Chúng ta đang rộ lên bàn về việc cải cách chữ viết theo lối giản tiện, có thể còn giảm bớt phụ âm hay nguyên âm đi. Ở bài này, vì bàn về nguyên tắc cứng, nên tôi không muốn nêu tên người nọ hay người kia, bởi vì nguyên tắc mang tính công lý phổ quát không cần vấp phải bất cứ cái tên nào mà làm suy giảm tính chuẩn mực “thẳng mực tàu đau lòng thước”?!
Bây giờ chúng ta hãy giả sử; trên các nóc đền, chùa Việt Nam, người ta cắt bỏ các mái cong, cho rằng nó thừa vì chẳng để làm gì cả, lại xây trát rất tốn nguyên liệu và công sức, rồi cả hình “lưỡng long chầu nguyệt” trên mái hãy vứt bỏ đi. Giờ đến các cổ áo, tại sao cứ phải dài ra rồi gấp lại, các diềm đăng ten thêu thùa làm gì cho tốn công, lại còn các măng séc áo nữa cầu kỳ làm gì cho diệu vợi… rồi các nhà hàng và khác sạn, tại sao chỉ bày đĩa rau sống mà cũng phải uốn lượn hình răng cưa, xanh, đỏ, tím, vàng…? Tất cả những chi tiết đó không thừa mà là theo nguyên lý về mỹ học và cái đẹp.
Triết gia Kant tuyên bố xác thực rằng; chỉ có cái thừa mới đẹp, còn cái vừa đủ chỉ là óc thực dụng xấu xí tàn tệ. Những cổ áo, măng séc tay, diềm đăng ten, váy cô dâu quét đất, rồi mái cong trên nóc đền thờ là “thừa” cả đấy, nếu chỉ vì tiêu chí co giảm tối thiểu, thì chúng không cách gì đẹp được. Ở đây, người Việt cũng bảo “phú quí sinh lễ nghĩa”, tức là khi người ta sung túc dư dả, thì người ta mới tiến hành lễ nghĩa đẹp được. Còn nghèo đói ư, chỉ có thể ao ước “chém to kho mặn”. Ở châu Âu có rất nhiều nhà thờ, người ta xây thô chỉ mất ít năm, nhưng để làm đẹp – cũng là làm thừa cho nó, người ta phải mất cả thế kỷ.
Trong ngôn ngữ cũng vậy, nói cộc lốc, cụt lủn là của đám vô học, càng dân có học càng nói “dài dòng văn tự”, đặc biệt là dân ngoại giao là nói dài dòng nhất. Xin đưa một thí dụ: từ “thưa cha!” không thể hay bằng “thưa đức cha”.
Triết gia Jean Paul Sartre nói: “Mỗi ngôn từ đều có lịch sử của nó”. Chẳng hạn tính từ “Cao” trong tiếng Anh là High, tiếng Pháp là Haut, tiếng Đức là Hoch, đều bắt nguồn từ chữ H. Tại sao vậy? Vì trong chữ cổ, chữ H là cái thang, bị cắt ngắn dần, cho nên cứ bàn đến chiều cao thì người ta vẫn phải gắn cái thang chữ H là ông tổ vào. Như vậy, mỗi chữ đều có nguồn gốc của nó, nếu cắt đi thì cái cây sẽ chết, còn gốc tích ý nghĩa gì nữa?! Trong tiếng Đức, các chữ O hay U, bên trên thường còn thêm 2 chấm. Bỏ những chấm đó đi, chữ và âm hầu như không biến đổi nhiều. Nhưng tại sao, người ta vẫn giữ lại? Bởi vì nó chính là một nguồn gốc nào đó!
Những chiếc ô tô ngày nay, càng ngày càng “cồng kềnh” khi gia tăng hàng nghìn linh kiện như camera, cảm ứng các loại, băng đĩa, video, truyền hình, điện thoại vệ tinh… để làm gì? Để gia tăng tiện ích cho con người. Nhưng ngôn ngữ cầu kỳ và cực khó như tiếng Latin (7 cách), tiếng Nga (6 cách), tiếng Pháp (chia động từ rất cầu kỳ), Đức ( động từ tách)… Đều sản sinh nền triết học hay thi ca hùng hậu. Quốc gia càng văn minh thì ngữ vựng càng rộng. Quốc gia càng nghèo hèn thì ngôn ngữ càng bần tiện. Đã bần tiện lại còn muốn co giảm để bần tiện hơn thì có phải mắc chứng kinh niên “vô sản hóa” cả tinh thần?!
Ngôn ngữ Việt, vừa nghèo vừa ba láp nên mới sinh ra nền văn học èo uột thế này. Nhà tranh tre nứa lá đã không làm được mái cong, lại còn tính cách rút bớt lá ra để nướng khoai có tội nghiệp không? Cái nghèo luôn sinh cái hèn. Và cái nghèo tinh thần cũng không ngoại lệ chỉ sinh ra những khuôn mặt thực dụng hèn hạ mà thôi.
Paul Đức 28/11/2017
Photo: Nhà thờ Hallgrimur ở Iceland
Đọc lại vẫn thấy hay như đọc lần đầu.
Anh Paul Nguyễn Hoàng Đức nhiều lần nói/viết: không có diễn văn dù dài hay ngắn thì không thành tiệc... thật chí lý! Bài diễn văn khai tiệc khiến bữa tiệc sang trọng hơn.
Xét theo nhu cầu của dạ dày, bài diễn văn là thừa. 🙂