top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.34. MỘT LẦN CHO TẤT CẢ

Đã cập nhật: 30 thg 5, 2023

Buổi họp mặt cuối cùng có lẽ bao giờ cũng xao xuyến thứ cảm tình khó tả, nỗi luyến tiếc thủa tan trường của tuổi thơ khi tiếng ve gọi hè tưởng có thể phai dấu nay càng trở nên mãnh liệt khi cuốn theo hoài ức trở về trong tâm tưởng, trong trái tim của những khuôn mặt đã luống trải cuộc đời.

Đã khá lâu, chúng tôi ngồi lặng thinh để chờ vị giáo sư đến, chẳng một ai có đủ can đảm cất tiếng khai mào cuộc đánh phá bầu không khí trầm mặc của hơn hai mươi tâm hồn đang cố ứ lại. Mọi người đều sợ nói lên tình cảm chia ly, nhất là dân văn chương chữ nghĩa bọn tôi đứa nào cũng dễ cảm chẳng kém gỡ các diễn viên thủ vai chính trong những bi kịch nổi danh của Shakespeare. Chúng tụi được tuyển chọn, qui tụ về đây từ các huyện các phòng ban; các bài báo lừng lẫy, những chuyện ký và thơ vè một dạo đã gây xôn xao dư luận. Phải! Chúng tôi toàn là những tay cự phách, những kẻ đi tiên phong trong giới văn nghệ tỉnh nhà. Nhờ chủ trương của tỉnh, chúng tôi hội tụ về đây dự khoá “Bồi dưỡng kiến thức cấp thời đặc biệt”. Ông trưởng ban văn nghệ nói “Do hoàn cảnh đặc thù của chúng ta, các anh làm - viết mãi rồi nay mới học. Các anh hãy cố gắng.”


Đúng ra, chúng tôi đã dự cả chục khóa đào tạo rồi, nhưng đó toàn là những lớp dã chiến, lâm thời, vừa học vừa lo làm, lẫn đào hầm trú ẩn trốn phi cơ và pháo địch. Mọi người dường như chưa kịp họp mặt trong lễ đọc diễn văn khai giảng đầy trịnh trọng thời đó đã phải chia tay trong không khí uy nghi và ý nghĩa của bài luận bế mạc đầy khẩu khí. Sau những lớp học như vậy, chúng tôi chẳng thu hái được gì nhiều ngoài vai trò và ý thức của người cầm bút.


Nhưng khóa học này là một lần khác hẳn, vị giáo sư truyền thụ kiến thức cho chúng tôi là một người rất khả kính, được mời từ một trường đại học lớn về. Giọng ngài truyền cảm ấm áp lạ thường, ngài dạy chúng tôi những bài học kỳ thú và siêu việt, những bài học lạ hoắc với chúng tôi, như: Tu từ pháp, Chân tính lịch sử và Siêu hình học. Đó là tất cả lý do, đúng hơn là mọi lý do khiến chúng tôi thấp thỏm chờ vị giáo sư đáng kính của mình trong bài học cuối cùng. Bài học mà chúng tôi đều ngầm hiểu rằng: ngài sẽ dâng hương tất cả tâm tình và trí tuệ cho khoảng khắc chung cuộc đáng giá của cuộc đời.

- Xin chào giáo sư!

- Chào thầy!


Không giống mọi lần, sáng nay như những cô cậu học trò nhỏ, tất cả chúng tôi đều đứng lên khi ngài giáo sư bước vào cửa. Tiếng chào nghèn ngẹn, đâu đó như có tiếng nấc của phụ nữ. Không giấu nổi vẻ xúc động của mình trong từng cử chỉ, giáo sư khẽ run rẩy mở cặp lấy tập giáo án, từ từ tiến đến bảng đen, ông nắn nót viết dòng chữ hoa: “MỘT LẦN CHO TẤT CẢ”.

- Thưa các anh các chị! - Giọng giáo sư nghẹn ngào. - Hôm nay tôi giảng cho anh chị bài học cuối cùng, bài “Một lần cho tất cả”. - Giáo sư đưa tay sửa cặp kính đang đeo cho thật ngay ngắn rồi bắt đầu. - Đây là một phương ngôn rất nổi tiếng của các trí giả Châu Âu, khởi sự nó có thể được coi như một giá trị tu từ pháp cũng như cú pháp sóng sánh sự hoàn mỹ. Song, câu nói không phải chỉ có thế, không phải ở chỗ mà đôi cánh của nó nằm bẹp gí xuống. Không! Một ngàn lần không! Đôi cánh của nó đó, vòng lượn, bay đi rất xa… - Giáo sư say sưa. - Anh chị thử ngắm xem, khi tôi đang đứng đây, có nghĩa là tôi có mỗi thân phận này, có mỗi một cuộc đời này để sống. Tôi… tôi sẽ làm gì đây? – Giáo sư đưa mắt nhìn khắp lượt chúng tôi như muốn hỏi, rồi ngài nói tiếp. - Jasper, một triết gia nổi tiếng đã tuyên xưng: “Tôi, tôi không coi cuộc hiện hữu này là tất cả, nhưng chỉ có mỗi một thời khắc, mỗi một cơ hội riêng có để chúng ta quyết định có trở thành vĩnh cửu hay không!” Đó! Thưa anh chị em, đây là ý tưởng thao thức, day dứt, truy đuổi tôi ở khắp cuộc đời. Và, dường như lúc nào tôi chấm dứt suy nghĩ về nó thì tôi cũng tự kết cục cuộc hiện hữu của mình.


Giọng ông sâu lắng. Ông nói tiếp.

- Anh chị thử nghiệm xem: Vào ngày phán quyết cuối cùng, có một tín đồ bị Thiên Chúa bỏ rớt lại ngay trước ngưỡng cửa Thiên Đường, trong cơn sợ hãi tột cùng, kẻ đó hỏi “Hỡi Thiên Chúa! Sao Ngài bỏ tôi ở lại? Với Ngài, tôi đã không từng rửa tội ngay khi lọt lòng và không từng sám hối trước dung mạoNgài ít hơn một lần sao?” Thiên Chúa phán “Quả là vậy! Nhưng một lần không phải là tất cả. Ta đợi ở ngươi một niềm tin miên viễn, nhờ cuộc sáng tạo của tâm hồn ngươi nó phải được luôn mới từng ngày. Giả sử, giờ đây ta đưa cánh tay ra để nhấc bổng ngươi vào Thiên Đường, được nửa chừng lỡ mỏi tay quá, ta lại thả ngươi ra, nếu vậy ngươi sẽ rơi xuống đâu? Và một ngày kia, một vị sư già bị chặn lại trước cửa vào cõi Niết Bàn, đã lớn giọng hờn trách Đức Phật rằng “Hỡi Đức Bồ Đề, liệu Ngài có phải là Đấng từ bi quảng đại như danh đó truyền khi mà Ngài tiếc cả một chỗ trống cho tôi trong cõi của Ngài? Ngài không rung cảm chút nào sao, khi cả năm trời tôi giam mình trong tu thất trên tận đỉnh núi cao đầy tuyết phủ để suy niệm về Ngài?” Đức Phật nhẹ nhàng bảo “Ngươi hãy tự hỏi mình thì hơn, trước cuộc cứu rỗi giá trị tâm hồn hằng viễn nơi ngươi, một năm hay cả cuộc đời mới đủ?” Còn chúng ta? - Giáo sư đưa mắt vừa như hỏi chúng tôi vừa như hỏi chính mình, ông tiếp. - Phải chăng vài câu thơ tứ tuyệt, mấy mẩu tường thuật, dăm câu chuyện kể và cả một thời vang bóng nữa đó vĩnh viễn xây đắp thiên tài- uy danh của chúng ta một lần cho vĩnh cửu? Phải chăng thay vì khơi mở con đường sáng tạo để nuôi dưỡng bước tiến của tinh thần, chúng ta đó vội xây cất một nhà dưỡng lão trên đỉnh nhú của thành công? Cuộc sáng tạo chưa thành hành trình thì đã yên nghỉ…!!!!


Trong lúc tâm thức chúng tôi đang còn bàng hoàng, đau đáu trước những luống cày vỡ hoang mới mẻ, vị giáo sư run rẩy mở cặp lấy ra một gói nhỏ.Vẻ hết sức thành tín, ông mở tấm lụa bọc ngoài, chúng tôi nín thở, nhìn. Kia rồi, cuốn sổ tay bữa đó sờn phai, lộ ra nơi tay giáo sư, nó hiện diện như một biện giải xác thực mãnh liệt nhất cho sự ngưng đọng toàn diện từ mái tóc, đôi mắt, những ngón tay và toàn bộ cử chỉ khó hiểu của ông. Ông đứng lặng đi hồi lâu, những ngón tay run run, luồn khăn mùi xoa xuống dưới hai mắt kính để thấm đi những giọt lệ nóng hổi. Lật trang cuốn nhật ký, ông lấy ra một tấm hình phai ố vết thời gian giơ cho chúng tôi xem: Ảnh tấm áo dài tân thời thanh bạch choàng lên thân hình mảnh mai phản chiếu một khuôn mặt quyến rũ khó tả, trong vẻ xinh xắn dễ gần nó vẫn không nguôi cuốn hút người khác trong ngọn lửa đam mê nóng bỏng bất khả cưỡng vẻ siêu vượt.

- Nàng là nỗi nhớ khôn nguôi của tôi, một vết thương tâm hồn bất chấp thời gian không bao giờ se tấy nổi để thành lớp da non. - Ông giáo sư bắt đầu, dầu cho cố gắng mãnh liệt để nhấn dìm những con sóng cảm xúc đang lớp lớp cuộn xé, giáo sư vẫn không giấu nổi cơn co thắt của cả một trái tim mẫn cảm như một con thuyền mỏng manh đang tơi tả, rạn vỡ… Bỗng chốc nỗi đau từ thẳm sâu tâm khảm của ông vụt loé áng hoàng hôn dịu ngọt, ông kể.

- Vâng! Đó là đêm hạnh phúc nhất đời tôi, niềm hạnh phúc trong men say ngây ngất của những nụ hôn nồng cháy mà nàng ban cho tôi sau khi đón nhận lời thỉnh cầu hăng khao khát của con tim tôi. Chiều hôm sau, trong âm hưởng ngây ngất của tình yêu, như một gió khờ khạo, cuồng si nhất, tôi rảo bước như chạy đến nhà nàng. Tôi khao khát được thấy nàng. Gần đến cổng nhà nàng, tôi rạo rực xốn xang bởi tiếng đàn dương cầm phát ra. Cả góc trời thu bàng bạc man mác sương giăng quanh căn nhà nàng như được bừng sáng bởi những bông tuyết vô hình của bản valse của Chopin nơi những ngón tay nhỏ nhắn của nàng gieo vào không trung qua những phím đàn. Tim tôi đập mạnh, tôi gõ cửa. “Sao thế em?” Tôi hồi hộp lo sợ hỏi khi thấy khuôn mặt dễ thương mà tôi đang khao khát từ chối mở cửa cho tôi. “Em có yêu anh không? Mới đêm qua, có phải là em đã hôn anh không?” Nàng cười khúc khích, một nụ cười rất tươi tắn và hồn nhiên. Nàng bảo: “Hỡi thi sĩ của em, có phải đêm qua em chỉ nhận lời yêu anh sau khi nghe bài thơ nồng cháy của anh không?” “Đúng!” Tôi đáp vội. “Đến chiều nay, anh còn yêu em nữa không?” “Còn!” “Vậy thơ của anh đâu?” Tôi lúng búng không trả lời được, sau một hồi đứng thộn ra trước mặt nàng, tôi đành xin khất nàng đến ngày mai. “Không được!” Nàng nói giọng êm ái nhưng kiên quyết. Nàng luồn cánh tay ra ngoài song cửa nắm chặt lấy tay tôi, nàng bảo: “Anh ạ! Khi em nhận lời yêu anh có nghĩa là con tim của em đó kết ước cùng anh trong mối tình của đôi ta, nó sẽ chẳng bao giờ có một ngả đường khác.” - Nàng mỉm cười tinh nghịch. - Anh xem, chẳng lẽ lời kết ước của em chỉ giống thứ tích kê của nhà ăn tập thể. Và mỗi hôm anh đem tích kê đến đây để vuốt ve em. Rồi một tháng sau, hoặc có lẽ chỉ một tuần thôi, đến một chiều anh sẽ bảo: “Thứ tích kê nhất mún này thật tẻ nhạt và vô ích”. Nước mắt nàng lăn xuống, giọng nàng khẩn thiết “Chỉ sáng tạo ra tình yêu của mình thôi chưa đủ, cái khó hơn là chúng ta phải luôn sáng tạo ra tinh yêu. Em khao khát được yêu, khao khát mối tình của mình luôn mới, khao khát những vần thơ của anh. Anh hãy cười đi, hãy vui lòng thoả thuận với em: Khi nào anh cú bài thơ mới em sẽ mở rộng cửa, em sẽ nằm gọn lỏn trong vũng tay của anh.” Khi tôi ra về nàng hấp tấp chạy lên gác, nàng tiễn tôi bằng bản nhạc của Beethoven “Thư gửi Elise” tha thiết. Chiều hôm kế, tôi thẫn thờ lê gót đến nhà nàng. Tôi đứng dưới cổng nghe một khúc nhạc buồn. Những nốt nhạc tha thiết bồn chồn quá! Vào buổi chiều sau, khúc nhạc bi sầu nghe lại càng da diết. Rồi tiếp chiều sau nữa, khi tôi đang đứng chết lặng dưới cổng để chia sẻ cùng nàng khúc chiều tà sầu thảm của Schubert, thì tôi bỗng nghe: “Ầm…Ầm…Ầm…” những ngón tay nàng như có sức mạnh lạ thường khi chúng bức bối nện xuống phím đàn như những chiếc búa nhỏ. Rồi khuôn mặt đẫm nước mắt của nàng hiện ra nơi cửa sổ, nàng vẫy tôi…Tôi lao đến cửa. Đột nhiên, tôi đứng sững lại trước cánh cửa đang hé mở, cơn mặc cảm háo sĩ trào lên trong tôi, tôi vội đóng cửa lại, tôi nói với nàng qua mắt song: “Em! Chả lẽ chúng ta lại chịu tháo lui trước cuộc sáng tạo của mình…Anh, anh vẫn chưa có được một vần thơ…”. Nàng gật đầu khó khăn, nước mắt giàn giụa, nàng chạy lên cầu thang như có ai đuổi. Còn tôi, tôi quay gót bước đi chẳng kém vội vàng, tôi sợ cái khoảng khắc chối bỏ dịp may của chính mình.

Khi hoàng hôn của ngày sau buông xuống, trên đường đến nhà nàng đôi chân của tôi vừa vội vàng vừa thẫn thờ bước rụt rè. Đến góc hồ Halais (Ha-le) chỗ khúc ngoặt rẽ vào nhà nàng, tôi bỗng quay trở gót bước sang hướng khác. Nỗi nhục cảm về những vần thơ của tôi trong khoảng khắc vụt biến thành một sức mạnh kì quặc, tôi hăm hở cuốc bộ lên Hồ Tây.Tôi quanh quẩn bên hồ cho đến khi màn đêm buông xuống, trong mùi hương hoa sữa ngọt ngào tôi rạo rực trở về ngôi nhà của mỡnh, mồm lẩm nhẩm đọc những vần thơ đó mặc khải trong tim. Vừa về đến cửa, bà hàng xóm bảo cho tôi biết: Nàng đến. Cánh cửa mở ra, tôi nhận ra ngay chiếc phong bì mầu hồng mà nàng luồn qua khe cửa.

Bức thư viết:

“Anh thân yêu!

Hãy tha thứ cho nỗi nhớ của em, vì sự dày vò của nó, em đành bước qua thoả ước sáng tạo của chúng ta. Anh! Hãy đến với em ngay nhé! Đến chẳng cần dòng thơ nào cả”


Tôi ấp lá thư vào ngực trái, hạnh phúc tràn trong tôi, tôi như nghe thấy nhịp của con tim đang lách tách reo vui trong ngọn lửa hứng khởi của ái tình. Tôi ngồi vội xuống bàn ghi những vần thơ của mảnh ra giấy. Tôi nóng lòng muốn gặp nàng, tôi ngất ngất trong suy tưởng rằng; nàng đang nằm gọn lỏn trong tay tôi, còn những vần thơ của tôi như một dòng thác huyền vĩ, nó cuộn chảy tuôn trào sủi bọt- xiết trụi về đích như vũ bão. Nhưng than ôi! Oái ăm thay, đến khổ cuối cùng thì hồn thơ của tôi không chịu chảy nữa, nó ù lì, ách cứng lại. Lòng tụi như lửa đốt, vậy mà tôi cứ phải ngồi từ giờ này qua giờ khác, vũ đầu bứt tai cho những dòng thơ cuối cùng của mình. Cho đến lúc bình minh nhô lên. Mệt quá,tôi lăn ra ngủ ra ngủ thiếp đi. Chiều đến, ngay khi tỉnh dậy, sau khi ăn qua loa mẩu bánh mỡ, tôi lại háo hức cuốc bộ lên Hồ Tây. Tôi quyết đòi lại thiên nhiên với vẻ đẹp cũ mà nó hẹp hòi níu giữ lại chút đỉnh trong bài thơ của tôi. Trước khi đi, tôi có nhờ bà hàng xóm nhắn lại với nàng là: “Tôi đi tòng quân.”. Những giọt nước mắt lại lăn dài trên mặt giáo sư, ông thổn thức. - Tôi không ngờ trò đùa của tôi lại dẫn đến một kết quả vô lường! Tôi vừa ra đến Hồ Tây thì khổ thơ cuối cùng ập tới. Không hiểu đó có phải trò diễn của Tạo hóa hay không? Sau khi chỉnh lại ý thơ, lời thơ cho hoàn mỹ, lòng đầy hoan hỉ tôi đi thẳng đến nhà nàng, chân không bén gót. Cửa khóa, tôi đoán là nàng đang ở chỗ tôi, tôi vội quay về. Trông thấy tôi ở cổng, bà hàng xóm liền hét toáng lên: “Ơ, sao cậu lại về? Quần áo bộ đội đâu? Này cậu! - Bà ta vỗ vai tôi.- Sao lại có người tốt với cậu đến thế! Vừa nghe tôi nói cậu đi tòng quân, cô gái đó nước mắt ngắn, nước mắt dài… Cô ấy đi được mười phút rồi”. Ý thức được tình thế, tôi lao vào nhà lấy chiếc xe đạp rồi cắm cổ đạp đến nhà nàng. Cửa vẫn khoá, tưởng nàng chưa về tôi đứng đợi, đợi hoài sốt ruột quá tôi đi tìm gặp bà hàng xóm của nàng. Bà ấy nói cho tôi rằng, nàng đã vội thuê một chiếc xích lô để đi ra ga. Khi đi nàng còn thẽ thọt nói với bà rằng; nàng đuổi theo người yêu đi tòng quân”. Tôi ra đến ga thì tầu vừa chuyển bánh, con tầu lúc lắc cái đuôi như chọc tức sự chậm trễ của tôi. Viên sĩ quan điều xa quân sự nói với tôi “Cô ấy ăn vận cho một chuyến đi xa; áo cánh trắng, dép quai hậu. Cô ấy cứ một mực hỏi thăm về một đơn vị tuyên huấn, thông tin, cô ấy khăng khăng rằng, anh làm nghề viết lách thì chỉ có thể xung vào đơn vị đó. Vậy là cô ấy vội nhảy đại lên tầu quân sự đuổi theo một chiếc tầu đã khởi hành trước đó. Tôi vội nhảy lên một chuyến tầu hàng mong đuổi kịp nàng. Song đó hoàn toàn là một mong ước viễn mơ, bởi lẽ trong những ngày ác liệt đó, ngày mà cuộc chiến thống nhất lãnh thổ đang ở vào giai đoạn quyết liệt, tất cả những đơn vị tân binh đều được gấp rút gửi vào Nam. Tầu chở lính là tầu ưu tiên số một. Bởi vậy, chiếc tầu hàng của tôi cứ bì bẹt, ọc ạch đuổi theo nàng. Đến ga Vinh, chặng cuối cùng của mọi đoàn tầu, tôi đành xuống. Qua hỏi thăm, tôi được biết nàng vẫn mải miết đi về phía tiền tuyến, nàng đuổi theo cái đơn vị tuyên huấn, thông tin nào đó. Men theo con đường mòn của những người lính nằm khuất trong rừng sâu hay khe núi, những con đường lẩn trốn toạ độ bom đạn của máy bay đối phương, tôi lần theo dấu vết nàng. Càng gần khu vực giáp ranh, dấu vết chiến sự càng nóng bỏng: tiếng đạn nổ, tiếng phi cơ gầm rú, khắp nơi giữa những khoảng đất bị đào xới nát hiện ra vô vàn những hố bom cũn đen đặc khói. Qua khỏi khu vực Thuận Hoá, sát gần giới tuyến Mười Bảy- nơi con sông Bến Hải phân đôi… Chiều hôm đó, khi tôi vừa vượt qua khoảng trống loang lổ những hố bom cháy đen ngòm, leo lên đỉnh đồi trọc để quan sát thì năm chiếc phi cơ của đối phương ào đến. Chúng quần thảo và ném từng chùm bom lớn xuống ngọn đồi phía trước, những trái bom nhắm vào một đội ngũ bộ đội đang hành quân. Đúng lúc đó, tôi nhận ra một đốm trắng mảnh dẻ bất chấp bom rơi đạn nổ cứ lao tới trước về phía đoàn quân bị ném bom. “Em!” Tôi hét như gầm lên rồi lao như bay xuống ngọn đồi. Vượt qua đỉnh đồi bên kia, tôi nhận ra tấm áo cánh trắng ám khói của nàng đang nhập nhoà trong khói lửa. “Em”… “Em…” Tôi vừa chạy vừa la lên, song tiếng gọi của tôi bị át đi bởi những tiếng nổ đinh tai… Còn ít bước nữa thi tôi đuổi kịp nàng, bỗng…ầm… Một quả bom đã rơi xuống ngay gần chỗ nàng… Tôi nâng nàng lên, chiếc áo trắng của nàng nhuốm đầy máu. Tức khắc, như được tiếp thêm một sức mạnh thần thánh, cơ thể trọng thương nặng của nàng bỗng cựa quậy, nàng mở mắt ra. Nàng ngắm tôi với hai hàng lệ rơi xuống má… “Em! Em có giận anh không?... Anh có lỗi…lỗi với em!...” “Không! Anh đừng bận tâm… Em hạnh phúc lắm!...Em đã có anh ở bên một cách thật xứng đáng!...” “Tại sao em cứ lao đầu đến chiến tuyến, em không sợ sao?...” “Em không sợ! Nếu không gặp được anh ở đây em vẫn cứ đi thẳng qua cầu ngăn đôi sông Bến Hải. Chẳng lẽ những người lính ở phía bên kia lại nỡ tâm ngăn chặn một trái tim theo đuổi tình yêu- một trái tim chẳng có lấy một tấc sắt tự thủ…” “Em!” “Anh hôn em đi!... Sao anh hôn em kỳ vậy?” - Nàng hỏi tôi vẻ hờn rỗi, khi thấy vòng tay tôi gượng nhẹ ôm lấy tâm thân đó quá yếu của nàng.- Anh hãy hôn thật mạnh nào!” - Nàng khẩn khoản. Tôi ôm chặt lấy nàng. “Em hạnh phúc quá!” - Nàng cố mở to cặp mắt nói. – “Anh có nhớ chuyện ‘NGƯỜI DI GAN LÊN TRỜI’ không?” “Không! Anh còn bụng dạ nào đâu.” - Tôi ái ngại nhìn nàng. “ Cô gái Digan đẹp làm sao! Một vẻ đẹp hoang dó, một tuyệt tác thụ kết từ tinh hoa của cả dân tộc du mục hằng khao khát tự do.” - Nàng thủ thỉ giọng yếu dần. – “Còn chàng trai da trắng, chàng đúng là một đấng nam nhi can đảm, một kiểu mẫu tiêu biểu của nền văn minh, anh ạ…Ngay khi cô gái Digan nhận lời đính hôn với chàng da trắng, theo phong tục của dân tộc, cô gái Digan đó nhảy múa xung quanh chàng trai để trổ vào ngực chàng những bàn đinh nhọn hoắt, họ muốn chàng hiểu rằng: Đau khổ chính là thử thách chính đáng của hạnh phúc. Rồi trong buổi lễ kết hôn trước toàn dân du mục. Cô gái Digan hỏi chàng trai: Anh có yêu em không? - Có! -Anh có dám làm tất cả mọi việc vì em không?- Có! Nàng đưa cho chàng con dao nhọn và nói: Anh hãy đâm thẳng nó vào trái tim em! Một thoáng lưỡng lự, chàng trai da trắng hiểu ngay ra được tình yêu bất diệt của cô gái, chàng ứa nước mắt rồi đâm thẳng con dao vào tim cô. Chàng đỡ lấy cô gái trong men say đau đớn nhất của hạnh phúc…Lúc đó, ông bố cô gái tiến lại, ông giơ con dao lên để hạ thủ kẻ sát hại con mình, dân chúng kêu lên: “Đừng!” Song con dao của bố cô gái vẫn hạ xuống, chàng trai bị đâm trúng tim từ phía sau lưng…Họ ngó xuống…Hai trái tim bị đâm quay cuồng hóa thân trong tình yêu chẳng thụ hưởng nhưng viên thành vĩnh cửu”.- Mắt nàng mờ đi, cơ thể nàng nhũn dần trong tay tôi. “Em! Bây giờ thì ai sẽ lại đâm anh từ phía sau? Anh ao ước được hóa thân cùng em”. - Nàng cố mỉm cười. “Anh ạ, chúng ta không nên ao ước thứ bản sao của người khác. Anh phải sống! Anh là người sẽ mang hình ảnh ước vọng của em ở cõi thế này”. Đó là câu nói cuối cùng của nàng, nàng vừa đưa tay chỉ chiếc túi đựng cuốn sổ nhật ký này thỡ tắt thở.


Đầu giáo sư gục xuống, mười ngón tay như những chiếc vòi bạch tuộc mân mê vào cuốn nhật ký của người yêu. “Em! Anh không mang nổi hình ảnh và ước vọng của em ở đời này!- Vị giáo sư thốt lên. - Hỡi em! Em là tình yêu, là nỗi đau bất diệt ở trong anh…” Vị giáo sư ngã lăn ra, tay ông bóp chặt nơi ngực trái. Chúng tôi cuống cuồng, kẻ đỡ ông dậy, người lao đi gọi xe cấp cứu. Xe cấp cứu y tế lao đến, người ta tiêm ngay cho giáo sư một liều thuốc trợ tim. Các y tá cho giáo sư vào băng ca để chuyển lên xe.


- Khoan đã!- Giáo sư nói khi chiếc băng ca vừa được khiêng lên, ông vẫy chúng tôi lại. - Thầy muốn nói với mọi người lời cuối cùng này, ông cố dướn người lên giọng yếu ớt. - Có một con người đó nói “Kẻ nào xứng đáng với thời đại của nó sẽ xứng đáng với mọi thời đại”.

*******

Mỗi người một vẻ, chúng tôi đang mải suy ngẫm về vị giáo sư với bài học của ông, thì viên cán bộ tuyên huấn - người được cử giữ chức giáo vụ tạm thời cho khoá học bước vào.

- Mời các anh các chị nộp bài thu hoạch cuối khóa! - Viên giáo vụ nói.


Chúng tôi không một ai nhúc nhích.

- Anh này, bài thu hoạch của anh đâu? - Ông chỉ từng người hỏi. - Chị kia, mời chị đứng lên, tôi nói rồi, tại sao chị không nộp bài?

Cả lớp chúng tôi đứng lặng thinh. Bỗng một anh bạn trẻ tuổi nhất lớp nói:

- Thưa ông! Chúng tôi đó làm xong bài thu hoạch cả rồi, nhưng chúng tôi không thể nộp.

- Tại sao? - Viên giáo vụ hỏi.

Chàng trẻ tuổi nói bằng một giọng rõ ràng xúc động:

- Bởi lẽ, chúng tôi không muốn kết thúc ở đây. Khoá học này một lần cho tất cả, hoặc giả chúng tôi muốn làm lại một lần cho tất cả!


Đúng vậy! Chúng tôi đứng chôn chân xuống nền nhà, mọi vật chợt nhạt nhoà trong mắt chúng tôi. Đột nhiên bức tường trước mắt như lùi ra xa, ra xa mà mầu trắng mập mờ của núi như đang mấp mé những lớp mây ở tít mù- mù mịt cõi hư vô. Chúng tôi cứ đứng đó, và trong viễn tưởng về cõi vô cùng, tất cả chúng tôi đều khao khát: Đôi bàn chân của mình đang đóng cọc vào vĩnh cửu.


Khởi sự trên tầu Bắc – Nam, 5-9-1992



1 lượt xem0 bình luận

Commenti


bottom of page