Sở trường của họa sĩ là Mầu, còn sở trường của nhà lý luận là Lời. Hôm nay tôi muốn dùng lời của mình để ngắm tranh của họa sĩ Nguyễn Như Đức, biệt danh là Đức Bẹt. Ngày 11/11/2016 , tôi hân hạnh được ba họa sĩ Trần Gia Tùng, Nguyễn Thanh Hải còn gọi là Hai Rambo, và Bùi Như Đức mới đến gallery 39 Lý Quốc Sư để tham dự lễ khai trương triển lãm MẢNH GHÉP của ba họa sĩ.
Vừa bước vào phòng tranh, bức tranh của họa sĩ Nguyễn Như Đức treo giữa phòng rất ấn tượng đập ngay vào mắt tôi, đó là dãy Phố Cổ Hội An mầu vàng phơi mình xuống dòng sông cửa biển nước sáng long lanh. Nhà là một địa chỉ rất lớn và tha thiết của hội họa. Bởi vì mỗi ngôi nhà ẩn chứa một hay nhiều số phận. Nhìn ngôi nhà người ta nhận ra ngay thân phận của chủ nhân, như giầu hay nghèo, quyền lực hay hèn kém, tương quan không gian xung quanh cũng là tương quan của cộng đồng và xã hội.
Ở Việt Nam họa sĩ thuộc lớp đầu tiên Tây học Bùi Xuân Phái đã mải mê vẽ phố xá Hà Nội, nổi tiếng đến mức người ta thường gọi là “Phố Phái”. Nhà hay dãy nhà của hs Phái thường là những ngôi nhà hai hoặc ba tầng rêu phong ngả nghiêng siêu vẹo, ở đó có cảm giác chúng bị ép nén trong không gian đô thị rất tù túng. Sự tù túng nghèo hèn, giống như đời sống của các cư dân sống bằng sổ gạo và tem phiếu ở trong nó, cũng tù túng theo và phơi lộ ra cùng mái nhà của mình.
So sánh thế, nghĩa là một cách có lý do mà không hề vu vơ, tôi thích tranh phố của họa sĩ Đức Bẹt hơn. Phố cổ Hội An nằm trên bờ biển thoáng đãng, có cả một con sông hiền hòa cắm ngay vào giữa thành phố… Nó được rất nhiều người ngoại quốc trầm trồ vì vẻ đẹp ngăn nắp bình an của nó. Những ngôi nhà đứng thẳng không hề siêu vẹo, cũng chẳng hề bị tù túng trước những biến cố của lịch sử hay xã hội. Và họa sĩ Đức Bẹt cũng thể hiện chân thực điều đó.
Phố của Đức Bẹt khác phố Phái cái gì?
Phố Phái nằm phơi trên phố hẹp với vài ba chiếc xe đạp lèo tèo thể hiện một đời sống “hộ khẩu” buồn. Buồn da diết!
Còn phố của Đức Bẹt, nằm trên sóng nước long lanh tràn trề ánh sáng. Xét về mặt tài sản, một đằng là mấy cái xe đạp rách, một đằng là những con thuyền có thể chở cả trăm chiếc xe. Tôi nói thế vì như nói ở trên, nhà còn biểu hiện tương quan của cộng đồng. Những ngôi nhà của Đức Bẹt giống như được bay lên của tự do và kinh tế thị trường. Còn những ngôi nhà của Phái thì chẳng khác gì cửa hàng mậu dịch đang bán tem phiếu. Tù túng, eo hẹp, cò con, nghèo nàn, ốm nhách… những sản phẩm rách rưới của số phận lèo tèo ăn gạo phiếu…
Phố của Phái thì bất động, cứng đờ, và sơ xác. Trái lại phố của Đức Bẹt chuyển động theo mặt nước long lanh. Ở đây, tranh của Đức Bẹt đã thể hiện rất mạnh sở trường hoàn cảnh của mình. Nhà thì bất động nhưng ngự trên mặt nước dập dình, chuyển động liên tục, tạo ra kịch tính của nghệ thuật. Một kịch tính đối kháng kinh điển nhất như Trắng và Đen.
Ánh sáng là biểu hiện của văn minh, giống như từ khi có điện, nhân loại nói rằng: thế giới không còn biết đến bóng đêm. Phố của Đức Bẹt tràn trề ánh sáng. Ánh sáng rất sâu từ mặt phố tràn xuống nước, rồi lại phản ngược lên chẳng khác nào hai dòng ánh sáng soi tỏ và hòa âm hòa sắc với nhau. Vì vậy mà phố của Đức Bẹt là phố của ánh điện văn minh. Còn phố Phái là phố nhà quê đèn dầu tù mù, đời sống cảm tính ẩm ương, lèm nhèm, văn hóa “tay ải tay ai”.
Nếu phố của Đức Bẹt là một bữa tiệc lộng lẫy trang hoàng, thì phố của Phái chỉ là một bữa ăn tươi nhẹ với cà muối mặn cùng vài hạt lạc bao cấp lấy dầu thực vật thay cho chất mỡ…
Triết gia Hegel nói “Nếu không có đam mê thì chẳng có sự vĩ đại nào được tạo thành”.
Tranh của Đức Bẹt đẹp, vì anh chìm đắm rất sâu trong đam mê. Đức Bẹt là người Hà Nội, anh tâm sự cùng tôi hôm anh mời tôi vào thăm gallery ở giữa phố cổ Hội An, đầu tháng năm 2017, nhân lễ cưới rất Openning bên bờ biển của họa sĩ Nguyễn Thanh Hải: “Anh Đức ạ, em cám ơn Hội An như một miền đất hứa đã làm nên hội họa của em. Em say đắm nó, và em cũng được hưởng từ nó!”
Vào Hội An, họa sĩ Đức Bẹt còn say mê vẽ cảnh đại dương. Đây cũng là cuộc thử sức vô cùng khắc nghiệt. Vì đại dương rất yếu chất Hình, nó chỉ có một mặt phẳng mầu, mà họa sĩ yếu tay rất ngại vẽ… Nhưng cái gì càng khó vẽ thì càng làm nên tên tuổi của họa sĩ. Đức Bẹt không ngại ngần và đã vẽ nhiều bức tranh biển mang cảm xúc nghiêng ngửa. Có bức thì mầu xanh xa thẳm của đại dương ập vào bờ thành cơn lũ bạc đầu sủi bọt trắng xóa, một vạch mầu đỏ chạy giữa đại dương như thể đại dương chồn chân muốn tạo nên chiếc bờ để nghỉ. Hoặc những cơn sóng chồm lên như núi để bày tỏ cao trào mỹ học hay số phận…
“Tác phẩm là quyền lực!” Một nhà tư tưởng nói vậy. Sau khi ngắm một số tác phẩm cũng như con người của họa sĩ Nguyễn Như Đức, tôi thấy cần phải viết ra. Đó là điều công bằng với cuộc đời và nghệ thuật.
Paul Đức tối 8/5/2017
Tranh phố của họa sĩ Nguyễn Như Đức
Comments