Chiếc xà nhà rung mạnh theo cánh tay lực lưỡng đầy hăm hở của Giàng A Phương đang kéo qua kéo lại. Con lăn gỗ cuống quýt chuyển động trong sợi dây da khắc nghiệt dữ dằn đang thắt lại của chiếc cần tay khoan. Cảm thấy phấn chấn, Giàng A Phương ngước nhìn những tấm gương treo sát mái cọ, trên vách nứa. Chàng thấy cái lưng nổi gân bắp đang gò xuống trong sức kéo nhịp nhàng dữ dội của cánh tay mình giống hệt tấm lưng của người bố nuôi ngày nào. Bố nuôi của chàng cũng có cái tên nửa Dao nửa Kinh như chàng, ông tên là Giàng A Báu. Thời loạn ly, khi tản cư ông bị lạc bố mẹ, bị bố của thằng Nghiệp buôn người bắt lên đây bán cho người Dao. Lớn lên ông lấy một bà vợ người Dao, vì không quen làm nương rẫy, ông tự kiếm khoan, búa, rũa chế tạo những khẩu súng kíp săn thú bán cho người Thổ. Còn mình, Phương thở dài, chàng chẳng biết mình quê ở đâu nữa?
Chàng chỉ còn nhớ láng máng: Mẹ chàng bồng chàng ra chợ, bà vừa đặt chàng xuống cái chõng tre để ra mua mớ rau… thoắt một cái chàng đã bị hai cánh tay cứng ngắc quặp lấy chàng (những cánh tay khác xa với cánh tay mềm mại dịu êm của mẹ). Chúng thả rơi chàng xuống một chiếc sọt thồ, chàng thấy gió ào ào bên tai, gã đàn ông gò lưng thốc đít đạp. Mẹ ơi…Mẹ ơi…! Chàng gào xé lên, nhưng đã quá xa rồi những lều quán còi cọc chỉ còn thấp thoáng trong tầm mắt, ngọn núi sum súp nằm sát bến đò ngang lối về nhà chàng cũng mờ dần… Gã xe thồ đó là Nghiệp, bố gã chết đi, gã thừa kế nghề buôn người của bố gã. Theo những con đường mà ông bố truyền lại khi hấp hối, Nghiệp cho chàng vào chiếc bị cói lần vết người cha lên bản Huối Cáy này. Dân bản toàn người Dao sinh sống, không rõ phong thổ thế nào mà có rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh; vì không chịu nổi cô đơn họ đành tìm cách mua những đứa bé người Kinh để làm con nuôi.
Giàng A Phương bỗng ngậm ngùi, chàng còn nhớ buổi chiều đầu tiên bị ném xuống thung lũng này, đôi mắt trẻ thơ của chàng bị những đám mây đen cùng những cánh rừng bịt bùng phủ ngập. Im lặng bao la và âm u quá, chàng nghe rõ những bước chân thưa thớt từ bốn phía hướng về phía chàng bước tới, họ đến để mua chàng.
- Tôi trả hai đồng bạc trắng!
- Bốn đồng đây!
- Năm đồng!
Tiếng mọi người nhao nhao trả giá.
- Có ai trả hơn không? - Thằng Nghiệp hỏi.
- Tôi đây! - Bố nuôi chàng, ông Giàng A Báu bước tới. - Tôi trả mười đồng bạc trắng!
- Ồ…! - Mọi người la lên. - Ông ta giầu lắm! Tiếng bàn tán ồn ào. - Ông ấy có đến bảy chiếc bí tất đựng bạc trắng. Chà! Ông ta mua thằng bé bằng giá của năm khẩu súng kíp!
Phương ứa nước mắt, bàn tay của ông Báu gân guốc thế mà dịu dàng đến kỳ lạ. Ông bế chàng về, nhẹ nhàng đặt lên phản, rồi làm gà nấu cháo cho chàng ăn. Ông nói “Ta rất thương con! (Tay ông run rẩy khi vuốt ve chàng). Ta cũng là người Kinh bị bán lên đây, ta muốn nhận con về để con đỡ khổ. Ta sẽ truyền nghề cho con, con sẽ giàu có. Ta đặt tên cho con là Giàng A Phương nhé! Phương tiếng Kinh có nghĩa phương xa, con bị bán lên đây tha phương cầu thực nên phải tên là Phương.”
Phương lớn lên, chàng chẳng bao giờ quên được khuôn mặt hiểm độc như rắn rết của thằng Nghiệp buôn người - kẻ đã giằng chàng ra khỏi bầu vú của người mẹ thân yêu. Năm mười hai tuổi, lần đầu tiên khi được nuôi dạy cách cầm súng kíp lần theo dấu chân thú, Phương đã nghĩ rằng: Con thú đầu tiên mà chàng bắn sẽ là thằng Nghiệp. Chiều đó, thằng Nghiệp lại xách một đứa bé nữa lên bán, lần này nó cho thằng bé vào một chiếc túi du lịch. Nòng súng của giàng A Phương nâng lên, nó chĩa thẳng vào trán, nơi chứa đựng linh hồn bẩn thỉu của gã. Chợt một bàn tay rắn như thép nhấc khẩu súng của chàng lên. “Không nên làm nhu thế, con ạ! - Bố nuôi ngồi xuống cạnh chàng. - Khi bị bán lên đây, bố đã thề trước dân bản rằng: Bố là đứa con của bản, bố phải bảo vệ quyền lợi cho dân bản. Nếu con bắn chết thằng Nghiệp, cái bụng dân bản nó không ưng, nó sẽ bảo bố đã bội ước lời thề. - Ông xoa xoa vai Phương. - Lời thề của dân bản chắc như dao chém gỗ con ạ! Khi bố chết rồi, con muốn trả thù tuỳ con.”
Bà vợ ông Báu chết. Đến lượt mình, năm ngoái ông cũng theo bà trở về cát bụi. Bây giờ Giàng A Phương đã mười tám tuổi, chàng trở thành một con người tự do, một con người được giải thoát khỏi lời thề nặng hơn cả đá tảng mà bố nuôi của chàng đã đeo vào cổ. Tháng trước, thằng Nghiệp lên đây dạm chỗ để bán liền một lúc hai đứa nhỏ, Phương đã định ra tay. Bữa đó, có cỗ ở nhà già làng Giàng A Xu, thằng Nghiệp cứ liếc trộm khẩu súng kíp treo trên vách đất ngay sau lưng chàng. Được nửa bữa rượu, thằng Nghiệp đứng lên hỏi:
- Dân bản có nể ta không?
- Có chứ! - Đám đông nhao nhao nói.
- Ta có tên là gì?
- Là Giàng giàng Nghiệp!
- Tại sao lại đặt cho ta cái tên như vậy? Già bản thử nói cho cái tai ta nghe với! - Nghiệp lên giọng kẻ cả.
Gìa bản đặt bát rượu xuống, nói:
- Giàng là họ, Giàng tiếng Dao cũng có nghĩa là Trời. Ông giỏi như Trời ấy, ông thuộc họ nhà Trời.
- Rất hay! Bây giờ mọi người hãy theo ta ra sân! - Nghiệp bước ra ngoài. Gã chỉ những chú gà đang chạy trong sân bảo với mấy tay súng săn sành sõi ở bản. - Các anh bắn đi, chết con nào ta trả tiền con đấy. Thịt gà uống rượu ngon lắm!
Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba tay súng kíp cùng bắn, ba chú gà giãy đành đạch.
- Bắn nữa đi!- Nghiệp gào.
- Chúng tôi hết đạn rồi!
- Các chú kém lắm, hãy trông ta đây này!- Nghiệp rút ra một khẩu súng côn quay.
Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Sau phát đạn nổ, sáu chú gà quay lơ. Tiếng ồn ào thán phục nổi lên như tiếng những bọng ong rừng vỡ tổ. Nghiệp giơ khẩu súng lên cao, nói:
- Đây là khẩu súng thần, nó không phải mồi đạn như súng của các người, chỉ có ta mới bắn được nó. - Gã xoay xoay ổ đạn chỉ những cái lỗ cho mọi người bảo. - Nếu ai bắn súng này của ta viên đạn sẽ bay ngược lại làm hắn phải chết.
Chờ cho dân bản lắc đầu lè lưỡi hồi lâu, Nghiệp rút trong túi ra một cái máy mặt kính tròn xoe (sau này, Phương mới biết nó là cái la bàn). Nghiệp giơ chiếc la bàn lên, chỉ vào cái kim nói:
- Cái này giúp ta biết tất cả mọi việc, mọi toan tính của bất kỳ ai.- Hắn chỉ lên quả đồi phương Bắc bảo một thằng bé. - Mày hãy đi lơên quả đồi kia hái một nắm lá ngón về đây!
Khi thằng bé đi rồi, hắn chỉ cho mọi người xem chiếc kim luôn hướng vế phía Bắc.
- Các người thấy chưa, thằng bé đi đến đâu chiếc kim chỉ theo đến đấy!
- Ông đúng là một vị Thánh!- Dân bản cùng nói. - Chẳng ai làm gì được ông cả.
*****
Mặt trời lặn khuất sau ngọn đồi. Dưới thung lũng, những bóng tối từ những cụm cây tràn qua cửa sổ ùa tới xoắn quanh sợi dây thừng móc lơ lửng giữa xà nhà đang gia tăng tốc độ theo tay khoan của Giàng Phương. Chẳng biết đến thời gian, Phương vẫn miệt mài khoan. Tiếng mũi khoan cứ nhẹ dần, những vòng xoáy cuối cùng đang cuốn sự dẻo dai của chàng tới đích. Xoèn xoẹt… Xoèn xoẹt… Bụp! Tiếng mũi khoan xuyên rỗng thanh sắt cắm xuống miếng ván lót. Phương thở phào khoai khoái. Chàng thắp ngọn đèn Hoa Kỳ lớn lên để xem công trình của mình. Đó là chiếc xà beng thứ tư đã được chàng nỗ lực khoan thủng trong hai tháng trời để làm nòng súng kíp. Bây giờ chỉ còn lắp những chiếc cò cho nó thôi. Chàng nghĩ; mình sẽ có một khẩu súng kíp với bốn viên đạn ghém được làm sẵn sàng, mình vẫn còn thua nó hai viên đạn, nhưng không sao mình sẽ giắt thêm hai con dao quắm nữa, mình sẽ nhắm thật trúng và dùng hết sức phóng dao đi.
Gà gáy canh hai, thì Giàng Phương lắp xong khẩu súng bốn nòng. Chàng lên phản nằm ngả lưng để lấy lại sức. “Đồ tồi tàn!” Chàng rủa chiếc phản cũ kỹ cứ rầm rầm phát ra tiếng động mỗi khi chàng trở mình. Gà gáy canh tư… sắp sáng rồi. Sáng mai ngày bảy- phiên chợ, ngày thằng Nghiệp hẹn đem hai đứa bé lên bán cho ông Giàng A Tủa. “Đồ chết tiệt!” chàng nghiến răng, không thể để nó làm cái việc xấu xa ấy mãi được, mình sẽ bắn chết nó rồi cứu lấy hai đứa trẻ. Chúng cũng là người dưới xuôi như chàng…
Canh năm, Phương vùng dậy bước vào buồng hạ khẩu súng kíp trên vách xuống, nó khá nặng. Chàng nạp đạn rồi bước ra cửa. Phía đông mặt trời đang ngoi lên, khắp thung lũng những đám sương mai đang từ từ tan loãng. Chàng giơ súng lên, nhắm vào chiếc cành cụt của một thân cây khô héo bóp cò. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Khẩu súng giật mạnh, bốn viên đạn nổ chát chúa, chiếc cành cụt xé ra. “Tốt rồi!” Chàng vừa nói vừa quay vào nhà nạp đạn lại cho khẩu súng, Chàng đổ gấp hai lượng thuốc súng cho mỗi nòng, giắt thêm hai con dao quắm vào hông, bước ra khỏi nhà.
Băng tắt qua ngọn đồi, chàng tìm được một gốc cây có chạc nằm án ngữ giữa đường mòn xuống thung lũng. Chàng đợi! Kia rồi, chàng nhìn thấy tên Nghiệp đang đi lại, vai hắn địu một chiếc ba lô; ở đó một cái đầu nhỏ bé đang nhô lên, tay phải hắn xách một thằng bé khác bằng cái bị. Mình sẽ nhằm vào đầu hắn, Phương nâng súng lên. Không! Nếu viên đạn sượt đi nó sẽ trúng thằng bé, Phương hạ nòng súng xuống giữa ngực thằng Nghiệp, để chắc chắn hơn mình sẽ bắn vào tim hắn. Thằng Nghiệp đến gần, cả thân hình và đường đi của hắn như đã nằm trọn trong bốn nòng súng khổng lồ. Phương đã cử động ngón trỏ. Không! Ta không thể bắn lén nó như vậy được. Trước khi giết nó, ta phải nói cho nó biết về tội lỗi ghê tởm của nó.
- Đứng lại! - Phương hét.
Thằng Nghiệp giật nảy mình, nó đứng sững lại, bốn nòng súng kíp như những chiếc sào sắp chọc vào ngực nó.
- Đừng bắn… Đừng bắn… ta! - Giọng Nghiệp run rẩy, bỗng nó đổi giọng. - Ngươi nỡ hạ ta một cách lén lút như thế này ư, không tốt! Như thế là không mã thượng. Ngươi muốn trả thù thì hãy đấu với ta đàng hoàng!
- Đừng có láo toét!- Phương gầm lên. - Khi người đánh cắp ta thả vào chiếc xe thồ thì ngươi có đàng hoàng không?
- Chuyện đó xa rồi. Ta hiểu nỗi uất ức của ngươi, tối nay ta hẹn đấu với ngươi nơi suối cạn. Ngươi sẽ có cơ hội chính đáng để báo thù.
- Ta không tin! Ngươi lật lọng lắm! - Hình ảnh đau như xé cách mười lăm năm qua chợt dâng ứ cổ chàng. Không được! Ta phải giết nó, chàng nghiến răng.
Bỗng thằng Nghiệp nâng chiếc bị cói lên ôm ngang ngực, cái đầu của thằng bé ngọ nguậy trước nòng súng của Phương. Thằng Nghiệp nói:
- Này các cháu, kia có người muốn giết chú đấy, các cháu có thích không?
- Đừng chú! Đừng! - Hai thằng bé khoảng năm tuổi cùng la lên. - Chú ấy tốt lắm, chú ấy cho chúng cháu rất nhiều kẹo. Chú đừng giết chú ấy!
- Ngươi thấy thế nào? - Nghiệp nhếch mép. - Hãy dịu cơn thịnh nộ xuống! Tối nay ở nơi suối cạn, ngươi sẽ mặc sức phóng cơn thịnh nộ của ngươi vào nòng súng.
- Được rồi! Đồ chó bẩn! Hãy nhớ lấy lời hẹn đấu của ngươi! - Phương hạ nòng súng xuống.
*****
Xẩm tối. Giàng A Phương vừa ăn cơm xong, chưa kịp uống nước thì đã thấy xôn xao ngoài cửa. Hơn một chục đàn ông đột ngột xuất hiện súng kíp, dao quắm lăm lăm trong tay. Họ trói giật cánh khuỷ chàng rồi giải chàng cùng khẩu súng bốn nòng sang nhà già làng Giàng A Xu. Tiếng mõ tre vang lên, chẳng mấy chốc dân bản kéo đến vòng trong vòng ngoài chật kín nhà già bản. Ở gian giữa, Giàng A Xu tay cầm một quả bầu khô rỗng lắc lắc, tượng trưng cho quyền trượng, ngồi trên một tấm da hổ. Kêế đó, tên Nghiệp ngồi trên tấm da gấu, trước mặt bày khẩu súng côn và chiếc la bàn, hắn đắc chí cười.
- Quì xuống!- Gìà làng bắt Giàng A Phương quì xuống một đám cỏ gai. - Có đúng sáng nay ngươi định bắn chết ông Nghiệp nhà trời không?.
- Vâng, tôi muốn bắn chết con chó đó. Con ong còn có tổ, con nghé còn có mẹ. Vậy mà nó đã tách tôi ra khỏi người mẹ yêu dấu của mình như chặt một búp măng tươi. Tôi căm thù nó.
- Không được! - Giàng A Xu gằn giọng. - Đó chỉ là mối thù riêng của ngươi. Còn lợi ích của bản thì sao? - Ông Giàng A Tủa đã trả mười nén bạc trắng cho ông Nghiệp. Nếu ngươi bắn chết ông ấy cùng những đứa trẻ, thì ai sẽ đền cho ông ấy mười nén bạc.
- Dạ, thưa già làng, mười nén bạc không bằng hai mạng người. Tôi muốn giết chết thằng Nghiệp, nó là đứa bất nhân. Tôi không muốn để những đứa trẻ phải xa bố mẹ…
- Thôi, đừng bẻm mép nữa! - Giàng A Xu vươn tay tuyên phạt. - Vì mắc tội chống lại lợi ích của bản đáng lẽ ngươi phải tội chết, nhưng ta nể tình bố nuôi ngươi đã đóng góp cho bản rất nhiều mà tha cho ngươi tội chết. Phúc cho ngươi đấy, ngươi sẽ được sống trong cũi.
*****
Dân bản đóng một chiếc cũi rất chắc chắn nhốt Giàng Phương vào đó. Mới được nửa tuần trăng mà chàng đã gầy rộc hẳn. Mỗi ngày, chàng chỉ được ăn hai lưng bát gỗ cơm trộn với sắn, lại thêm cái cũi thấp quá, nó khiến cho đôi vai quen tự do phóng túng như con sói giữa núi rừng của chàng từ sớm đến tối cứ phải gò khom xuống.
- Mày còn sống dai nhỉ, sao mãi không chết?
Buổi chiều thằng Nghiệp đi qua trêu trọc chàng vậy.
- Đồ rắn độc! Đồ bội ước! Đồ hớt lẻo! - Chàng nhổ vào mặt hắn.
Hắn cười nhăn nhở:
- Thử xem cao thượng như mày có sống nổi không?
Mặt trời lại đang trốn khỏi đỉnh đồi phía Tây. Phương thở dài. Một đêm dài dằng dặc nữa sắp sửa ập xuống. Đêm phủ lên đôi cánh bị giam trong lồng.
- Chú Phương ơi! Chú Phương!
Bỗng có tiếng gọi vang tới, nó trong hơn cả nước suối rừng. Phương cúi xuống, hai đứa bé bị bán hôm nào đang lò rò rẽ đám cỏ ranh bước đến.
- Chú ơi! Chú ăn đi này!
- Chú cầm lấy!
Đón hai nắm xôi từ những đôi tay nhỏ nhắn, Phương hỏi:
- Các cháu tên gì?
- Cháu tên là Hùng. Chú ơi có phải chú muốn bắn chết lão Nghiệp để cứu chúng cháu không? Cháu nghe mấy chị trong bản nói thế.
- Cháu tên là Nam. Chú ơi từ khi bán chúng cháu xong, lão Nghiệp ác lắm!
Kể từ hôm đó, ngày nào Phương cũng có thêm hai nắm xôi, phần ăn bớt lại của hai đứa bé. Sáng nay chàng bật dậy khi tiếng chim rừng đầu tiên cất tiếng hót. Chàng cuống cuồng thò ngón tay vào trong một ống tre lấy ra chiếc rũa và một miếng sắt nhỏ mà hai đứa trẻ mang đến cho chàng tối qua. Chúng làm theo chỉ dẫn của chàng. Phương ấn một thanh cật tre vào ổ khoá để lấy mẫu rồi bắt tay vào rũa chiếc chìa khoá tự do của mình. Hoàng hôn buông xuống, như thường lệ, tên Nghiệp lại riễu qua xem xét địch thủ không đội trời chung của gã.
- Ê, thế nào, hôm nay ngươi còn sống không đấy? - Nghiệp cất giọng từ xa. Đúng lúc hắn vừa tiến sát đến chiếc cũi thì cánh cửa bật ra, Phương nhảy ra ngoài.
- Đồ chó, lần này thì mày không thể dở trò thề bồi bẩn thỉu được nữa. Hãy sắn tay áo lên. - Mắt Phương trừng trừng dữ dội. - Hãy đấm thật mạnh vào, đấm như những người đàn ông chân chính ấy.
Những quả đấm của Phương sổ lồng mạnh như trời giáng, nó tung ra tất cả sức mạnh bị nén lâu ngày trong cũi.
- Đừng giết tôi! Tôi van anh! - Tiếng thằng Nghiệp ri rỉ phát ra từ thân xác đã sụp xuống bèo nhèo.
- Được thôi! Nếu mày thích kéo lê đời sống bẩn thỉu của mày trong cái cũi chó má này. - Phương dừng tay, chàng tống thằng Nghiệp vào trong cũi rồi bấm khoá lại. - Chàng chụm tay lại hú gọi.
- Ối già làng, ối dân bản ơi!
Dân làng thắp đuốc chạy tới rầm rập. Phương chỉ vào cũi nói:
- Dân bản hãy nhìn đây! Hôm nay Giàng đã giúp tôi bởi vì Giàng căm ghét những kẻ độc ác dối trá. Giàng giải thoát cho tôi và nhốt thằng Nghiệp vào đây.
Dân làng vây lấy Phương reo hò mừng rỡ. Bỗng Giàng A Xu bảo:
- Ngươi có quan hệ với Giàng, vậy ngươi là con ma của bản. Chúng ta không bắt cũi ngươi nữa nhưng ngươi phải đi khỏi chốn này. Từ nay ngươi không phải là con của người Dao nữa, không ai được quyền tiếp đón ngươi cả.
Sáng hôm sau, Phương chặt mấy tầu lá chuối bọc mấy ổ cơm nắm lại. Chàng vượt thung lũng đi xuôi về phía Nam.
*****
- Anh tên gì? - Viên trung uý cảnh sát hỏi.
- Tên tôi là Giàng A Phương.
- Dân tộc gì?
- Dân tộc Kinh.
- Chứng minh thư của anh đâu?
- Nó là gì, tôi không biết!
- Nó là cái sẽ gọi tên của anh là gì?
- Vậy không phải bố nuôi tôi đã đặt tên tôi là Giàng A Phương à?
- Không phải! Anh sẽ bị bắt giam ba tháng về tội lang thang không giấy tờ tuỳ thân. Và bị giam ba tháng nữa vì tội lợi dung mê tín dị đoan bẫy một người vào trong cũi.
- Ai vậy?
- Ông Nghiệp! Cho gọi nhân chứng ra đây! - Viên trung uý gọi vào buồng trong. Lão Nghiệp bước ra vẻ mặt đầy viên mãn.
- Thế nào chú bé? - Lão Nghiệp hỏi qua làn khói thuốc.
- Tại sao ông đến được đây? - Phương ngạc nhiên.
- Chú mày quên là tao có cái này!- Lão nghiệp rút trong túi ra chiếc la bàn. - Sáng hôm sau ta hô hoán mọi người đến, bảo: Này hãy nhìn vào chiếc kim của Giàng, nó đang chỉ về hướng Bắc đây này, hãy khiêng ta đến đấy. Thế là họ cứ khiêng tao đi, phía đó là đồn công an huyện, chú hiểu không. Thế là tao được cứu thoát.
- Nhưng ông không thoát được, ông sẽ bị trừng trị vì tội bắt cóc trẻ em đem bán.
- Chú ngây thơ lắm, nhà tù chỉ giam cầm được những tâm hồn trong trắng như chú thôi. Còn với bọn ta nó lại là không khí sống. Chú thử nghe những lời bọn tao vẫn nghêu ngao nhé! “ Nhà tù là chốn ăn chơi. Hoả lò là chốn nghỉ ngơi tháng ngày”
Sau sáu tháng tạm giam, chẳng có lấy một mảnh giấy tờ tuỳ thân chứng minh tên tuổi, dân tộc cũng như quê quán của mình, Phương cứ đi lang thang, gặp gì làm nấy qua ngày. Vài lần Phương gặp lão Nghiệp ở ga, tay xách trẻ con, lão cười bảo: - Chú nhóc! Biết điều thì đừng dúng mũi vào việc của anh nhé. Không xong đâu!
Cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, nhân vật của tôi vẫn đi lang thang. Không gia đình, không chốn nương thân. Rồi một ngày khi hoàng hôn thả xuống đám sương mù u uẩn, chàng lần bước đến một bến đò ngang kế bên ngọn núi nằm sum súp. Một ngọn gió tê buốt quất xuống khiến dòng sông nổi da gà gợn lên những làn nước lăn tăn tê tái. Chàng rã rời ngồi xuống bến đò bồi hồi nhớ lại quê hương lúc chàng rời đi khi ba tuổi. Đây có phải là quê mình không? Chàng cũng không rõ nữa. Chàng đứng dậy, tim chàng cồn cào, nó đau như xé. Chàng bỗng khát khao gặp lại người mẹ đã sinh ra chàng, khao khát thiêu đốt từng thớ thịt của chàng. Ôi, chẳng biết giờ này bà còn sống không? Nếu không còn được ôm bờ vai gầy gò của bà thì đắp lên mộ bà một nắm đất cũng được.
- Không! Ta không thể để mất quê hương như thế được. - Chàng nắm chặt hai nắm tay gầm lên. Ta sẽ tìm cho ra lão Nghiệp để hỏi rằng: Lão bắt cóc ta ở chỗ nào thì chỗ đó là nơi ta đã sinh ra. Nếu không, lão phải chết.
Chẳng hiểu bằng cách nào Phương kiếm được một khẩu súng côn, chàng tìm đến ga đợi những chuyến tầu ngược xuôi về. Chàng vẫn đứng đợi, đợi để hỏi: Quê chàng ở đâu?
Nghe đồn; Lão Nghiệp đã bỏ xuống phía Nam làm ăn rồi. Cho đến bây giờ Giàng A Phương vẫn đợi. Thân hình trai trẻ đang héo quắt mòn mỏi của chàng hắt ba chiếc bóng: đau đáu- thổn thức- tủi hờn xuống sân ga.
NHD- Hà nội 5-5-1993
Comments