top of page
  • Nguyen Hoang Duc

NGƯỜI CÔNG CHÍNH VÀ CHÂN THIỆN MỸ

(Nhân trò chuyện với vài bạn trẻ hơn)


Chân lý không phải mỹ từ để nói cho vui mà thiết yếu sát sườn liên quan trực tiếp đến cuộc sống trước mắt của chúng ta. Triết gia Aristote nói: nếu không nhận biết chân lý chúng ta sẽ nguy hiểm và mất mạng liền. Như thời nguyên thủy vào rừng không biết nấm nào độc, nấm nào lành, rau củ quả cũng vậy hái phải đồ độc ăn chết liền, đi qua sông không biết bơi, không biết người nặng hơn nước sẽ chết đuối vì chìm???


Hàng ngày chúng ta đi chợ, nếu gặp cân gian, bán lậu sẽ vô cùng bức bối, thậm chí dẫn đến những xung sát chí tử.


Các triết gia Hy Lạp xác nhận: “Sống tốt mới hạnh phúc!” Và nếu thân xác cần ăn đồ thật để không bị tiêu chảy hay chết chóc, thì tinh thần cũng đòi ăn sự thật để không tha hóa hay hư nát!!!


Người Việt cũng chỉ rõ trong nhà hay xã hội nếu oan trái thiếu công bằng thì không cách gì hạnh phúc như: “Cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa!”


Nhân loại xưa nay đã dựng lên một công thức tuyệt đối cho cuộc sống, đó là : CHÂN – THIỆN – MỸ. Mọi việc phải bắt đầu bằng chân thực đã, rồi sau đó mới bàn đến chuyện Thiện và Mỹ. Triết gia Hegel chỉ ra: nếu những người dựng nhà mà không dựng cột thắng đứng lên, thì ngôi nhà sẽ đổ. Các công trình làm sao đẹp nếu xiêu vẹo đổ cả trước khi trang trí. Người Việt nói “ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành!” và “thật thà là cha quỉ cái”.


Chúa Trời dạy con người: “Trước tiên hãy chú tâm việc công chính, còn mọi cái Ngài sẽ thêm cho!” Trong sách Giê-rê-mi (5-1), Chúa Trời cho rằng một thành bang không có nổi một người công chính thì chỉ là đám vi trùng không đáng sống như: “Nếu có một người làm sự công bình, tìm sự trung tín, thì ta sẽ tha thứ cho thành ấy!”


Vừa rồi, tôi gặp mấy anh bạn trẻ hơn, họ nói với tôi thế này: “Gặp nhau anh cứ đòi xác định chân lý làm gì, chúng ta chỉ giao lưu cho vui thôi mà!”


Tôi nghĩ, làm sao mà ta vui được khi không có nội dung của sự thật?

Họ cũng bảo: “Anh đừng nghĩ không ai cãi được anh thì anh nhất?! Đó chẳng qua là người ta không thèm đấu?!”


Tôi bảo: Có phương ngôn mang tính nguyên tắc “không phản biện được thì phải chấp nhận!” Và người Việt có thèm cãi hay không dám, chẳng lẽ chúng ta lại lạ lẫm hay không đánh giá nổi việc này sao?


Họ bảo: “Cuộc sống phức tạp và đa dạng lắm anh đừng nhận thứ nhất thứ nhì làm gì?!”


Tôi đáp “Tôi cần sự phân biệt đẳng cấp!” Và tôi nghĩ: chỉ có sự phân biệt mới đem đến cho chúng ta trật tự, đó là ý tưởng của triết gia Aristote.


Có vài bạn nói hăng lắm để thể hiện mình, tôi bảo, thời đại này là thời Facebook, các bạn được tự do, tiện lợi để đưa ý tưởng hay bài viết của mình lên FB, các cụ dạy “Bút sa gà chết” đẳng cấp của chữ viết hơn hẳn lời nói gió bay. Vậy mong các bạn hãy đủ bản lĩnh để viết bài. Tôi hứa nếu tôi thua sẽ nhận liền, mà không nhận không được vì “án tại hồ sơ” mọi chữ vẫn nằm phơi trên mạng, ai cãi xóa được, như vậy, vì thế chữ viết mang trọng trách hơn ngàn lần chém gió.


Người Ả Rập còn tôn vinh chữ nghĩa như: “Mực của học giả còn quí hơn máu kẻ tử đạo!” Nào các bạn, Facebook là cơ hội nằm ngay trên bàn phím của bạn, là cơ hội chia đều cho tất cả chúng ta, bạn dại gì không leo lên đẳng cấp của bút mực?! Và giản dị thế này: cho đến bao giờ bạn chưa dám bút mực hóa kiến thức tư tưởng của mình, bạn chưa mang thân xác nặng nề bổn phận đập cánh lên bầu trời suy tưởng đâu. Triết gia Platon nói: “Khi suy tưởng người ta sống cuộc đời của những thánh thần”.


Tôi đang chờ các bạn trẻ “người Việt gốc tre” lội tì tõm bùn đất leo lên bút mực. Bạn hãy leo lên để được tôn vinh. Nếu không bạn nên cam chịu thân phận của mình. Theo các bạn đây có phải lời khuyên chân tình hay ác ý?!


Paul Đức 08/9/2018

0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page