top of page
  • Nguyen Hoang Duc

KHIÊM TỐN Ở NGƯỜI HÈN LÀ BẢN CHẤT MUỐN BIẾN THÀNH HÌNH THỨC

KHIÊM TỐN Ở NGƯỜI HÈN LÀ BẢN CHẤT MUỐN BIẾN THÀNH HÌNH THỨC - KHIÊM TỐN Ở NGƯỜI TÀI CAO LÀ HÌNH THỨC GIẢ BỘ THÀNH BẢN CHẤT Tình cờ, tôi đọc status của bạn Nguyễn Đình Đăng viết về câu nói của triết gia Schopenhauer: “Khiêm tốn, ở những người khả năng trung bình, là tính trung thực, nhưng ở những tài năng lớn là đạo đức giả.” Tôi giật mình, ngẫm kỹ lại thì đúng! Người tầm thường mà khiêm tốn thì chỉ là bày tỏ trung thực cái gì mình có. Trái lại người cao siêu không thể trình bày trung thực cái mình có. Làm vậy là kiêu căng. Vì thế anh ta phải giả đò, “tôi ấy mà cũng bình thường thôi”, nghĩa là nội dung của anh ta không phải vậy, mà anh ta cố tình thể hiện ra như vậy, thì là đạo đức giả. Về mặt tổng thể, khiêm nhường là một hình thức giả vờ để cúi xuống!

Hôm nay, nhân câu này, tôi muốn bàn khá rốt ráo về đức khiêm nhường và kiêu hãnh. Thực tế, người ở và nô tài, hoặc những người vô học, thiểu năng, thấp kém, họ có thế nào ra thế đó, và thể hiện như vậy, đó là nội dung của họ không có gì là khiêm tốn cả. KHÔNG AI ĐÒI HỎI MỘT ĂN MÀY KHIÊM TỐN! Nhưng những nô tài phải cố thể hiện “hình thức khiêm tốn” như là cách học chào và xin lỗi vậy. Những người đó cố thể hiện nội dung thật của mình thành hình thức chính thức. Nếu không sẽ bị mắng là hỗn.

Trái lại, người ta chỉ đòi hỏi những ông chủ, những quan lại, những vua chúa, những người thành đạt phải biết cúi mình xuống để khiêm nhường và hoà đồng với kẻ dưới. Có danh ngôn của Chúa Jesus: “Phải bất khuất khi chiến bại, phải khiêm nhường khi chiến thắng!” Chiến thắng mới khiêm nhường, thất bại thì phải ngẩng cao đầu làm ván mới, chứ thất bại lại khiêm nhường thì hạ mình cái nỗi gì?!

Một lần nghe linh mục giảng rất đúng trên cung thánh: “Chúa khiêm nhường lắm, Chúa luôn cúi xuống với kẻ thấp hèn”. Tôi suýt phì cười. Theo tôi, Chúa luôn luôn cúi xuống, vì Chúa cao nhất rồi, nếu Ngài không cúi xuống, thì Ngài “chơi” với ai? Chúa lúc nào cũng dạy người ta khiêm nhường. Nhưng tôi nghĩ đó là cách hình thức. Còn cách nội dung, chính Chúa dạy con người phải biết TỎ MÌNH như: “Ai nghe trong bóng tối hãy nói nơi sáng sủa, ai nghe thì thầm trong tai hãy nói trên mái nhà!” Còn chính Chúa tỏ mình “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua thầy!” Rồi: “Người phải yêu Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực ngươi”… Cái đó nghĩa là sự thật. Kim cương đứng trước đồng, sắt hay rơm rạ không cách nào ngang bằng, nếu có ngang bằng là giả đò, hoặc làm ra thái độ (hình thức) ngang bằng mà thôi.

Một lần anh Bùi Thái, trước hay đi lễ nhà thờ Thái Hà, một đại gia, có quen biết triết gia Bùi Văn Nam Sơn khi học bên Đức, đón một linh mục ở Mỹ về, đánh Mercedes mời cả tôi đi ăn chả cá Lã Vọng. Khi ngồi uống cà phê nơi Quán Gió, vị linh mục hỏi tôi: “Anh Đức nghĩ gì về đức khiêm nhường?” Tôi đáp: “Thưa cha, đức khiêm nhường chỉ giành cho những người có chiều cao cúi xuống, chứ không đòi hỏi những kẻ thấp, vì không ai đòi hỏi kẻ ăn mày khiêm tốn”. Cha cười!

Khi tôi còn trẻ, khoảng ba mươi, vài lần đi cùng một cô bạn, khi nói chuyện tôi hạ mình lắng nghe mọi người. Sau đó cô ta bảo: “Khi anh khiêm tốn trông rất khiên cưỡng và buồn cười!” Lần khác một người bạn bảo tôi: “Anh khiêm tốn giả vờ!” trong khi đó tôi khiêm tốn thật lòng. Nhưng tôi nghĩ lại: khiêm tốn đích thực nội dung là giả vờ, vì ta không thấp nhưng cứ nhường người khác mà thành giả vờ.

Có một câu của người Hoa rất hay: “Tố nhân khả vô ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt!” nghĩa là: Người cao có thể không có thái độ kiêu ngạo, nhưng không thể không cốt cách kiêu ngạo." Kim cương kiêu hãnh và lấp lánh ngay trong sắp đặt nguyên tử của nó, chứ đâu cần khoe gì?!

Rút cục, khiêm tốn chỉ là thái độ chúng ta tỏ ra cho người khác thấy. Còn người tài giỏi đích thực thì luôn tự tin muốn tỏ mình. Nhưng hãy là viên kim cương lấy vải thái độ bọc kỹ ánh sáng tài năng của mình?!

Paul Đức 02/11/2022



Tranh của Claude Monet

2 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page