CHƯƠNG III (1): ĐỐI THOẠI VỚI LÝ TƯỞNG
- Tôi có thể không chấp nhận
rằng có Chúa trên đời
vì Ngài
không hiển hiện
nhưng tôi không thể nào
phủ nhận
chính cuộc hiện hữu của mình
đang sờ sờ ra đấy!
Liệu anh
hay chị
hoặc bất kỳ ai khác
có dám phủ nhận
chính mình không có
hoặc là
ta không có nổi
chính cuộc đời mình
dù ai
bất mãn với đời
muốn đang tay
chấm dứt mạng sống mình
cũng không thể làm
xác hồn biến sạch
từ hiện hữu
thành hư vô
như thể
người ấy chưa từng
có mặt ở đời.
Trái lại
cái chết đó
càng chứng thực
con người ấy
từng hiện diện
ở trần gian
một xác - hồn
trân trân
không thể nào chối được.
Đúng, hẳn nhiên
tôi có một thân xác
đang ở giữa không gian
và một cuộc đời
vẫn ních chặt thời gian
từng khắc từng giờ
kể cả ngày lọt khỏi
bào thai mẹ.
Nhưng tôi là ai
đời tôi đứng chỗ nào
và giá trị nhường bao?
Những câu hỏi đó
tuy không phơi ra
sờ sờ như thân thể
song hẳn
đó là thắc mắc tất nhiên
nổi lên giữa tinh thần
anh hay chị
cùng tôi.
Chúng ta không thể nào
chối bỏ
trong hiện diện con người.
Nếu chúng ta
không chối được
thực tại thân thể
có sinh và có sống
thì cũng không thể nào
chối bỏ
một thực tại vô hình
thân thể đó
phải đựng linh hồn
làm nguyên lý
cho mình sống
và tất nhiên
cũng không
từ chối nổi
linh hồn
chứa đựng vấn đề suy tư
như gây men
gieo hạt
cho mùa sống của mình
đó là vấn nạn:
ta có không
ta là ai
ta ở đâu
ta đi đâu
và tới mục đích nào?
Những câu hỏi
sống còn đó
xác lập một hiện thực
chắc chắn rằng
sự tồn tại của con người
khác hẳn
sự sống hồn nhiên
của muông thú rừng sâu
con vật
dù tinh vi như xã hội loài ong
hay khổng lồ mạnh mẽ
gấp vạn con người
thì cũng tồn tại tự nhiên
như là chúng có
chẳng vấn hỏi
cũng chẳng cần cứu cánh
cho đời sống của mình
nhưng hơn hẳn
những loài thụ tạo
con người
chẳng bao giờ sống
như mình đang có
mà luôn khao khát
hành động
để được trở thành
một giá trị khác
lớn hơn bản thân.
Nhưng nhắm hành trình
từ mình
vượt mình
đến mình
vẫn là mình
nhưng cao hơn hẳn
con người nhắm đích nào
bước tới?
Còn gì khác nữa
cái con người vươn đến
chính là một lý tưởng
toàn chân - toàn mỹ
và toàn thiện
những giá trị
tuyệt đích và vô hạn
từ đất đứng lầm lũi
con người
dâng lên
dâng mãi
như những tầng mây thánh hoá
cao dần
bởi không ngừng khát thèm
bay bổng
lên trời
dệt đầy sao
chói ngời tên Chúa.
Trong cuộc sống mình
Chúa hiện ra
như là Siêu Việt Thể
không thể nào tránh khỏi
bởi lẽ
con người
buộc phải chấp nhận
mình là thực tại
vừa tự thân
vừa muốn vượt lấy mình
nhưng cuộc vượt mình
sẽ nhắm về đâu
và thực tại
có tồn tại không
khi mà nó không vận hành
nhắm về lý tưởng?
Một dòng sông
ở khúc quanh nào
được gọi tên
chính dòng sông ấy
bởi một lẽ
vô cùng cốt tử
dòng nước đó
đã chảy
từ thượng nguồn
nhắm về cửa biển.
Con người
không phải động vật
như các loài thụ tạo
bởi lẽ
con người thoát khỏi
lốt thụ sinh thụ động
của một thực tại ù lì
đong lấy chính mình
như là lẽ sống
mà con người
là thực tại vận hành
nhắm về lý tưởng
để tạo dựng
lịch sử
tiến trình
văn minh
hay là
văn hoá.
Con người không thoát nổi
con đường tiến về lý tưởng
đó cũng là nguyên lý
tiến về siêu việt thể
mãi mãi xa hơn
mãi mãi cao hơn
mãi mãi hoàn thiện hơn
một siêu việt thể toàn thể
đó chính là Quê Trời
hay Nước Chúa
nơi bao dung vô tận
vô cùng - vô huỷ diệt
để phù sinh con người ước vọng.
Con người
tất yếu tìm đến Chúa
không chỉ
bằng việc nhận chân
cuộc đời thực tại
phải nhắm về lý tưởng
mà chính bằng
kinh nghiệm sống
con người nhận ra
không cưỡng được
thực tại đáng thất vọng của mình
rằng chính đời ta
đang vận hành về cái chết
thân thể ta
theo năm tháng
đang dần suy kiệt
giấc mơ ta
đang tàn
theo tuổi tác
và thành công ta
mệt nhọc kéo lê
một đôi cánh vinh quang
đang rũ xuống
thành gánh nặng
đó là một thực tại
thất bại tự thân
bởi phù sinh con người
bất lực
làm sao cưỡng được
lão - già - bệnh - tử.
hay hữu hạn thời gian sống.
Bởi thế
nếu không nhắm về
một miền đất hứa
mở ra vô tận
những nẻo đường cứu chuộc
con người sẽ gục xuống
như một hành nhân
không còn hy vọng
cũng chẳng còn tin
con đường dưới chân ta
sinh ra làm gì
nếu chẳng đi về đích?
Hơn thế
cho dù
một con người
giàu nghị lực
hay ân sủng
vượt qua các cửa ải
lão - già - bệnh - tử
khắc nghiệt của thời gian
sống cả trăm năm
bách niên giao lão
thì thời gian đó
làm sao hoàn thành
tháp Kê-ốp
dựng trên sa mạc
suốt mấy trăm năm?
Và Vạn Lý Trường Thành
xây trên vách núi
heo hút giữa muôn rừng thẳm
đi xuyên từ thế hệ này
sang thế hệ kia
thì cách chi
một đời người
có thể đắp xây thành?
Một ngôi đền thánh
kỳ vĩ cuốn vòm
lên tận mây xanh
đời cha chỉ đủ khởi công
và hoàn thành móng xây trên dá
đời con vẫn còn chưa kịp
hoàn thành nốt mái
rồi tháp
dành cho đời cháu
đến đời chắt mới mong
hoàn tất công trình.
<mời các bạn đọc tiếp Chương 3 (2)>
Comments