Cây không thể mọc mầm khi không cắm vào lòng đất. Điều đó có thể coi như sự cần thiết của nơi thấp cho cuộc sống. Người sinh con cũng nhờ bộ phận sinh dục nằm nơi thấp nhất (cao hơn chân), bộ phận đó mở màn từ ái tình, đến sinh đẻ đều cần thiết. Nhưng thai nhi không thể sống nếu không được đỡ thai chui ra khỏi tử cung để thấy mặt trời. Vạn vật, cây cỏ, muông thú, con người không thế sống được nếu không có ánh sáng mặt trời. Trong Kinh Phúc Âm Chúa Trời nói “Ta là ánh sáng mang sự sống”. Mà mặt trời thì cao gấp tỉ tỉ lần trái đất. Có nhiều cây bút thích ca ngợi tầm thấp của đất và thể xác, vì nơi thấp nhất thường ngự cơ quan sinh dục chứa đựng khoái lạc tình ái, và bằng trực giác trực tiếp thấp kém, họ cứ tưởng rằng: tôn vinh nơi thấp kém là tôn vinh khoái lạc. Người Trung Hoa quan niệm, chữ nghĩa để giáo dưỡng tinh thần con người “nhân bất học bất tri lý”, vì thế chỉ có thánh hiền mới nên viết văn, còn loại thấp kém trí tuệ thì chớ nên viết mà hỏng chữ.
Các triết gia Hy Lạp còn cụ thể hơn: ít chữ và lao động chân tay không nên viết văn vì sự lam lũ mệt nhọc thường xuyên khiến người ta khó thanh thản để nghĩ về cái gì cao thượng?! Triết gia Platon được coi là viết văn đỉnh đầu thế giới, mở đầu ngay cuốn Cộng Hoà (La Republique) một câu ông viết nhiều dòng với những mệnh đề chồng chéo, không phải ông khoe chữ mà tính phức tạp của vấn đề đòi hỏi những mệnh đề phức hợp cùng chuỗi những đại từ quan hệ. Triết gia Nietzsche của Đức không làm thơ nhưng được mệnh danh là nhà thơ lớn nhất nước Đức vì áng ngữ văn của ông lai láng tuôn trào như thơ.
Trong hệ mặt trời, mặt trời là cao nhất cũng như cần thiết nhất cho sự sống. Trong con người, Lương Tri là cái cao cả nhất (cái này là phổ quát thế giới chớ bàn, cũng như chớ đem lèo tèo mấy cảm xúc giác quan thấp kém đòi so đọ). Mà muốn có lương tri thì phải cao Tri thức. Tri thức mới biết phân biệt điều hay lẽ phải để tránh điều xấu. Người Việt tại sao chưa đạt đến tầm tư tưởng vì tri thức thấp quá.
Giờ xin sang chuyện viết văn. Tôi muốn nhắc đến nhà văn rất nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp được nhiều người dựa cậy, tin tưởng như một nhà văn vĩ đại. Bút pháp Nguyễn Huy Thiệp như tôi đã phân tích toàn câu đơn giản một mệnh đề, không có mệnh đề phức có nghĩa trong tinh thần của ông không bao chứa những vấn đề phức hợp. Những truyện ngắn của ông ở tầm nào? “Tướng về hưu” thì còn thá gì? “Thương nhớ đồng quê”, “Những người thợ xẻ”… nói chung toàn tầm vóc quanh làng… Tôi đã từng viết “Không thể có anh hùng lớn trong những trận đánh nhỏ”, các trận đánh quanh làng làm sao tạo ra được anh hùng của bầu trời hay đại dương?
Nói về Nguyễn Huy Thiệp chỉ sơ qua thôi, nếu không lại mắc lỗi chì chiết hẹp hòi. Vậy các nhà văn Việt có những gì? Kiến thức ư? Học xong đại học – là phổ thông cấp 4. Tôn giáo không! Thần học không! Triết học áng chừng sơ qua duy vật biện chứng! Âm nhạc kiểu âm lịch “bèo dạt mây trôi”, chăn trâu thổi sáo đồng quê sao biết đến âm nhạc đa thanh khí học… đó là chưa kể nhà thơ như Nguyễn Huy Thiệp nói hầu hết thất học ngẫu hứng mà thành… chỉ đủ tài cố thủ bên ghế cơ quan để làm ra mấy câu thơ nhạt mùi cán bộ tem phiếu. Vậy thì văn thơ viết cái gì?!
Tôi xin tóm lại: cầm bút đồng nghĩa với ánh sáng mặt trời, cái đem sự sống từ mặt trời xuống chứ không phải sự ẩm ướt từ lòng đất chui ra. Lương tâm là sự kiện được đồng tình hơn cả, thì phải có tri thức mới thành. Những người thấp kém thường cậy vào thiên bẩm để biện hộ rằng: hình như mình có được thiên bẩm viết văn không ai thay thế được. Văn học là nhân học, những thần đồng văn học trên thế giới như Đậu Đậu ở Trung Quốc chưa đầy mười tuổi đã viết cả chục tiểu thuyết rồi cũng bị ung chẳng thành gì, cây non vừa ra nắng đã héo tàn.
Nhà thơ Việt họ Thích – tức là thích đủ thứ: ghế cao, lương bổng, giải thưởng nhiều, vợ con đề huề. Và họ cũng là họ Thiếu: thiếu đủ thứ, chẳng có gì để viết đành ngâm nga xẩm xoan mấy câu trên chiếu manh?!
Paul Đức 07/5/2022
Komentáre