top of page
  • Nguyen Hoang Duc

NHÃN QUAN QUỐC GIA ĐÁNG THẤT VỌNG TRONG GIỚI TRÍ THỨC VIỆT ???

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023

Tôi kèm ba dấu chấm hỏi để mạn phép những ai giầu lòng tự ái, rằng nếu trình độ chính trị của họ cao hơn, thì họ không nằm trong số tôi đề cập và phản tỉnh.

Không có nhãn quan quốc gia, còn có nghĩa là chính trị, thì chắc hẳn chúng ta không thể có quốc gia giầu mạnh và văn minh, mà dân tộc chỉ là một cái làng lộn xộn bị chia cắt kiểu “lệnh làng nào làng ấy đánh/ thánh làng nào làng ấy thờ”. Điều này cũng thật sự đơn giản và dễ hiểu khi chính lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói về Trung Quốc: không có quốc tộc, chỉ có gia tộc, dân chúng chỉ là một bãi cát rời rạc…

Khi phản tỉnh trình độ của dân tộc ta, có rất nhiều người kém cỏi mang mặc cảm tự ái nổi xung lên, nhưng trên thực tế thì sao? Nước ta có nhiều người đi làm thuê đông nhất với tiền công rẻ mạt nhất khu vực Đông Nam Á. Đăng ký sáng chế phát minh của chúng ta thua Hàn Quốc cả chục ngàn lần, nghĩa là chúng ta gần như bằng O (zero)… Trình độ dân trí về mọi mặt đặc biệt là chính trị của chúng ta thấp, vì chúng ta không có khả năng bàn bạc hay đối thoại. Điểm căn bản hay tiêu chuẩn của đối thoại là gì? KHÔNG CÓ TIÊU CHÍ THÌ KHÔNG TÌM RA NGƯỜI THẮNG CUỘC! Giới trí thức của chúng ta thường tranh luận vu vơ không tiêu chí. Cãi chầy cãi cối rồi hòa cả làng.

Hôm nay, tôi xin đưa ra một tiêu chí căn bản về chính trị: Làm chính trị thành công với mỗi cá nhân là đạt vị thế cao nhất như làm Vua, mà người Hoa vẫn nói thường xuyên “Ở TRÊN THIÊN HẠ” hay làm tể tướng “Ở dưới một người, ở trên vạn người”. Nhưng đó là chính trị cho một cá nhân, giống Từ Hy Thái Hậu vẫn luôn miệng bảo: “Thiên hạ là của nhà Thanh”. Nhưng dứt khoát đó là thứ chính trị phong kiến hủ bại, vì kẻ làm vua chỉ coi nhân dân, dân tộc, quốc gia là thứ thảo dân vô lại, đá lát đường cho ngai vàng của mình. Nền chính trị hủ bại này đã được thay thế bằng nền Cộng hòa, Dân chủ mà cả nhân loại đã theo đuổi hơn 2000 năm nay từ thời triết gia Platon.

Nhưng có rất nhiều thứ cộng hòa, dân chủ biến tướng thành vua phong kiến, như Kim Nhật Thành ở Triều Tiên cha truyền con nối, Putin ở Nga ngồi mãi ghế tổng thống không chịu dời, còn ở Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn kéo dài vòng “bầu cử” của mình thành những nhiệm kỳ vô giới hạn… Làm vua hay tổng thống là đỉnh cao quyền lực và là thành công chính trị cao nhất của mỗi cá nhân, nhưng cũng có 2 loại: 1- loại màn the, ích kỷ. 2- loại phổ quát vì quốc dân đồng bào.

Tôi xin đưa dẫn chứng điển hình: 1- Chủ tịch Mao Trạch Đông ở trên ngai lâu nhất, cung điện nghỉ ngơi nhiều nhất, gái gú thì ngang ngửa với Tần Thủy Hoàng, quyền lực ngang trời, trong vài tháng bắt sản lượng ngô từ bảy tấn tăng lên 70 tấn, bắt cả nông dân cho nồi cho thìa vào nấu gang, bắt nông dân tắt lửa bếp nhà mình đến nhà ăn tập thể húp cháo loãng, kết quả làm mấy chục triệu người chết đói… 2- Tổng Thống Tôn Trung Sơn, được coi là vị Tổng thống lập hiến (tức tạo ra quốc gia) với lý thuyết “chủ nghĩa tam dân”. Về mặt thế tục không thể sánh với họ Mao về thành công, nhưng về tinh thần, dân Trung Hoa đã giành cho ông những lăng tẩm hoành tráng, đẹp đẽ nhất, hơn hẳn họ Mao. Họ Tôn là lãnh tụ phổ quát cho quốc gia, họ Mao chỉ là hình mẫu thành công màn the của cá nhân.

Mới đây, tôi có nói chuyện với vài vị trí thức. Chúng tôi nói về nhân vật Y. Sau khi tranh cãi một hồi về đạo đức của ông Y. Mấy trí thức này nói “Ông Y làm chính trị, tất nhiên phải thủ đoạn”. Rồi họ ra sức ca ngợi thủ đoạn chính trị của ông Y để ông có thể thành công ngồi ghế quyền lực lâu nhất…

Người Trung Hoa đầu thế kỷ 20 có câu: “Không có tâm cảm tiến bộ của thời đại, thì không phải trí thức!” Làm sao có thể ca ngợi thành công thủ đoạn của cá nhân khi bỏ qua lợi ích của trăm họ, như thế khác nào bà già lẩm cẩm Từ Hy Thái Hậu nói “thiên hạ là của nhà Thanh”?

Tôi hoàn toàn thất vọng về họ, như người Việt bảo “muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”, nói chuyện ú ớ mập mờ không tiêu chí, từ đạo đức lại chuyển mã sang thành công chính trị của một cá nhân. Trong khi họ suýt xoa ca tụng người có quyền lực bằng bất kể giá nào, tôi thấy hoàn toàn họ có bóng dáng của những nô tài, vì họ chỉ ca tụng ghế quyền lực nghĩa đen mà không hề biết tí gì về phẩm chất của quyềnlực. Như thế là bản năng và dốt nát lắm, khác gì mấy anh nhà quê khoe mình máy khỏe đẻ nhiều con. Kỳ thực ngay cả nhà quê vô học cũng không đến mức dốt nát đến vậy, vì người nhà quê người ta còn bảo: Đẻ con khôn mát lờ rười rượi Đẻ con dại thảm hại cái lờ

Nói chuyện với những người không có tiêu chí hay tiêu chuẩn, chẳng khác gì người Hoa quan niệm: đó là hạng tùy tiện – hạ tiện muốn sao làm vậy. Đây là một kinh nghiệm thực tế và rất buồn cho phần lớn trí thức kiểu nước đôi của dân tộc ta. Một chuyên gia Nhật nói “Người Việt các anh sẽ khổ muôn đời”, còn tôi thấy rằng: với một giới trí thức đông đảo thiểu năng đến vậy, người Việt khó mà rút chân ra khỏi vũng nô tài tâm lý sâu.

Paul Đức 6/3/2018


19 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page