CHƯƠNG I (3): ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN NHIÊN
...
Rồi những loài cây
tưởng vô tri vô giác
vậy mà chúng luôn biết
tiết mùa Đông sẽ lại
để kịp dọn dẹp mình
hoá kiếp những tế bào
thành nguồn dinh dưỡng sống
ủ mầm cây sống sót
vậy thì ai định đoạt
cách huỷ-sinh của chúng?
Đấy mới là cấu tạo
còn môi trường vận động
của ngàn tạo vật
muôn đường muôn hướng
muôn cách muôn phương
chẳng lẽ ngẫu nhiên
hay chính do tạo vật có thể tự sinh thành?
Sao đàn ong kia
lại cứ phải miệt mài
bên đài hoa
thụ phấn?
Sao những con kiến
lại biết cách chăn nuôi
đàn ấu trùng bé nhỏ
làm thực phẩm cho mình?
Thế giới côn trùng
là loài cỏn con
tư duy hạn hẹp
sức vóc nhỏ nhoi
vậy mà ai dạy chúng
tác thành xã hội
một xã hội tổ chức vẹn toàn
với những công dân đầy bổn phận
sáng sáng
chiều chiều
những con ong thợ
miệt mài lấy chính nước bọt mình
xây tổ?
Khoảnh khắc
khoảnh khắc
những con ong giống
truyền tinh cho ấu Chúa
một lần
để chết
chúng an lành
nhắm mắt
trước cả khi
nhận biết
đó là khoái lạc!
Lúc này
lúc khác
những con ong chiến
lao vào đối thủ
châm ngòi
không cần
do dự
dù đó
chính là
sự sống
của chúng
một lần
duy nhất
và chúng
tuẫn nạn
trước khi nhận biết rằng
đó là đau khổ!
Xã hội của chúng
lý tưởng tự thân
hay ở ngoại thân?
không có kẻ độc tài
dù là ấu chúa!
Không có kẻ
vùi mình trong dục lạc
dù là ong giống!
Cũng không
có kẻ
lẩn trốn cuộc xây thành khốn khổ!
Cũng chẳng
chiến binh nào
hèn nhát
rút chạy
giữa cuộc giao tranh
đòi giữ lại chiếc ngòi châm duy nhất
làm nguồn sống cho mình!
Chẳng vụ trộm cắp
chẳng tên cướp giật
chẳng toà án bày phiên xét xử
cũng chẳng biết phụ tình!
Chẳng lẽ
xã hội của chúng
lại không do Chúa
áp đặt mà thành?
Đã hết đâu
khả năng phi phàm
của những loài vật nhỏ
những con giun
tổ chức cuộc di dân
trước mùa lũ đến.
Những con sâu
dọn dẹp nhà kho
tích trữ đồ ăn
sớm hơn mùa gió nổi.
Những con chim
thì thầm tiếng gọi trong đêm
kéo nhau về phía Nam
bỏ lại phía sau
ngọn gió bấc đầu tiên thổi đến.
Và kỳ lạ chưa
những con én nhỏ
bay ngược bão giông
chẳng hề đổi thay
đường bay
hay
tốc độ.
Những con mối
dù leo ngược
hay xuôi
bức tường dựng thẳng
thân phi như thể
đã bỏ ra ngoài
sức hút hành tinh.
Và muôn loài
trong vũ trụ
sống được bằng gì
có phải như lời Chúa
từng truyền trong Kinh Thánh
mọi loài chim
chẳng cần gieo cấy
mà vẫn hằng gặt lấy
sự sống của Chúa Trời?
Còn muôn loài hoa
chẳng cần kéo tơ dệt sợi
vẫn mặc trên mình
những cánh đầy hương sắc?
Hay như người đời bảo
vũ trụ sống còn
là bởi
Trời sinh voi
thì cũng sinh luôn cỏ?
Có một điều hiển nhiên
ai ai cũng thấy
từ lão nông quê mùa cục mịch
đến nhà triết học uyên thâm
từ đứa trẻ ngây thơ
đến các nhà khoa học
rằng vạn vật tồn tại trong trật tự
dù vật ăn gì để sống
thì cũng biến thành thực phẩm
để nuôi dưỡng lại
những loài vật khác
hãy nhìn cây cỏ
hút dinh dưỡng sống
trên mặt đất bao dung
để trở thành thức ăn
cho các loài nai thỏ
rồi những con nai nhỏ
dù tháo chạy đứt hơi
cũng không sao thoát được
phải làm mồi cho bầy sói đói
những con sói chưa kịp no nê
chân đi ì ạch
liền trở thành mục tiêu săn mồi
của bầy sư tử
và chúa sơn lâm
liệu có được an bình
trên ngôi vị
kẻ dự tiệc sau cùng
trên muôn ngàn muông thú
chúng đâu biết
chân của những thợ săn đang đến rất gần
tay lăm lăm
bao nhiêu là vũ khí
con chết bằng súng
họ mổ thịt phanh thây
làm thực phẩm
con bị thương
họ lột lấy da
làm áo
con rơi vào bẫy
họ dắt về
nhốt cũi vườn bách thảo
bày trò tiêu khiển.
<mời các bạn đọc tiếp Chương: 1 (4)>
https://www.paulnguyenhoangduc.com/post/ngước-lên-cao-chương-1-4
Comments