“Kể chuyện ông Huyện về quê”, đó câu nói dân gian rất phổ biến của người Việt. Câu đó nói lên cái gì? Nói lên, đã kể chuyện thì phải có ít nhất một nhân vật là “ông Huyện”.Một người từ chợ, huyện hay phố về, thường được mọi người hỏi “ngoài đó có chuyện gì không?” Đặc biệt ở các vùng quê, khi nghe tin hàng xóm có người đi xa về, người ta sang hỏi thăm và nghe chuyện phương xa, điều đó cũng thực chứng qua phương ngôn “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Người đi xa năm châu bốn biển về mới có chuyện để kể, chứ người ở nhà như gà què ăn quẩn cối xay có gì để kể. Khi kể chuyện bao giờ cũng là chuyện gì. Và chuyện gì bao giờ cũng là từ ai đó. Từ con trâu xổng đến con bò quị hay con vịt què hoặc con chó điên, hoặc anh Chí Phèo tỏ tình với Thị Nở thì đều là “ai đó” – được kể như là nhân vật. Khi những đứa trẻ bâu lấy bà đòi kể chuyện, chúng luôn bắt bà phải kể chuyện về ai đó, hoặc cái gì đó. Người ta không thể kể chuyện về hư vô hoặc “không ai cả”. Vì thế: không có nhân vật thì không thể có chuyện. Không có chuyện thì không có văn học! Đó cũng là cách triết gia Aristote rút ramột cách kinh viện. Ông nói: điều kiện tiên quyết của thơ calà cốt truyện (story). Chuyện và nhân vật là nền móng căn bản tất yếu, ấy vậy mà hàng nghìn nhà thơ viết trường ca ở Việt Nam lại có thể viết ra trường ca không có cốt truyện. Tại sao? Có nhiều nhà thơ biện hộ rằng: đó là cách làm trường ca hiện đại, rằng, thời hiện đại này người ta không nhất thiết phải đi theo lối mòn cổ điển viết văn phải có nhân vật nữa. Đây là cách biện hộ cho sự yếu đuối gần như tuyệt đối của mình. Đúng, thơ có thể không cần nhân vật, nhưng đó là thơ cảm xúc bé tẹo, tức cảnh sinh tình, ngẫu nhiên được chăng hay chớ. Nhìn ngược lịch sử, mới thấy, Nhân Vật là một tài năng yếm thế gần như tuyệt đối của người Việt. Dường như các thi nhân Việt chưa tự nghĩ ra một cốt truyện có nhân vật nào. Nào “Chinh Phụng ngâm”, rồi “Lục Vân Tiên”, Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Tải – Ngọc Hoa, ngay cả đến người tài danh như thi hào Nguyễn Du mà cũng phải lấy truyện hạng hai “Kim Vân kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ra làm “bột” để gột lên hồ là tập truyện thơ “Truyện Kiều” của mình. Dân ta, đặc biệt giới làm nghệ thuật có biết cốt chuyện là căn bản không? Có chứ, chính trong giới sân khấu người ta thường nói câu cửa miệng rằng “có tích mới dịch nên trò”, nhưng trong các sân khấu từ chèo đến cải lương hay tuồng, người Việt có thể diễn mãi mấy trăm năm một vở kịch mà chẳng hề thay đổi, như vở “Quan Âm Thị Kính” chẳng hạn, cứ học chèo là tập diễn và hát “Thúy Vân giả dại”… Từ lịch sử đến đại trà các trường ca không nhân vật ngày nay có thể nói người Việt rất khó sáng tạo ra những cốt truyện cho văn học. Nhân vật có gì đâu mà khó thế? Nhân vật là nền móng khởi sự đầu tiên mà. Nhưng với các nhà thơ Việt chủ yếu là nghiệp dư thì rất khó. Khó vô tận! Tại sao? Nhân vật là mô hình hóa một xã hội thu nhỏ. Ở đó phải có người thiện, kẻ ác, người làm chứng, người ngẫu nhiên, người trắc ẩn, người bị oan, và người đem lại công bằng… Nhân vật thì không thể chỉ ngồi gãi háng, mà nhân vật phải hành động, mà hành động là gì? Hành động bao giờ cũng xuất phát từ tư tưởng, và nhắm đạt hiệu quả của tư tưởng! Trời ơi, thật thiên khó vạn nan, hầu hết các nhà thơ Việt mới chỉ ngâm nga mấy cảm xúc tức thời,làm sao để có tư tưởng đây? Chưa nói đến tư tưởng, như phương ngôn “Đạo đức là thói quen của điều thiện”. Muốn có đạo đức thì người ta phải tập thành điều thiện. Tập thành trong tư duy tức là suy luận để phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, hay – dở, sau đó thực hành ở ngoài đời. Nhưng trí tuệ người Việt thường chỉ dừng ở mức khôn ngoan nước đôi “người khôn ăn nói nửa chừng”,vì thế tốt xấu lẫn lộn, thườngtheo đuổi cái có lợi mà ít theo đuổi cái tốt.
Ngoài sự yếu ớt về trí tuệ ra, người ta còn sợ trách nhiệm về thiện ác của mình. Một người sống trung tính làm sao có thể để người thiện nói thế này, người ác đáp lại thế kia. Nghĩa là người ta không dám phơi ra quan điểm của mình về cái tốt và cái xấu, chính nghĩa và phi nghĩa,lương thiện và gian tà, khôn ngoan và trí trá. Nhưng tóm lại, các nhà thơ đã không đủ trí tuệ để tư duy phân biệt thiện – ác, tốt – xấu. Hơn thế người ta không chịu thực hành đạo dức như thói quen của điều thiện,cây nào quả nấy, con người nào văn học nấy, không thực hành bài học thiện – ác, thì làm sao có thể viết về thiện – ác?! Trong sáng tạo mới chỉ có vài mẩu cảm xúc nhỏ lẻ làm sao có thể viết nổi trường thiên? Không một con người nào vĩ đại nếu không trở thành kiến trúc sư. Đấng Sáng tạo ra vũ trụ vĩ đại vì Ngài đã kiến trúc ra thế giới huyền nhiệm này. Nhà thơ không thể lớn nếu không phải người có kiến trúc sáng tạo. Triết gia Hegel nói, mọi chiếc kèo phải ăn khớp với cột. Muốn làm cái lều nhỏ thôi, người ta đã phải lắp giáp vì kèo vào cột. Kiến trúc nông nghiệp phổ biến của Việt Nam là gì? Thời phong kiến làm nhà hai tầng đã phạm thượng, vì chỉ có cung điện của triều đình mới làm hai tầng ( quả là yếu hèn), nhà dân thì chủ yếu nằm dài một gian hai trái hay ba gian hai trái, hoặc dù có kéo dài bao nhiêu thì phần vì kèo là giống nhau. Ngay đền chùa là những kiến trúc thiêng liêng cũng mang bóng dáng của nhà kéo dài một gian hai trái… Kiến trúc nhỏ lại sao chép nhau y nguyên đã tạo ra thể tạng nghèo nàn và yếu ớt cho người Việt. Nhưng cho dù kiến trúc đó có bé vẫn to lớn hơn hẳn thể tạng các nhà thơ. Tại sao? Bởi lẽ kiến trúc đó còn có vì kèo. Một cái lều có cột chính chống xuống đất là nhân vật chính của truyện, còn kèo là những nhân vật phụ làm cấu trúc ngang vững chãi… trong khi đó thơ thì sao? Như các nghệ sĩ chèo diễn tả “chiếu chèo”, với tầm vóc không thể trở thành hài kịch, chính kịch hay bi kịch, thơ với cảm xúc tức thời chỉ có tầm vóc nhỏ bé vụn vặt như manh chiếu trải giữa sân ngắm trăng rồi xuýt xoa mà thôi.
Như vậy, từ lịch sử đến học thuật kinh điển, chúng ta thấy: nhân vật và cốt truyện không chỉ là nền móng mà còn là thách thức xuyên suốt của văn học, ai không sáng tạo được nhân vật và cốt truyện thì không thể trở thành kiến trúc sư sáng tạo được. Với vài mẩu ngâm nga dù hay mấy, người đó chỉ được xếp hạng là thơ cảm xúc mà thôi. Mà thơ cảm xúc theo sắp đặt của người Hy Lạp chưa thể bước lên sân khấu để diễn mà chỉ để đọc ngoài hè phố lúc lang thang vật vờ thôi. Ở Việt Nam cũng đã từng chứng kiến việc này, có người mang thơ lên sân khấu diễn, nhưng làm gì có diễn xuất cho hành động, diễn mà không nhắm cao trào khác gì leo thang không có tầng nhà, thế là đành nát vụn như cảm xúc được chăng hay chớ vậy.
Sáng tạo là gì? Là phải tạo ra cái của mình! Chúng ta đứng giữa vũ trụ bao la kỳ bí hùng vĩ và lộng lẫy, đó là nguyên liệu như sa số đá gỗ kia, ta sẽ làm gì để ta tạo ra lâu đài sáng tạo của mình. Khi đó ta là một kiến trúc sư! Còn chỉ ngâm nga mấy vần cảm xúc thì ta chỉ là một chút phản xạ của con người. Chút phản xạ đó không bao giờ là kiến trúc sư mà chỉ là dạng nô tài của hệ thần kinh. Khi nào người ta phải sáng tạo trong vị trí của nô tài? Khi mà người ta có quá ít kiến thức lại không chịu rèn luyện về văn hóa và nhân cách.Người Việt nghèo đói, gian dối khắp nơi, tội phạm nhiều chính cũng bởi chúng ta chưa chịu khó rèn luyện về thói quen tư duy, đạo đức, nghệ thuật – sự tinh tế của tâm hồn và chữ nghĩa (tư duy thấp – đạo đức không thể cao). Nếu chỉ bằng lòng với việc ngậm lá thổi như kèn, ngậm trúc thổi như sáo, cũng như bằng lòng trao giải cho những vần thơ cảm tính sụt sùi hoặc trường ca không cốt truyện, tâm hồn văn hóa Việt Nam mãi mãi chỉ là đầm lầy thụ động mà không thể trở thành cường quốc được (không có cường quốc của nô tài, chỉ có cường quốc của ông chủ. Mà muốn làm được ông chủ thì phải làm chủ kiến thức và tự chủ được nhân cách.
(Ghi chú: trong bài tôi dùng cả hai từ “chuyện” và “truyện”, là để chỉ hai cấp độ kể miệng và viết văn bản. Cái truyện kinh viện hơn cái chuyện).
Paul Đức 20/04/2013
Comments