top of page
  • Nguyen Hoang Duc

NGƯỜI VIỆT-THẢO DÂN HAY CÔNG DÂN?

Đã cập nhật: 14 thg 6, 2023


Tôi có đọc bài “Từ bàng quan đến vô cảm” của nhà văn Sương Nguyệt Minh đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ 1/2011. Đây là một đề tài tự soi mình rất thiết thực và hệ trọng với người Việt chúng ta. Bởi lẽ, tự sỉ hữu đạt tôn, chúng ta chỉ đạt tới tầm cao khi biết gột rửa những khiếm khuyết của mình. Vì thế Tự sỉ chính là Tự trọng. Đa số dân ta là dân nông nghiệp, chính xác hơn là “tam nông”; nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Dịp Tết, chúng ta vẫn thường gói bánh chưng, khi ấy việc vo gạo, đãi gạo thật sạch, rồi rửa lá dong thật sạch là một việc làm hết sức cần thiết, bởi lẽ nếu gạo và lá không sạch, bánh sẽ chóng thiu, khi ấy món bánh chưng ngày tết sẽ không thể đảm bảo cho chúng ta niềm vui ăn tết. Thử tưởng tượng rất gần rằng; đúng ngày Tết dọn mâm cỗ lên mời khách, chủ nhà bảo “mời bác ăn thử miếng bánh chưng nhà em” Những than ôi, nếu đó là một miếng bánh chưng thiu, thì ông chồng, cũng như bà nội trợ, rồi đến con gái phụ trách phần rửa lá “ế” mặt thế nào?! Trong thôn xã từ làng trên xóm dưới, chúng ta cũng thường được chứng kiến, nhiều thợ xây đang tiến hàng rửa cát sỏi để đúc bê tông. Tại sao vậy? Vì nếu không rửa sạch cát sỏi, thành phần tham gia trực tiếp vào bê tông, bê tông sẽ không cấu kết, bục rữa, rồi sụp đổ, gây tai nạn. Người Việt có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm.” Đó hoàn toàn là một sự thật hiển nhiên. Y học hiện đại đã chứng minh, nhà càng bẩn thì càng lắm vi khuẩn gây bệnh ẩn nấp, bát bẩn cũng vậy, chúng sẽ là nơi trú ẩn của nhiều vi trùng, vì thế người ta sẽ không thể sống an khang hay ngon miệng khi ở nhà bẩn và ăn bát bẩn. Nhà bẩn gây bệnh, bát bẩn có vi trùng, gạo bẩn bánh chóng thiu, cát bẩn làm nhà đổ… Vậy thì tâm hồn bẩn sẽ ra sao? Chắc chắn tâm hồn bẩn sẽ gây bất hạnh và ách tắc trong cuộc sống! Đó là điều hiển nhiên mà xa xưa đã được các triết gia Hy Lạp cổ đại đúc kết lên. Triết gia Aristotle có nói một phương ngôn rằng “Hạnh phúc là một tâm hồn sạch sẽ ngự trong một cơ thể cường tráng.” Một cơ thể chỉ cần một cái rám, một vết tấy xưng, một vết sạm ở trên làn da thôi, đã khiến con người mất tự tin rồi, nói chi đến nó còi cọc ốm yếu, thì con người sao có thể vui sống được. Còn một tâm hồn, chỉ cần mất ngủ vài đêm thôi, người ta đã hoảng loạn sa vào bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực, nói gì đến những tủi nhục khác như bị xa lánh, đầy ải, khinh thị do các ám ảnh có tội lỗi gây nên, thì làm sao bình an? Để giản dị, chúng ta thử hình dung, lời bài hát “Anh nuôi quân” (?), có câu “Xe không dầu xe nào đi cho”. Cơ thể khỏe mạnh như chiếc xe vậy, máy tốt nhưng không có xăng (là tâm hồn) sạch thi không thể vận hành. Vậy thì, nhà muốn sạch thì phải quét! Tâm hồn muốn sạch thì phải “tẩy rửa” thường xuyên bằng chiếc khăn “biết sỉ” hay “tự sỉ”, nói thẳng ra là biết ôn tập chính những điều đáng hổ thẹn của mình. Con người ở đẳng cấp càng cao thì càng có trình độ tự sỉ cao.Nhưng ở ta, có không ít người lại hiểu nhầm rằng, đó là một sự bới móc. Trong bài “Từ bàng quan đến vô cảm” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả đã nêu khá nhiều về tâm trạng dửng dưng, bàng quan của một số người Việt. Tôi cho rằng; sở dĩ có tình trạngđó, có một nguyên nhân rất lớn là, có nhiều người khởi sự đã bàng quan ngay từ đầu việc kiểm duyệt có trách nhiệm để tự sỉ chính tâm hồn mình. Cái gì xấu ở đời, họ dửng dưng, vì nghĩ đó là cái xấu của người khác, việc của người khác, vì vậy họ mới bàng quan. Nhân đề tài này này, tôi muốn bàn sâu hơn về khía cạnh khởi nguyên trong ý thức của người Việt. Người Việt ta là những người còn sống nặng về lụy tình, nặng về cảm tính và chưa có ý thức sống theo lý trí phổ quát. Đặc biệt rõ ràng nhất trong câu “phép vua thua lệ làng”. Phép vua là gì? Ngày xưa người Việt (cũng như người Trung Quốc, và các nước Á châu), chưa biết đến một tổ chức nhà nước cộng hòa, dân chủ với các vai trò của chủ tịch hay tổng thống, vì thế phép vua chính là phép nước, là phép của một tổ chức quốc gia mang tầm vóc phổ quát bao trùm hơn. Thế mà lối sống còn rất cục bộ, xé lẻ, manh mún, cá thể, đơn vị nhỏ của người Việt vẫn chỉ đánh giá rằng; phép nước đó thua lệ làng.


Người Việt còn có một loạt phương ngôn khác xác định tâm thức cục bộ vị kỷ như “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, rồi dẫn đến ích kỷ cục bộ như “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Người Việt có một câu chuyện tiếu lâm rằng: Nhà kia đang có cỗ, liền thấy ông hàng xóm ở căn hộ liền kề lấy đuốc châm mái nhà mình. Hàng xóm thất kinh chạy ra hỏi “Tại sao bác lại tự tay châm lửa đốt mái nhà của mình như vậy, nó cháy lan sang mái nhà tôi thì làm thế nào?” Liền nghe ông đốt mái nhà trả lời: “Cỗ nhà ông dọn ra, nó có lan sang nhà tôi đâu, vậy thì làm sao tôi đốt mái nhà tôi lại cháy lan sang nhà ông được! Có một phương ngôn của Trung Quốc “Kẻ nào làm lợi cho cá nhân mình sẽ hại đến cả nhà, nhà nào làm lợi cho nhà mình sẽ hại cả làng, làng nào làm lợi cho mình sẽ hại đến quốc gia, quốc gia làm lợi cho mình sẽ hại đến thiên hạ.” Và cũng có một câu chuyện rất kinh điển của Đức Không Tử rằng; vị vua nước Sở kia, đi săn có mất một chiếc cung quí, sau khi tìm mãi không thấy, liền nói “Vua Sở mất cung, người nước Sở bắt được là không mất.” Khi nghe chuyện, Khổng Tử bèn la “Người đâu mà hẹp hòi vậy, vua Sở mất cung, người khác bắt được là không mất.” Có đúng vậy không? Chắc hẳn rồi, nếu chiếc cung được bất kỳ ai nhặt được thì nó không bị mất trong lãng phí, cần gì nhất thiết phải là người nước Sở?! Tình trạng manh mún, xé lẻ, cục bộ, vị kỷ là cách ngược chiều với quyền lợi của quốc gia sau đó là thiên hạ. Giờ đây, khi Việt Nam tham dự vào sân chơi chung của toàn cầu, càng làm cho chúng ta thấy rõ hơn về công lý quốc gia, cũng như công ước phổ quát chung của quốc tế. Chúng ta không thể đóng cửa một mình chơi một kiểu hay một cách riêng, đơn giản thí dụ như đội bóng đá Việt Nam dù Nam hay Nữ thi đấu với đội của nước khác,thì đều phải tuân thủ luật thi đấu do trọng tài nước ngoài cầm cân nảy mực. Còn nếu ta thi đấu theo cách của mình thì không thể thành trận đấu. Tại sao người Việt còn mang nặng căn tính cục bộ như vậy? Bởi lẽ xã hội tam nông và phong kiến kéo quá dài, nên hình thành nên những con người “thảo dân” chứ không phải “công dân”. Thảo dân là gì? Là thứ con người bị coi như cỏ rác. Ở Trung Quốc chẳng hạn, đàn ông có khi chịu thiến tiến cho cung vua hay nhà giầu để kiếm miếng ăn, đàn bà thì bó chân để cho đùi nở , rồi tiến cho triều đình làm phi tần, hay nhà giầu làm thê thiếp để được ăn ngon, mặc đẹp, trú ẩn trong nhà để mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Người Việt xưa tuy không rõ và mạnh như thế nhưng có cái gì rất tương tự. Tóm lại, vì chỉ là thứ thảo dân thấp cổ bé họng, nên người ta có xu hướng bảo toàn lấy cá nhân mình, rồi gia đình mình, rồi bản làng mình một cách cục bộ. Trái với Thảo Dân, là hình ảnh của Công Dân, nó được bắt nguồn từ chữ citizen, nghĩa là người thành phố. Văn minh nhân loại đầu tiên được hình thành nơi đô thị, sự tập trungdân số làm nẩy mầm những giá trị của chung – tức phổ quát – tức công lý nhiều hơn. Anh đi trên bờ ruộng nhà anh, anh đi thế nào cũng được, nhưnganh tham gia giao thôngđường phố, anh phải đi theo luật chung, nếu không sẽ đâm đổ, tai nạn. Xa hơn nữa, công dân tức là người ta tham dự vào quá trình lập hiến và tham gia pháp luật. Đã là pháp luật thì là của quốc gia, và là của chung trên bình diện lớn đã tháo cởinhững hàng rào của làng xã, chúa đất hay địa chủ. Qua đây nhìn lại cái cách “phép vua thua lệ làng” của người Việt rõ ràng là chưa đạt đến đẳng cấp của côngdân pháp luật. Có không ít trí thức Việt còn nói “Một người không yêu được cha mẹ, vợ con mình, thì làm sao yêu được xã hội?” Đây hoàn toàn là một sự lầm lẫn. Người Việt cũng xác định, ngay trong nhà, dù huyết thống gần gũi, người ta vẫn có thể “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”. Lịch sử đã từng chứng kiến chủ nghĩa phong kiến cũng như phụ quyền (quyền làm cha) “quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu” đã làm khổ, giam hãm và kéo lùi nhân loại đến mức nào. Ngay từ trong gia đình thôi, muốn yêu thương nhau, công lý tức cái chung cũng phải được thực thi. Mà công lý có từ đâu? Đó chính là sự soi chiếu vào cái người khác phổ quát mà có. Khi con Kăng-gu-ru cho con vào chiếc túi trước bụng để chăm sóc thường xuyên, chúng ta không thể nói rằng nó sống không tình cảm. Nhưng dù vậy, chúng ta chắc chắn rằng, nó không thể được gọi là tiến bộ. Chỉ có lý trí mới tiến bộ. Mà lý trí là gì? Đó chính là con đường của cái chung. Con đường của cái chung mới giúp chúng ta hình thành lối sống pháp lý trên bình diện quốc gia và quốc tế. Mà động tác đầu tiên của lý trí chính là chấm dứt lối xuê xoa của tình cảm hay cảm xúc để thực hiện cuộc soi gương chính bản thân mình. Khi con người đều soi chiếu vào cái chung, chắc chắn rằng cho dù họ học tập, làm việc, sinh hoạt, hay yêu đương, họ sẽ đều nghĩ đến mọi người, một cách không thể nào tách rời. Lý trí cũng như công lý có lẽ là phương thuốc không thể khác để chạy chữa lối sống bàng quan có từ thâm căn cố đế của chúng ta, và của chính mỗi cá nhân trong chúng ta không nhiều thì ít đều có mắc. Xin cám ơn!


Paul Đức 04/01/2011

1 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page