Các trào lưu mới, nói cách biểu tượng, có lẽ nó được xem như những nạn dịch. Bởi vì vi rút mới lạ đến một cách bất lường, tạo ra hậu quả ào ạt, cấp tốc, mau lẹ, dữ dội, xuyên thủng và đảo lộn một mảng lớn của lãnh thổ. Về mặt xã hội nó lôi cuốn, dụ dỗ kéo theo tâm lý đám đông bầy đàn thành một luồng sóng lớn hung hăng cuốn đi muốn phá hủy mọi thứ trong dòng chảy của nó…
Trào lưu Hậu hiện đại đến với văn chương, đặc biệt là thơ Việt Nam cũng như vậy. Trào lưu này trái khoáy thay lại bắt đầu từ thơ, tất nhiên về mặt hình thức là hợp lý, vì thơ gọn nhẹ thường đi đầu trước những cuộc cách mạng nhằm khích lệ dân chúng, nhưng về nội dung tinh thần thì thật là trái khoáy vì thơ đại diện cho tư duy nhẹ thõm nông nổi, bồng bột.
Triết gia Dewey từ Mỹ thăm Trung Quốc đã nói “Người Hoa không có tư duy siêu hình và triết học”. Còn ở Việt Nam, tư duy “phép vua thua lệ làng” – không biết phổ quát là gì, chỉ loay hoay cục bộ xó máy, màn the, trầm lún trong tập tục bắt chước, theo đuôi, chưa bao giờ nghĩ được cái gì của mình, từ bé đến lớn gi gỉ gì gi cái gì cũng bệ nguyên si, mô phỏng, như lời một bài hát: “Bao nhiêu kiểu mới đưa sang/ Việt Nam bắt chước còn hơn nước ngoài”. Vì thế bảo các nhà thơ Việt có thể đi tiên phong trong phong trào Hậu hiện đại (Postmodernisme) là một cái gì ảo tưởng, siêu tưởng, và hoang tưởng?! Nhà thơ Việt chủ yếu “nông dân mắt toét” học hành dăm ba chữ nhì nhằng, hay cán bộ bỏ chuyên môn săn thơ để kiếm danh, lăn lê vào thi ca để cải thiện thân phận văn hóa bằng tay trái… Từ trong lịch sử đến nay, họ chưa từng có khả năng suy lý để theo đuổi hay hy vọng cái gì là “phong trào cấp tiến” hay mang ý nghĩa lý thuyết “isme” cả?! Đó là điều chắc chắn!
Nhưng tại sao đông đảo cây bút tập tọe này lại ào ào hóng hớt xông tới Hậu hiện đại như vậy? Bởi họ ảo tưởng rằng: mình đang thấp kém biết đâu nhảy sang hàng khác thì mình lại xếp gạch hàng đầu?! Đây không phải là phỏng đoán mà là có nguyên tắc của tinh thần.
Có không ít nhà thơ đã ảo tưởng giữa hiện thực rằng: làm thơ thì không cần trí tuệ lắm, mà chỉ cần tưởng tượng, biết đâu thơ của họ hay nhờ tưởng tượng siêu phàm. Như vậy họ đâu có hiểu: giác lắm thì mộng nhiều. Người càng có trí tuệ cao thì mộng mơ của họ càng rộng lớn.
Có nhà thơ đã từng tuyên ngôn với chúng tôi: “Tôi bảo các nhà thơ trẻ, trong đêm khi mình làm thơ, mình hãy nghĩ rằng mình đang làm vua!” Tôi bèn hỏi: - Vậy khi ban ngày khi mình làm thơ xong, giá trị của bài thơ phải bị người khác đánh giá, thì mình có là vua nữa không?- Nhà thơ im lặng. Đó là cách anh ta cố tình ảo tưởng rằng: trong đêm, trong một vài giờ, anh ta nghĩ mình đã làm vua, thì mọi thời khắc của cuộc sống, anh ta vẫn là vua, và không chịu bước xuống ngai vàng. Đấy là một ảo tưởng cố tình, đáng thương, và rõ nét chất ăn gian?!
Có một bài học thực chứng rằng: các sinh viên nhà quê khi ra nước ngoài thường nhanh hư hỏng hơn dân thành phố. Tại sao? Vì dân quê vội vàng để thành thị hóa hơn. Và trào lưu hậu hiện đại cũng tương tự dường như nó lôi cuốn được rất nhiều cây bút “mắt toét”, đặc biệt mắt toét thơ?! Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Một tác giả phê bình lớn đã viết: “Hậu hiện đại không phải chiếc túi đồng nát đựng những trò phá sản”. Những người hậu hiện đại nói ra thông điệp chính rằng: nội dung của nó là “Giải trung tâm” (Deconcentre). Tôi đã đọc kỹ diễn văn của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, một diễn văn quan trọng của một cường quốc đầy mặc cảm sau thế chiến hai khi đến thăm nước Mỹ. Diễn văn của bà chẳng có một chấm, một phết nào giành cho hậu hiện đại hay giải trung tâm cả, mà ở đó hơn bao giờ hết nó khẳng định tư duy Chính Thống. Và tôi đi đến một nhận xét rằng: giải trung tâm là mặc cảm yếu ớt của nhưng kẻ bên lề, nó hoàn toàn thích hợp với mấy anh vần vèo nhà quê xó máy???!!!
Hình thức của văn chương Hậu hiện đại là gì? Là văn chương ăn vội Fastfood, viết chờ xe buýt, viết trên điện thoại, đặc trưng là văn học điện tử. Nhưng than ôi, điện tử có thể là kỹ nghệ tiện lợi, mấy anh nhà quê chụp cái mũ bảo hiểm xe máy lên đầu đừng tưởng đó là mũ phi công tầu vũ trụ?! Nền văn học điện tử này đã thất bại thảm hại. Chúng ta hãy nghe nhà văn Nga Valentin Rasputin rất nổi tiếng nói về sự thất bại của nó: “Đôi khi có cảm giác như mọi chuyện đã đến hồi kết thúc. Có lẽ đúng là mọi chuyện đã đến hồi kết thúc vì máy tính đã hút rất nhiều sức lực, máy tính làm hỏng văn học. Thứ văn học hiện đang xuất hiện trên máy tính, nó hoàn toàn không có tính văn học gì cả. Nó đơn giản là tước bỏ, giết bỏ ham muốn đọc ngay cả sách Tolstoi vì với nó người ta có thể làm bất cứ thứ gì mà người ta muốn. Với sách của Tchekhov, với sách của Tolstoi, rất rất nhiều nhà văn lớn khác… Có lẽ không thể tiếp tục chấp nhận điều đó. Máy tính dĩ nhiên là hiện nay không phải thuộc quyền ai cả, nó tự tung tự tác, nó, theo tôi, là sức mạnh lớn nhất hiện nay…” (Valentin Rasputin nói về bi kịch của nền văn học Nga đương đại).
Còn ở Việt Nam, mới đây tôi đọc bài của vài tác giả, họ đánh giá rằng: thơ hậu hiện đại Việt Nam chẳng được một bài, hay một câu nào ra hồn cả. Nói chung là nó thất bại tuyệt đối. Hậu hiện đại, postmodernisme, rồi Hậu-Hậu hiện đại, post – postmodernisme, thời gian qua đi, chúng ta cứ phải kéo mãi cái tiền tố về phía trước, nhưng nó chỉ là một trạng từ mà không thể biểu hiện thứ nội dung xác thực nào bên trong cả. Bạn Nguyễn Hưng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: Việt Nam chẳng có cổ đại thì làm gì có hiện đại, không có hiện đại thì làm sao có Hậu hiện đại. Thôi những chiếc mũ bảo hiểm xe máy ơi, đừng vừa thoát gánh gồng lại tưởng mình là phi công tàu vũ trụ nhé?!
Paul Đức 14/2/2020
Comments