top of page
Nguyen Hoang Duc

HÒA GIẢI NHỮNG BẤT ĐỒNG

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023

Xã hội như người Việt nói “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn”. Bất kỳ ở đơn vị nào, dù dân sự hay quân sự, khi cần tập trung mọi người lại, người ta liền hô “tập trung” và ngay sau đó là “người cao đứng trước, người thấp đứng sau”, có như thế người ta mới có thể tập hợp thành hàng lối. Điều giản dị của xã hội đó nói lên với chúng ta điều gì? Triết gia Aristote nói : “Con người là động vật có xã hội”. Rõ ràng một người nếu như Robinson sống trên hòn đảo, thì hòn đảo đó không cách chi biến thành xã hội, mà nó chỉ là một hòn đảo hoang độc. Và chính Robinson đã trở thành một bằng chứng mãnh liệt, khi khao khát trở lại thế giới loài người để được sống trong xã hội. Ông lấy dao khắc vào cây gỗ mỗi ngày để đếm lịch của loài người, để biết xem mình đã phải sống xa nhân loại bao lâu, và để dự lễ cùng mọi người vào các ngày lễ Noel, lễ mừng năm mới, hay lễ Phục sinh…


Trở lại hình ảnh của bàn tay. Nếu có một bàn tay với tất cả các ngón bằng nhau, có lẽ nó sẽ bị cho là dị dạng ngay. Cũng vậy nếu xã hội đều nhau , giống nhau tăm tắp, người ta sẽ gọi loài người là những sản phẩm đồng loạt sản xuất theo lô. Mà bàn tay vừa đẹp vừa hữu dụng như nó đang có, thì có ngón cái thật to thật khỏe, khỏe hơn cả bốn ngón kia cộng lại, nó giúp người ta cầm nắm được ; ngón trỏ tuy không khỏe nhưng lại là ngón chỉ huy, khi nó trực tiếp đưa ra mệnh lệnh hay những chỉ dẫn cho đời sống, ngón ở giữa như một thước đo cho danh dự và lòng chính trực, ngón áp út dù yếu nhưng run rẩy như con tim khi không ai khác ngoài nó lại được đeo nhẫn đính hôn, còn ngón út bé nhỏ, vậy mà nó lại là cửa ải chống giữ khi nó phải nằm ở rìa ngoài bàn tay, và chính nó được coi như thước đo khu vực ngoại giao của mỗi người.


Xã hội như một vườn hoa. Nhiều loài hoa mới tạo thành vườn hoa, như người ta vẫn ví “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Xã hội nếu ai cũng đòi khỏe như ngón cái, rồi còn học võ để sức địch muôn người thì lấy ai tham mưu? Nhưng nếu ai cũng đòi làm tham mưu, chỉ tay oai phong như ngón trỏ thì lấy ai làm việc thay cho các ngón giữa hay ngón út ? Nhạc sĩ thiên tài Schuman có nói: Cái hay của âm nhạc nằm trong giàn nhạc. Nếu ai cũng đòi chơi ở bè violon 1 thì làm sao thành giàn nhạc. Trong một giàn nhạc thì bè

violon 1 là oai nhất, vì đó là bè chơi solist – giai điệu chính. Nếu một nhạc công nào đó chỉ thích tôn vinh một mình anh ta, như vậy thì chỉ có nhạc độc tấu mà không phải giàn nhạc. Và một nhóm người nào thích ưu đãi oai phong hơn đòi ngồi vào bè 1, thì cũng chẳng có nổi giàn nhạc.


Từ hình ảnh năm ngón tay trên một bàn tay, đến vườn hoa, hay giàn nhạc, cho chúng ta thấy, xã hội chỉ thực sự tồn tại đa dạng và hữu hiệu khi có những thành phần khác biệt cùng chung sống. Điều này đã được các triết gia Socrate và Aristote thảo luận từ thời cổ đại. Vũ trụ làm sao có nếu không bao gồm những chim trời, cá nước, con công biết múa, con sáo biết hót, con dơi bay bằng tai, con ngựa biết phi , con kiến biết bò, con rắn biết trườn…? Vậy thì sự khác nhau là cái mặc định và tiên quyết để làm nên vũ trụ cũng như xã hội. Nếu không có con nai ăn cỏ, thì làm sao con hổ có được thức ăn? Nếu cơ thể người ta chỗ nào cũng đòi làm mắt để thành cửa sổ của tâm hồn, chỗ nào cũng đòi làm đôi môi như một bến đò đang phơi mình chờ đợi cơ hội của những nụ hôn, thì còn chỗ nào để làm các việc đi lại, tiêu hóa? Điều hiển nhiên đó, tiếc thay lại không trở thành giá trị tất yếu, trái lại, trên thế giới đã từng có những tuyên ngôn thật cực đoan như thể “kẻ nào không giống ta (theo ta) là kẻ thù của ta”. Tất nhiên, những con người chủ trương sống như vậy luôn muốn co giảm ý nghĩa đa dạng của đời sống, luôn muốn biến xã hội muôn mầu trở thành một mầu sơ cứng nào đó. Và khi đó xã hội thay vì đa sắc vận động đã trở thành một sưu tập sống hàng loạt của máy móc.


Một chiếc huân chương, nhưng mà nó luôn luôn có hai mặt, trái và phải. Một dòng sông tuy rằng hiệp nhất trong hành trình chảy ra biển, vậy mà nó luôn có một bên lở và một bên bồi. Nhưng hai bờ đó không bao giờ ngăn cản con sông chảy ra biển. Vậy thì bên bờ tả không thể nói với bên bờ hữu rằng: ngươi khác ta, tại sao ta bồi còn ngươi cứ lở, vậy ngươi là kẻ thù của ta. Đó cũng là bài học rất căn bản của chân lý. Giống người phương Tây nói: “Chân lý bên này dãy Pyrene, nhưng không phải là ở bên kia”. Bên kia sông gọi bên này là bên ấy, bên này lại gọi bên kia là bên ấy, bên này bên ấy, bên ấy bên này, liệu có thể cãi nhau xem bên nào dùng từ đúng hơn sao? Tuy tấm huân chương có hai mặt trái và phải, nhưng không thể nói, ngươi khác ta nên ngươi không phải là ta, bởi vì mặt trái chính là âm bản để tạo nên mặt phải.


Có một câu chuyện kinh điển rằng: Có hai kỵ sĩ kia gặp nhau trong rừng, ở hai hướng đối diện. Họ cùng nhìn thấy một chiếc phù huy treo trên cây. Kỵ sĩ áo đen thì nói tấm phù huy bằng bạc! Còn hiệp sĩ áo trắng thì bảo tấm phù huy bằng vàng! Hai người cãi nhau, không ai chịu ai, rồi lăn xả vào đánh nhau cho đến khi, hiệp sĩ áo đen ngã sang phía của hiệp sĩ áo trắng và ngược lại. Bỗng hiệp sĩ áo đen bên phía phù huy bạc phát hiện, bên này là mặt vàng. Còn hiệp sĩ áo trắng thì phát hiện , bên này là mặt bạc. Câu chuyện cho thấy cả hai đều đã đúng từ phía nhìn của mình. Chỉ có điều người ta đã không chịu khó đi thêm vài bước sang phía bên kia để điều tra thực hư mà đã lăn xả vào đánh nhau. Thực nông nổi và cố chấp!!!


Người Trung Quốc có câu: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Có nghĩa, người quân tử vì họ có trình độ hiểu biết nên họ không tranh giành khi sống chung với nhau, họ hòa hoãn, hòa giải với nhau khi chung sống, nhưng vì có tư tưởng và cá tính rất khác nhau nên họ luôn bất đồng về chính kiến. Trái lại, những kẻ tiểu nhân vì không có kiến thức đủ, càng không có tư tưởng độc lập nên họ không bao giờ bất đồng cả, nào có tư tưởng gì đâu để bất đồng, nhưng do những va chạm lợi ích nhỏ bé nên những kẻ tiểu nhân luôn sống so đo, cạnh tranh, bất hòa với nhau.


Nếu không có thi đấu không bao giờ có trận đấu, như vậy xã hội chỉ còn là những cuộc thi múa tính điểm buồn ngủ. Còn nhỏ ăn đường uống sữa, bú tí mẹ; lớn lên ăn ớt uống rượu và tìm môi người yêu. Đó mới là cuộc sống có vận động và trưởng thành. Trong thể thao người ta phát hiện rằng: chỉ có đấu đối kháng mới mang lại kịch tính nóng bỏng và hấp dẫn. Trong tình yêu dạy người ta rằng: chỉ có kẻ khác ta nhất, người nam và người nữ, nhất dương và nhất âm, mới có thể mang lại cho đời tình yêu đích thực có sinh hoa kết trái. Và trong đối thoại với những ý kiến bất đồng khác nhau, người ta mới được học hỏi rằng: Nếu không có bàn bạc sẽ không có mưu sâu. Một hiền giả Trung Quốc có can gián và than với vua rằng: khi vua bàn việc mà không ai bằng mình thì sẽ mất nước. Vua hỏi: tại sao? Vị hiền giả trả lời: vì khi đó sẽ không hề có đối thoại và bàn bạc để lắng nghe những ý kiến tham mưu sáng giá nhất, sau đó còn tranh luận để tìm giải pháp tối ưu nhất. Nếu vua bàn việc nước mà không ai bằng mình, cứ đem cái mưu nông choèn choèn của mình ra làm mưu sâu, thì làm sao không mất nước. Nhà vua nghe ra, liền mở tai lắng nghe các ý kiến tham mưu của cận thần.


Tư tưởng gia John Stuart Mill tác giả nổi tiếng của cuốn “On Liberty” (Bàn về tự do), có bàn : Những đứa trẻ lớn lên hiển nhiên càng có xu hướng cãi lại cha mẹ bởi vì chúng đã trưởng thành. Càng trưởng thành, thì người ta càng có ý kiến độc lập, vậy thì người ta càng hay bất đồng với người khác. Đó là điều hiển nhiên. Lúc trẻ chưa có ý kiến thì chưa bất đồng. Khi lớn có ý kiến riêng, mỗi người một ý, mỗi người đã định hình là ngón trỏ hay ngón út, thì chắc chắn càng nảy sinh bất đồng. Đó là điều đáng mừng của cuộc sống, bởi vì khi cá nhân trưởng thành thì mới có xã hội trưởng thành.


Vậy thì chúng ta chớ nên e ngại những bất đồng. Nên biết giải quyết nó cách bình tĩnh sáng suốt, chớ không nên giống hai chàng hiệp sĩ áo đen hay áo trắng trên, chưa thấu tỏ ngọn ngành đã lao vào đánh nhau thừa sống thiếu chết. Biết giải quyết bất đồng cũng là cách chứng tỏ nghị lực của tâm hồn luôn lớn hơn sự nông nổi của cơ bắp.

Paul Đức 01/5/2015

0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page