơng quốc quân sự làm mưa làm gió ở châu Âu mà lại thua Việt Nam trắng bụng hồi 7-5-1954.

- “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, vậy là chúng ta có cùng một mối lo.

- Cùng một mối lo, nhưng trước hết chúng ta chưa hiểu nhau. Tôi muốn nghe binh pháp nổi tiếng của ngài!

- Ngài cũng là vị tướng nổi tiếng khắp thế giới, nên tôi chỉ trình bày qua với ngài 2 điểm thôi. Trước hết, trong binh pháp, thượng sách là đánh bằng ngoại giao, tức là không tốn viên đạn hay giọt máu nào mà kẻ thù phải khuất phục. Thứ hai, Trung Quốc có nhiều núi non hiểm trở, nên chúng tôi chủ yếu đánh bằng mai phục. Nghĩa là; bộ binh lợi dụng địa hình, ẩn nấp chờ địch thủ sa vào bẫy rồi xuất kỳ bất ý tấn công… Ngài thấy thế nào?

- Thực ra, tôi nói ngài đừng giận, tôi và ngài cũng chỉ là binh pháp của bọn quê mùa. Tôi đã vượt hàng vạn dặm dẫn bộ binh của Pháp đến tận Max-cơ-va của nước Nga, nhưng không dám vượt eo biển Măng-sơ chỉ cách 20 dặm biển, mà những người bơi lội tay không có thể vượt qua, để rồi chính tôi bị hải quân của Anh bắt, đầy ra đảo Thánh bà Helen… Tại sao vậy? Vì tôi không có nổi hải quân để vượt eo biển chỉ rộng bằng lỗ mũi… Thật là bi đát! Thật là quê mùa! Một đại quân của Pháp như vậy chỉ là thứ du kích lội ruộng?! - Napoleon mỉm cười.

- Tại sao ngài cười? Tôi nhìn thấy nụ cười của ngài còn chua cay hơn cả lúc ngài so sánh cờ tướng với cờ vua?

- Ha Ha Ha… Hu Hu Hu… - Napoleon vừa cười vừa khóc. - Tôi vừa khóc cho ngài lại vừa khóc cho tôi. Bộ binh của tôi nổi tiếng khắp thế giới cũng chỉ là đám quê mùa. Bộ binh của ngài lấy mai phục làm gốc cũng chỉ là quê mùa. Và trình độ binh pháp như vậy thì chẳng có gì để tự hào cả. Ngài là con số không. Con zé-rô to tổ bố ngài có biết không?

- Tại sao?

- Ngài phải dùng cả dãy núi, cả cánh rừng để mai phục. Trong khi đó từ thời cổ đại, người Hy lạp đã biết dùng “con ngựa thành Tơ-roa”, nó chỉ là ngựa gỗ, ém trong thành quân định, thực hiện nội công ngoại kích, trong đánh ra ngoài đánh vào, thành Tơ-roa đã thất thủ… Vậy là cái gì? Người ta dùng đơn vị hạt nhân và nguyên tử, còn các ngài vẫn dùng dãy núi và cánh đồng vốn tự có. Hi… Hi… Hi … Hu Hu Hu…

- Mà ngài hãy so sánh đi, một hòn đảo và một tầu sân bay cái nào hơn?

- Hòn đảo hơn tầu sân bay!

- Tại sao?

- Vì hòn đảo là tầu không bao giờ chìm. Còn tầu thì chìm.

- Vậy tôi hỏi ngài, binh pháp của ngài nổi tiếng khắp thiên hạ sao không dạy, và không dạy nổi điều đó, để đến nỗi, dân An- nam sắp bán ba hòn đảo Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc cho Tàu… thì là bao nhiêu con ngựa thành Tơ - roa hả trời!!!

- Thật thế ư, vậy thì tôi phải bổ sung vào binh pháp của tôi!

- Thế ngài không đứng về dân Tàu của ngài à?

- Tôi là nhà binh pháp, là nhà khoa học quân sự, tôi không thể đứng về dân tộc mình mà phải đứng về phía chân lý khách quan. Làm sao… Làm sao lại có sự dốt nát như thế… Hu Hu Hu… Chào ngài, tôi phải về để bổ sung vào binh pháp đánh thủy đây!


Tôn Tử cúi gập mình vừa đi vừa khóc. Giời ơi, cái lũ người Á Đông này. Liệu họ có bao giờ khôn ra được?!


Paul Đức 22h45’ 03/6/2018



40 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page