top of page
  • Nguyen Hoang Duc

NHÌN CÁCH ĐI NGHIỆP DƯ BIẾT CHẮC NGÒI BÚT KHÔNG TỚI ĐÍCH?!

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2022

Nhìn dấu chân trên sa mạc, người ta biết được con lạc đà đã đi qua, nhưng một con thằn lằn bò trên cát để lại dấu vết loằng ngoằng nhẹ thõm như vài vết xước. Để lại dấu vết trong cuộc đời đó là biểu tượng của thành công, còn không để lại dấu vết gì như âm thanh nhỏ quá va vào vách núi không tiếng vọng hay bèo trôi dạt trên sông chẳng để lại vết tích gì, người ta coi là một bất hạnh lớn bậc nhất trong đời, đó là “Vô Lại”. Con lạc đà muốn vượt sa mạc khắc nghiệt nó phải có một khối u lưng để tích mỡ và nước, và trước khi đi xa nó phải được dẫn vào bể nước uống cho thỏa thì thôi. Hình ảnh đó cũng chính là hình ảnh đi xa thành công của con người, mà các thứ tiếng đều có một châm ngôn tương tự như tiếng Anh “go slowly go far” (đi chậm mới đi xa). Vạn vật ở đời muốn thành công phải có khuôn có thước, như người Việt nói “muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”.Cái bánh chưng nếu gói bằng khuôn sẽ vuông vắn và đẹp hơn hẳn bánh gói không khuôn. Cái này được các triết gia gọi là Mô thức – the Form. Cao hơn thế triết gia Platon còn gọi các khuôn hình là linh hồn, bởi vì bất cứ cái gì sau khi có khuôn hình ở đời như (giống – loài – loại) thì cái khuôn hình ở lại trong xưởng, còn vật đó hiện diện đem theo khuôn mẫu vô hình. Người Việt có câu: “Giấy rách còn giữ lấy lề” là một cách minh chứng, vạn vật đến khi rách vẫn còn gắn bó với dấu vết khuôn – lề của nó. Muốn thành công ở đời dứt khoát phải có khuôn – hình, đó cũng là hạt nhân gốc để cây nào ra trái nấy. Và người Việt nói về các nghề nghiệp muốn thành công thì phải “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!” và “sinh nghề tử nghiệp”, còn các triết gia thì nói: cần theo đuổi sở trường duy nhất của mình mới có thể thành công. Ở ta, thì thấy rất nhiều nhà văn, nhà thơ rẽ ngang vài nghề, như vậy làm sao mà văn thơ hay được?! Từ lâu rồi, giới văn nghệ sĩ vẫn nói, anh là nhà thơ, nói về thơ thì anh lại đem họa ra khoe, nói về họa thì lại đem thơ ra khoe… nghĩa là anh cái gì cũng nửa nạc – nửa mỡ nghiệp dư, chẳng cái gì tới đích và tới bến cả. Nghề văn chương và chữ nghĩa rất đáng trọng như triết gia Aristotle tôn vinh hết cỡ: văn chương cao nhất chỉ vì mình nó mới bàn đến vẻ đẹp cao nhất trong tâm hồn con người là Công Bằng. Mở đầu, nhiều cây bút đã chú mục vào sở trường văn thơ của mình, không lâu khi nhìn thấy báo chí là cơ quan kiếm ăn tươi có bổng lộc và danh tiếng sốt sột nên liền quay ngang. Một nhà báo Mỹ mới đây đến Việt Nam phát hiện, văn chương Việt sẽ không có tác giả ra hồn khi tụ vào cửa báo vơ vét cửa quyền, viết văn không phải cậy tài mà cậy chức. Cậy các quyền ưu tiên như trẻ con không dám trưởng thành?! “Có chí thì nên” , vì sớm trở thành họ “thích đủ thứ” mà các cây bút mệt mỏi, không còn nghị lực để đi xa, liền quay ra vẽ vời để được thư giãn nghỉ ngơi. Một con tàu rẽ ngang bao giờ đến bến?! Một con người bỏ cuộc làm sao cán đích thành công?! Một nồi nước nóng dở chừng làm sao có thể pha trà…

Chính thế mà ở nước nhà, nhìn thấy vô số các cây bút chưa viết đã lách thẻ hội viên và giải thưởng cùng thợ săn ghế quản trị… rõ ràng đó là cách không bao giờ tới đích! Cũng là thất bại! Một người thất bại ngay từ đầu thì làm gì chẳng loay hoay trí khôn ranh che chắn, biện minh, chém gió, rồi đố kỵ ngáng đường những người tài khác.


Tôi xin kết thúc bài bằng cách mượn hai câu thơ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bảo Sinh: Hội thằng thơ dở xưa nay Bao giờ muốn kẻ thơ hay lọt vào?!

Paul Đức 19/5/2020


0 lượt xem0 bình luận

コメント


bottom of page