CHƯƠNG III (3): ĐỐI THOẠI VỚI LÝ TƯỞNG
Nếu con người tự xử
thì sẽ phân biệt thế nào
bên này sai
bên kia là phải?
Xã hội con người
vẫn bày đầy ra đấy
những kẻ đói rách bần hàn
không áo che thân
không một mái nhà tình thương che chở
không miếng bánh qua ngày
nhưng vẫn đầy những kẻ
đốt tiền
như pháo hoa
mong khải hoàn
bữa tiệc tối tăm
tràn dục vọng
nhưng vẫn luôn mồm kêu
ta chẳng có đủ tiền
mua nến
thắp cho các trò tiêu khiển?
Không! Con người sẽ
không thể nào tự xử
nếu không trông vào
đức công bình
và đức công bình có được
là bởi tâm hồn con người
biết nhắm về công lý.
Đó là bài học lịch sử
đã bày ra rõ rệt
trước Công nguyên
người Hy Lạp cổ
đã biết
khao khát
đức công bình
để từ đó hình thành
nền tảng
công lý
và pháp luật
cho toàn
nhân loại
noi theo.
Đức công bằng
tài sản cao cả
của tâm hồn ngưỡng vọng
nó không thể sinh ra
cùng thể xác con người
mà chỉ hạ sinh
khi con người
khao khát khôn nguôi
hướng về lý tưởng.
Đó chính là cách
những nhà thông thái bảo
nếu con người
không biết nhân danh
cái toàn thiện
để rút tỉa từ đó
ý thực thiện cho mình
thì chẳng bao giờ
lòng thiện ở đời
sẽ được sinh ra.
Ngay từ thời cổ đại
triết gia kia có bảo
bông hoa chỉ đẹp
khi nó tham dự vào
một cái đẹp vĩnh hằng
bởi thế
nếu con người
không nhắm đến
lý tưởng
toàn chân - toàn mỹ
toàn thiện của mình
thì làm sao có thể
soi chiếu thực tại
như lẽ công bình?
Nếu không bởi
một giá trị cao hơn
nhân danh từ siêu việt đến
thì đứng ở đâu
con người có thể
phán xử được mình?
Không! Các nhà đạo đức
đã xác tín
những giá trị thiện
của con người
chỉ hình thành
khi bám vào thiện chí
và chính thiện chí đó
chỉ có
khi ngước nhìn một
lý tưởng toàn năng.
Các nhà mỹ học
thì quả quyết
nghệ thuật thi ca
chỉ làm ra cái đẹp
khi biết chiết tỉa
phần đẹp
từ chính vẻ đẹp toàn phần
từ quê hương lý tưởng.
Các nhà thông thái
cho rằng
trước khi có nhận thức
con người phải khả tri
và tâm hồn
chỉ khả tri
khi ngước theo linh hồn
nhắm về thế giới
vô cùng - vô hạn
nơi Nước Trời luôn gieo
những mùa mầu nhiệm.
Các nhà hành pháp
lại thực chứng rằng
ở đâu con người
không khát vọng
vào lý tưởng
công bằng thánh thiện
thì trên mặt đất này
nền công bằng
chẳng bao giờ có
lại càng
không thể thực hành.
Vậy lý tưởng sống
không phải
tầng trời
nằm tít vời thực tại!
Nó không chỉ là
nguồn sáng rọi soi
thực tại
lần theo
sát cánh hơn
còn chính là
nội dung sống của tâm hồn
như không gian
hoang tưởng
dù không phải là bột
nhưng nằm giữa bột
để cho chiếc bánh
lớn hơn
và cũng
dễ ăn hơn.
Lý tưởng chẳng khác
nó tràn vào tâm hồn
một không gian thiêng liêng
để thành men vô tận
rồi hoá cánh
bay về
miền đất hứa
cuốn theo
thân xác
còn mang
nặng lốt
cát bụi
trần ai
giống một khoảnh khắc
dù ngắn ngủi
cũng chiết từ vĩnh cửu
một yếu tính thời gian
để được chảy trôi
giữa dòng vô tận.
Thực tại tinh thần
con người cũng vậy
tất yếu nó đòi
ngưỡng về lý tưởng
để được hoá thân
giữa niềm tin thần thánh.
Như một triết gia
khẳng nhận
một điều khó cưỡng
hiện sinh của con người
không thể nào co rút
về trong
tồn tại
bởi khi
con người
đầy ắp
như chiếc đấu
đong đủ chính mình
thì chẳng cách chi
có được
một niềm tin
trái lại
con người không phải là
một thể xác
đồng nhất
như một
túi da
đựng máu
thịt mình
bởi nhờ
con người
luôn biết
đựng niềm tin
hướng về
chân trời
lý tưởng.
Như vậy
tất yếu
thể xác
muốn lớn hơn
chính mình
chẳng còn cách nào
nó phải chở mang
lý tưởng
và
lý tưởng
muốn trở thành
siêu việt
thì không còn cách nào
là tìm lối
bay vào
Nước Chúa.
Bởi thế
tất yếu sao
khi biết bao
triết gia
học giả
cùng các nhà khoa học
đều thốt lên
quá trình
tiến bộ
của con người
chỉ có
khi con người
tạo dựng
chính mình
mong trở thành
Thượng Đế!
Thượng Đế ư?
không ít người đã la
đó là một giả thuyết
quá xa
mà chúng ta
không thể nào đạt tới
tại sao giã từ
đất thịt trần gian
ươm bao trái ngọt
để chọn lấy hương thơm,
phù phiếm
hay chỉ là ảo ảnh
ở cõi trời xa tít?
Và người ta muốn
từ bỏ lý tưởng
đang vỗ cánh
về Nước Trời
không đầu không cuối
quay đầu
cúi mặt
chọn chính đất đứng trần ai
làm mọi giá trị đủ đầy
vừa và tiện
không cao sang
cũng chẳng thừa
cho đời sống mình
đơm mùa thực tiễn.
Nhưng khi rời trở về
tồn tại
chẳng cần dâng
bất cứ lý do nào cao viễn
con người liền bị hoang mang
vì muốn sống
muốn chọn con đường để sống
xa cái dở
lựa cái hay
nhưng làm sao minh định
cái này hay cái kia
nếu không nhân danh
ngọn đèn lý tưởng
nguồn sáng toàn phần
thì nơi vĩnh hằng
rọi đến?
Những tồn tại
không thể phán quyết
về tồn tại
nếu không nhân danh
chỗ đứng cao hơn! (?)
Một thực tại
làm sao
nhận biết thực tại kia
là quấy
hay là phải
nếu không nhờ
tinh thần áp đặt
một giá trị
từ cao hơn đến !(?)
Một con người
bình xét người kia
cách nào biết
ai là đúng
nếu chẳng nhân danh
ý nghĩa tốt đẹp
cao hơn hai người
đang nhắm đích
trên đường lý tưởng?
Một dân tộc
đòi phán quyết
dân tộc kia
làm sao đúng
nếu không dựa vào
tầm nhân loại
đã vươn lên
từ thực tại
hướng về lý tưởng?
Khi gạt bỏ lý tưởng
đó là vì sợ con đường
thiên vị
đang chạy về
Nước Chúa.
Con người
rơi vào
bát quái
tràn đầy
đồ vật
chỉ là đồ vật
tồn tại
không vận động
con người
ở giữa
những con người
hết còn dự phóng
và thực tại
đông cứng
trên đôi giầy bất dịch
giữa con đường
chuyển mình
qua hiện thực
con người không còn gì
cao viễn hơn
để nhân danh
bù vào nỗi bất lực
của sự ngang bằng quanh quẩn
con người cậy trông khoa học
để tìm
một lối ra
và giữa lúc
họ tự hào
đã đề ra giải pháp
cho nhiều vấn đề
hệ trọng
thì bao nhà khoa học
từ những phòng thí nghiệm
đã thảng thốt
nói lên
giải pháp khoa học
chưa một lần
và sẽ chẳng bao giờ
có hy vọng trở thành
một giải pháp cho toàn thể
bởi khi
nó tìm cách
cứu chạy một vấn đề
thì lập tức
sinh ra
cả chục vấn đề
đòi giải quyết
bởi vậy
chỉ có thể
nhắm giải pháp lý tưởng
dù cao viễn
dù chưa bao giờ tới được
làm hy vọng toàn năng
giải quyết cho toàn thể
bởi thế
vấn đề của con người
tuy giới hạn
trong hành tinh
lẩn quất giữa hằng hà tinh tú
thì luôn liên quan
đến miền quê vô hạn
nơi lý tưởng gieo mùa
làm nguồn sáng
để con người
vận động
từ thực tại
đến khát vọng
vô bờ vô bến.
Chí lý sao
nếu con người
không cưỡng nổi
cuộc hành trình
tự mình
nhắm đích tương lai
một con người
chinh phục
thành trì tiến bộ
không có điểm dừng
thì cũng
chẳng thể nào cưỡng nổi
một sự thật
chói ngời chân lý
vấn đề con người
có hay không
chính là vấn đề
Chúa có hay không?
Chúa chỉ là
hinh ảnh con người
nở mãi lên
từ hữu hạn
nhắm về vô hạn.
Và con người
như lời Kinh Thánh
chỉ là Thánh thể của Chúa
chiết tỉa mà thành.
Vấn đề Chúa
khăng khít với con người
như hình bên bóng
bởi thế
một cây bút thiên tài
sau cuộc hành trình
tìm kiếm
dấu vết con người
đi từ quê mẹ
đến miền đất hứa
đã nghẹn ngào
quả quyết
nếu không có Chúa
con người có quyền
ra tay
làm bất cứ điều gì
dù ác hay dù xấu.
Tại toà án
con người như con người
làm sao có thể
người này là quan toà
kẻ kia
là bị cáo?
Bởi nhân danh
công chính
một giá trị
bắt rễ vào
lý tưởng
toàn thiện
của nhân cách con người.
Viên quan toà
ngồi ngôi cao
dùng chuẩn đích đó
mà phán xử.
Hơn cả thế
một con người
không ai bắt
tự nhiên
dằn vặt lương tri
tại sao ta tồi như thế
mà không tốt như kia
người đó lấy chi
để tự
phán mình?
Có phải
chẳng cách nào
khác hơn
anh ta lấy bản thân
hành động của mình
thậm chí cả
suy tư thầm kín
giấu tận đáy tâm hồn
chẳng sợ ai nhìn thấy
soi vào
điều thiện tiên thiên
chiếu như bình minh thần thánh
rọi soi
từ mặt trời lý tưởng?
Không có Chúa
ta có quyền
làm mọi sự?
Bởi vì
giản đơn
Chúa là
một ngôi vị con người
ngự chót vót
nơi điều thiện
toàn hảo nhất
nơi cái đẹp
tuyệt vời không thể sánh
và nơi
cái chân thật từ nguồn
nơi bản thể
rót đầy thực thể
với ngôi vị
cao vời ấy
Chúa là một nhân vị hoá
toàn năng vô hạn
ngự giữa mọi người
như một quan toà
vô tư xét xử
và ngự trong tâm linh
như một ngọn đèn sáng láng
rọi soi thường trực
bởi đó
không có Chúa
con người chỉ bằng con người
như con người
ở giữa mọi người
thì cách chi
phán xử lẫn nhau
khi chẳng nhân danh
nguồn sáng nào cao hơn
để rọi?
<mời các bạn đọc tiếp Chương 3(4)>
Kommentare