“Không có lề luật thì không có người thắng cuộc” đó là một câu trong Kinh Phúc Âm. Đây phải được xem như một nguyên tắc chân lý, không thể chối bỏ. Trong tất cả các cuộc thi, nếu người ta không đặt ra tiêu chí cho cuộc thi thì không thể nào tìm ra người thắng cuộc. Chẳng hạn, một hoàng hậu đã có vài con muốn mở cuộc thi về sắc đẹp, thì bà ta phải qui định tuổi, chứ không thể cứ phái nữ là được vào dự. Chẳng hạn một cô gái có ba vòng eo tuyệt vời, cô sắp bước lên đài quán quân, liền nghe một bé gái nói:
– Giờ nếu cô uốn dẻo giỏi hơn tôi, thì cô mới xứng là quán quân?
Cô gái xinh đẹp này không uốn dẻo bằng đứa bé gái được nên tuột mất giải quán quân. Đứa bé này chuẩn bị lên lĩnh giải thì một ái phi có một chiếc bụng quá khổ lên tiếng:
– Tôi mới xứng đáng được giải, vì tuy bụng tôi không có eo, nhưng đó là mang thai cho nhà vua. Bụng đã đi siêu âm, lần này là mang thai hoàng tử. Đó không là lý do để tôi lĩnh giải ư?
– Hoan hô! Hoan hô!
Người ta đang định đội vương miện hoa hậu lên đầu ái phi, thì hoàng hậu lên tiếng.
– Vương miện đó là của ta, bởi cái thai của ngươi đã ăn thua gì, chẳng lẽ bằng cả ba đứa con trai mà ta đã đẻ cho nhà vua sao? Vả lại ta là hoàng hậu, là trưởng ban tổ chức đây, ai dám trái lệnh?!
– Hua ra! Hua ra! Hòang hậu là xứng đáng nhất. Mọi người reo hò tung hô!
Nhưng mặt vua ỉu xìu. Ngài bảo với hoàng hậu:
– Ta định nhân cuộc thi tuyển này để chọn một ái nữ trẻ trung xinh đẹp cho ta đổi món. Nào ngờ vẫn chỉ phát hiện ra một bà già cơm nguội đã cũ đến mức bà xuất hiện ở bất cứ đâu thì đại tiệc to đến mấy cũng chỉ là cơm nguội.
Tương tự như vậy, một cuộc thi khác trong làng, người ta đã tìm được ra một chàng trai mạnh khỏe nhất, đang định trao giải cho chàng thì một cụ già lụ khụ bước ra bảo “không được! thử xem râu của anh có dài bằng râu của tôi không?” thế là cụ già bước tới lĩnh giải. chợt nghe một cụ bà móm mém bảo “Này ông, râu ông đâu có dài bằng tóc tôi, nó vượt qua đầu gối?” Thế là giải thưởng được trao cho bà già móm mém.
Các tổ chức quốc tế khi bình bầu chọn ai quyền lực nhất, ai giầu nhất, ai quyến rũ nhất, ai ảnh hưởng nhất thì đều phải đưa ra tiêu chí, khi đó người ta mới chọn được người thắng cuộc. Nếu không chiếu theo tiêu chí đã đề ra, thì cuộc thi sắc đẹp chỉ tìm ra bà già, cuộc thi sức mạnh cũng vẫn tìm ra bà già. Lâu nay các cuộc thi thơ văn ở Việt Nam đều không có tiêu chí rõ ràng, kết quả ngay cả kẻ đạo văn trắng trợn vẫn cứ ngang nhiên lĩnh giải. Kẻ phạm qui ngay trong hội đồng cũng lĩnh giải. Rồi những kẻ cho cả phân tươi và “đếch” vào thơ vẫn cứ lĩnh giải cao nhất. Thử hỏi nếu phân tươi là tiêu chí mỹ học để trao giải thì cái giải đó ăn nhằm gì với anh chàng buôn phân hạng bét làng Cổ Nhuế? Còn “đếch” ư? Nếu đọ thì đám đầu đường xó chợ có thể nhồi trong một câu số “đếch” mà nhà thơ kia cộng lại cả đời?
Vừa rồi câu lạc bộ thơ chui ở ngay Hà Nội lan ra mấy chục tỉnh thành, thấy rõ “ban tổ chức” làm tiền kia, có dính dáng với cả tên tuổi một nhà xuất bản văn học, người ta không thấy rõ tiêu chí mỹ học nào, nhưng thấy rõ một điều cộm hột như mưng mủ: đó là những kẻ hám tiền đã lợi dụng tâm lý hám danh của những người già cả, đầu óc tiểu nông quê mùa, trí thức lèo tèo để bán danh hão kiếm tiền thật.
Giờ chúng ta hãy nói thẳng vào các cuộc thi thơ văn hiện tiền. Có thể nói, đa số và hầu hết phục vụ mục đích kiếm tiền hay đánh bóng cá nhân. Mới hôm qua, mấy nhà thơ có kể với tôi, trường hợp anh chàng kia lĩnh giải 7 triệu đồng cho thơ, nhưng để lĩnh giải đó anh ta phải chi ra 15 triệu đồng. Rõ ràng hơn là các giải thưởng chỉ tìm đến những người có tiền đóng góp. Tất nhiên có những người không có tiền cũng được giải, nhưng không có tiền thì anh ta phải có quyền, và cái quyền đó hứa hẹn sẽ lại quả vào một cuộc thi khác có đi có lại. Còn mấy em trẻ trung không có cả tiền lẫn quyền thì kèm theo thơ phải có gì để biên tập thêm “văn là người mà em”… cái mà như nhà thơ Đỗ Minh Tuấn nói đại ý: người ta tham nhũng cả tiền, lẫn quyền, lẫn gái. Còn đàn ông không có cả quyền lẫn tiền thì phải có công bưng bô đổ vặt, tay xách nách mang điếu đóm. Nhưng ở đây cũng nói thêm, quyền hành không bao giờ tỉ lệ thuận với tài năng nghệ thuật, như ông chủ tịch nghệ thuật tỉnh kia, cho dù ông chức to nhất được giải nhất, nhưng thơ chỉ có phân và đếch thì tài hoa cái nỗi gì?!
Giờ đến cái gọi là ban giám khảo, cuộc vỡ lở thơ chui vừa qua cho thấy người ta sẵn sàng trao bằng khen và giải kèm theo in ảnh cho cả những người không có cả thơ, chỉ cốt thu
vài trăm bạc, đủ thấy cái tài cái tâm của người ta thấp cỡ nào. Một lãnh đạo thơ đã thú nhận, nền thơ của ta chỉ là tép riu… Qua gặp một anh biên tập thơ vài chục năm, trình độ của anh ta vẻn vẹn có mấy chữ “ca ca cứt cứt”, tôi có thể nói hơn 90% nhà thơ trong Hội nhà văn cũng như ban giám khảo chỉ là đám ruồi nhặng văn hóa thấp làm thơ, có được tí danh chẳng qua chỉ là cậy sân nhà in mấy bài thơ lèo tèo trên báo. Quí vị có thể cho rằng những lời của tôi là xúc phạm, nhưng hãy nhìn kỹ vào thực tế kia: đã cuộc thi nào mà người ta đưa ra tiêu chí đàng hoàng, không cần phải để chọn ra người tài mà chỉ cần chọn ra người được chọn theo tiêu chí. Cụ thể hơn, sau khi chọn ra người lĩnh giải cao nhất, người ta đâu có thể bàn ra cái hay, cái tiêu chí giành cho người đó. Ngay đến cả người lĩnh giải trường ca, mà không có nhân vật thì trường ca cái gì? Ngay đến cả đạo văn lè lè vẫn lĩnh giải thì hay và đẹp chỗ nào? Tầm thơ thì tép riu, thậm chí là ruồi nhặng thấy chỗ nào kiếm được là bu đến, tiêu chí lớn nhất bất thành văn là tiền và tiền, có cả sự ban phát danh vọng để đổi lấy phiếu bầu, có phải giải thi như thế chỉ chọn ra vài con nhặng xanh vo ve mấy vần thơ cầu vinh? Mấy cuộc thi gần đây, rồi cuộc thơ chui vừa qua có dẫn chúng ta đến kết luận này không?
Paul Đức 16/08/2013
Comentarios