top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.8. NGU LÒI TĨ ĐI HỌC CÔNG LÝ

Đã cập nhật: 14 thg 6, 2023

Nghe tin có thầy Sa-rôn từ tận Hy Lạp đến thành phố Tân Hải để dạy học, nhiều người cấp tiến khá giả trong thành phố đã dẫn con đến để xin học thầy. Lớp học đã khai giảng được vài tuần, thì mới thấy chị kia kéo con đến xin học.


- Lớp học khai giảng đã lâu, sao bây giờ chị mới cho con tới? – Thầy Sa-rôn hỏi bằng tiếng bản địa lơ lớ.

- Dạ, thưa thầy đáng kính, con cũng định mang cháu đến học ngay từ đầu, nhưng cứ lưỡng lự mãi, vì cháu nhà con quá đần, sợ nó không theo kịp trường Tây. Nhưng nghĩ lại, nó đần mới cần đi học. Vì thế con mới nhất quyết đem cháu đến đây để gửi gắm thầy.

- Chị nghĩ thế là phải. Thế cháu tên gì?

- Dạ cháu tên Ngu Lòi Tĩ… Xin lỗi thầy, cháu ở nhà được chiều nên hư lắm , nếu nó có làm gì quấy, xin thầy lượng thứ, và cứ phạt roi cháu nhiều vào.

- Ở đây, tôi không bao giờ dùng roi!

- Vậy thầy dùng gì để khép bọn trẻ vào kỷ cương?

- Tôi dùng nguyên tắc! –Thầy Sa-rôn đưa tay về phía đứa trẻ. – Nào em hãy lại đây, mà không nên đặt tên em là Ngu Lòi Tĩ, thầy sẽ bỏ chữ Ngu đi, còn hai chữ sau đổi thành Lôi Tĩnh, em thấy thế nào

- Vâng! – Đứa trẻ nhảy lên. – Lôi Tĩnh cái tên hay quá.


Sau khi chào và tiễn mẹ Lôi tĩnh về, thầy Sa-rôn quay vào bảo: - Nào các em chúng ta bắt đầu vào học bài. Thầy bảo:

- Thầy xin nhắc lại cho các trò, và hôm nay có em Lôi Tĩnh là trò mới đến rằng, phương pháp dạy và học của thấy, lấy học trò làm trung tâm, nghĩa là các em hoàn toàn được quyền tự do, tự giác chọn lấy cách hiểu và cách áp dụng cho mình.

Đúng lúc ấy, Lôi tĩnh ôm bụng bảo:

- Thưa thầy em muốn đi tè và đi ị, em đau bụng lắm!

- Ừ thì em cứ đi ra chuồng tiêu ở ngoài kia!

- Nhưng em muốn được đi theo tinh thần tự giác của em, ở nhà, em muốn đi chỗ nào thì đi, mẹ em phải dọn hết mà. Giờ em muốn đi ngay tại đây, thầy không đánh em chứ?

Thầy Sa-rôn từ tốn, -không, thầy không bao giờ dùng roi, thầy đã nói rồi mà, nhưng em đã nghĩ kỹ chưa?

-Thưa thầy em muốn sống hết bản năng hồn nhiên vô tư của mình, em không muốn nghĩ nhiều, vậy em muốn đi tại đây… -nói rồi, Lôi Tĩnh tè và ị ngay tại chỗ, khiến mấy đứa trẻ chạy té ra ngoài.

Khi nó làm việc đó xong xuôi, thầy Sa-rôn bảo: -Giờ em hãy lấy chổi và xẻng dọn đồ thải của mình đi.

- Nhưng em không muốn dọn! – Lôi Tĩnh cãi.

- Vậy cũng được, giờ em có muốn để cái đống bên cạnh em để ngửi suốt trong lúc học bài không?

- Không đời nào! Em muốn được hít thở không khí trong lành!

- Được rồi, vậy thì em thử đi ra khỏi đây cho đến khi nào không ngửi thấy mùi khai và thối nữa thì dừng lại.

- Vâng! – Lôi tĩnh đi ra tít ngoài sân. – Thưa thầy đến đây thì không ngửi thấy mùi gì nữa cả.

- Được rồi vậy thì em cứ ngồi ngoài đó mà nghe giảng. – Thầy Sa-rôn cho dọn bãi bẩn của Lôi Tĩnh đi, lớp học lại tiếp tục học bài.

Ngoài sân gió tuyết vù vù, lạnh quá không chịu nổi, Lôi Tĩnh tiến đến cửa lớp học nói: -Thưa thầy, xin cho em vào bên trong với, ở ngoài này em lạnh quá, chịu không thấu.

Thầy Sa-rôn bảo: -Em thử hình dung ngần này con người phải ngửi cái mùi của em thải ra thì khó chịu thế nào. Các em, mọi người có đồng ý để Lôi Tĩnh vào không?

- Chúng em chỉ đồng ý khi bạn ấy không được tè, ị bừa bãi nữa!

-Tôi xin hứa! –Lôi Tĩnh giơ tay. –Từ nay tôi không bao giờ dám làm như thế nữa.

-Nào các em hãy cùng đứng lên, chúng ta hãy ra ngoài!

Thầy Sa-rôn dẫn các trò ra chuồng lợn. Thầy hỏi: -Các trò thấy gì?

-Dạ thưa, lợn nằm ngủ ngay cạnh nước tiểu và phân của nó! – Các trò nhao nhao nói.

- Thưa thầy, - Lôi Tĩnh cúi mặt , -có phải thầy muốn chê em chỉ như con lợn kia? Em xấu hổ quá!

- Không phải! Các trò hãy nghe đây, thầy không phải muốn chê bạn Lôi Tĩnh mà để làm gì các trò có biết không?

Bạn trán dô giơ tay: -Thưa thầy em biết!

- Em nói đi!

- Đó là bài học rằng, con lợn nó sống một mình, nên nó ăn hay ị thế nào cũng được. Còn con người sống có xã hội, người này liên đới với người kia, nên không thể tùy thích làm gì thì làm.

- Đúng vậy! Hoan hô em, hôm nay em sẽ được thầy bầu chọn là học sinh giỏi nhất lớp. Thầy xin nhắc lại cho các em bài học căn bản của hôm nay là: Vì con người sống có xã hội nên không thể muốn làm gì thì làm!


***

Hôm sau, thầy Sa-rôn nói:

- Hôm nay chúng ta sẽ học bài về ngôn ngữ. Ngôn ngữ bao giờ cũng phổ quát và được mọi người chấp nhận. Chẳng hạn từ “nước” hay “lửa”, mạnh hay nhẹ, đắt hay rẻ, yêu hay ghét phải là những từ phổ quát. Chẳng hạn nếu có một người hô, chạy đi cướp đến kìa, thì mọi người đều chạy vì sợ cướp đuổi đến sẽ giết người cướp của… Các trò

- Dạ thưa thầy, - Lôi Tĩnh bảo, - em muốn hiểu theo cách riêng của em có được không? Chẳng hạn người ta bảo từ “môi” thì em coi đó là đít, bảo “đánh” thì em coi đó là “hôn”

- Nào, các em đứng lên, hôm nay chúng ta sẽ đi dã ngoại. Thầy sẽ phát tiền cho các em, mỗi người được mua một chiếc bánh bao.

Các trò ra chợ, mỗi đứa trẻ đã mua và ăn bánh bao. Riêng Lôi Tĩnh thì tiến lại nói với người bán hàng rằng:

- Xin cho tôi mua cục phân nhà cháu?

- Đồ hỗn láo, tao cần này tuổi mày trẻ ranh lại gọi tao là cháu à? Mày lại còn gọi bánh bao của tao cục phân nữa! – Nói rồi ông bán bánh và người nhà ông lao vào đánh cho Lôi Tĩnh một trận nhừ tử. Lẽ ra phải nói xin đừng đánh tôi, thì Lôi Tĩnh lại bảo sướng quá, đánh nữa đi, nên người ta càng đánh mạnh.


Khi quay về lớp, mọi người chưa ai kịp nói, thì Lôi Tĩnh đã gượng tấm thân đau đớn lên:

- Thưa thầy em biết rồi, bài học hôm nay chắc chắn là: ngôn ngữ bao giờ cũng phổ quát! Cái là của chung mọi người! Bởi vì không ai tự mình một mình có thể nghĩ ra ngôn ngữ. Chính em đây là một ví dụ, khi ăn bánh em không thể nói là ăn phân.

- Hoan hô! Hoan hô Lôi tĩnh! Cả lớp reo lên. Xin mời bạn lên bàn đầu ngồi vì hôm nay bạn là người giỏi nhất!

Thầy Sa-rôn kết luận: Triết gia Hegel, ổng có nói: cái gì không phải phổ quát thì là cái cục bộ bỉ ổi và lố bịch.

- Đúng ạ! Bỉ ổi và lố bịch như Lôi Tĩnh vừa rồi ấy!


Ngày kế tiếp, thầy Sa-rôn bảo: - Hôm nay, chúng ta sẽ học về đẳng cấp và thước đo. Nào các em hãy tự sắp xếp vị trí chỗ ngồi, bạn nào giỏi thì ngồi trên, bạn nào yếu thì ngồi dưới.

- Dạ! – Cả lớp tự sắp đặt và tìm chỗ ngồi.

- Lôi Tĩnh, em ngồi thứ tự bao nhiêu? – thầy hỏi.

- Dạ em ngồi thứ hai mươi sáu!

- Tại sao em phải ngồi thứ hai mươi sáu?

- Dạ vì bên trên có 25 bạn giỏi hơn em!

- Phía sau em còn bao nhiêu người?

- Thưa thầy, còn 24 bạn ngồi sau em?

- Tại sao?

- Vì 24 bạn đó học kém em.

Thày Sa-rôn kết luận: - Các trò thấy chưa, chỉ khi nào chúng ta chấp nhận thước đo giành cho người khác, thì đến lượt chúng ta mới được đo bằng thước đo. Hai đội bóng nếu không chung luật chơi thì có tìm được người thắng cuộc không?

- Không bao giờ! – Các trò tranh nhau nói.

- Đội nào sẽ từ chối luật chơi?

- Đội yếu kém!

- Tại sao?

- Vì người ta ngại mình sẽ thua nên cố tình lẩn tránh luật chơi.


Bài học sau, thầy Sa-rôn hỏi: - Các trò, giữa cái cục bộ và cái phổ quát cái nào lớn hơn cái nào?

- Cái phổ quát lớn hơn cục bộ! –Các trò nói.

- Vậy giữa cái phổ quát ít và cái phổ quát nhiều, cái nào lớn hơn cái nào?

- Rõ ràng phổ quát nhiều phải lớn hơn phổ quát ít!

- Giữa làng và nhà nước cái nào phổ quát hơn?

- Nhà nước ạ!

- Giữa nhà nước và thế giới cái nào cái nào lớn hơn?

- Thế giới phải lớn hơn?

- Vậy giải thưởng quốc gia và giải thưởng quốc tế thế giới, giải nào lớn hơn.

- Giải thế giới!

-Vậy, những kẻ chưa được giải gì mà coi giải thế giới chẳng là gì thì sao?

- Thầy ơi, ôi các bọn bất tri bất túc, lố bịch bỉ ổi, không biết bài học đầu tiên là ngôn ngữ phải phổ quát thì chấp làm gì?!


Bên cạnh trường của thầy Sa-rôn có một trường bản địa do thầy Tứ Lư dạy. Một hôm hai trường bàn nhau giao lưu để học hỏi. Bên trường thầy Tứ Lư, đưa ra câu hỏi Nhân là gì, thì học trò bên trường thầy Sa-rôn bảo: đó là con người phổ quát.

Bên trường Sa-rôn lại đặt câu hỏi: Quốc gia cộng hòa là gì? Thì học trò trường Tứ Lư ngơ ngác chẳng hiểu gì.


Khi tan cuộc, các học trò xúm lại hỏi thầy Sa –rôn, thưa thầy tại sao họ kém thế khi không hiểu quốc gia cộng hòa là gì?

- À vì họ đâu có khái niệm của quốc gia hiện đại. Cách họ truyền ngôi là cha truyền con nối, nhà nước với họ chỉ là thứ gia đình trị mở rộng. Cái Nhân, trí, lễ, trí, tín của họ cũng chỉ là bài học dạy dỗ đạo đức cá nhân, những bài học rời rạc đó làm sao có thể kiến tạo được một nhà nước có pháp quyền. Các em có biết tại sao không?

- Vì họ sống cục bộ chỉ có gia pháp và tông pháp! – Học trò tranh nhau nói. Họ không biết đến giá trị phổ quát thì làm sao có được công lý! Không có công lý thì làm sao xây dựng pháp lý?!


Lôi Tĩnh đánh nhau, mẹ cậu đến định xông vào đánh anh bạn trán dô cùng học. Lôi tĩnh cản mẹ lại:

- Mẹ đánh bạn ấy, thì bố bạn ấy đánh con thì sao?

- Thì kiểu gì mẹ cũng bảo vệ con mà?

- Đấy là cách bảo vệ của bản năng như gà mẹ che chở gà con, mẹ hiểu không?

- Vậy con muốn mẹ bảo vệ con như thế nào?

- Con muốn mẹ đến đây như một trạng sư, mẹ sẽ vặn hỏi con đã làm gì sai hay đúng, và mẹ sẽ đưa ra lời xét xử của công bằng và công lý…

- Hoan hô Lôi Tĩnh! Hoan hô! Hôm nay bạn hãy ngồi ở bàn trên cùng. Bạn thật sự là xuất sắc nhất!


Trời ạ! Thiên hạ đồn nhau, cậu Lôi Tĩnh mới đầu chỉ là Ngu Lòi Tĩ nay nhờ thầy Sa-rôn, đúng là Tây học có khác, đã trở thành một người xuất chúng. Biết đến cả những tư duy của công lý. Nói và nghĩ thế nên người ta nườm nượp đem con đến gửi thầy Sa-rôn. Hôm khai giảng thầy Sa-rôn bắt nhịp cho các em hát bài Anh-tec-na-sion-nan nghe thật hoành tráng, bài ca hát nhiều bè theo kiểu Tây lại có đàn óc lớn đệm nghe thật hiện đại và bề thế. Bài hát chưa kết thúc nhưng các khán giả đã vỗ tay và cười ran.

- Họ cười cái gì đấy? – Thầy Sa-rôn hỏi học trò.

- Dạ, họ cười bên trường Tứ Lư bọn trẻ con vẫn đang ra rả đọc thuộc bài “chi, hồ, giả, dã”. Đúng là lạc hậu thật!

Bọn học trò cười vang.


Paul Đức 5/9/2022



(*): ● Chi, hồ, giả, dã (之乎者也) là bốn hư từ thông dụng trong Hán văn cổ để làm trợ ngữ từ để âm vận câu văn được êm tai, réo rắt hơn, hoặc tăng thêm ngữ khí. Cho nên “chi, hồ, giả, dã” thường được dùng để chỉ những lời lẽ sáo rỗng, chẳng có nghĩa lý gì. Do vậy, chúng thường được dùng để ví với những gì hư huyễn, không thực tế. Làm chuyện “chi hồ giả dã” tức là làm chuyện phù phiếm, không thiết thực.







25 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page