Tây phương hay Á Đông thì đều có chính trị, vì ở đâu có nhà nước , có quyền lực để cai trị thì đều có chính trị. Nhưng chính trị của phương Tây khác hẳn Á Đông, bởi lẽ Tây phương có lịch sử phát triển từ nô lệ đến phong kiến rồi nhà nước Cộng Hòa với xã hội dân chủ. Còn Á Đông như triết gia John Stuart Mill viết: Á Đông không có lịch sử tiến bộ mà chỉ có sự thay thế cha truyền con nối lặp đi lặp lại. Cho đến thế kỷ 21 rồi, Á Đông vẫn tồn tại chế độ cha truyền con nối hay "con cháu các cụ cả".
Chính trị đơn giản là ăn trên ngồi trốc nơi đầu mọi người, hoặc làm vua thiên hạ, hay tể tướng ở dưới một người ở trên vạn người. Chính thế mà người Hoa nói; làm quan là hoạn lộ. Tức ở đó người ta sát phạt ăn thua để leo lên đầu nhau. Nhưng phương Tây làm chính trị khi tiến đến dân chủ, cộng hòa thì khác. Triết gia Socrate và Platon chủ trương: Muốn quốc gia phát triển, thì tất cả mọi người, mọi nhà phải được làm việc hết cỡ trong sở trường của mình. Muốn xã hội sống bình an thì sự canh tranh sinh tồn phải giảm tải bớt gay gắt như: cá sống có nhiều tầng, cá ăn mặt nước, cá ở tầng giữa, và tôm cua thì nhặt tầng đáy. Cộng hòa và dân chủ giúp xã hội loại bỏ những cạnh tranh sinh tồn, sống thư thái hòa bình và thịnh vượng.
Trở lại với nên chính trị Á Đông, chỉ như một sợi chỉ xuyên suốt quyền lực mà cạnh tranh sinh tồn một mất một còn. Nhiều cơ quan hành chính của ta có hàng chục cấp phó, để làm gì, chỉ để sự mâu thuẫn trên dưới được san đều. Quan lại Á Đông mặt mày rất căng thẳng, thậm chí trong các bộ phim của Trung Quốc hầu như không thấy ai cười, mặt căng thẳng lo toan và mưu mô thường trực, rồi mặt biến dạng thành những cơ bắp trông lồi lõm rất kỳ dị…
Nền dân chủ, người ta sống thảnh thơi vì luôn xác định sở trường hiển nhiên của mỗi người, như; con cua cậy càng, con cá có vây, con ngựa có chân, con chó có mũi, con chim đập cánh… ai cũng có sở trường của họ, mà người này không thể lấy sở đoản để đuổi theo sở trường của người kia.
Quay lại một kiểu mẫu quan lại hay tiến thân của chúng ta. Hầu hết những người không có sở trường gì đặc biệt thì lo tiến thân làm quan. Làm chính trị theo đúng tinh thần kinh điển phương Tây ngày xưa, thì khi có tiền như Tổng thống Trump bây giờ, ông không cần lĩnh lương mới lo việc quốc gia hoàn hảo. Ngày xưa người có tiền bỏ ra để làm chức thị trưởng, thị trấn hay thành phố. Như vậy nghĩa là họ có cả một thành phố và dân chúng làm “nguyên liệu” cho mình, lúc đó họ không lo kiếm tiền, mà lo làm vinh quang cho những đồng tiền của mình. Họ muốn ghi công đức của mình vào lịch sử, chứ không phải ghi vô danh vào lõi ví đầy tiền…
Làm quan là tiến lên vị trí số một, hay số hai, tóm lại làm sao càng lên số bé càng tốt. Về hình ảnh đó là ruồi bu kiến đậu trên một sợi chỉ xuyên suốt tiến về phía trung ương tập quyền. Trèo lên đầu lên cổ nhau mà tiến. Chính vì đặc tính ấy mà người ta không bao giờ muốn chấp nhận ai hơn mình. Dù ăn uống vui vẻ hay chuyện trò cùng nhau, kẻ mưu mô leo ghế không bao giờ muốn nhường người khác nửa phân. Kẻ đó không bao giờ biết chấp nhận sự thật như con cua có càng, con chim có cánh… Mỗi sở trường của cá nhân là một thứ quyền lực. Một cô gái có giọng hát hay được nhiều người mến mộ, ai đụng đến cô ấy sẽ bị trả đòn liền; một cô có thân hình mềm dẻo làm xiếc giỏi, đó cũng là quyền lực; nghệ sĩ chơi đàn giỏi cũng là quyền lực; nhà văn có tác phẩm danh tiếng cũng là quyền lực… nếu biết chấp nhận sự thật thì xã hội mới có được quốc gia dân chủ, cộng hòa. Trái lại, nếu không chấp nhận sư thật về sở trường của người khác mà chỉ bu lại sợi dây quyền lực, thì đường quan lại sẽ biến thành hoạn lộ sát sinh nhau vô cùng thảm khốc!
Người theo đường chính trị rộng, tức là theo đuổi Cộng Hòa và Dân Chủ mang tính cương lĩnh, ở ta rất lèo tèo và yếu ớt. Trái lại hầu hết theo đuổi chính trị hẹp, tức là leo cao, thay ghế… làm sao mình ngồi ghế cao hơn người. Người chính trị hẹp, tức là chỉ ích kỷ cục bộ dù nhìn cái ghế đã có, đang có hay sẽ có chỉ là cái ghế đó phải thuộc về mình. Ai có sở trường hơn mình, kẻ đó buộc phải dùng chiến thuật hay mưu mẹo chấp nhận tạm thời, trái lại trong tâm kẻ đó luôn nghĩ, dù sao ta cũng phải giỏi nhất, phải leo lên ghế cao hơn đầu người khác…
Sự đố kỵ này không có giới hạn, dù là con ễnh ương phùng bụng thành bò, con muỗi đốt mắt đại bàng, cá vàng nhảy bể kính tự đại oai hơn cá voi… với nguyên tắc làm chính trị thì không ở dưới ai, họ đều thực sự nghĩ “ta phải hơn mi”. Trong tình thế bất khả thì thớ lợ chấp nhận, tình huống chung thì dìm hàng đố kỵ kéo thường trực đối thủ xuống, còn thuận lợi thì chà đạp liền…
Đó là hình điển hình cho kiểu mẫu làm chính trị ở Á Đông. Tôi là một người theo lý tưởng cộng hòa biết chấp nhận sở trường của người khác. May mắn hơn nữa, tôi muốn làm nghệ sĩ mà không bao giờ có ý định leo ghế cả. Những người theo đuổi chính trị hẹp, không có lý tưởng cộng hòa, tóm lại chỉ là thứ ích kỷ, đố kỵ hẹp hòi không hơn không kém…
Paul Đức 15/6/2019
コメント