Xưa kia vua chúa phong kiến muốn cho con trụ vững lâu dài sau khi mình chết, thì ngay lúc con còn trẻ đã gửi con xông pha chiến trận để lập chiến công. Chỉ có lập chiến công thì con mới trưởng thành và có công trạng để các cận thần trong triều không hiếp đáp khi quan già vua còn trẻ. Vua có con trai, khó vạn bề, như Nhật Bản cuối thế kỷ trước nhiều đời vua không sinh được con trai, sắp phải thay đổi hiến pháp truyền ngôi cho con gái… Giọt máu nối ngôi vua quí thế, sao nỡ đẩy ra trận để tuyệt tự và tuyệt ngôi cho nhà khác giành ngai sao?! Nhưng vua vẫn phải đẩy con ra trận để lập công, bởi vì nếu để con trong nhà như cậu ấm lên ngôi, rồi thì cũng phải chết, vì cận thần thấy vua yếu ớt không bản lĩnh sẽ gây loạn đoạt ngôi tang thương, lúc đó không chỉ chết bình thường mà còn mang nỗi nhục?!
Có một nhà văn khá đồ sộ, bị nhà văn khác nói nửa đùa nửa thật rằng: “Nhà văn giỏi này sắp giật lùi về vai nhà báo, chỉ vì đang say sưa viết báo kiếm tiền.” Nhà văn khác nhà báo thế nào? Về con số Hội nhà văn có khoảng 1 ngàn người, nhưng Hội nhà báo có 20 ngàn… có nghĩa sơ sơ nhà báo rẻ rúng gấp 20 lần nhà văn. Còn về văn học nhân gian vẫn gọi “đám nhà báo”, chứ có bao giờ gọi “đám nhà văn” , vì nhà văn không bao giờ đủ nhiều để thành “đám” cả (giờ thì có tên gọi đám nhà thơ?!) Về mặt học thuật: viết báo là thông tin cấp 1, còn viết văn hơn hẳn vì là hư cấu, tưởng tượng của trí tuệ và tâm hồn ( còn nhà thơ là cảm xúc cảm tính vần vèo?!)
Một chuyên gia Mỹ mới đây khi sang Việt Nam, thấy sự quan cách, quan liêu, ưu tiên và quyền lực của báo chí liền nhận xét ngay: văn chương Việt Nam cực kỳ yếu ớt vì bâu xâu kiếm ăn và kiếm quyền quanh báo!
Bên trên chúng ta biết, nghề báo rẻ rúm gấp 20 lần văn chương, và trong xã hội báo chí chỉ đưa tin (thiếu tiêu chí chân lý) là thứ dễ dãi, rẻ rúm nhất. Nhưng hầu hết tác giả văn thơ của chúng ta chỉ thích tụ về chầu rìa quanh hội nhà văn, rồi các báo? Để làm gì? Để kiếm tiền và quyền ưu tiên.
Chúng ta làm sao viết văn hay, khi cả đời chỉ quan tâm chí thú săn lùng tiền làm báo và quyền ưu tiên của báo rây rớt cho các tác phẩm lèo tèo của mình?! Tôi thấy có nhiều tác giả đã già, nhưng cả đời chỉ chí thú đuổi theo việc làm báo, mà chẳng mấy khi đầu tư viết cho mình, thì làm sao có tác phẩm hay và lớn đây?! Như ông chủ tịch hội đã thú nhận tầm vóc “trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép”. Thực ra không chỉ vì tầm vóc của chúng ta nhỏ đã đành, mà chúng ta chỉ đi giật lùi về cơm áo và địa vị ưu tiên, thì làm sao trưởng thành mà có tác phẩm lớn được?!
Xu hướng yêu quyền lực rất phổ biến, có người về hưu vẫn luyến tiếc quyền lực như mở giải thưởng nọ kia, để mình được trở thành người chấm giải, vừa có tiền, lẫn có người đến cầu cạnh xin giải. Mà giải gì đâu, các ông già lại cứ tìm những mái đầu bạc hưu lòi trao cho nhau để củng cố và đánh bóng lại thủa dĩ vàng son hơi chói? Rồi người làm báo cũng vậy, mãi mãi sao còn luyến tiếc cái thú được cai quản sân khấu để người khác “xin cho” được lên biểu diễn. Người cai quản sân khấu nên nghĩ, mình chỉ là người quét dọn và trông coi sân khấu, chứ đừng bao giờ ảo tưởng quyền quản lý lại nghĩ không ai có quyền hát hay như mình?!
Vua con không ra trận không bõ trưởng thành và lên ngôi, vì cả đời bấu víu quanh quẩn bên ngai vàng quyền lực. Nhà văn, nhà thơ gì lại cứ bâu xâu bấu lấy quyền ăn cơm nhà bếp tập thể có thịt đậu tem phiếu và con dấu cấp giải thưởng cho tác phẩm, thì bao giờ lớn để thoát khỏi văn chương còi bò lê bò càng bếp ăn tập thể?!
Người Việt có câu “kẻ tiểu nhân biết được điều tốt nhưng không làm được”. Kẻ tiểu nhân nào cũng biết: đường to ngõ lớn thì đi lại tiện lợi và giá nhà cao hơn, nhưng do lòng tham trước mắt họ cứ xâm lấn đường đi trong ngõ. Nhà văn, nhà thơ ở ta cũng vậy, họ biết quyền hành báo chí chỉ là thứ hạ cấp so với sáng tạo, nhưng vì tham giá áo túi cơm trực tiếp, và cái sân khấu bên cạnh mình, mà họ chẳng thiết nhìn xa trông rộng hơn, mà chỉ nhìn quanh quẩn mấy cái ghế ở hội hay tòa soạn báo?!
Paul Đức 25/4/2020
Comments