( Lê Hoàng Yến-phóng viên trang Hòa giải yêu thương Việtnamnet.vn- phỏng vấn tác giả Nguyễn Hoàng Đức )
Lê Hoàng Yến (PV): Anh Nguyễn Hoàng Đức thân mến, tất cả chúng ta đều nhận rõ vai trò của hòa giải trong đời sống xã hội, chính thế mà Việtnamnet.vn đã chọn ngày “day0909.net” chính là ngày mở màn chuyên mục “Hòa giải yêu thương” vào 09, tháng 09, năm 2010, mong muốn hợp tác cùng mọi người trong vai trò nhận thức trước hết sau đó là hành động, để tiến đến một xã hội, một dân tộc, rồi một thế giới hòa giải. Chỉ có thế chúng ta mới hy vọng đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
Nguyễn Hoàng Đức (NHĐ): Trước hết, tôi thấy việc Việtnamnet mở chuyên mục này mang ý nghĩa xã hội thật lớn. Về mặt nhân văn. đây có thể coi như một chuyên mục rất giầu sáng kiến hay tính sáng tạo, nếu tôi không nhầm thì dường như tôi chưa hề gặp một chuyên mục kiểu này trên các báo giấy hay báo mạng. Thứ hai, về mặt xã hội đây là một chuyên mục rất thực tiễn đi sát sườn đời sống của người Việt chúng ta. Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, chiến tranh kéo dài liên miên, các chuyên gia tính ra chúng ta có đến dăm lần đụng độ với các cuộc chiến lớn: nào Nhật, Tầu Tưởng, Pháp, Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Chiến tranh kéo dài triền miên với độ khốc liệt lớn, cường độ mạnh, thời gian lê thê để lại cho chúng ta rất nhiều ám ảnh, hệ lụy. Như chúng ta đều biết, sau cuộc chiến ở Việt Nam, số binh lính Mỹ tham chiến trở về đã ám ảnh đến mức còn có thể tạo ra cả một hội chứng hậu chiến tranh Việt Nam, rất nặng nề, rất trầm kha. Vậy thì người Việt chúng ta, những người tham gia trực tiếp trên chiến trường là chính quê hương mình sẽ còn phải chịu ám ảnh đến mức nào. Tôi xin được nêu một thí dụ, sau năm 1990, tôi có vào Nam công tác, tôi có quen biết một cô gái , tôi chẳng hề để ý gì việc cô ấy có bố hay anh trai đi lính cho chế độ Cộng Hòa cũ. Nhưng mới đây, khi cô ấy từ Mỹ trở về có đem theo một đứa con trai đã lớn, tôi được biết một sự thật đến sửng sốt rằng: tôi không nên khoe cái gì của miền Bắc, vì ở bên Mỹ, nhiều người Việt phía Nam không chơi với người Việt phía Bắc, vì phía Nam coi phía Bắc là cộng sản… Trời ơi, người Việt chúng ta lại có thể kỳ thị và cục bộ đến như vậy. Điều đó quả là cố chấp ngoài sức tưởng tượng của tôi.
PV: Có phải chính thế mà anh thấy người Việt rất cần hòa giải?
NHĐ: Vâng, tôi vẫn đang trả lời tiếp câu hỏi của chị nêu trên. Hòa giải là tiền đề để tạo ra cuộc sống bình an. Từ bình an sau đó người ta mới có thể có yêu thương và hạnh phúc. Tôi đã từng viết, một con bồ câu không cách nào hôn con quạ mà không run lên trong ý nghĩ rằng: con quạ sẽ mổ chết nó để làm thực phẩm. Con bồ câu đó cũng không thể gù gáy bạn tình của nó trong tiếng đạn bom nổ tứ bề. Nó chỉ có thể tâm tư với bạn tình trong một không gian yêm ả bình an. Hòa giải giống như mặt bằng để chúng ta xây lên tất cả những giá trị của cuộc đời. Khi có mặt bằng chúng ta mới có thể xây nhà, siêu thị, rạp hát, câu lạc bộ, trường đại học, hay đền thánh. Công việc kiến thiết xã hội của chúng ta mới đây rõ ràng đã cho chúng ta một bài học: dù muốn xây dựng cái gì, nhà cửa hay cầu cống, giải phóng mặt bằng phải được tiến hành đầu tiên. Cũng vậy, hòa giải phải được coi là điều kiện tiên quyết để mưu cầu một đời sống yêu thương và hạnh phúc.
PV: Theo tôi, muốn hòa giải, thì cái khó nhất của con người là tha thứ. Tại sao người ta lại khó khăn để tha thứ đến như vậy? Và tai sao sự việc đã qua rồi mà người ta vẫn chẳng chịu tha thứ cho nhau? Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
NHĐ: Chị nói rất đúng, muốn hòa giải thì người ta phải biết tha thứ cho nhau và lẫn nhau! Còn tại sao tha thứ lại khó khăn ư? Đây là một đề tài rất lớn của các môn nhân văn học, như tôn giáo, triết học, xã hội học, hay đạo đức học. Người ta tha thứ cho nhau khó cái chính là vì : người ta vẫn luôn luôn yêu mình nhất. Yêu mình nhất, đó chính là tình yêu vị kỷ hay ái ngã. Trong đời sống, chúng ta vẫn gọi những người hơi một tí thì dỗi là “tự ái”. Tự ái cũng là ái ngã, bởi đó là người tự yêu mình nhiều quá. Kết quả là gì, Đức Phật dạy: “Nó nhục mạ ta, đánh đập ta, chiến thắng ta, và cướp đoạt ta. Người nào hằng ôm ấp những tâm niệm như thế thì oán hận không bao giờ nguôi. Kẻ nào xả ly được những tâm niệm ấy thì oán hận ắt phải tiêu tan.” Đó, Đức Phật đã diễn tả rất rõ ràng mặc cảm của những người vị kỷ hay ái ngã, họ luôn luôn cảm giác thua thiệt rằng: ta bị thua, bị nhục mạ, bị đánh đập, ta chưa đòi được những món nợ bị thiếu nào đó… vì thế không thể có hòa giải. tức cho qua được, cho qua như vậy có khác gì bị lỗ vốn mà vẫn thấy hòa vốn? Vì thế muốn hòa giải được, có một nguyên tắc rất lớn rằng, người ta phải biết phá chấp đi! Phá chấp, tức là phá bỏ tính cố chấp của mình. Con người ta có rất nhiều tính cố chấp (cũng có thể gọi là định kiến nữa), chẳng hạn: cố chấp về lập trường, cố chấp về chính kiến, cố chấp về tôn giáo, cố chấp về sắc tộc, cố chấp về địa lý vùng miền, cố chấp
giàu nghèo, cố chấp cả giọng nói, có cả những cố chấp vớ vẩn như anh thích đội bóng này, tôi thích đội bóng kia, cãi nhau một hồi rồi xông vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Vì thế muốn hòa giải, thì người ta phải phá chấp, hoặc chấm dứt sự cố chấp nơi bản thân mình. Thêm nữa, người ta phải biết Vị tha – tức biết yêu người khác.
Tôi xin tóm lược thành ba điểm chính là, muốn hòa giải người ta nên tiến hành ba việc: 1-Chấm dứt tình yêu vị kỷ nơi mình 2-Phá bỏ tính cố chấp của mình 3-Hướng tình yêu đến người khác Ba điều này, có thể nói vắt tắt như người đời vẫn nói chuyển từ “ích kỷ hại tha” tức yêu mình hại người thành “vong kỷ hiến tha” – tức “quên mình yêu người”. Thứ tình yêu này không chỉ giành cho người khác, mà còn giành cho chính vợ chồng mình, con mình, và bố mẹ mình.
PV: Theo anh thì người ta nên tha thứ bao nhiêu lần thì đủ?
NHĐ: Trong kinh Phúc Âm, Chúa Jesus nói rằng: Nếu ngươi đến nhà thờ mà vẫn còn đang mâu thuẫn với anh em mình, thì hãy quay lại hòa giải trước khi đi lễ. Bởi lẽ sự hòa giải còn lớn hơn lễ vật. Có một môn đệ đã hỏi Chúa: Lạy thầy, người ta phải tha thứ bao nhiêu lần thì đủ, có phải là bảy lần? Chúa Jesus đã trả lời: Không phải bảy lần, mà bảy mươi lần bảy.
Nhân số đó lên chúng ta sẽ được con số 490 lần, nhưng không phải vậy, con số đó là cách biểu tượng mà Chúa Jesus muốn nói đến: người ta phải tha thứ cho nhau vô tận. Còn sống thì còn mắc lỗi, và còn mắc lỗi thì còn phải tha thứ!
PV: Xin anh cho biết, có phải con người sẽ dùng rất nhiều cách để hòa giải, trong đó có các cách như thể thao, ngoại giao hay âm nhạc ? Anh nghĩ gì về việc này?
NHĐ: Đúng là có rất nhiều cách thức hay phương tiện để giúp con người xích lại gần nhau, tìm hiểu, thông cảm, yêu thương và hòa giải lẫn nhau. Nhưng muốn tiến đến những hành động đó, trước hết con người phải sửa soạn tư tưởng sau đó là thiện chí cho mình. Đó cũng chính là cách các bạn, tức Việtnamnet cùng nhiều người khác đã làm khi mở màn kêu gọi một cơ hội – một ngày mở ra cho nhận thức và hành động hòa giải. Và việc đó đã kéo dài được hơn ba tháng rồi. Đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc, ngoại giao, và âm nhạc để vận hành tiến trình hòa giải. Xin chúc mừng các bạn.
Còn về việc hòa giải, việc đầu tiên muốn có thì người ta phải hướng ra ngoài, tức là nhắm về người khác, dân tộc khác, tôn giáo khác, ngành kinh doanh khác… đó cũng là ngoại giao. Thế giới người ta vẫn có thuật ngữ “ngoại giao bóng bàn” , người ta trao đổi với nhau những đoàn thể thao để khai thông bế tắc và tìm hiểu lẫn nhau. Ngoại giao bóng bàn còn có một nghĩa bóng khác, nghĩa là khi tôi service thì anh phải đỡ bóng, hai bên vừa đánh vừa đỡ thì cuộc chơi mới tiếp tục được. Trái lại anh vừa nhận bóng đã giữ rịt lấy, thì cuộc chơi không thể nào tiếp diễn. Còn về âm nhạc, đó có thể coi như sứ giả đầu tiên vô tư nhất của ngành ngoại giao. Tại sao vây? Như người ta nói, anh có thể nói tiếng của nước anh, tôi nói tiếng nước tôi, nhưng mở màn khi âm nhạc vang lên , đó là ngôn ngữ chung, sẽ tràn qua mọi biên giới, và như vậy đó cũng là công cụ phá chấp đầu tiên để phá đi những định kiến khác biệt lưu cữu của chúng ta. Sau đó người ta sẽ cần đến hội đàm ngoại giao đích thực để hai bên ký vào cam kết. Tuy thế ở đời chúng ta nên nhận biết có vô vàn những cuộc hòa giải và cam kết hòa bình bất thành văn dược ký kết cũng bất thành chữ ký, nhưng đã thành công vì cả hai đã cùng tôn trọng công ước chung sống bất thành văn của loài người.
PV: Cám ơn anh! Cuộc nói chuyện của chúng ta có lẽ cũng đã khá đầy đủ cho chủ đề của nó…
NHĐ: Này, khi hòa giải mà chấp dứt là chiến tranh mở ra đấy (đùa)…
PV: Vâng! Đây chỉ là đầy đủ tương đối thôi. Chúc anh Nguyễn Hoàng Đức mạnh khỏe và có nhiều bài viết cho mục “Hòa giải yêu thương” hơn nữa. Xin cám ơn anh!
NHĐ: Xin cám ơn! Và xin chúc Vietnamnet thoát khỏi nạn hacker đang quấy nhiễu để bạn đọc được cập nhật dễ dàng với những tin tức hàng ngày. Và được xem mục Hòa giải yêu thương dễ dàng hơn!
Lê Hoàng Yến thực hiện 15/01/2011
Comments