top of page
Nguyen Hoang Duc

No.37. NẺO ĐƯỜNG TÌM LẠI

Đã cập nhật: 11 thg 6, 2023

Tối Ba mươi tết.


Tiếng xe chạy gấp gáp lẫn trong những bước chân lần về hối hả, tiếng những đứa trẻ gọi mẹ nháo nhác như gà con sợ lạc mẹ giữa cảnh chợ vét “năm hết, ngày cùng, tháng tận” như táp ngọn lửa bồn chồn dữ dội vào một căn nhà siêu vẹo nằm kế bên con đường nhánh. Mọi người đang bồn chồn tìm về tổ ấm.


Rầm!

- Cửa giả, đồ khỉ gió! - Tiếng bà Tẹo, người vợ thứ hai của bác Lành rít lên ngay khi sập mảnh ván cuối cùng vào khung cửa quán, khiến lòng Tâm thắt lại. - Này thì chuối với chiếc! - Bà ta liệng nải chuối đã chín mõm lại ra đường. - Năm hết tết đến rồi, cái quán nước còi này thì bán cho ai!


Choang! Choang! Xoẻng! Xoẻng!

Bà Tẹo đập những cốc đĩa mẻ xuống nền gạch.

- Đúng là năm chó má… hừ…hừ…năm Tuất…năm con chó… cái năm xui xẻo chết tiệt này. - Bà ta chỉ cái lốc lịch đã rụng hết vào ngày cuối năm dương lịch cũng treo tưng hửng trên vách liếp rỉa rói. - Năm nay thì đừng có lịch lọt gì cả, bà chỉ mặt bác Lành trai, tiền cũng phải làm việc khác.


Xoảng! Ối! Bà bỗng dẫm phải một chiếc đĩa tây méo mó nằm ngật ngưỡng dưới nền nhà. Đồ khốn! Bà đập mạnh nó xuống sàn, nhưng cái đĩa lại rơi nghiêng… nó chòng chành…chòng chành lăn đến chỗ Tâm ngồi trong góc.


Ống…Oeng! Ống… Oeng!

Cái đĩa dập dềnh lăn giữa hai bàn chân Tâm, rồi nằm ềnh ra ở đó. Tâm nín thở. Ánh mắt của bà Tẹo cuốn theo chiếc đĩa, rồi trừng trừng quấn chặt lấy hai ống chân teo liệt của Tâm.

- A, con ranh kia! - Bà phùng mang trợn mắt. - Giờ này mà mày còn ngồi ở đó à? Bà đã ngọt nhạt với mày bao nhiêu lần rồi, cứng có mềm có, vậy mà năm hết tết đến mày vẫn ngồi mọc rễ trong nhà bà. Trời ơi! Mày cũng định để nhà bà xui xẻo lụn bại đến bao giờ nữa?

- Kìa bà… Cháu nó… - Tiếng bác Lành ái ngại.

- Nó làm sao? - Bà Tẹo đốp chát. - Ông cũng định giữ nó ở đây để dấm làm nhân tình nhân ngãi chắc. Ông xem nó đang dậy thì cứ hơ hớ ra… thế mà có thằng nào rước đi đâu… Với nó, đàn ông ở trên đời này chết cả rồi… Nó chỉ biết một mình ông thôi… Nó sẽ thích ông, ông hiểu chửa?

- Kìa bà, bà nói chẳng suy nghĩ gì cả, hàng xóm nghe thấy sao tiện. Bà nên thương nó. Nó không cha mẹ, tôi đón nó về đây từ tấm bé, từ ngày tôi còn ở với bà vợ trước. Nó với tôi là tình bác cháu, tình cha con. Vả lại nó cũng tàn tật nữa.

- Ừ, nhưng ai thương tôi… Hu…Hu… Hu.. - Bà Tẹo lu loa - Ông xem, từ khi tôi ở với ông, đã hơn năm rồi, tôi cũng cưu mang nó. Lúc nó bé, cũng có người nọ người kia thương, họ thương gia cảnh nhà mình thường rẽ vào la cà điếu thuốc, chén nước, mình cũng kiếm được ít nhiều. Nay nó lớn rồi, tình thương của người đời cũng phải mỏi chứ, vả lại đám thanh niên không muốn ngồi đây chén chú chén anh nữa, chúng vẫn bảo “ngồi đây nhìn con bé chân liệt, nhậu không vào được”, thế là chúng bỏ sang các quán bà Đào, bà Tân, bà Khiếu bên cạnh, để còn tán tỉnh con gái mấy bà…Ừ, mà ông quí nó, tôi có nghĩ gì xấu cho ông đâu, nhưng ông phải biết rằng chân nó tàn tật nhưng cái ấy không tàn tật…nó chỉ cũng biết mỗi mình ông là đàn ông thôi… - Khuôn mặt bà Tẹo đang có vẻ mủi lòng bỗng sắt đanh trở lại, bà phải ngừa trước, bà không dại đâu. Bà lấy giọng chanh chua. - Này, con bé kia, chuẩn bị áo xống mà bước ngay đi!

- Nhưng cháu biết đi đâu bây giờ? - Tâm thổn thức

- Cô hỏi cô ấy chứ, sao lại hỏi tôi? - Bà Tẹo hạ giọng. - Mỗi người phải tự lo lấy cho bản thân mình, chẳng nhẽ cô nào cũng đến cửa nhà tôi mà hỏi “chỗ ở của tôi đâu?”

- Thôi, đành vậy cháu ạ! - Bác Lành bước lại xoa vai Tâm an ủi. - Can đảm lên cháu!


Tâm gạt nước mắt, khoác chiếc bị đựng vài bộ quần áo cũ lên vai, vơ lấy đôi nạng bước ra khỏi cửa.

- Còn những thứ kia, cô không rước đi à?

Theo tay bà Tẹo chỉ, Tâm nhìn lại năm cặp nạng lớn theo tuổi dậy thì của mình, lòng đau nhói. Khởi đầu là chiếc cặp nạng bằng gỗ dổi, Tâm dùng nó để lê từ quê ra đây lúc năm tuổi; tiếp đó là chiếc cặp nạng bằng gỗ dổi lớn hơn; rồi cặp bằng gỗ mít… và mới đây là cặp bằng gỗ de, cặp nào cũng do bác Lành làm cả. Tâm cố cất giọng nói:

- Bác cho cháu gửi lại đây ít hôm, đó là những kỷ vật của cháu, khi nào tìm được chỗ ở, cháu sẽ lấy đi.

- Không được! - Bà Lành trả lời. - Năm hết Tết đến thì phải tống khứ những thứ xui xẻo ấy đi.

- Được rồi! - Bác Lành đỡ lời. - Tôi sẽ mang chúng sang nhà khác gửi giúp nó.

- Cháu chào hai bác ạ! - Tâm mở cửa, lê cặp nạng ra ngoài.

Đêm Ba mươi, cơn gió mùa mới tràn về hung hãn quất những ngọn roi buốt giá vào những ngọn đèn đỏ quạch trên cột điện. Chúng run rẩy chao như võng đưa.

- Tâm ơi, đợi bác chút đã cháu! - Bác Lành mở cửa lao thốc ra. - Cháu cầm lấy! - Bác đưa cho Tâm tờ giấy bạc năm chục ngàn. - Cháu hãy tìm đến cô bạn thân, nó sẽ giúp cháu. Bạn bè thì sẽ phải giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.


******


Cô bạn thân nhất của Tâm mà bác Lành nói đến là Liễu. Lần ngược ngọn gió bấc và những con đường trở về nhà, Tâm lê nạng đến chỗ Liễu. “Liễu ơi!” Tâm khẽ gọi thầm. “Đêm nay tao ở với mày, sẽ cùng là những kẻ nghèo đói tình thương gia đình nhất, mày cũng mồ côi cha mẹ từ tấm bé như tao.” Lượn qua góc công viên, Tâm nhìn thấy chiếc cầu bập bênh ngày nào bốn đứa bạn lang thang cùng quê, cái Liễu, cái Hồng, cái Thắm, cái Liên vẫn xúm xít quanh Tâm để nhận chia phần Tâm xin được. Khổ thân chúng! Chúng là những kẻ lành lặn nên chẳng ai cho cả.


Thế là đôi chân liệt của Tâm đành phải cưu mang chúng. Tâm nhớ, một lần cái Thắm hỏi “Tại sao lần nào mày cũng cho cái Liễu nhiều hơn chúng tao?” Lúc đó, Tâm đã ứa nước mắt, trả lời “Chúng mày lang thang chỉ vì cha mẹ bỏ nhau thôi, còn nó, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nó phải được phần hơn.” Còn bây giờ, Tâm thấy tủi phận cho mình. Tâm lớn rồi chẳng ai cho nữa, còn chúng nó cơ thể khoẻ mạnh thì tung tẩy khắp nơi…


Kia rồi, khách sạn “Hoa Đêm” năm tầng nhấp nháy ánh đèn nê-ông đã hiện ra nơi đầu phố. Mười giờ! Chiếc đồng hồ điện tử trên cửa khách sạn điểm hồi. “Ôi, cái Liễu kia rồi! Nó đứng ngay cửa khách sạn!” Tâm khẽ reo lên, ngực nén như tắc lại. Nó lộng lẫy như một bà hoàng, chiếc váy riềm đăng ten mềm mại lóng lánh, cổ quấn một dải bông trắng muốt. “Nhưng mà trời lạnh thế này, nó mặc áo hở cổ thế kia thì chết rét mất!”

- Liễu ơi! Liễu ơi! - Tâm lê nạng qua đường. Bộ mặt đang hớn hở của nó bỗng cau có lại.

- Tâm, tại sao mày lại đến đây? - Liễu chạy lại hỏi.

- Tớ… Tớ bị đuổi ra khỏi nhà rồi.

- Nhưng tại sao mày lại đến đây mới được chứ? Tao đang đón khách, họ mà lại nhìn thấy tao gặp mày là họ bỏ đi tuốt, mày hiểu không? Thôi, mày đi đi! - Liễu chạy vụt đi.

- Đi đâu bây giờ? - Chiếc nạng của Tâm dò đi vô định trong làn nước mắt chảy nhoà như nước mưa phũ phàng xối vào cửa kính.


- Chết rồi! Mười một giờ! - Anh chàng chơi hoa vùng ra khỏi vòng tay để trần của Liễu. Anh ta vùng dậy mặc quần áo như bị ma đuổi.

- Sao vội thế anh? - Liễu hỏi, õng ẹo với chàng chơi hoa thường nhật vẫn là khách bao “chung thân” của mình. - Đêm nay, anh không ngủ lại à?

- Xì, con nỡm ạ! - Anh chàng cười khẩy trước gương. - Đêm giao thừa ngủ với đĩ, xui thấy mẹ! Thôi, chào! - Anh chàng lao ra cửa chẳng thèm quay đầu lại.


Liễu ngồi trước gương sửa sang lại cơ thể xộc xệch của mình. Ngoài phố những tràng pháo của lũ trẻ lẻ tẻ đua nhau nổ, những quả pháo bông bay vút lên trời hắt vào khung kính buồng ngủ ánh xanh, ánh đỏ, ánh vàng. Nước mắt của nàng bắt đầu trào ra. Giao thừa nào cũng vậy, nỗi buồn vô gia cư cứ bấu chặt lấy nàng hành hạ. Nàng nhìn vào gương, thân thể nàng phản chiếu một đường cong quyến rũ và sung sức, làn da trên cổ ngời lên trắng ngần trên nền chiếc váy riềm đăng ten óng ả.


“Ôi, Tâm! Tâm ơi, mày bị đuổi khỏi nhà, tao cũng chưa kịp hỏi là tại sao. Giờ mày ở đâu? Tao… tao chỉ là đồ nhẫn tâm!” Nàng đấm mạnh tay xuống bàn gương khiến hộp son phấn bắn tung toé. “Ôi, mình nhẫn tâm làm sao!” Hai bàn tay nàng cuốn chặt lấy ngực. “Hồi nhỏ chính cơ thể tàn tật của nó đó nuôi mình, nhưng bây giờ sự thể đó khác rồi, cơ thể lành lặn của mình cũng mong bán mướn lấy tiền nuôi thân, còn nó thì làm gì được với tấm thân què quặt ấy? Trời ơi!”


Cộc… Cộc… Cộc. Tiếng gõ cửa, rồi tiếng gọi của bà chủ vang lên từ ngoài. - Liễu ơi, nhanh lên xuống ăn cỗ giao thừa!

- Ôi… Ôi…! Cỗ với bàn cái gì. - Chẳng kịp với lấy chiếc áo khoác, Liễu lao ra ngoài, bổ xuống cầu thang, vọt ra hố phố.

- Liễu! Liễu! Chạy đi đâu thế? - Tiếng gọi với theo nheo nhéo.


*****


“Bác cho cháu hỏi, bác có thấy một cô gái đi nạng qua đây không?” Liễu hỏi nơi góc phố; “ Bà cho cháu hỏi..”, câu hỏi quặt xế vườn hoa; “Ông cho cháu hỏi..” câu hỏi mắc trên thành cầu… Liễu chạy trẹo chân trên đôi dày cao gót lần theo dấu vết của Tâm.


Đùng… Đùng… Đoàng… Đoàng… Đùng… Đùng…

Pháo giao thừa nổ vừa lúc Liễu đập tay vào cửa trái một ngôi chùa. “Cho tôi hỏi, Tâm… Tâm có ở…” Câu hỏi chưa dứt thì Liễu đã ngã vào vòng tay của một ni cô. Nàng bị trúng cảm vì chiếc cổ “làng hoa” khoác áo sống quá hào phóng đã mời gió mưa lướt qua thả cửa.


Năm ngày trôi qua. Được chữa trị liên tục, Liễu đã đỡ nhiều. Hôm nay, sau giấc ngủ trưa sâu êm đềm, Liễu mở mắt nhỏm người dậy hỏi ni cô:

- Bạn em, Tâm đâu rồi?

- Em hãy bình tâm đã! Em vẫn còn yếu, đừng để tâm trí xáo động nhiều.

- Không! Nhưng bạn em đâu? Trong mấy ngày qua rõ ràng em thấy bàn tay của Tâm bón cháo, bón thuốc và xông cho em. Tâm đâu? Tâm đâu rồi? Chị hãy nói cho em đi! - Liễu chồm người dậy.

- Khoan đã em! - Ni cô níu Liễu lại. - Tâm nó bỏ đi rồi.

- Trời ơi! Sao thế? Tâm không tha thứ cho em ư? Giờ thì em biết tìm bạn ấy ở đâu?

- Đây, em xem đi! - Ni cô đưa cho Liễu một phong thư. Liễu mở đọc. Bức thư nhoè nước mắt…


“Liễu thân!

Tớ rất xúc động khi đón thân thể trúng lạnh mềm nhũn của bạn. Đó là món quà an ủi lớn nhất mà tớ có được vào đêm giao thừa hoang vu này, và có lẽ đó là đêm giao thừa hạnh phúc nhất đời tớ. Thế là bạn đã đem đến cho tớ tình bạn, tình đời, và tình người. Chiều nay bạn sẽ khỏi. Nghe nhịp tim của bạn tớ chắc là như vậy. Nhưng tớ không thể ở lại được, hãy tha thứ cho tớ, bạn cũn phải trở về khỏch sạn để kiếm sống. Còn tớ, tớ không muốn bạn phải đèo bòng tớ như món nợ. Đừng vội tìm tớ, hãy dưỡng sức cho khoẻ hẳn.

Ôm bạn như ngày nào

Tâm”

- Trời ơi! - Liễu rú lên, ngất đi.


- Em tỉnh rồi à, - Ni cô đỡ đầu Liễu hỏi. - Em có nhức đầu không?

- Không! - Liễu lắc đầu đáp. - Em ngủ được mấy tiếng rồi hả chị?

- Ba tiếng! - Ni cô đem lại cho Liễu một cốc nước cam. - Uống xong em hãy nằm xuống nghỉ nữa đi.


Liễu nằm nghỉ, đầu đã đỡ váng vất hơn. Tâm bỏ đi, nhưng dù sao Tâm cũng đã tha thứ cho mình. Điều đó làm cho Liễu an lòng. Cặp mắt chớp chớp của Liễu bỗng hướng đến ni cô. Nàng giật mình, ni cô mới đẹp làm sao! Chiếc khăn vấn và bộ áo tu mầu nâu không vùi lấp nổi một làn da tươi tắn đầy sức sống, và trong cử chỉ dù là rất nhẹ nhàng của đôi kim đan mà ni cô múa trên tay, người ta vẫn thấy rung rinh trong tấm áo dài lượt thượt là một cơ thể eo thắt tuyệt vời.

- Trời, chị đẹp lắm! - Không kìm lòng được, Liễu khẽ reo lên.

- Gì cơ? - Ni cô giật mình.

- Chị đẹp lắm! Tại sao chị lại đi tu để phí hoài sắc đẹp như vậy?


Mặt ni cô trở lên buồn rầu, nhưng vẫn giữ được vẻ thư thái. Ni cô nói:

- Đẹp mà làm gì khi không có hạnh phúc!

- Người như chị, nếu muốn thì thiếu gã đàn ông yêu, lo gì không hạnh phúc?

- Đó là nỗi đau, nỗi bất hạnh của chị. Mới đầu chị cũng nghĩ như em, chị tung tăng hớn hở nhận những bó hoa, những hộp son phấn đắt tiền, những tấm lụa quí của những chàng trai. Chị phiêu du trong ái tình, phiêu du trong ánh mắt say mờ và những nụ hôn thèm khát. Em uống nước nữa không?

- Không! Em đang nghe đây, chị kể tiếp đi.

- Nhưng chẳng hiểu tại sao chị rất chóng chán, chẳng có mối tình nào nuôi nổi sự đam mê của chị được đầy tháng. Và cho đến một ngày khi gặp chị anh ấy, một người đàn ông có một đôi mắt sâu thẳm tư duy đầy nghị lực.

- Anh ấy tên gì?

- Anh Nghĩa. Cuộc ái ân này khiến chị bỏ rơi tất cả những chàng trai khác, chị lao vào cuộc tình ngùn ngụt lửa đam mê, tưởng chừng chẳng bao giờ tắt được. Nhưng đến cuối tháng ba, niềm đam mê cứ nhạt dần, chị và anh ấy thường ngượng ngùng vô cớ khi ở bên nhau. Cả hai đều cảm thấy một khoảng trống nào đó đang len lỏi vào. Rồi một đêm, như mọi khi, sau buổi xem ca nhạc, anh ấy tiễn chị về. “Chào em nhé!” Mắt anh ấy lạnh tanh. Chị đó hiểu thế là hết, nhưng rồi chị nghĩ “Hết thì đã sao, thiếu gì đàn ông mà sợ!”

- Có đúng như vậy không? - Liễu hỏi.

- Đúng là như vậy! - Ni cô muốn nở một nụ cười đùa giỡn, nhưng miệng ni cô méo xệch, rồi nước mắt trào ra. - Em ạ, đàn ông thì nhiều, ngay đêm hôm sau họ đó đến vô số nhưng chị không tìm thấy ánh mắt của anh ấy, không tìm thấy một lời nào sâu lắng, chân tình đến da diết như của anh ấy. Chị nhìn mắt những chàng trai đến với chị, chúng điểm chút say mê đằm thắm nào đó, nhưng đó chỉ là cơn đắm đuối của một chiếc thuyền thúng, một chiếc ghe đan, hay một chiếc bè úng nước…Đằng này, đôi mắt của anh ấy đắm đuối như một con tàu vạn tấn tự đánh đắm mình. Chị chẳng bao giờ quên được cái buổi đầu tiên, anh ấy đứng đợi ở đầu đường… Ôi, em biết không, anh ấy đứng như vò nhầu một góc phố, chị tưởng những vòm lá ở xung quanh đang day dứt xáo động, rồi những bước chân của anh ấy, chúng bồn chồn như dày vò, làm thổn thức cả những hàng đá lát… Lúc đó, chị mới hiểu, chị đã yêu anh ấy, và không ai có thể thay thế được anh ấy, không ai hết! Rồi một đêm, chị gạt bỏ lòng sĩ diện của mình đến gõ cửa nhà anh ấy, chị muốn chấm dứt nỗi cồn cào đang hành hạ mình. Anh ấy đón chị rất thân tình, nhưng nhìn ánh mắt anh ấy chị không thấy một con tàu đắm nữa.

- Rồi sao? - Liễu nhỏm người dậy .

- Anh! Chị lao vào ụm lấy vai anh ấy thổn thức “Hãy nói cho em biết, tại sao… tại sao anh không còn yêu em nữa?” Anh ấy hỏi chị “Em yêu bằng con tim hay bằng gì?” “ Con tim!” Chị trả lời. “Nhưng con tim của em lại mọc ở trên da.” - “Tại sao?” - “Có phải mỗi lần khoác tay anh đi dạo phố, em ít nhìn đến anh hơn là để ý thiên hạ nhìn chúng ta ra sao?” - “Vâng! Đúng thế!” - “Có phải mỗi lần đi xem ca nhạc, lúc giải lao thay vì tìm đến một góc ý vị để tâm tình, thì em cứ kéo anh ra đứng giữa hành lang để giễu cho mọi người nhìn thấy?” - “Vâng! Đúng thế!” - “Lúc ân ái với anh, em thường nhìn vào đâu?” - “ Vào chiếc gương ở trên đầu” Chị trả lời ngượng ngùng. “Em thấy chưa, ngay cả lúc chúng mình say đắm hạnh phúc em vẫn thích nhìn vào gương để tưởng tượng xem ánh mắt của người khác nhìn mình như thế nào. Em không sống bằng âm hưởng của tâm hồn mình, mà em luôn tìm kiếm một hình thức son phấn nào đó trên da thịt. Thế nào cô bé?” Anh vuốt má chị trêu chọc. “Trái tim em cú phải cư trú trên làn da đúng không?” “Anh còn yêu em nữa không?” - “Bây giờ thì không!” - “Tại sao?” “Vì anh muốn có được thứ hạnh phúc là thông điệp của tâm hồn.” “thế là hết!” “Không, bao giờ chúng mình trở nên đáng yêu hơn, chúng mình sẽ lại tìm đến nhau.”

- Thôi, chị đừng kể nữa! - Liễu chồm người dậy. - Em không nghe nổi nữa đâu. Em cũng chỉ là thứ… là một tâm hồn cư trú ở trên da. -Liễu xỏ chân vào giầy. - Em đi đây!


Ni cô chạy theo khoác lên người Liễu chiếc áo len.

- Mặc vào kẻo lạnh, em!

- Các người tránh ra! - Liễu phăng phăng gạt đám đàn ông đứng chắn lối trước cửa chùa. – Tôi muốn tìm về đời sống tâm hồn.

- Ha…Ha…Ha... - Mấy gã trai cười rú lên. - Thời buổi thị trường này mà lại có đứa đi tìm tâm hồn. Nó lẩm cẩm mất rồi!

- Cô ơi, cô cho cháu xin vài trăm đi cô! - Một con bé kéo lên đôi chân liệt trên hai cành ổi, xin Liễu.

- Cô cho này! - Liễu ứa nước mắt,

- Cho tớ với!… Tớ với!... - Đám bạn con bé bu lấy, chìa tay xin lại con bé tiền mà Liễu vừa cho.

- Chạy đi chúng mày ơi! - Chúng reo hò, tí tởn chạy đi khi đã nhận được tiền.

- Đợi tớ với! Đợi tớ vớ! - Con bé lê hai cành ổi nhấp nhổm chạy theo.


Tâm ơi! Nhất định tớ phải tìm thấy bạn. Tớ sẽ không bỏ chạy…vì … vì… tớ đã khác xưa rồi!


Hà Nội 13/12/ 1994


1 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page