top of page
Nguyen Hoang Duc

NGHỊ TRƯỜNG VỚI VĂN HÓA HÒA GIẢI

Nghị viện là gì? Tại sao người việt lại có cụm từ rất hay “nghị gật” ? Nghị viện là cơ cấu tổ chức theo mô hình phương Tây, nó được mở màn từ chế độ đại nghị Athen của Hy Lạp, hình thức là những đại biểu của dân chúng sẽ họp mở công khai dưới chân một ngọn đồi, bên trên đồi là những người dân được thoải mái quan sát, lắng nghe. Các đại biểu đều bị giám sát công khai về tư tưởng cũng như thái độ ứng xử nhỏ nhất. Tiếp đó là chế độ Cộng hòa La Mã, với nguyên lão nghị viện, bao gồm những người cao tuổi có uy tín là đại biểu cho dân chúng thực hiện sự giám sát quyền lực của nhà vua. Rôi đến cuộc cải cách chính trị của nước Anh sau nhiều thế kỷ, mang đến một mô hình tương tự nhưng ở một đỉnh rất cao được mệnh danh là “Người mẹ của các nghị viện” (Mother of Parliaments).


Vậy thì “nghị viện” theo Hán tự, dịch nghĩa là : cái viện để nói. “Nghị viên” là những thành viên đại biểu được bầu vào cái viện để nói đó. Tại sao quốc gia lại cần có một cái viện để nói ? Nói cao cả hơn, tại sao chúng ta lại cần có một cái viện để biểu đạt những ý kiến của mình? Người đời nói: một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Đúng thế nếu chúng ta chỉ có một bàn tay, thì nó không cách gì biểu đạt sự hân hoan bằng tiếng vỗ tay. Và có một phương ngôn chí tử rằng : Ở đâu không có sự bàn bạc thì không thể có mưu sâu! Còn có một phương ngôn khác của một văn hào rằng : Những kẻ ngu khi họ hợp lại thì không ai lừa được. Có nghĩa là, khi trí tuệ của mọi người được tập hợp lại, thì cho dù người ta có thiểu năng hay ít học đi nữa, thì cũng khó mà lừa được. Vì thế để đảm bảo cho một quốc gia được phát triển lành mạnh, người ta rất cần phải có một cái viện để mọi đại biểu thông thái nhất đại diện cho dân chúng đến để bàn bạc tìm ra mưu cao để phục vụ mọi người.


Nghị viện là cái viện để nói. Nghị viên hay ông nghị là người đến đó để nói, cũng là đến để biểu tỏ chính kiến của mình. Người Trung Quốc cho rằng: vạn vật sẽ không thành nếu không được “vỡ quẻ”. Vỡ quẻ là gì? Hạt thóc nếu không được đem vào giã, thì không thể thành gạo. Gạo không cho vào nồi nước sôi nấu lên không thể thành cơm. Que diêm không đánh lên không thể thành ngọn lửa. Có trai có gái là có dương có âm, nhưng không

hợp cẩn thì không thể có thai nhi. Có thai nhi mà không vỡ nước ối thì không thể có hài nhi… Hai đấu sĩ không đấu với nhau thì không thể có kẻ thua người thắng, vương miện vinh quang biết trao cho ai. Vậy thì chính kiến của người ta cũng vậy nếu không được đánh vào nhau tóe lửa như hai viên đá thì sẽ không thể vỡ quẻ thành chính kiến được cọ sát và kiểm nghiệm cũng như bổ xung nâng cấp cao hơn.


Nghị viện không đơn giản là viện, mà nó luôn đồng nghĩa với “Nghị trường”, nghĩa là nghị viện là cánh cửa mở vào chính trường, ở đó người ta bàn đến những công việc hành pháp rồi thông qua những điều của luật pháp, liên quan trực tiếp đến đời sống của quốc gia. Từ nguyên lão nghị viện của La Mã đến Quân chủ lập hiến của chế độ đại nghị Anh Quốc, người ta thường làm hai việc chính: thứ nhất bày tỏ nguyện vọng của dân chúng; thứ hai kiểm soát quyền lực của nhà vua, xem vua có thực thi những gì mình cam kết với dân chúng.


Nếu các nghị viên là đại biểu cao nhất của dân chúng mà không làm thì ai làm. Mọi nghị viện đều có cấu trúc và kiến trúc của nó. Cả cấu trúc và kiến trúc đó đều đảm bảo cho các nghị viên được dễ dàng nói, và những công dân muốn quan sát sẽ dễ dàng xem. Và mô hình kiến trúc này được mô hình theo lối của Đại nghị Athen, nghĩa là dưới chân ngọn đồi. Nghị viện thường có một kiến trúc: chủ tọa gần như ngồi thấp nhất lọt thỏm giữa những hàng ghế bao quanh dâng lên như những triền đồi. Chủ tọa là người oai nhất, nhưng lại bị ngồi thấp nhất, để lắng nghe và tôn vinh những nghị viên ngồi trên những hàng ghế cao hơn.


Ngày xưa, dân chúng đã mỉa mai những nghị viên bù nhìn rằng: “nghị gật”, nghĩa là mấy bố bảo sao nghe vậy, chưa nói xong đã gật cho nhanh, chẳng khác gì mấy con rối lúc nào cũng gà gật ngủ để lãn công. Còn ngày nay, dân chúng cũng có một lối hóm hỉnh giành cho những nghị viên sao nhãng trách nhiệm làm đại biểu của mình là “nghị vỗ”, tức mấy ngài chỉ giỏi vỗ tay. Như vậy làm một nghị viên thật khó, họ là đại biểu cao cấp cho quyền lợi cao nhất của dân chúng cũng như cơ cấu xã hội , đó là đời sống chính trị mà, nhất cử nhất động đều bị quan trên trông xuống người ta trông vào. Vì quyền lợi của cả quốc gia, các nghị viên không thể chỉ có gật đầu hay vỗ tay, mà họ phải làm đúng chức phận của họ, đến để nói. Cái mồm mở to, đó cũng chính là biểu tượng trong tòa thị chính

ở Venice nước Ý. Nhưng nói thế nào? Người Á Đông vẫn có truyền thống nói ba phải, nói trung dung “dĩ hòa vi quí”, hoặc cần nói thì không phải là đối thoại mà là nói vô thưởng vô phạt chẳng có chính kiến gì, chính thế mà trong các hội nghị và các cuộc hội thảo quốc tế và quốc nội, tỉ lệ chính kiến xác đáng của các nước phương Đông ít hơn hẳn các nước phương Tây.


Nhưng đề tài của chúng ta là hòa giải. Hòa giải nơi nghị trường. Vậy chúng ta sẽ quay lại đề tài sát sườn của mình. Muốn có chính kiến hay thì không thể im lặng. Im lặng đó cũng là cách triệt tiêu toàn thể trí tuệ ở bên trong của tinh thần hay chí ít không thể đưa chính kiến dù tốt đẹp ra thực thi. Trước hết chung ta phải nói lên. Nói lên không phải khoe mẽ cho vui mà nó phải được va chạm, cọ sát , hun đúc, lửa thử vàng bằng đối thoại. Trong đối thoại, thì cần nhất phải biết lắng nghe những gì khả lý của nhau. Nhưng đây cũng là đặc điểm yếu nhất của người phương Đông. Đa số thường rất hiếu thắng, dù mình đuối lý, cũng không chịu thua, mà tìm cách chạy trốn trong danh dự, chạy trốn bằng cách làm cho người xung quanh hiểu rằng, tôi chẳng thua đâu nhé. Một con người bên ngoài cãi lý hay đuối lý, rồi chấp nhận lý là việc riêng của anh ta, nhưng một nghị viên thì thái độ tiếp xử với cái lý “nói phải củ cải cũng nghe” có liên quan đến một tầm vóc rất lớn là quốc gia.


Triết gia Socrate nói: “Nếu bạn đồng ý với tôi, bạn đừng nghĩ là bạn đã thua, mà bạn chỉ đồng ý với chân lý mà tôi đã nhân danh”. Nghĩa là khi chúng ta tranh cãi với nhau thì đừng đem tinh thần cay cú như lao vào một cuộc đánh lộn, ở đó có người thắng kẻ thua. Socrate khuyên rằng: khi đối thoại, không có ai thua hay thắng cả, nếu có kẻ thắng duy nhất, thì đó là lẽ phải mà thôi. Lẽ phải không phải của anh, không phải của tôi, mà là thứ chúng ta chỉ nhân danh mà thôi. Hy vọng rằng: những nghị viên sẽ vì mục đích cao cả hơn của quốc gia mà xem nhẹ tính sĩ diện ái ngã của cá nhân, biết xây dựng văn hóa đối thoại đi tìm chân lý. Cùng nhau nhã nhặn và hòa giải để bình tâm nhận ra những gì là chân lý, hay và tốt cho quốc gia dân tộc cũng như xứng đáng nhất để tham dự vào cuộc hội nhập đua hoa đua sắc với hoàn cầu.

Paul Đức 30/4/2016


0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page